Dùng bữa ăn giữ chân nhân viên
Nhiều doanh nghiệp xem lựa chọn bữa ăn chất lượng là một phần trong việc giữ chân nhân viên. Đó chính là cơ hội kinh doanh cho PITO.
Với 5,3 triệu người đang làm việc ở các công ty (theo Tổng cục Thống kê), chỉ cần 10% trong số này là khách hàng sử dụng dịch vụ canteen của PITO, với mỗi suất ăn 2 USD thì Công ty đang khai thác thị trường trị giá hàng triệu USD mỗi năm.
Nhận diện cơ hội
“Thương mại điện tử cho phép người mua hàng có thể mua bất cứ cái gì họ thích bằng internet. Bữa trưa hay buổi tiệc tại công ty cũng vậy”, ông Phạm Đông Huy, sáng lập PITO, nói.
PITO về cơ bản như một website thương mại điện tử B2B, kết nối doanh nghiệp đặt suất ăn trưa, tiệc công ty theo yêu cầu và các cơ sở kinh doanh thực phẩm được sàng lọc theo quy định của PITO. Chính vì thế, nó không thay đổi hành vi đặt hàng và nhận hàng đang diễn ra hiện nay. Khác ở chỗ doanh nghiệp, thay vì phải cố định hợp đồng với một đơn vị cung cấp bữa ăn 1 năm, nay có thể thay đổi theo ngày mà không tốn chi phí nào. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cạnh tranh cũng là một điểm cộng của mô hình này, trung bình 2.000 đồng/phần ăn (50 phần ăn/lần). Tương tự như vậy với dịch vụ đặt tiệc liên hoan, họ có thể lựa chọn nhiều nhà cung cấp nhanh chóng, kể cả đơn vị cung cấp tiệc trà riêng biệt.
Với đối tác cơ sở kinh doanh thực phẩm, PITO hưởng lợi thế từ việc số hóa do các ứng dụng vận chuyển như Grab, Gojek, Baemin thúc đẩy từ năm 2015 và tốc độ này được đẩy mạnh hơn nữa kể từ dịch bệnh COVID-19 nên không gặp trở ngại trong việc kết nối.
Các đơn vị này hiểu rõ vị trí địa lý của mô hình quán ăn cũng giới hạn tập khách hàng mà họ tiếp cận, vì thế chi 20% doanh thu mỗi đơn hàng phát sinh từ PITO vẫn tốt hơn là không có gì. Mặt khác, cho đến nay ở Việt Nam không có nhiều nền tảng kết nối doanh nghiệp và các cơ sở ăn uống như PITO nên điều trăn trở nhất của nhóm này là giảm thiểu thực phẩm lãng phí.
Một nghiên cứu đăng trên Green Queen năm 2019 cho thấy các quốc gia ở Đông Nam Á tạo ra 25% chất thải thực phẩm trên toàn cầu mỗi năm. Điều này phần lớn là do không dự đoán được nhu cầu bán hàng của các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Do đó, các đơn vị này phải chịu tốn chi phí nhiều hơn để bảo quản hoặc nhập hàng.
Ông Toine Timmermans, Giám đốc Chương trình Các chuỗi thức ăn bền vững tại Wageningen University & Research, trích báo cáo từ 700 công ty kinh doanh thực phẩm ở 17 quốc gia cho thấy việc giảm thất thoát thực phẩm giúp họ cải thiện lợi nhuận 14 lần và cải thiện mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp.
Thông qua PITO, khách hàng sẽ chốt với các nhà hàng những đơn sỉ trước ít nhất 24 tiếng (đối với đặt tiệc PITO Catering), trong tương lai là một chu kỳ dài, thông thường là 1 tuần (đối với đặt cơm PITO Cloud Canteen). Điều này giúp các đơn vị dự đoán được nhu cầu bán hàng, từ đó tối ưu chi phí, điều chỉnh việc đặt và sử dụng nguyên liệu hiệu quả hơn. Cuối cùng là chính bản thân PITO, dù là mô hình thương mại điện tử vốn tốn rất nhiều chi phí xây dựng đội ngũ giao hàng nhưng theo ông Huy, chi phí này ở Công ty vẫn trong tầm kiểm soát.
Do giao đồ ăn trưa hoạt động cố định từ 10-12 giờ mỗi ngày nên việc bố trí nhân viên giao nhận không khó, Công ty đang có 5 nhân viên phục vụ và mở rộng theo số lượng đơn hàng. Doanh thu phát sinh từ nền tảng sẽ được PITO chuyển cho các cơ sở kinh doanh với tần suất 2 tuần/lần. “4 năm qua chúng tôi chưa chậm trễ thanh toán lần nào”, ông Huy nói.
Nhiều doanh nghiệp xem lựa chọn bữa ăn chất lượng là một phần trong việc giữ chân nhân viên. Ảnh: TL.
Đam mê chuỗi cửa hàng
Ông Huy thuộc thế hệ khởi nghiệp thứ 2 ở Việt Nam, nhóm đã từng đi làm ở các doanh nghiệp lớn hoặc công ty khởi nghiệp, tham gia thị trường bằng các giải pháp tùy chỉnh theo nhu cầu thị trường trong nước. Nhóm này hoạt động mạnh trong 3 năm trở lại đây và là danh mục ưa thích của các quỹ đầu tư khởi nghiệp khi chiếm đến hơn 40% các thương vụ gọi vốn kể từ năm 2019.
