Châu Á ngày càng ít phụ thuộc vào phương Tây
Một kỷ nguyên mới của thương mại châu Á đã bắt đầu, một kỷ nguyên sẽ định hình lại tương lai kinh tế và chính trị của lục địa này.
700 năm trước, các tuyến đường thương mại hàng hải trải dài từ bờ biển Nhật Bản đến Biển Đỏ tràn ngập những con thuyền buồm đến từ Ả Rập, Trung Quốc và Java, vận chuyển gốm sứ, kim loại quý và hàng dệt may khắp khu vực. Tại trung tâm của cung đường này lúc bấy giờ, một trạm buôn bán được gọi là Singapura đã phát triển mạnh, mãi cho đến khi những thuỷ thủ từ các đế chế châu Âu tràn vào mạng lưới thương mại nội Á khổng lồ và mở ra một chân trời mới cho các mặt hàng châu Á.
Công xưởng châu Á thành hình
Ngày nay, một sự tái cơ cấu khác lại đang thành hình. Có thể kể đến như mô hình “Nhà máy châu Á” vào cuối thế kỷ XX, đã mang lại động lực đáng kinh ngạc cho sự thịnh vượng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 1990, chỉ có 46% thương mại của châu Á diễn ra trong lục địa, trong khi một lượng lớn hàng hóa chảy sang phương Tây. Tuy nhiên, đến năm 2021, con số đó đã lên tới 58%, gần hơn với mức 69% của châu Âu. Thương mại khu vực diễn ra nhiều hơn cũng dẫn đến sự gia tăng dòng vốn, ràng buộc các quốc gia chặt chẽ hơn. Một kỷ nguyên mới của thương mại châu Á đã bắt đầu, một kỷ nguyên sẽ định hình lại tương lai kinh tế và chính trị của lục địa này.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nhà đầu tư châu Á hiện sở hữu 59% FDI trong khu vực, không kể các trung tâm tài chính Hồng Kông và Singapore, tăng từ 48% vào năm 2010.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, hoạt động ngân hàng xuyên biên giới cũng mang tính chất châu Á hơn. Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, các ngân hàng địa phương chiếm khoảng 1/3 lượng cho vay nước ngoài của khu vực. Giờ đây họ chiếm hơn một nửa, nhân cơ hội các cơ quan tài chính phương Tây rút lui, và các ngân hàng nhà nước khổng lồ của Trung Quốc dẫn đầu số này.
Sự hiện diện của các chính phủ phương Tây cũng đã giảm bớt. Trong một cuộc khảo sát gần đây với các nhà nghiên cứu, doanh nhân và nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á do Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore thực hiện, khoảng 32% số người được hỏi nghĩ Mỹ là cường quốc chính trị có ảnh hưởng nhất trong khu vực. Tuy nhiên, chỉ có 11% thật sự gọi Mỹ nền kinh tế có ảnh hưởng nhất. Trong khi đó, đầu tư do nhà nước dẫn đầu từ Trung Quốc đến phần còn lại của lục địa theo Sáng kiến Vành đai và Con đường đã thu hút được sự chú ý, đồng thời chính sách và đầu tư do chính phủ hỗ trợ từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tăng lên.
Những xu hướng này có khả năng tăng tốc trong thời gian tới. Trước mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc, các công ty trong khu vực phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc đang xem xét các lựa chọn thay thế ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Đồng thời, rất ít chủ doanh nghiệp dự kiến sẽ rời bỏ hoàn toàn Trung Quốc, nghĩa là sẽ cần đến hai chuỗi cung ứng tại châu Á, cùng với việc tăng gấp đôi đầu tư. Các thỏa thuận thương mại sẽ đẩy nhanh quá trình này.
Những thay đổi về xu hướng tiết kiệm và nhân khẩu học ở châu Á cũng sẽ đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế. Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã leo lên hàng ngũ các nhà đầu tư nước ngoài, trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới.
Năm 2011, các nước giàu và lâu đời hơn ở châu Á đã đầu tư khoảng 329 tỉ USD, tính theo thời giá ngày nay, vào các nền kinh tế trẻ hơn và nghèo hơn như Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Một thập kỷ sau, con số đó đã tăng lên 698 tỉ USD.
Con đường tơ lụa
Theo ông Raghu Narain từ ngân hàng đầu tư Natixis: “Ở Ấn Độ và Đông Nam Á, quá trình đô thị hóa vẫn đang diễn ra và nguồn vốn đi theo những xu hướng đó”. Các thành phố lớn hơn không chỉ đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng mà còn cần có các công ty mới phù hợp hơn với cuộc sống đô thị.
Trong khi đó, mức tiêu dùng ngày càng tăng ở châu Á khiến nền kinh tế địa phương trở thành thị trường hấp dẫn hơn. Theo công ty nghiên cứu World Data Lab, trong số 113 triệu người dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp tiêu dùng toàn cầu vào năm tới (chi hơn 12 USD/ngày tính theo USD năm 2017, được điều chỉnh theo sức mua), khoảng 91 triệu người sẽ ở châu Á.
Ngay cả khi tăng trưởng thu nhập của Trung Quốc chậm lại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng, các quốc gia khác sẽ tăng tốc. Năm nền kinh tế lớn nhất ASEAN, cụ thể là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, dự kiến sẽ chứng kiến nhập khẩu tăng 5,7% mỗi năm từ năm 2023-2028, tốc độ nhanh nhất so với bất kỳ khu vực nào (xem biểu đồ 3).
Các liên kết thương mại chặt chẽ hơn sẽ gắn kết chu kỳ kinh doanh của các nền kinh tế châu Á chặt chẽ hơn nữa. Bất chấp việc sử dụng USD lâu dài trong các giao dịch xuyên biên giới và các nhà đầu tư châu Á tiếp tục bị thu hút bởi các thị trường được niêm yết ở phương Tây, một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á vào năm 2021 đã kết luận rằng các nền kinh tế châu Á hiện dễ bị ảnh hưởng bởi tác động lan tỏa từ các cú sốc kinh tế ở Trung Quốc hơn so với ở Mỹ. Điều này đã được thể hiện trong những tháng gần đây khi thương mại chững lại của Trung Quốc ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu ở Hàn Quốc và Đài Loan.
Tuy Mỹ sẽ duy trì ảnh hưởng đối với an ninh châu Á nhưng tầm quan trọng về kinh tế của nước này sẽ suy giảm. Kỷ nguyên mới của thương mại châu Á sẽ tập trung vào địa phương hơn và ít hướng về phương Tây hơn.
Hân Nguyễn
Nguồn: nhipcaudautu