Doanh nghiệp siêu nhỏ “nhẹ người” về chính sách tiền lương
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Trong đó có một số điểm mới đã tháo gỡ được khó khăn và tăng thêm ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Gánh nặng về thủ tục hành chính của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thường lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp lớn. Ảnh: ST.
Thêm nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp
Từ ngày 1/1/2019, Nghị định 121/2018/NĐ-CP sẽ bắt đầu có hiệu lực, trong đó quy định nhiều nguyên tắc cụ thể về thang, bảng lương cho doanh nghiệp, tăng tính ưu đãi cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng Minh Hiếu – một doanh nghiệp mới chỉ có 9 nhân viên cho biết, trước đây Công ty thường xuyên xây dựng định mức lao động, từ việc xây dựng định mức này sẽ quyết định đến đơn giá tiền lương của nhân viên cũng như giá thành đơn vị sản phẩm và lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng với Nghị định 121 vừa được ban hành, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc xây dựng định mức lao động, bởi việc xây dựng định mức này đã thông thoáng hơn rất nhiều.
Cụ thể, về nguyên tắc xây dựng định mức lao động, Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, đảm bảo định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý.
Mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trường hợp trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại mức lao động.
Đồng thời, mức lao động phải được định kỳ rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức lao động, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.
Nhẹ gánh cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định rõ tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng. Hoặc tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Bà Bùi Minh Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bắc Hùng cho biết, do doanh nghiệp chỉ có số lượng nhân viên luôn dưới 10 người nên thuộc doanh nghiệp siêu nhỏ, không phải xây dựng và đăng ký nội quy lao động. Song việc xây dựng thang lương, bảng lương thì doanh nghiệp phải mời đại diện Liên đoàn Lao động cấp huyện tham gia khi không có tổ chức công đoàn và phải gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện. Điều này được coi là vướng mắc của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng.
Vì vậy, một trong những quy định khác được các doanh nghiệp siêu nhỏ hết sức mong chờ trong Nghị định này đó là Nghị định đã gỡ khó cho doanh nghiệp khi quy định đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đây được coi là những nỗ lực quan trọng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp siêu nhỏ phát triển, bỏ bớt các thủ tục rườm rà không cần thiết, gây tốn kém chi phí của doanh nghiệp.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang chiếm khoảng 98% doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, gánh nặng về thủ tục hành chính của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thường lớn hơn so với doanh nghiệp lớn. Trên thực tế, theo các quy định, sự khác biệt giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp lớn khi chấp hành các quy định về pháp luật chỉ có một số điểm nên những giải pháp cải cách thủ tục hành chính sẽ là rất cần thiết.
Xuân Thảo
Theo Báo Hải quan