Du lịch tiếp tục đầu tư cho thương hiệu chờ ngày mở cửa
Nhiều quốc gia nỗ lực gìn giữ hình ảnh và thương hiệu du lịch được xây dựng nhiều năm qua không bị mai một trong dịch bệnh.
Chuyển đổi số
COVID-19 khiến ngành du lịch quốc tế bị đóng băng một thời gian dài. Dù vậy, việc giữ thương hiệu đã xây dựng trong nhiều năm là việc mà các quốc gia đều cố gắng làm và đây cũng là cơ hội để các nền du lịch thử nghiệm chuyển đổi số.
Vừa qua, New Zealand đã tạo đột phá trong hoạt động quảng bá hình ảnh bằng một game nhập vai được truyền thông mạnh mẽ. Nắm bắt được xu hướng tiêu thụ các nội dung liên quan đến game ngày càng tăng, Bộ Du lịch nước này đã “đóng gói” các trải nghiệm, phong cảnh, con người và văn hoá vào một trò chơi điện tử rất hiện đại.
Trong game, thiên nhiên hoang sơ và cảnh quan hùng vĩ – đặc sản nổi bật của quần đảo nhiều núi lửa này được tái hiện cực kỳ sống động, các trò chơi đạp xe đường rừng hay vượt thác được xây dựng chân thực. Tham vọng của New Zealand là làm sao để du khách chọn ghé thăm quần đảo này đầu tiên, ngay sau khi biên giới quốc tế mở cửa trở lại.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các báo cáo đều chỉ ra thời gian tiêu thụ các phương tiện truyền thông (media) của người tiêu dùng đã tăng đột biến. Trong đó, theo báo cáo Life After Lockdown, số lượt xem các nội dung liên quan đến gaming trên YouTube nhận được mức tăng trưởng cao nhất (khoảng 31%) trong khoảng thời gian từ tháng 2-6/2020.
Đại dịch là dịp để ngành du lịch của một số nước đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt trên mặt trận marketing. Báo cáo mới đây tại thị trường Việt Nam của McKinsey phân tích: “Trong trung hạn, Chính phủ cần hậu thuẫn cho các chương trình chuyển đổi công nghệ số và phân tích dữ liệu nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm đến hơn 50% số lượng nhà cung cấp dịch vụ lữ hành năm 2018. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch trực tuyến có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì năng lực cạnh tranh”.
Tại Singapore, Tổng cục Du lịch (STB) thiết lập Chỉ số Chuyển đổi Du lịch (TXI) nhằm giúp doanh nghiệp nhận định điểm mạnh, xác định cơ hội và đưa ra khuyến nghị về các bước tiếp theo của quá trình chuyển đổi số. Bước tiếp theo, Chương trình Thúc đẩy Du lịch Singapore tiếp tục hỗ trợ các công ty du lịch phát triển giải pháp chất lượng và thử nghiệm lẫn nhau. Cuối cùng, STB xây dựng bộ dịch vụ thông minh cho phép doanh nghiệp khai thác dữ liệu và nội dung được chia sẻ để thúc đẩy sự đổi mới và hướng dẫn quyết định kinh doanh.
Đảo Jeju của Hàn Quốc cũng thực hiện thành công xu hướng du lịch từ xa tại các thị trường quốc tế. Tại thị trường Nhật, loạt hình ảnh “Búp bê Jeju thay bạn đi du lịch”, với hình ảnh những chú búp bê check-in tại sân bay, tham quan biển, khám phá các quán cà phê tại Jeju được người dân Nhật đón nhận và hưởng ứng rất thích cực.
Không chỉ vậy, Cục Xúc tiến Du lịch Jeju đã kết hợp với Tổng cục Du lịch Hàn Quốc mở bán thành công sản phẩm “Chuyến bay không hạ cánh đến Jeju” từ Đài Loan, bán hết chỉ trong vòng 4 phút. Trên chuyến bay này, du khách sẽ bay đến đảo Jeju nhưng không hạ cánh xuống đảo, du khách được tham gia hội thảo về du lịch quizz game và nhiều hoạt động thú vị liên quan đến du lịch Jeju trên chuyến bay. Tại thị trường Việt Nam và Malaysia, quảng bá Jeju qua Instagram Filter được các bạn trẻ đón nhận.
Sẵn sàng cho ngày mở cửa
Từ kinh nghiệm của các nước, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel Holdings, không chỉ định vị lại chính sách thị trường nội địa trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam mà lúc này, du lịch Việt Nam cần sớm hoàn thiện bộ công cụ đón khách quốc tế, sẵn sàng cho những ngày có thể mở cửa bầu trời.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số đầu tiên là để thúc đẩy nhu cầu trong nước, bù đắp cho thu nhập bị mất từ khách quốc tế và sau đó là quảng bá hình ảnh một quốc gia kiểm soát đại dịch hiệu quả.
Để làm được điều đó, báo cáo của McKinsey cho rằng cần thực hiện 3 điều. Thứ nhất, để đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp, Chính phủ có thể thử nghiệm nhiều phương án vốn bền vững như tập hợp doanh thu khách sạn để một số nhỏ khách sạn có công suất buồng phòng cao hơn có thể chia sẻ doanh thu với nhau.
Thứ 2, Mạng Phân tích du lịch Singapore (STAN) và Sàn Giao dịch Du lịch Úc (TXA) là ví dụ cho cơ chế hoạt động này trên quy mô lớn. Cuối cùng, Việt Nam có cơ hội thực tế trong việc thúc đẩy thị trường du lịch mạo hiểm. Chính phủ và các hiệp hội ngành có thể tận dụng đà tăng trưởng chung của cả nước và sự phục hồi của giao thương quốc tế để thúc đẩy nhu cầu.
Phân tích của McKinsey cho thấy ở Châu Á – Thái Bình Dương, du lịch mạo hiểm được du khách tìm kiếm nhiều nhất và Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác. Tương tự, vốn đầu tư dự kiến sẽ chuyển hướng từ những dự án phát triển đồ sộ như Phú Quốc, Nha Trang sang những dự án và đô thị cỡ nhỏ, trung bình có các sản phẩm đặc biệt như du lịch thể thao, chữa bệnh và thậm chí cả du lịch nông nghiệp.
Cẩm Tú
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư