Công nghệ khí hậu: Điểm nóng của Đông Nam Á

Tháng Ba 30, 2024by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_cong_nghe_khi_hau_diem_nong_cua_dong_nam_a-e1712573960208.jpg

Rất cần các giải pháp công nghệ khí hậu để giải quyết lượng rác thải ngày càng tăng ở Đông Nam Á.

Đông Nam Á đang đóng góp xấp xỉ 25% lượng rác thải của thế giới, dự kiến tạo ra hơn 300 triệu tấn rác thải hằng năm đến năm 2030. Phần lớn sự gia tăng này là do tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của khu vực cũng như dân số gia tăng, vốn đã tăng xấp xỉ 25% trong 2 thập niên qua, đạt hơn 690 triệu dân. Những yếu tố này dẫn đến sức tiêu thụ bùng nổ, kèm theo lượng rác thải tăng mạnh, càng làm trầm trọng thêm bởi cơn sốt thương mại điện tử, đặc biệt là mua sắm các sản phẩm đóng gói tiện lợi.

Rác thải tăng mạnh đang gây hệ quả nghiêm trọng lên môi trường, theo Shannon Lung, đứng đầu UOB FinLab. “Rác thải tràn lan dẫn đến việc quản lý kém như rác được thải ra đại dương hoặc bãi chôn rác quá mức”, Lung nói.

Hơn 80% rác thải được thải ra đại dương đến từ Đông Nam Á, nơi có hệ sinh thái không hoàn thiện cho việc thải rác, thu gom, xử lý và tái chế rác với 90% rác thải được đưa đến bãi chôn rác hoặc đốt. Chỉ riêng Singapore đã tạo ra gần 1 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, hầu hết được đốt, tạo ra lượng khí thải gây ô nhiễm lớn.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc giảm rác thải, các chính phủ ASEAN trong những năm qua đã giới thiệu nhiều phương pháp như sáng kiến 3Rs (reduce, reuse, recycle – giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) của Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore. “Công nghệ và cải tiến là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sự thay đổi không chỉ ở việc quản lý rác thải mà còn giải quyết các mục tiêu bền vững rộng lớn hơn”, Lung nói.

Tại Indonesia, chẳng hạn, startup Octopus hiện sử dụng các giải pháp công nghệ để vận hành một nền tảng logistics đảo ngược, theo đó thu gom các sản phẩm hậu tiêu dùng để mang đi tái chế thành nguyên vật liệu có thể sử dụng được. Ở Singapore, những thùng rác thông minh (được áp dụng công nghệ tiên tiến như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo) đang được sử dụng để thúc đẩy thực hành tái chế bền vững hơn. Những giải pháp như vậy là chìa khóa trong việc xử lý rác thải nhựa, theo Lung, vì chúng có thể ngăn rác thải nhựa rò rỉ vào môi trường và làm ô nhiễm môi trường. “Rác thải nhựa quá mức thường bị phá vỡ thành hạt vi nhựa theo thời gian, làm tổn hại đến tính đa dạng sinh học, đặc biệt ở những động vật mà nhầm tưởng vi nhựa là thức ăn”, ông nói thêm.

Một thực tế là mặc dù Đông Nam Á là quê hương của hơn 7.000 startup kỹ thuật số, 80% trong số đó lại có trụ sở tại Indonesia, Singapore hoặc Việt Nam, nhưng lại có chưa tới 100 startup công nghệ khí hậu tại khu vực này, theo số liệu năm 2022 của Statista.

Tuy nhiên, Prashant Singh, đồng sáng lập kiêm CEO của Blue Planet Environment Solutions (Singapore), cho rằng thách thức rác thải của ASEAN đang mang lại cơ hội khổng lồ cho các startup trong khu vực. “Xưa nay chúng ta đặt niềm tin vào công nghệ từ các quốc gia Bắc bán cầu và các nước phát triển, nghĩ rằng nếu công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu và triển khai ở đây thì sẽ có hiệu quả. Nhưng thực tế không như chúng ta nghĩ”, Singh nói.

