Du lịch đối mặt với khủng hoảng

Tháng Hai 16, 2020by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_du_lich_khung_hoang.jpg

Ngành du lịch đã có một cái tết Canh Tý tồi tệ vì virus corona chủng mới (nCoV). Dịch bệnh này không chỉ làm mất trắng thị trường Trung Quốc mà còn làm sụt giảm nhiều nguồn khách khác. Nhiều doanh nhân đã dùng từ “đóng băng” khi nói đến hoạt động kinh doanh trong những ngày này.

Khách sạn “bốc hỏa” vì nCoV

Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã có những buổi tất niên vui vẻ với kết quả kinh doanh tốt đẹp trong năm 2019 cùng những dự báo lạc quan cho mùa Tết Nguyên đán và cả năm 2020. Mọi thứ rất vui vẻ cho đến những ngày cuối tháng 1-2020, khi nCoV bùng phát mạnh hơn, làm hàng chục người Trung Quốc ở Vũ Hán tử vong.

“Đối tác Trung Quốc bắt đầu hủy tour từ ngày 28-1. Yêu cầu hủy tour kéo dài đến giữa tháng 2-2020, chờ những diễn tiến tiếp theo của dịch bệnh. Chúng tôi mất 30-40% lượng khách”, tổng quản lý một khách sạn 4 sao ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) nói vào chiều 26-1 (mùng 2 Tết), một ngày trước khi lệnh cấm các chuyến đi du lịch nước ngoài theo nhóm nhằm ngăn dịch bệnh viêm phổi do nCoV gây ra lan rộng của Chính phủ Trung Quốc có hiệu lực.

Hai ngày sau cuộc trò chuyện trên, tức ngày 28-1, hầu hết doanh nghiệp lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc ở tỉnh Khánh Hòa, nơi đón gần một nửa trong tổng số hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam năm 2019, tạm ngưng hoạt động, chỉ còn phục vụ một số khách đã đến từ vài ngày trước.

“Công suất phòng trong tháng 2-2020 của chúng tôi ước chừng chỉ còn 24%, không biết sẽ còn cầm cự được bao lâu”, vị tổng quản lý trên nói với TBKTSG vào ngày 30-1. Người đàn ông này từng trải qua những đợt khủng hoảng như dịch SARS năm 2003, khủng hoảng tài chính và sụt giảm kinh tế toàn cầu năm 2009…, nhận xét rằng nCoV mang đến đợt khủng hoảng khác. “Khách sụt giảm quá nhanh, nhanh hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng kia và mất hàng loạt nguồn khách, không chỉ Trung Quốc”, ông nói.

Biển Nha Trang vắng khách vì dịch bệnh viêm phổi do nCoV gây ra. Ảnh: Đào Loan

Tiếp sau lệnh cấm du lịch của Chính phủ Trung Quốc, ngành du lịch Việt Nam cũng cấm đưa đón khách đến từ vùng có dịch và đến ngày 31-1, Bộ Giao thông Vận tải ra lệnh ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc.

“Ước tính, công suất phòng khách sạn ở Nha Trang giảm một nửa, riêng những nơi chuyên đón khách Trung Quốc còn thấp hơn nhiều”, ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, nói vào ngày đầu tiên của tháng 2-2020.

Tình hình cũng không lạc quan ở những nơi khác như Đà Nẵng, Quảng Ninh hay TPHCM. Ở TPHCM, chỉ trong vòng 10 ngày (từ 23-1 đến ngày 1-2), có khách sạn 5 sao ở trung tâm thành phố đã bị hủy hơn 1.000 đêm phòng, với thiệt hại gần 2,9 tỉ đồng, chưa tính phần thiệt hại rất lớn khác từ kinh doanh nhà hàng, hội nghị.

“Sáng 9/2, lần đầu tiên trong lịch sử, nhà hàng tại tầng trệt không có khách. Mấy ngày trước Tết vắng, chúng tôi mong sẽ đông đúc hơn khi mọi người đi làm trở lại mà thực tế lại khác. Ai cũng sợ dịch không dám tụ tập”, nguồn tin của khách sạn này nói vào ngày 3-2 và cho biết bình thường, nhà hàng này có thể đem về doanh thu lên đến 100 triệu đồng/ngày.

