Đừng nhầm lẫn số hoá với chuyển đổi số

Tháng Một 9, 2022by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_so_hoa_va_chuyen_doi_so-e1644423610759.png

Như các bạn đã biết, chúng ta đang ở thời đại 4.0 – kỷ nguyên số – với những cải tiến công nghệ được tạo ra mỗi ngày. Do vậy, cụm từ chuyển đổi số (digital transformation) xuất hiện với tần suất ngày một dày trên các phương tiện truyền thông.

Tưởng chừng là một thuật ngữ quen thuộc nhưng liệu doanh nghiệp bạn đã thực sự bước vào tiến trình chuyển đổi số hay vẫn chỉ đang dừng lại ở giai đoạn số hoá? Trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu với các bạn những thông tin cơ bản cùng một vài ví dụ về tiến trình chuyển đổi số nhằm giúp phân biệt rõ các khái niệm liên quan đến chủ đề này.

Trước hết, tôi muốn bàn về bối cảnh của tiến trình chuyển đổi số tại thị trường Việt Nam, từ cả hai phía: Chính phủ và doanh nghiệp.

Từ phía Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025 được giới chuyên gia nhận định là thời điểm để tăng tốc với những hành động, giải pháp cụ thể cho từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương. Ba trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Chính phủ Việt Nam hiện đã sẵn sàng áp dụng những công nghệ mới như công nghệ fintech (tài chính điện tử), taxi công nghệ. Đặc biệt, chúng ta đang tiến tới chính sách Sandbox. Từ đó cho thấy Việt Nam đã cởi mở hơn với công nghệ và số hoá.

Với doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy rõ các nỗ lực trong việc số hoá và tiến dần đến chuyển đổi số qua đợt bùng phát dịch gần đây. Dịch bệnh đã làm thay đổi nhiều thói quen của người dân, từ mua sắm đến sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí… Các công ty đã nhanh chóng nắm bắt được sự thay đổi này và bắt đầu tập trung phát triển các sản phẩm, ứng dụng, công nghệ phục vụ khách hàng.

Bên cạnh việc tự phát triển các sản phẩm công nghệ phù hợp với tình hình thực tế, các doanh nghiệp cũng hợp tác với các hãng công nghệ lớn để số hoá hoạt động quản trị và nâng cao trải nghiệm khách hàng trên nền tảng di động. Hãng xe Mai Linh cũng đang trong quá trình đẩy mạnh hợp tác với các hãng công nghệ lớn để số hoá, mở ra nhiều dịch vụ và tính năng mới, hoàn thành quy trình trải nghiệm của người dùng, từ lúc đặt xe cho đến khi kết thúc chuyến đi và thanh toán. Một ví dụ khác trong ngành vận tải là Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang hợp tác với ví điện tử MoMo để phân phối vé trực tuyến cho hãng xe này. Đây được xem là bước đi chiến lược để Phương Trang có thể tận dụng nền tảng công nghệ hiện đại và tiếp cận được lượng người dùng lên đến 23 triệu người của MoMo.

Phương Trang hợp tác với MoMo để phân phối vé trực tuyến cho hãng xe

Chuyển đổi số khác số hoá như thế nào?

Vì sao phần lớn mọi người hay nhầm lẫn giữa số hoá với chuyển đổi số? Theo quan sát của tôi, nguyên nhân đến từ việc chúng ta chưa phân biệt và hiểu rõ các khái niệm liên quan đến Digital Transformation.

Để phân biệt rõ hơn, tôi sẽ ví dụ về câu chuyện gọi taxi. Trước đây, chúng ta đã quen với hình thức taxi truyền thống. Khách hàng cần taxi có thể đặt xe qua tổng đài hoặc vẫy bắt xe trên đường. Sau đó đến giai đoạn số hoá, chúng ta có thể quẹt thẻ taxi thay vì trả tiền mặt cho mỗi chuyến xe. Khi công nghệ phát triển hơn và tiến vào giai đoạn công nghệ số hoá, khách hàng có thể thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng của mình. Và giai đoạn chuyển đổi số bắt đầu với dịch vụ taxi công nghệ. Người dùng chỉ cần sử dụng một ứng dụng để đặt xe và nắm rõ thông tin hành trình của mình từ giá cước, thông tin tài xế, thông tin lộ trình đến thanh toán trực tiếp qua ứng dụng.

Từ ví dụ trên, chúng ta có thể thấy, trong chuyển đổi số có 3 khái niệm gồm: Số hoá (Digitization), Công nghệ số hoá (Digitalization) và Chuyển đổi số (Digital Transformation). Trong đó:

  • Số hoá (Digitization): Là hoạt động đưa những thông tin dạng bản cứng thành dữ liệu số. Ví dụ: máy scan tài liệu trên giấy thành file PDF lưu trữ trên máy, chuyển từ hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử.
  • Công nghệ số hoá (Digitalization): Là quy trình giúp doanh nghiệp sử dụng thông tin đã được số hoá một cách hiệu quả hơn. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn này.
  • Chuyển đổi số (Digital Transformation): Đây là bước nối tiếp cho 2 khái niệm tôi kể trên. Digital Transformation thay đổi cách chúng ta phát triển doanh nghiệp của mình, tác động trực tiếp đến quy trình vận hành nội bộ, trải nghiệm khách hàng hay tiếp cận khách hàng mới.

Chia sẻ bởi anh Trần Đình Đông

Nguồn: brandcamp

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button