Đường bay khó của Pacific Airlines
Sau 2 lần tái cơ cấu bất thành, Pacific Airlines vẫn chìm đắm trong nợ nần kéo dài cùng khoản lỗ khổng lồ.
Pacific Airlines vừa ra thông báo bất ngờ khi trả hết toàn bộ đội tàu bay và sẽ thuê khô (không kèm tổ bay) 3 máy bay của Vietnam Airlines để tiếp tục khai thác. Theo lộ trình tái cấu trúc, Vietnam Airlines cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Pacific Airlines về việc dùng chung một số cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ hành khách (như quầy thủ tục, phương tiện phục vụ mặt đất). Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết thêm hãng hàng không này đã chuyển hành khách sang các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Đây là thông tin không vui đối với Pacific Airlines, một hãng bay được thành lập năm 1991 và là hãng bay giá rẻ thuộc sở hữu Nhà nước đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều thông tin đã được cảnh báo trước đó trong bối cảnh hãng bay này chịu sức ép lớn do thua lỗ và nợ nần trong nhiều năm qua. Đặc biệt, cú sốc trong 2 năm đại dịch COVID-19 đã đẩy Pacific Airlines vào tình cảnh như hiện nay.
Ngay từ giữa năm 2022, Vietnam Airlines công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông đã đưa ra thông tin: “Tình hình tài chính của Pacific Airlines đang rất nghiêm trọng, dòng tiền bị thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động”. Thực tế, báo cáo tài chính đã kiểm toán chỉ ra, vốn chủ sở hữu của Pacific Airlines năm 2020 và 2021 lần lượt âm 2.275 tỉ đồng và âm 4.583 tỉ đồng. Pacific Airlines đã không đáp ứng được điều kiện vốn tối thiểu 600 tỉ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không có đội máy bay từ 11 đến 30 chiếc. Vì vậy, dù Vietnam Airlines đưa ra nhiều giải pháp để duy trì hoạt động, đồng thời tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines nhưng Cục Hàng không Việt Nam vẫn phải đưa ra cảnh báo về việc hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của hãng bay này.
Vietnam Airlines cho biết đang triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động, đồng thời tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà đầu tư đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Trước đó, Qantas (Úc) đã đầu tư 50 triệu USD và sở hữu 18% cổ phần Pacific Airlines, cùng hoạt động với tên gọi Jetstar Pacific Airlines. Nhưng tình cảnh thua lỗ liên tiếp khiến đại diện Úc đã phải rút lui vào năm 2020, “tặng lại” cổ phần cho Vietnam Airlines.
Thời điểm hiện tại, cùng với thông báo trả đội bay cho Vietnam Airlines, Pacific Airlines vẫn duy trì hoạt động với mảng dịch vụ khác là phục vụ mặt đất cho Bamboo Airways. Đại diện hãng bay cũng cho biết có thể phải điều chỉnh hoặc tạm dừng một số đường bay nhưng cam kết khôi phục và duy trì lịch trình bay một cách ổn định trong thời gian sắp tới.
Có tín hiệu lạc quan một cách thận trọng cho kế hoạch duy trì bay của Pacific Ailines khi ngành hàng không đang phục hồi đáng kể trong 2 năm vừa qua từ mức thua lỗ kỷ lục thời kỳ đại dịch. Chẳng hạn, lũy kế cả năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần gần 91.460 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ do thị trường phục hồi và doanh thu quốc tế tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước. Vietjet cũng vượt 24% mức doanh thu hợp nhất năm đề ra là 50.178 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế bằng 34% mục tiêu đề ra là 1.000 tỉ đồng.
Với năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam dự báo thị trường vận tải hàng không đạt 80,3 triệu lượt khách và 1,16 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 7,1% về hành khách và 4,8% về hàng hóa so với năm 2023. So với cùng thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019), con số này tăng 1,5% về hành khách và giảm 7,7% về hàng hóa.
Tuy nhiên, dù tình hình kinh doanh lạc quan hơn nhưng Vietnam Airlines, công ty mẹ của Pacific Airlines, vẫn đang thua lỗ năm thứ 4 liên tiếp. Tính đến cuối năm 2023, hãng bay đã lỗ lũy kế gần 41.000 tỉ đồng sau 4 năm kinh doanh khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Gánh nặng thua lỗ lớn và áp lực tái cơ cấu toàn diện, trong đó có cả việc thoái vốn khỏi các đơn vị thành viên, khiến Vietnam Airlines không có nhiều nguồn lực để tạo lực đẩy mạnh mẽ cho Pacific Airlines.
Ước tính, việc trả lại toàn bộ đội tàu bay giúp Pacific Airlines xóa được khoản nợ đối với Vietnam Airlines và các cổ đông lên tới vài trăm triệu USD. Nhưng với quy mô đội máy bay rất ít, mạng đường bay hạn chế, Pacific Airlines khó có thể cạnh tranh và thay đổi được trạng thái càng kinh doanh càng lỗ trong nhiều năm qua. Năng lực cạnh tranh hạn chế khiến Pacific Airlines dù trải qua 2 lần tái cơ cấu lớn nhưng chưa thành công.
Bên cạnh đó, dù đang phục hồi nhưng thị trường hàng không vẫn đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro trong và ngoài nước. Trong đó, nguy cơ về lạm phát và tỉ giá tiếp tục gia tăng; diễn biến bất lợi của giá nhiên liệu hàng không; giao tranh quân sự tại các một số quốc gia và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp… Vì vậy, quá trình tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng để thoái bớt cổ phần tại Pacific Airlines của Vietnam Airlines càng chậm trễ thì tương lai của Pacific Airlines càng khó nói.
Minh Đức
Nguồn: nhipcaudautu