Chỉ dẫn địa lý là gì? Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Tháng Hai 10, 2022by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_chi_dan_dia_ly-e1646175679303.jpg

Nước mắm Phú Quốc, Xoài cát Hòa Lộc, Thanh long Bình Thuận,…là những chỉ đẫn địa lý quen thuộc của người Việt Nam. Vậy pháp luật định nghĩa như thế nào là chỉ dẫn địa lý, điều kiện để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là gì?

1. Chỉ dẫn địa lý là gì?

Theo khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019) (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ) thì chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Chỉ dẫn địa lý là gì? Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Ảnh minh họa)

2. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý

Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.

Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

(Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ)

3. Chủ sở hữu chỉ dẫn địa

Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước.

Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

* Sử dụng chỉ dẫn địa lý là việc thực hiện các hành vi sau đây:

– Gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

– Lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán hàng hóa có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ;

– Nhập khẩu hàng hóa có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

(Khoản 4 Điều 121, khoản 7 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ)

4. Điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

(Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ)

5. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

– Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam;

– Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

– Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa;

– Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

(Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ)

Diễm My

Nguồn: thuvienphapluat

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button