COVID-19 và những tác động nặng nề lên thị trường lao động Châu Á – Thái Bình Dương
Theo bài đăng mới đây của báo Nikkei, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nền kinh tế Châu Á dự kiến sẽ vẫn cao trong những tháng tới khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn còn chật vật trong đại dịch.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore tăng lên mức 2,9% trong tháng 6/2020, cao hơn đáng kể so với con số 2,4% của tháng 3, theo số liệu quý công bố vào ngày thứ Tư.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore đang leo lên ngưỡng cao nhất tính từ thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, điều đó phản ánh cho tác động của đại dịch COVID-19 lên khắp khu vực này.
Theo bài đăng mới đây của báo Nikkei, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nền kinh tế Châu Á dự kiến sẽ vẫn cao trong những tháng tới khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn phải chật vật trong đại dịch.
Bộ Nhân lực Singapore nói trong tuyên bố mới đây: “Tình hình của ngành du lịch và các ngành liên quan vẫn vô cùng khó khăn. Các biện pháp quản lý an toàn ngăn COVID-19 sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành khác. Tuy nhiên, thị trường lao động có thể sẽ vẫn khó khăn kéo dài khi mà tốc độ tuyển dụng chậm lại và áp lực lên các công ty ngày một lớn hơn”.
Nhiều nền kinh tế khác trong khu vực cũng công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 6/2020 tăng cao hơn. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hồng Kông tăng lên mức 6,2% từ mức 5,9% của tháng 5/2020, vượt qua ngưỡng 5,5% trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp tại Macao cũng lên ngưỡng 2,5% trong tháng 6/2020, cao hơn so với ngưỡng 2,4% của tháng 5/2020.
Số liệu về thị trường việc làm của Nhật dự kiến sẽ công bố vào sáng ngày thứ Sáu. Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật tháng 5/2020 duy trì ở mức cao nhất trong 3 năm là 2,9%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật cao nhất trong nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi, thực tế này cho thấy nhóm người lao động trẻ tuổi chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Malaysia bắt đầu tăng từ tháng 2/2020 và lên ngưỡng 5,4% trong tháng 5/2020.
Trong một báo cáo công bố vào đầu tháng này, các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UOB của Singapore cho rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Malaysia tăng chậm hơn trong quá trình phục hồi và rồi cuối cùng sẽ ổn định trong khoảng từ 4% đến 5%, vẫn ở trên ngưỡng trước đại dịch từ 3,2% đến 3,3% khi mà doanh nghiệp chậm thích nghi trong môi trường hậu khủng hoảng.
Một lượng lớn việc làm đang bị cướp đi trên khắp thế giới.
Báo cáo công bố ngày 30/6/2020 của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho thấy so với quý cuối năm 2019, số lượng giờ làm việc của người lao động giảm trong quý 2/2020. Tỷ lệ việc làm sụt giảm lên đến 13,5% trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tương đương với khoảng 235 triệu việc làm mất đi.
Cũng theo ILO, kể cả tính từ cuối năm 2020, sẽ còn rất lâu thị trường việc làm mới hồi phục.
Tình hình thị trường lao động tại Indonesia cũng vô cùng khó khăn. Bộ trưởng Phát triển và Kế hoạch Quốc gia Suharso Monoarfa trong phiên điều trần trước Nghị viện Indonesia, ông Suharso Monoarfa, vào cuối tháng 6/2020 ước tính rằng khoảng từ 4 đến 5,5 triệu người có thể mất việc trong năm nay, nâng tỷ lệ thất nghiệp lên mức từ 8,1% lên 9,2% trong khi tỷ lệ thất nghiệp năm 2019 chỉ ở mức 5,28%.
Đại dịch đã bắt đầu tác động đến thị trường lao động nhiều nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ đầu năm nay, đại dịch ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề dễ chịu tổn thương như du lịch. Nhiều doanh nghiệp trong nỗ lực tồn tại đã áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí như sa thải bớt nhân lực. Tại Singapore, công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ xe Grab sa thải 360 việc làm tức khoảng 5% nhân sự, Gojek trong khi đó sa thải 430 việc làm tức khoảng 9% tổng lực lượng lao động.
Số liệu thất nghiệp chính thức có thể không nói lên toàn bộ bức tranh của sức tàn phá do COVID-19, người lao động trong các lĩnh vực không chính thức chịu tác động nặng nề từ đại dịch.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến không khỏi gây ra nhiều tác động lên kinh tế nói chung, chính trị gia các nước chịu nhiều áp lực tìm ra giải pháp. Tại Singapore, việc làm là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, đảng đối lập đang tranh thủ những gì xảy ra để chỉ trích đảng cầm quyền. Chính phủ Singapore và nhiều nước khác trong khu vực đang đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ việc làm nhằm giảm bớt tác động của khủng hoảng.
Dù vậy, vẫn còn nhiều tín hiệu tích cực trong khu vực. Đài Loan và Hàn Quốc đều được khen về thành tích chống dịch COVID-19. Cho đến nay, thị trường lao động tại Đài Loan và Hàn Quốc đã có nhiều bước chuyển tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp tại Đài Loan giảm xuống ngưỡng 3,97% trong tháng 6/2020 từ mức 4,16% của tháng 5/2020, còn tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc tháng 5/2020 giảm xuống mức 4,3% từ mức 4,5% của tháng trước đó.
Trung Mến
Nguồn: BizLive