Đưa thương hiệu Việt vào Mỹ

Tháng Tư 6, 2024by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_dua_thuong_hieu_viet_vao_my-e1713427906196.jpg

Thay vì chấp nhận phận gia công, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tìm được cơ hội lớn tại thị trường Mỹ bằng chính thương hiệu riêng.

Bà Jolie Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế LNS, là người có 20 năm kinh nghiệm phân phối vào thị trường Mỹ. Trong chuyến về nước gần đây, bà cho biết tin vui là thị trường Mỹ đang đón nhận rất tích cực nhiều mặt hàng thực phẩm, nông sản đến từ Việt Nam.

Tín hiệu vui của hàng Việt

Cụ thể, LNS đang phân phối khoảng 462 sản phẩm, sắp tới sẽ có thêm hồ tiêu, gừng, bánh tráng… tại thị trường 300 triệu dân này. “Đáng chú ý, 2 năm gần đây, 70% sản phẩm đến từ Việt Nam đã mang thương hiệu Việt Nam so với trước đây chủ yếu được bán với thương hiệu của Thái, Trung Quốc…”, bà Jolie Nguyễn nói.

Một ví dụ là thương hiệu Cà Mèn đã ký kết với LNS để xuất khẩu chính ngạch cháo bột cá lóc vào Mỹ. Đến nay Cà Mèn đã xuất được 3 container cháo bột cá lóc, với tổng số lượng gần 150.000 gói, đạt doanh thu gần 5 tỉ đồng. Hay gần đây, thông qua LNS, nước tương Nam Dương cũng xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ.

Nhiều năm qua, Mỹ được đánh giá là thị trường rất khắt khe về tiêu chuẩn nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội mới cho sản phẩm Việt. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, nhiều chính sách của Mỹ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa Việt Nam. Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hướng về các thị trường ASEAN, giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là lực đẩy quan trọng khi bước sang năm 2024, đà tăng trưởng đã quay trở lại, cho thấy nhu cầu đã phục hồi.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này có thể vượt mốc 100 tỉ USD, bất chấp những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Da giày, dệt may, đồ gỗ nội thất, thủy sản, nông sản… đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp Việt tại đây. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Phúc Sinh, cho biết Công ty đang tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu vào thị trường này. Hiện nay, mỗi năm Phúc Sinh xuất khẩu khoảng 1.200 container các mặt hàng cà phê, hồ tiêu sang Mỹ, đạt doanh số khoảng 60 triệu USD.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng xuất khẩu vào Mỹ theo thương hiệu riêng như Phúc Sinh, Nam Dương hay Cà Mèn. Đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công hoặc xuất khẩu ở dạng thô, nguyên liệu, giá trị tương đối thấp. Chẳng hạn, theo báo cáo từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì vậy, xuất khẩu với thương hiệu riêng vào Mỹ đang trở thành động lực của doanh nghiệp Việt trong chiến lược mở rộng thị trường thế giới. Theo ông Nguyễn Đức Nhật Thuận, CEO Cà Mèn, nhờ xuất chính ngạch đi Mỹ, Cà Mèn đã có cơ hội kết nối với các đối tác là những nhà xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng đi các thị trường như Canada, Singapore, Úc, New Zealand. Còn theo ông Hồ Diệp Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Quốc tế Nam Dương, ngoài Mỹ, Công ty sẽ tìm kiếm cơ hội để tiếp tục mở rộng sang các thị trường khác như châu Âu, châu Úc…

Thử thách vẫn phía trước

Đại diện của Vinasamex (chuyên sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu quế, hoa hồi và các loại gia vị hữu cơ khác), cho biết những năm gần đây, Công ty tập trung vào các sản phẩm giá trị cao cấp để xuất khẩu vào những thị trường khó tính như EU, Canada, Mỹ, Nhật… Để tận dụng tối đa xuất khẩu sang các thị trường có FTA, Vinasamex xác định mở rộng thị trường bằng thương hiệu riêng là Spice Fest và Cinna Kitchen.

Tuy nhiên, trước khi tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp Việt phải vượt qua được nhiều rào cản. Trong đó, luật pháp nước này rất chú trọng đến việc bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước bằng nhiều chính sách bảo hộ về sở hữu trí tuệ, thương hiệu… Theo đại diện của Nam Dương, để đạt được chứng nhận an toàn thực phẩm của thị trường Mỹ, đội ngũ của công ty này đã có quá trình chuẩn bị kéo dài tới 7 năm

Bà Jolie Nguyễn tư vấn, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy định của các cơ quan như Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Khi muốn xuất khẩu vào Mỹ cần làm hồ sơ xây dựng nhà máy, bộ quy tắc quản lý sản xuất, quản lý rủi ro, hồ sơ quản lý chất lượng tùy theo từng mặt hàng. “Dù đã được cấp phép, doanh nghiệp phải luôn cập nhật các tiêu chí mới và chuẩn bị tinh thần có thể bị kiểm tra bất cứ lúc nào”, bà nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, thì cho rằng ẩm thực châu Á và Việt Nam nói riêng rất triển vọng tại Mỹ, nơi 30 triệu người dân châu Á và 1,3 triệu người Việt đang sinh sống. Tuy nhiên, thị trường này cũng có nhiều sản phẩm cùng loại cạnh tranh và việc người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu là một rào cản khác. Mỹ có tới 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang lại khác biệt về thời tiết, văn hóa cũng như tập tục thương mại. Do đó, doanh nghiệp cần xác định hàng hóa của mình sẽ bán vào tiểu bang nào và tìm hiểu thông tin cụ thể về tiểu bang đó. Trong khi đó, ông Phan Minh Thông cho rằng, trong xu thế hiện nay, doanh nghiệp Việt cần phải chú trọng đầu tư cho phát triển bền vững, gắn liền ESG, tuần hoàn xanh… vì đây là xu hướng chung của thị trường thế giới cũng như tại Mỹ.

Hà Cúc

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button