Doanh nghiệp “ngôi sao” trong nền kinh tế số
Nền kinh tế số bắt đầu phát triển vào những năm cuối của thế kỷ XX. Một vấn đề được giới học giả quan tâm khi đó là hiện tượng “ngôi sao” – người chiến thắng giành được tất cả (winner-take-all), tựa như độc quyền – trong nền kinh tế này.
Hiện tượng ngôi sao trong nền kinh tế số
Trong nền kinh tế truyền thống, để nắm được quyền lực độc quyền, doanh nghiệp (DN) phải hoạt động trong những ngành có tính kỹ thuật tạo ra lợi thế nhờ quy mô như ngành điện, ngành nước, hoặc được Nhà nước ủy thác kinh doanh độc quyền, hoặc cấu kết với nhau để tạo ra thế độc quyền. Khi nắm được quyền lực độc quyền, DN có thể khai thác lợi nhuận siêu ngạch ở trong ngành đó.
Thế nhưng, hiện tượng ngôi sao lại hoàn toàn dùng sức mạnh mềm để kiếm được lợi nhuận siêu ngạch. Ví dụ, ngôi sao ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng có thể tạo ra được mạng lưới fan hâm mộ rộng lớn trung thành với mình. Mỗi fan chỉ cần tự nguyện đóng một khoản tiền nhỏ để nghe ca sĩ biểu diễn là có thể khiến ngôi sao đó có được lợi nhuận siêu ngạch. Nhưng khác với hình thức độc quyền truyền thống, ngôi sao không hề lạm dụng vị thế của mình để ép người tiêu dùng phải trả tiền để hưởng lợi nhuận siêu ngạch. Lượng fan càng đông thì ngôi sao hưởng lợi nhuận siêu ngạch càng lớn.
Khi quan sát nền kinh tế số, các nhà nghiên cứu thấy rằng, nền kinh tế số có những tính chất tạo ra hiện tượng ngôi sao kể trên. Việc thu hút cộng đồng người dùng tham gia vào một “nền tảng” nào đó, chính là mấu chốt sinh lợi trong nền tảng kinh tế số. Khi hình thành được cộng đồng của mình, DN sẽ có được nguồn thông tin không đong đếm được do chính người sử dụng tạo ra. DN có thể khai thác thông qua các hình thức thu phí, bán thông tin, bán quảng cáo, thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Các DN trong nền kinh tế số muốn trở thành ngôi sao cũng phải kiên trì đầu tư, thu hút người dùng trong một quãng thời gian tương đối dài, có khi mất cả chục năm, để tạo ra một cộng đồng lớn thực sự. Trong quãng thời gian ngôi sao định hình, sẽ có rất nhiều DN đi theo cùng hướng không thành công và bị mất cả sản nghiệp. Nhưng bởi “trở thành ngôi sao và giành được tất cả”, nên hết lớp doanh nhân này đến lớp doanh nhân khác không tiếc công sức, tiền của lao vào cuộc chiến này.
Một khi đã trở thành ngôi sao, vị thế của DN đó rất khó bị lật đổ. Việc lật đổ đồng nghĩa với việc DN mới phải bỏ ra rất nhiều tiền của để giành giật lại người dùng từ DN ngôi sao. Đây chính là rào cản trong những lĩnh vực kinh tế số đã có ngôi sao. Nếu như trong nền kinh tế truyền thống, Nhà nước có thể can thiệp để ngăn cản vị thế độc quyền của một DN nào đó, thì trong nền kinh tế số, điều này thực sự khó khăn. Ví dụ, mạng xã hội Facebook có phải là một DN độc quyền không? Nếu xem Facebook là một mạng xã hội độc quyền thì liệu có thể buộc DN này phải tách thành nhiều công ty giống như Standard Oil và AT&T trước đây được không?
