Chuyên gia nói gì trước quyết định thoái lui khỏi mảng điện thoại và TV của Vingroup?
“Thật tiếc cho một thương hiệu Việt. Thế nhưng, rút khỏi mảng smartphone và TV là quyết định đúng đắn trong bối cảnh thế giới đang đối diện với COVID-19 và nạn khan hiếm chip”, một chuyên gia thuộc lĩnh vực công nghệ chia sẻ.
Thông báo rút khỏi mảng smartphone của VinGroup
Ngày 9/5, Vingroup tuyên bố đóng mảng TV và điện thoại di động. Thay vào đó, tập trung phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở, trong đó bao gồm hệ thống thông tin – giải trí – dịch vụ (Infotainment) trên xe VinFast. Tuy nhiên, VinSmart cam kết giữ nguyên chế độ bảo hành, chăm sóc khách hàng với các sản phẩm đã đến tay người dùng.
Ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vingroup, chia sẻ nguyên nhân đằng sau quyết định đột ngột này: “Việc sản xuất điện thoại và TV thông minh không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng. Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô thông minh, nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh… sẽ mang đến nhiều lợi ích và trải nghiệm vượt trội hơn cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này”.
Nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, bán lẻ
Ông Nguyễn Tử Quảng – CEO Bphone, chia sẻ trên VnEconomy: “Sự xuất hiện của Vsmart dù chỉ trong thời gian ngắn với tiềm lực tài chính dồi dào, đã lấy được hơn 10% thị phần smartphone từ tay các hãng nước ngoài. Điều này khẳng định, người Việt Nam chúng ta luôn khao khát và ủng hộ các sản phẩm ‘Make in Việt Nam’, đặc biệt là smartphone”.
Theo ZingNews, ông Nguyễn Thế Kha – Giám đốc Khối Ngành hàng Viễn thông Di động FPT Shop cũng bày tỏ sự tiếc nuối: “FPT Shop và người tiêu dùng sẽ rất tiếc khi các thương hiệu Việt như VinSmart dần rút khỏi thị trường smartphone. Điện thoại của VinSmart có thiết kế đẹp, cấu hình tốt và giá hợp lý. Trong phân khúc dưới 4 triệu đồng, các dòng sản phẩm như Live, Star, hay Joy của Vsmart có khả năng cạnh tranh tốt và hơn hết là được bảo hành đến 18 tháng”.
BizLive trích dẫn nhận định của ông Trần Mạnh Hiệp – Đồng Sáng lập Diễn đàn Tinh Tế: “Khan hiếm chip toàn cầu có thể ảnh hưởng đến họ bởi dù gì VinSmart cũng chưa phải là một công ty làm smartphone có tiềm lực để tích trữ hay gom được nhiều linh kiện trong thời điểm khó khăn này. Việc Vingroup rút khỏi mảng điện thoại sẽ để lại một khoảng trống, rõ ràng, tạo ra cơ hội cho các thương hiệu khác lấp đầy. Và Samsung, OPPO là 2 thương hiệu sáng giá. Bên cạnh đó, dòng điện thoại của Realme cũng đang khởi động mạnh mẽ nên có thể sẽ lấy phần này của Vsmart”.
Đồng quan điểm như trên, ông Mai Triều Nguyên – Giám đốc Trung tâm công nghệ di động Mai Nguyên, nhận định: “Đây là quyết định đúng đắn trong bối cảnh mới khi thế giới đang đối diện với COVID-19 và nạn khan hiếm chip. Trong khi đó một chiếc smartphone cần rất nhiều con chip, vậy nên cả dây chuyền phải chờ đợi một nhà cung ứng. Việc lệ thuộc này chỉ làm tình hình trở nên tệ hơn. Chưa kể việc các nhà cung ứng chip thường ưu tiên các đối tác bán số lượng lớn hơn.
Thêm vào đó, ở ngành điện thoại di động, bán được nhiều chưa chắc mang lại lãi lớn. Vì điều này phụ thuộc nhiều vào giai đoạn kinh doanh, thời điểm và chiến lược kinh doanh của từng hãng. Còn giá của điện thoại Vsmart luôn rẻ hơn đối thủ, thậm chí áp dụng nhiều khuyến mãi để đổi lấy doanh số nên tỷ lệ lợi nhuận khó cao. Thế nên, dù ngân sách đầu tư khá lớn nhưng vì tiếc nuối mà ngâm lâu sẽ càng khổ hơn”.
3 năm hoàng kim của VinSmart
VinSmart ra đời vào tháng 6/2018 và sau gần 3 năm phát triển, thương hiệu ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại, 5 mẫu TV.
Năng lực cạnh tranh của VinSmart được chứng minh qua những con số. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường GfK, tháng 3/2021, thị phần smartphone thương hiệu Vsmart tại Việt Nam là 8,2%, xếp thứ 6 thị trường trong nước. Hơn nữa, VinSmart đạt thị phần 12,1%, lọt nhóm 4 hãng smartphone bán chạy nhất Việt Nam vào tháng 12/2020. Trước đó, vào tháng 10/2020, hãng đứng vị trí thứ 3 với 10,5% thị phần.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Vingroup quyết định rút khỏi một lĩnh vực. Trước đó, năm 2008, Vingroup từng tuyên bố huỷ kế hoạch tham gia vào mảng tài chính dù gần hoàn tất các thủ tục, nhân sự… cần thiết. Hay vào 12/2019, Vingroup chuyển giao 2 chuỗi VinMart và VinMart+ cho Masan, chính thức thoái lui khỏi mảng bán lẻ. Ngoài ra, tham vọng thâm nhập vào ngành hàng không với Vinpearl Air của tập đoàn cũng bị “dập tắt” vào tháng 1/2020, tức chỉ sau 5 tháng công bố.
Thảo Nguyên / Brands Vietnam