Lữ hành, hàng không “thấm đòn”

Tại Đà Nẵng, chỉ riêng việc cấm bay đến Vũ Hán đã làm một doanh nghiệp mất 2.000 khách trong mùa Tết. Có công ty như Vietnam Travel Mart ước tính, trong quí 1-2020 và những ngày đầu quí 2-2020, doanh thu sẽ giảm đến 100 tỉ đồng.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Công ty Vietnam Travel Mart, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ước tính từ cuối tháng 1-2020 đến hết tháng 2-2020, nCoV có thể làm thành phố này mất khoảng 30-40% khách du lịch trong và ngoài nước. “Thiệt hại là rất lớn và vấn đề rất căng thẳng là không biết đến bao giờ dịch dừng vì từ khi bùng phát thì số lượng ca nhiễm mới và số người tử vong chưa dừng lại”, ông nói.

Ở TPHCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, cho biết chỉ trong vòng một tuần lễ Tết Canh Tý, lượng khách Trung Quốc đến thành phố đã giảm 18%. Một số khách từ những thị trường khác cũng hủy tour làm tổng lượng khách quốc tế đến trong tháng 1-2020 chỉ đạt hơn 840.000 lượt thay vì 860.000 lượt như kỳ vọng.

Theo ghi nhận của TBKTSG, tình hình hủy tour tại nhiều công ty đã đến dồn dập hơn trong vài ngày gần đây. Bên cạnh đó, mảng du lịch nước ngoài và cả du lịch trong nước tại một số công ty cũng gần như “đóng băng” vì nhiều khách hàng không dám mạo hiểm ra những chỗ đông người như sân bay, nhà ga, bến tàu hay ở tại khách sạn trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh. Thêm vào đó, các khuyến cáo du lịch, quyết định đóng cửa điểm tham quan của cơ quan chức năng cũng khiến hoạt động du lịch thêm đình trệ.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, cho biết công ty mất toàn bộ khách Trung Quốc trong tháng 2-2020. Tính chung các thị trường khách, lượng khách giảm khoảng 50% còn mảng du lịch nước ngoài cũng rất đáng lo ngại.

“Từ cuối tháng 1-2020 đến cuối tháng 2-2020, có 30 đoàn khách quốc tế và khách Việt đi nước ngoài hủy tour. Chúng tôi đã đặt vé máy bay, phòng khách sạn, làm xong thị thực… nhưng giờ phải hoàn tiền cho khách”, ông nói và cho biết hiện tại chưa tính được tổng thiệt hại vì khách vẫn hủy tour còn các đối tác như khách sạn, hàng không tạm thời chỉ cho chuyển ngày đặt phòng và dời vé, không hoàn tiền.

Với phía hàng không, hiện chưa có hãng nào đưa ra con số thiệt hại cụ thể nhưng chỉ dựa vào số liệu các chuyến bay khai thác trên đường bay Việt Nam – Trung Quốc, một đường bay vừa mới tạm ngừng vào đầu tháng 2-2020, cũng có thể thấy thiệt hại lớn cỡ nào.

Theo số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trước khi dịch bùng phát, ba hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air khai thác 87 đường bay, gồm thường lệ và thuê chuyến từ năm thành phố Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc đến 54 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần. Ở phía ngược lại, có 11 hãng hàng không Trung Quốc khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc với tần suất khai thác 240 chuyến/tuần.

Theo báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2018, tức là vào năm số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam chỉ mới đạt hơn 4,98 triệu lượt, tổng thu từ du khách Trung Quốc là 94.000 tỉ đồng, chiếm hơn 24,7% tổng thu từ khách du lịch quốc tế của cả nước. Vào năm ngoái, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của ngành du lịch với hơn 5,8 triệu lượt khách đến, chiếm hơn 32,2% trong tổng số khách quốc tế đến

Đáng lẽ, mùa Tết là mùa “ăn nên làm ra” của các hãng hàng không cùng ngành du lịch vì là mùa đi du lịch nhiều nhất của người dân Trung Quốc và là mùa đông khách của nhiều thị trường quốc tế cũng như du khách trong nước. Nhưng nCoV đã thay đổi tất cả. Thị trường đang đi xuống.

Trong tuần này, một số địa phương, hiệp hội du lịch bắt đầu họp bàn, thống kê thiệt hại bước đầu để lên các kế hoạch ứng phó và vực dậy thị trường khi cơn dịch đi qua. Trong những lần dịch trước, du lịch luôn là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên nhưng cũng là ngành phục hồi sớm nhất, hy vọng với đợt dịch nCoV lần này, lịch sử đó lại được lặp lại.

Đào Loan
Nguồn: Saigon Times

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button