Cửa hé cho startup lưu trữ điện mặt trời
Giá nguyên liệu đang ở đáy là cơ hội cho các startup lưu trữ điện mặt trời tham gia thị trường Việt Nam.
Dù mới gia nhập thị trường hơn 1 năm nhưng Solano, startup cung cấp giải pháp lưu trữ năng lượng mặt trời, đã có được sự hậu thuẫn của các quỹ chuyên về đầu tư năng lượng mới và phát triển phần cứng có phạm vi hoạt động toàn cầu. Giải pháp của Công ty là bộ lưu trữ, vốn là các viên pin cỡ lớn chồng lên nhau, có kích cỡ trung bình tương đương một chiếc quạt hơi nước (cao 170 cm, dày 20 cm, rộng 70 cm). Năng lượng thu được từ tấm pin mặt trời sẽ được lưu vào thiết bị trữ của Solano.
Hệ thống này sẽ kết nối với nguồn điện chính trong nhà để sử dụng đồng thời với dung lượng điện hỗ trợ vào khoảng 22 kWh, công suất tối đa 5 kWh (tương đương công suất lưới điện). Thời gian lắp đặt và đưa hệ thống vào vận hành khoảng 1-3 ngày (trường hợp chủ nhà chưa có tấm pin năng lượng mặt trời). “Giờ cao điểm tiêu thụ điện, khách hàng có thể xả năng lượng lưu trữ trong pin của Solano kết hợp cùng điện từ EVN, sẽ giúp giảm trung bình 85% điện năng tiêu thụ”, ông Trần Tuấn Anh, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Solano, nói.
Giải pháp của Solano không mới. Nhưng thực tế là rất khó để làm được sản phẩm cách đây 5 năm, vì nguyên liệu chính là viên pin có chi phí rất cao thời điểm đó, do nguồn cung bị các công ty xe điện “khóa” lại. Với tỉ suất lợi nhuận gộp trung bình dưới 15%, chỉ các công trình lớn như nhà máy, tòa nhà thương mại mới đủ hấp dẫn các đơn vị cung cấp giải pháp lữu trữ điện mặt trời tham gia. Thị trường nhỏ như hộ gia đình, resort… quá phân mảnh nên gần như bị bỏ ngỏ.
Thời điểm hiện tại nhu cầu xe điện đã giảm. Theo BloombergNEF, doanh số bán các loại xe thuần điện cộng với xe plug-in hybrid (vừa có thể chạy bằng điện, vừa có thể chạy bằng xăng hoặc dầu diesel) dự đoán tăng 21% trong năm 2024, giảm 31% so với năm 2023 và chỉ bằng một nửa năm 2022. Doanh số bán xe điện tại châu Âu ghi nhận mức giảm theo tháng là 32%, còn ở Mỹ và Canada giảm 14%. Điều này đã tác động đến giá viên pin, kéo chúng chỉ còn 1/10 so với trước kia. “Thứ đến là giá tấm pin năng lượng mặt trời cũng đã ở mức đáy”, ông Tuấn Anh nói.
Mặt khác, báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á đã tăng trung bình 3% mỗi năm trong 2 thập kỷ qua. Xu hướng này sẽ tiếp tục đến năm 2030 theo các chính sách hiện tại. Nhưng nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu năng lượng của khu vực, chiếm khoảng 83%, trong khi năng lượng tái tạo chỉ chiếm 14,2% khi lấy cùng mốc thời gian so sánh vào năm 2020.
Trung tâm Năng lượng ASEAN ước tính nếu các quốc gia Đông Nam Á không thực hiện những phát hiện quan trọng hoặc bổ sung vào cơ sở hạ tầng sản xuất hiện có, khu vực này sẽ trở thành nhà nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên vào năm 2025 và than đá vào năm 2039. Điều đó sẽ làm tăng giá nhiên liệu hóa thạch và gây thêm căng thẳng cho người tiêu dùng.
Chính phủ Việt Nam gần đây cũng tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó là dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà với 3 chính sách khuyến khích: cho phép lắp đặt không cần theo Quy hoạch Điện VIII; các nguồn điện mặt trời mái nhà được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm; hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.
Tuy nhiên, không lâu sau đó Bộ Công Thương đã phát tín hiệu điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nếu dư phát lên lưới điện quốc gia với giá không đồng và không được phép bán cho các nhà lân cận.
Ngoài chính sách chưa thống nhất, phía khách hàng cũng có nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Bà Châu, chủ phòng trọ cho thuê ở quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết bà quan tâm đến thời gian thu hồi vốn của các giải pháp lưu trữ điện mặt trời và dịch vụ sửa chữa sau khi hết hạn bảo hành.
Đồng quan điểm, ông Tuấn Anh của Solano cho biết thậm chí với khách hàng là người thuê bất động sản làm căn hộ dịch vụ, nếu thời gian hoàn vốn không rõ ràng sẽ không đầu tư. Tùy vào quy mô sử dụng sẽ có giá thành lắp đặt khác nhau, ông Tuấn Anh cho biết Công ty cam kết khách hàng sẽ hoàn vốn trong 5 năm trong khi vòng đời sản phẩm tối thiểu là 17 năm.
Với kinh nghiệm làm quỹ đầu tư, từng đầu tư các công ty công nghệ ở Đông Nam Á, ông Tuấn Anh cho biết việc đầu tư thiết bị công nghệ của khách hàng ở khu vực Đông Nam Á hướng đến tính thực dụng, có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh ngay lập tức hơn là chấp nhận chi trả chi phí cho công nghệ mới như các nước phát triển. Trong năm nay, Công ty sẽ đưa ra các giải pháp có dung lượng phù hợp với hộ gia đình để bổ sung thêm danh mục sản phẩm, song song đó là các giải pháp cho thuê thiết bị để khách hàng có thể trải nghiệm trước khi đầu tư.
Hiện tại, các startup như Solano đang chịu sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp lâu năm trong ngành. Điển hình như SolarBK, giữa năm ngoái công ty này đã hợp tác với VinES phân phối sản phẩm pin lưu trữ của VinES và triển khai giải pháp tích hợp điện mặt trời mái nhà kèm pin lưu trữ năng lượng (Solar+BESS) cho phân khúc nhà ở, văn phòng của doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, SolarBK cung cấp tấm quang điện.
Sau 17 năm phát triển, SolarBK hiện là nhà sản xuất và cung cấp giải pháp toàn diện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất các thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao (IREX), đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ điện lớn (SolarESCO), phân phối thương mại cho phân khúc dân dụng (SolarGATES) và nghiên cứu công nghệ (SolarBK).
“Công nghệ có hay đến đâu cũng quay về vấn đề kinh tế. Cách giải quyết tốt nhất là làm sản phẩm thật tốt. Đó là lý do vì sao chúng tôi cam kết thời gian hoàn vốn của Solano chưa đến 1/3 vòng đời sản phẩm”, ông Tuấn Anh nói.
Huy Vũ
Nguồn: nhipcaudautu