Đây chính là lợi thế cho các giải pháp giải quyết rác thải được tạo ra trong khu vực ASEAN. “Các quốc gia trong khu vực thì phù hợp hơn vì họ có sự am hiểu hơn không chỉ đối với số lượng rác tạo ra, những điều kiện rác thải đặc thù ở địa phương mà còn về nhân khẩu học và các điều kiện khí hậu. Điều này theo cách nào đó mang đến tỉ lệ thành công cao hơn cho những công nghệ được phát triển trong khu vực”, Singh giải thích thêm.

Hiện tại, các startup, đặc biệt là startup công nghệ xanh, vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc nhân rộng giải pháp của họ trong khu vực ASEAN như thách thức về thiếu vốn, thiếu định hướng về mặt pháp lý, thiếu hướng dẫn… Ở điểm này, các chương trình tăng tốc có thể giúp các startup giai đoạn đầu lấp đầy khoảng cách này bằng cách tài trợ vốn, kết nối họ với các doanh nghiệp và cung cấp một nền tảng thử nghiệm để họ thử nghiệm những giải pháp của mình.

“Các chương trình tăng tốc đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết các chính phủ, những người chơi trong ngành, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ xanh và các bên liên quan khác để thúc đẩy tăng trưởng và cải tiến thông qua hợp tác”, Lung nói.
Một sáng kiến như vậy là GreenTech Accelerator của UOB FinLab, cung cấp nền tảng cho các startup công nghệ khí hậu toàn cầu, đặc biệt là những công ty tập trung vào giải quyết vấn đề rác thải, nhằm nhân rộng và thử nghiệm các giải pháp của họ. Chương trình cũng kết nối các startup công nghệ khí hậu với những doanh nghiệp đang đối mặt với các thách thức bền vững.

Kể từ khi tung ra vào năm 2022, chương trình này đã hỗ trợ phát triển một loạt startup trong khu vực. Trong đó có HydroNeo, một công ty nuôi trồng thủy sản cung cấp các hệ thống quản lý trang trại thông minh dựa trên internet vạn vật (IoT); REDEX, một công ty cung cấp dịch vụ quản lý các chứng chỉ năng lượng tái tạo; TAVA, một startup phát triển các sản phẩm nhựa sinh học sử dụng tinh bột bắp; AlterPacks, một công ty chuyển đổi rác thải thực phẩm thành các hộp đựng bền vững.

“Các cơ quan nhà nước, những người chơi trong khu vực tư nhân và các nhà cung cấp giải pháp công nghệ phải ngồi lại cùng nhau để có cuộc thảo luận khách quan về việc điều chỉnh các quy định pháp lý và đào tạo, hướng dẫn các bên liên quan cách thực hành tốt nhất”, Lung nói. Ông cho rằng các cơ chế hiện thời là một bước đi đúng hướng nhưng rất cần có sự hợp tác lớn hơn để đạt đến mục tiêu giảm rác thải.

Singh thì tỏ ra rất lạc quan về tương lai. “Chúng ta có nhiều startup trẻ có nhận thức rõ ràng hơn, cẩn trọng hơn và tham gia sâu hơn vào những nỗ lực cải tiến nhằm đóng góp cho môi trường và xã hội. Niềm khát khao và nhiệt thành của họ sẽ mang lại sự thay đổi mà chúng ta đang rất cần”, Singh nói.

Đồng quan điểm, Nakul Zaveri, đồng đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư khí hậu của LeapFrog Investments, cũng cho rằng: “Có nhiều công nghệ ở Đông Nam Á đang bùng nổ nhờ có giá phải chăng hơn so với các công nghệ bẩn hiện tại, tạo cơ hội cho thị trường áp dụng đại trà”.

Việt Phong

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button