Gia đình kinh doanh cơm văn phòng từ những năm 1990 nên ông Huy tiếp xúc ngành này từ sớm. Đam mê kinh doanh ẩm thực và sở hữu chuỗi nhà hàng cũng xuất phát từ đó. Sau hơn 10 năm làm trong lĩnh vực tiếp thị, ông rời khỏi ngành. Năm 2017, ông mở 2 nhà hàng Cocorico, chuyên phục vụ gà nướng rotisserie theo phong cách Pháp. Trong một lần sang Singapore họp, ông nhận thấy thói quen ăn cơm văn phòng đặt trong khay ăn sẵn ở đây rất được ưa chuộng nên quay về Việt Nam thử chuyển các món của Cocorico vào khay và tập trung quảng cáo nhiều hơn đến giới văn phòng. Cái tên PITO có nghĩa Party In the Office (tiệc trong văn phòng) ra đời từ đó.
Năm 2018, nhu cầu đặt tiệc ở văn phòng cho các buổi lễ thường niên, sinh nhật nhân viên…tăng cao và dĩ nhiên PITO không bỏ qua cơ hội này khi phát triển thêm nhánh kinh doanh Caterer (đơn vị cung cấp dịch vụ thực phẩm tại các sự kiện chuyên nghiệp) với diện tích bếp 300 m2 ở quận 2 (TP.HCM). Tốc độ tăng trưởng rất nhanh, vào mùa cuối năm Noel và Tết Dương lịch, có ngày công suất tối đa là 4 tiệc, mỗi tiệc 200-300 khách nhưng vẫn nhận rất nhiều yêu cầu đặt hàng. “Tôi nhận ra không thể đáp ứng được hết nhu cầu cho dù có mở rộng hơn nữa. Phải có một cách làm nào khác”, ông Huy nói.
Ông nhận ra tiềm năng lớn để phát triển PITO thành một “Corporate Catering Marketplace” – nền tảng thương mại điện tử đặt ăn uống cho doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Thế là Công ty dịch chuyển toàn bộ lên online, chỉ làm nhiệm vụ kết nối, kinh nghiệm quản lý cơ sở kinh doanh thực phẩm trong 2 năm qua được dùng để tạo ra bộ quy tắc sàng lọc đối tác.
Hiện nay, có thời điểm chỉ trong một ngày, PITO phục vụ gần 6.000 người tham dự những bữa ăn hay tiệc tận nơi. Riêng trong ngày 8/3 vừa qua, có gần 10.000 nhân viên của 70 công ty đã được thưởng thức dịch vụ ăn uống đặt qua PITO. Nhiều thương hiệu lớn, các cơ quan ngoại giao tại TP.HCM hay những công ty thuộc Top bảng xếp hạng có môi trường làm việc lý tưởng nhất ở Việt Nam như Lazada, Shopee, VNG, MoMo… và gần nhất là Grab đều là khách hàng thân thiết của PITO. Hệ thống hiện có hơn 300 đối tác kinh doanh thực phẩm đang hoạt động theo các tiêu chuẩn khắt khe của Công ty về an toàn thực phẩm.
Hệ thống công nghệ của PITO (gồm 3 sản phẩm PITO Catering, đặt phần ăn lớn trực tuyến cho nhóm PITO Xpress và PITO Cloud Canteen) hiện được xây dựng để thay thế hầu hết các giai đoạn cơ bản liên quan đến việc giao tiếp trực tiếp với con người như chọn loại hình, menu, đơn giá, địa chỉ, cách trang trí, ghi chú thức ăn dị ứng, để lại đánh giá, xuất hóa đơn VAT, chọn loại hộp bảo vệ môi trường…
Nhưng trước đó, ông Huy nhận nhiều chia sẻ lo lắng từ bạn bè với định hướng này vì thứ nhất các công ty như Grab có thể tham gia nếu thị trường đủ lớn, thứ 2 là phá vỡ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh thực phẩm không phải dễ vì đôi khi là lợi ích cá nhân của đôi bên. Tuy nhiên, ông cho rằng thị trường vẫn rất lớn và nhiều doanh nghiệp xem lựa chọn bữa ăn chất lượng là một phần trong việc giữ chân nhân viên. 80% nhân viên văn phòng xem phúc lợi ăn trưa là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến tinh thần và tỉ lệ gắn bó của họ với công ty (theo số liệu của Society for Human Resource Management).
Hơn nữa, đặt tiệc và nhu cầu ăn trưa lại là khoản chi dễ dàng được quyết định trong doanh nghiệp, do không quá 100 triệu đồng mỗi tháng. “Nếu không thì dịch vụ PITO Catering – đặt tiệc theo yêu cầu của chúng tôi – đã không tăng trưởng 100% hằng tháng, với giá trị trung bình khoảng 20 triệu đồng/đơn đặt dịch vụ”, ông nói.
Còn về việc các đối thủ lớn tham gia, đó là điều phải có trong một thị trường hấp dẫn, vấn đề ai đi nhanh và hiểu khách hàng hơn mà thôi. Startup có cái lợi là xoay chuyển nhanh hơn doanh nghiệp có quy mô. “Chúng tôi hy vọng sẽ tạo được thói quen đặt hàng trước 1 tuần, thậm chí là một tháng thay vì 24 giờ của doanh nghiệp như hiện nay. Điều tôi quan tâm nhất là các giải pháp từ PITO sẽ thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về giá trị của những bữa ăn cho nhân viên, tiết kiệm thời gian cho tất cả mọi người trong việc đặt thức ăn”, ông Huy nói.
Đông Sang
Nguồn: nhipcaudautu