Có thể thấy, các lý lẽ cũ trước đây dùng để chống độc quyền không còn phù hợp nữa. Nhưng vấn đề đặt ra, nếu để cho các DN ngôi sao, kiểu như Facebook, phát triển một cách tự nhiên thì khả năng có được những DN mới xuất hiện, cạnh tranh với Facebook thực sự rất khó khăn. Ở đây, khó khăn không chỉ ở yếu tố công nghệ mà còn là khó khăn trong việc phải bỏ ra một lượng tiền khổng lồ để thuyết phục được người dùng chuyển sang mạng xã hội mới. Sự tồn tại của những DN có vị thế tựa như độc quyền trong kỷ nguyên số tạo ra thách thức rất lớn trong giới nghiên cứu, hoạch định chính sách trong việc ứng xử như thế nào với những ngôi sao mang tính toàn cầu như Facebook, Google, Amazon…
Thách thức đối với các nước theo sau
Sự xuất hiện các ngôi sao trong nền kinh tế số đặt ra một thách thức mới cho các nước theo sau. Với nền tảng công nghệ sẵn có, các DN ngôi sao thường xuất hiện ở các nước phát triển, có thị trường rộng lớn. Sau khi đã tạo lập được thị trường, các DN ngôi sao ở các nước phát triển này bắt đầu mở rộng sang các nước khác.
Nhờ tính chất ngôi sao, các công ty này có thể tạo ra những mức giá dịch vụ rất thấp ở các thị trường mới để thuyết phục người tiêu dùng chuyển đổi sang nền tảng mới mà không phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Chẳng hạn, các DN như Uber, Airbnb, Netflix… khi tấn công vào các thị trường mới, có thể sẵn sàng khuyến mại cho người tiêu dùng mức giá hấp dẫn trong một thời gian rất dài khiến cho các DN truyền thống ở các quốc gia này không thể cạnh tranh và phải đóng cửa.
Nhưng nếu buộc phải chuyển sang nền kinh tế số, tức buộc phải chấp nhận đóng cửa các DN truyền thống trong cuộc cạnh tranh với DN công nghệ số, thì bài toán đặt ra tiếp theo cho các nước đi sau là liệu DN ở các quốc gia này có khả năng tạo ra được nền tảng cạnh tranh với các nhà khổng lồ không?
Như trình bày ở trên, với tính chất ngôi sao, các nền kinh tế theo sau rất khó có cơ hội để tạo ra các DN ngôi sao mới cạnh tranh với các DN ngôi sao đang hiện hữu. Ví dụ, Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với các DN trong nước để tạo ra một nền tảng mạng xã hội mới cạnh tranh với Facebook, nhưng có thể thấy ngay rằng, việc cạnh tranh là không thể. Hay với tương lai của thương mại điện tử, với sự tham gia của Alibaba, Amazon… thì khả năng cạnh tranh của các sàn điện tử trong nước thực sự khó khăn.
Với xu hướng chuyển dịch sang nền kinh tế số, Việt Nam không thể ở ngoài cuộc. Để có cơ hội, trước hết Việt Nam cần tạo ra những tài nguyên số và tạo ra sự kết nối giữa các tài nguyên số với nhau. Khi đã có sự kết nối, các DN trong nước sẽ có khả năng nhìn thấy cơ hội để khai thác. Không ai có thể nói trước về một cơ hội nào đó sẽ xuất hiện, sẽ nổi lên. Về nguyên tắc, bất cứ nơi nào có dòng tiền chạy qua nhiều thì nơi đó trở nên giàu có. Nhưng bây giờ, dòng tiền gắn với dòng thông tin. Nếu một quốc gia tạo ra được môi trường để dòng thông tin đi qua và tụ lại được thì sẽ kéo theo dòng vốn đi qua và tụ lại, kéo theo dòng trí tuệ thông qua việc những người giỏi đến làm việc.
Chúng ta cần hiểu rằng, trong nền kinh tế số luôn có một số ngôi sao to và rất nhiều ngôi sao nhỏ. Với những vấn đề của một nước đang phát triển, khó có thể tạo ra những nền tảng để cạnh tranh với Facebook hay Google. Nhưng trên những nền tảng đấy, DN của các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn có thể tạo ra những ngôi sao nhỏ về cung cấp nội dung dựa trên chính nền tảng đó và khai thác nó. Grab – một DN khởi đầu bằng việc cung cấp nền tảng trong lĩnh vực vận tải ở Malaysia, là ví dụ điển hình cho thấy DN ở các nước đang phát triển vẫn có thể vươn tầm trở thành ngôi sao ở trong khu vực. Đấy có lẽ là một hướng đi khả dĩ cho các nước đi sau như Việt Nam trong kỷ nguyên số.
TS. Đinh Tuấn Minh
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn