Tháng Tư 12, 2025
68b5e14b-7c80-4e5a-9c38-5d54aa21df38.png

Tổng thống Trump cho biết mức thuế chung 10% với đa số các quốc gia chỉ là ‘mức sàn’, và sẽ có những trường hợp ngoại lệ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trên chuyên cơ Không lực Một trên đường đến sân bay quốc tế Palm Beach, Florida, ngày 11-4 – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11-4 cho biết “mức thuế quan 10% là mức sàn, hoặc gần với mức sàn và có thể có một vài trường hợp ngoại lệ”.

Trước đó ngày 9-4 (giờ địa phương), Tổng thống Trump đăng tải bài viết lên Truth Social thông báo hoãn thuế đối ứng với nhiều quốc gia trong vòng 90 ngày, các nước này theo đó sẽ chịu mức thuế chung 10%.

Tuy nhiên đối với Trung Quốc, ông Trump quyết định tăng mức thuế quan từ 104% lên 125%.

Tính đến hết ngày 11-4, thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc tổng cộng là 145% sau đợt tăng mới nhất – thông tin được Nhà Trắng xác nhận với Đài CNBC.

Về phía Trung Quốc, nước này ngay lập tức trả đũa Mỹ bằng cách tăng mức thuế nhập khẩu lên 125% đối với hàng Mỹ, có hiệu lực từ 12-4.

Giữa cuộc chiến thuế quan căng thẳng, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn lạc quan về việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cảnh báo rủi ro phía Mỹ có thể gặp nếu tiếp tục theo đuổi chiến tranh thương mại.

“Nếu Mỹ vẫn muốn chơi trò tính toán con số với thuế quan, Trung Quốc sẽ không để tâm. Tuy nhiên, nếu Mỹ vẫn cố tình gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả và chiến đấu đến cùng” – Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố.


Tháng Tư 10, 2025
z6490362938563_63cdf3604a2be62f77214c02ff608d5b.jpg

Khi được báo chí hỏi, ông Trump nói sẵn lòng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chỉ vài giờ sau khi nhà lãnh đạo Mỹ nâng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh: AFP

“Chắc chắn rồi! Ông ấy là bạn của tôi. Tôi thích ông ấy” – ông Trump trả lời khi được một phóng viên hỏi liệu ông có cân nhắc nói chuyện hoặc gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc hay không.

“Đối với Chủ tịch Tập, tôi thích ông ấy, tôi tôn trọng ông ấy, chắc chắn tôi sẽ gặp ông ấy” – báo Wall Street Journal dẫn lại lời ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 9-4.

Trước đó cùng ngày, trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump thông báo sẽ tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 104% lên 125%, đồng thời sẽ tạm dừng áp thuế quan đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia/vùng lãnh thổ đã không trả đũa Mỹ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận trong thời hạn 90 ngày, các nước này sẽ đồng loạt chịu mức thuế 10%. Chính quyền ông Trump giờ đây sẽ đàm phán với các nước này.

“Tôi đã nói với họ rằng nếu các vị trả đũa, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi thuế. Và đó là những gì tôi đã làm với Trung Quốc, bởi vì họ đã trả đũa. Vì vậy, chúng ta sẽ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào. Tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ diễn ra tuyệt vời” – ông Trump giải thích.

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” nếu Washington tiếp tục tung ra các mức thuế cao. Bắc Kinh đã thông báo sẽ áp mức thuế 84% với hàng hóa Mỹ từ ngày 10-4.

Trong bài phát biểu công khai đầu tiên của mình vào ngày 9-4 kể từ khi thương chiến Mỹ – Trung leo thang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường mối quan hệ chiến lược với các nước láng giềng bằng cách xử lý thỏa đáng các khác biệt và tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh rằng với ý chí kiên định và phương tiện dồi dào, Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đáp trả và chiến đấu đến cùng nếu Mỹ nhất quyết tiếp tục leo thang các biện pháp hạn chế kinh tế và thương mại.


Tháng Tư 9, 2025
ChatGPT-Image-09_12_05-9-thg-4-2025-1280x853.png

Mỹ sẽ tăng thuế thêm 50% với hàng hóa nhập từ Trung Quốc từ ngày 9/4, đúng như đe dọa của Tổng thống Trump trước đó.

Thông tin này được một quan chức Nhà Trắng xác nhận với CNBC. Bloomberg cũng đăng tải thông tin tương tự – Mỹ áp thuế 104% với hàng hóa Trung Quốc từ 12h01 ngày 9/4 (giờ Mỹ). Tại cuộc họp báo, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tiếp tục nhắc lại về thời điểm thuế 104% với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực từ 9/4.

Cách đây 2 hôm, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế bổ sung 50% với hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không rút lại thuế trả đũa. Như vậy, tổng mức thuế hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ phải chịu lên tới 104%.

Tổng thống Mỹ cho biết đã chờ đợi phản hồi của Trung Quốc trước khi mức thuế này có hiệu lực, nhưng các quan chức khác trong chính quyền của ông không ưu tiên đàm phán với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cố vấn kinh tế Kevin Hassett nói được chỉ đạo ưu tiên đàm phán cùng các đồng minh, đối tác thương mại như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng cho thấy tín hiệu sẽ không nhượng bộ trước đòn thuế của ông Trump. Bộ Thương mại nước này cho biết đe dọa của Mỹ là “sai lầm chồng chất sai lầm” và kêu gọi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời, cơ quan này cho biết Trung Quốc sẽ đáp trả đến cùng nếu Mỹ tăng thuế thêm 50%.

Tại cuộc điện đàm với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) hôm 8/4, Thủ tướng Lý Cường cũng nói rằng Trung Quốc có đủ công cụ chính sách trong tay ứng phó với bất kỳ cú sốc nào từ bên ngoài. Cùng với đó, ông khẳng định Trung Quốc tự tin duy trì tăng trưởng kinh tế lành mạnh, bền vững và tiếp tục mở cửa.

Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc cuối tuần trước, nước này sẽ áp thuế 34% vào hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4. Trung Quốc cũng bổ sung 11 công ty Mỹ vào “danh sách thực thể không đáng tin”, với lý do vi phạm các quy định thị trường. Bộ Thương mại nước này còn đưa thêm 16 doanh nghiệp Mỹ vào danh sách hạn chế xuất khẩu, đồng thời áp dụng kiểm soát xuất khẩu với 7 kim loại liên quan đến đất hiếm.

Những thông tin về mức thuế 104% với hàng Trung Quốc vào Mỹ đã làm thị trường chứng khoán, hàng hóa u ám hơn. Đến đầu giờ chiều 8/4 (giờ Mỹ), giá dầu thô giảm hơn 1% dù trước đó tăng nhẹ vào đầu phiên giao dịch. Tương tự, chỉ số S&P 500 cũng đã sụt giảm sau khi tăng gần 4% lúc mở cửa


Tháng Tư 3, 2025

Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có Việt Nam…

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan có đi có lại vào ngày 2/4 tại Nhà Trắng – Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 tuyên bố áp thuế quan có đi có lại – hay còn gọi là thuế đối ứng – ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn. Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Động thái này là bước leo thang mới của cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi động sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay. Theo hãng tin Reuters, việc đánh thuế quan trên diện rộng sẽ dựng lên những hàng rào thương mại mới xung quanh nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất trên thế giới, đảo ngược hàng thập kỷ tự do hóa thương mại đã định hình nên trật tự toàn cầu hiện tại. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ được cho là sẽ có biện pháp đáp trả bằng cách áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ, dẫn tới giá cả của nhiều hàng hóa từ xe đạp cho tới rượu vang sẽ tăng cao hơn ở các quốc khác.

Phản ánh mối lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ và toàn cầu, thị trường chứng khoán Mỹ bán tháo sau tuyên bố của ông Trump. Trước đó, giá cổ phiếu ở Phố Wall đã trượt dốc trong nhiều tuần do nhà đầu tư bất an về tăng trưởng, lạm phát và lợi nhuận của các công ty niêm yết. Từ tháng 2 tới nay, chứng khoán Mỹ đã mất gần 5 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường.

“Đây là tuyên ngôn độc lập của chúng tôi”, ông Trump nói tại một sự kiện được tổ chức tại Vườn Hồng của Nhà Trắng.

Theo kế hoạch được công bố, Trung Quốc sẽ bị áp thuế quan đối ứng 34% ngoài thuế quan bổ sung 20% mà ông Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống này của ông. Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng không tránh được thuế đối ứng, như Liên minh châu Âu (EU) bị áp mức thuế 20%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc 25%… Việt Nam bị áp mức thuế 46%.

Một quan chức Nhà Trắng đề nghị không tiết lộ danh tính cho biết thuế quan đối ứng với thuế suất cao hơn sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4 và sẽ áp dụng với khoảng 60 quốc gia. Mức thuế cơ sở 10% sẽ có hiệu lực từ ngày thứ Bảy (5/4).

Ông Trump nói thuế quan có đi có lại là sự đáp trả đối với thuế quan và các hàng rào phi thuế quan mà các quốc gia khác áp lên hàng hóa Mỹ. “Trong nhiều trường hợp, bạn còn tệ hơn cả thù xét về thương mại”, ông nói.

Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, do đã bị áp thuế quan 25% từ trước nên sẽ không bị áp thêm thuế quan đối ứng. Thuế này cũng không áp lên một số hàng hóa nhất định, gồm kim loại đồng, dược phẩm, con chip, gỗ, vàng, năng lượng và “một số khoáng sản không sẵn có tại Mỹ” – theo một tài liệu của Nhà Trắng.

Sự kiện công bố thuế đối ứng của ông Trump tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 2/4 – Ảnh: Reuters.

Sau khi công bố thuế đối ứng, ông Trump ký một sắc lệnh nhằm xóa lỗ hổng cho đến nay vẫn được cho là bị lợi dụng để vận chuyển những gói hàng giá trị thấp, từ 800 USD trở xuống, vào Mỹ mà không phải chịu thuế quan. Sắc lệnh này bao trùm hàng hóa gửi từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, có hiệu lực từ ngày 2/5 – Nhà Trắng cho biết.

Một quan chức trong lĩnh vực phòng chống ma túy của Mỹ nói rằng các nhà sản xuất hóa chất của Trung Quốc là nguồn cung ứng lớn nhất nguyên liệu thô cho các tổ chức tội phạm của Mexico để các tổ chức này sản xuất chất gây nghiện rồi tuồn vào Mỹ. Một cuộc điều tra của Reuters vào năm ngoái đã cho thấy các tổ chức buôn lậu thường đưa các hóa chất này vào Mỹ bằng cách lợi dụng quy định về gói hàng nhỏ – gọi là quy định “de minimis”. Phía Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc này.

Ông Trump cũng đang có kế hoạch đánh thuế quan đối với một số ngành hàng cụ thể gồm con chip, dược phẩm và thậm chí các khoáng sản quan trọng – vị quan chức cho biết. Thuế quan 25% mà ông Trump áp lên ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu vào tuần trước sẽ có hiệu lực từ ngày thứ Năm tuần này.

Trước đó, trong nhiệm kỳ thứ hai này, ông đã áp thuế quan 20% lên Trung Quốc, 25% lên Mexico và Canada, và 25% lên tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Theo quan điểm của ông Trump, thuế quan là công cụ hiệu quả để giải quyết một loạt vấn đề lớn của Mỹ, gồm mất cân đối thương mại, chống chất gây nghiện fentanyl, kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp, và khôi phục nền sản xuất Mỹ. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế cảnh báo thuế quan có thể khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc, đẩy cao nguy cơ suy thoái và khiến chi phí sinh hoạt của hộ gia đình trung bình ở Mỹ tăng thêm hàng nghìn USD mỗi năm. Doanh nghiệp phàn nàn rằng bấp bênh về thuế quan khiến họ khó lên kế hoạch sản xuất – kinh doanh hơn.

Thuế quan của ông Trump cũng đã khiến hoạt động sản xuất trên toàn cầu giảm tốc, đồng thời khiến người tiêu dùng Mỹ chạy đua mua ô tô và nhiều sản phẩm nhập khẩu khác vì lo ngại những hàng hóa này sẽ tăng giá chóng mặt sau khi thuế quan được áp.


Tháng Ba 31, 2025
d65abd31-28c4-4a5e-969f-55686b78671e.png

Giá kim loại quý tăng vọt, nhưng chiến tranh thương mại và biến động khai thác, khiến KSV chỉ đặt mục tiêu lãi 1.000 tỷ đồng năm nay, giảm 20% so với năm 2024.

Theo tài liệu đại hội cổ đông năm nay, Tổng Công ty Khoáng sản TKV (KSV) dự kiến tổng doanh thu đạt 12.619 tỷ đồng, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, giảm từ 5-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp đặt kế hoạch thụt lùi do khai thác biến động, chiến tranh thương mại và giá nguyên liệu đầu vào không ổn định.

Năm nay, sản lượng khai thác dự kiến của công ty gồm 60.716 tấn quặng đồng, 30.000 tấn đồng cathode, 173.681 tấn quặng sắt, 806 kg vàng, 751 kg bạc…

KSV đặt mục tiêu khép lại kế hoạch 5 năm (2021 – 2025) với doanh thu hợp nhất 55.117 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.191 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, công ty định hướng doanh thu 65.815 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.626 tỷ đồng. Trước diễn biến giá vàng tăng, công ty lên kế hoạch sản xuất 4.682 kg vàng.

Bình quân mỗi năm, KSV sản xuất hơn 900 kg vàng. Hiện vàng chiếm 10-15% doanh thu công ty, trong khi đồng là nguồn thu chính với tỷ lệ 50-60%, tiếp theo là quặng sắt (15-20%). Đây cũng là doanh nghiệp khai thác và sản xuất vàng hiếm hoi niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội.

Tổng công ty Khoáng sản TKV trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), doanh nghiệp hàng đầu trong nước về khai thác, tuyển luyện và chế biến khoáng sản kim loại màu như đồng, kẽm, chì, vàng, bạc… Đơn vị này cũng quản lý và khai thác mỏ Đông Pao, mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước.

So với các doanh nghiệp cùng ngành, KSV có lợi thế trong chế biến sâu kim loại như đồng, kẽm, thiếc, vàng với quy mô lớn, trong khi nhiều đơn vị khác chủ yếu sản xuất tinh quặng hoặc có công suất chế biến thấp.

Cổ phiếu của KSV đã tăng từ 34.000 đồng lên gần 300.000 đồng giai đoạn cuối tháng 7/2024 đến tháng 2/2025, trước khi điều chỉnh về 190.000 đồng trong phiên giao dịch ngày 31/3.

Năm 2024, KSV ghi nhận doanh thu hợp nhất 13.277 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.219 tỷ đồng. Doanh nghiệp đóng góp ngân sách 1.697 tỷ đồng và tạo việc làm cho 5.015 lao động, với thu nhập bình quân 16,5 triệu đồng một tháng.


Tháng Ba 30, 2025
487063181_636694356014235_4194005709217827780_n.png

Khi vàng neo ở mức đỉnh, chuyên gia khuyên người dân cân nhắc gửi tiền tiết kiệm, song song đầu tư trái phiếu và cổ phiếu – những kênh có hiệu suất tốt.

Chốt phiên giao dịch ngày 28/3, mỗi lượng vàng miếng SJC lập kỷ lục 100,7 triệu đồng. Giá vàng trong nước đi lên trong bối cảnh kim loại quý trên thị trường quốc tế thiết lập đỉnh mới 3.077 USD. Nguyên nhân được cho là nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và chứng khoán đi xuống.

Hiện tại, người dân muốn mua vàng miếng phải tới các cửa hàng của SJC và các nhà băng quốc doanh, họ cũng phải đặt trước qua kênh trực tuyến. Tình trạng giao dịch không thông suốt vẫn có nhưng chỉ ở mức cục bộ và tùy thời điểm. Song nhiều người dân chuộng mua, bán qua “chợ đen”, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khi dự báo về giá vàng năm nay, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA), khuyên những ai chưa sở hữu có thể phân bổ 10% danh mục vào kênh này. Còn với người dân đã có vàng, ông khuyên nên cân nhắc nếu mua tiếp ở vùng giá cao.

Theo bà Lại Thị Thanh Nga, cố vấn tài chính thuộc FIDT, giá vàng neo cao cũng là lúc nhà đầu tư có thể nhìn sang những hướng đầu tư mới. Bởi lẽ nếu tình hình thế giới ổn định hoặc có sự can thiệp của Nhà nước, giá có thể giảm. Đơn vị tư vấn và quản lý hơn 15.700 tỷ đồng tài sản này gợi ý nếu không mua vàng, nhà đầu tư có thể tham khảo các kênh như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu.

Tiền gửi ngân hàng là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp. Năm 2025, lãi suất tiền gửi tại các nhà băng tăng nhẹ nhờ chính sách điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, nhưng vẫn chỉ quanh mức 5-6% mỗi năm. So với các kênh khác, con số này không quá nổi bật. Tuy nhiên, điểm cộng là người gửi không phải lo lắng về rủi ro, tiền luôn được giữ an toàn.

Chuyên gia khuyên có thể gửi tối đa khoảng 20-30% tài sản với kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm để có khoản dự phòng linh hoạt, dễ rút ra khi cần.*Eximbank: Lãi suất online áp dụng cuối tuần, *Woori Bank: Có điều kiện kèm theo, *VIB: kỳ hạn 11 tháng
Song song đó, trái phiếu doanh nghiệp cũng là kênh có lãi suất hấp dẫn. Trong bối cảnh lợi suất vượt trội so với lãi suất tiết kiệm, thường khoảng 7-10% mỗi năm, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro tăng trưởng và cân bằng được khuyến nghị cân nhắc phân bổ 5-10% danh mục tài sản vào các trái phiếu doanh nghiệp an toàn. Đây là cơ hội để tận dụng mức lợi suất hấp dẫn và cải thiện hiệu quả đầu tư.

Nếu chọn tự tham gia, nhà đầu tư nên mua trái phiếu riêng lẻ từ các công ty lớn, có uy tín. Ngoài ra, đầu tư qua chứng chỉ quỹ trái phiếu cũng là lựa chọn tốt vì đã có các chuyên gia thay chúng ta quản lý.

Kênh tài sản đáng cân nhắc tiếp theo là cổ phiếu, được xem như cơ hội cho người kiên nhẫn. Theo thống kê của VnExpress từ đầu năm, đa số nhóm phân tích dự báo VN-Index sẽ đóng cửa cả năm thấp nhất trên 1.300 điểm, cao nhất có thể tiệm cận 1.500 điểm. Cơ sở cho các kịch bản đến từ dự phóng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khả quan, kinh tế phát triển nhanh hơn, chính sách tài khóa tiếp tục nới lỏng. Một số đơn vị còn dựa vào tốc độ giải ngân đầu tư công dự kiến nhanh gọn và khả năng nâng hạng thị trường đang đến gần.

Theo tính toán của FIDT nếu chọn đúng, nhà đầu tư có thể đạt mức sinh lời 10-15% mỗi năm, thậm chí cao hơn. Chuyên gia gợi ý nên dành 50-60% tài sản cho chứng khoán nếu sẵn sàng chờ đợi kết quả sau vài năm.

Ngoài việc trực tiếp mua, sự lựa chọn an toàn cho những người mới là các quỹ mở cổ phiếu hoặc quỹ ETF – nơi giao tiền cho chuyên gia quản lý, không cần tự mình theo dõi quá nhiều. Tuy nhiên khi kinh tế có dấu hiệu chững lại, nên giảm bớt tỷ lệ này để bảo vệ số tiền đã kiếm được.

Với những ai muốn dành trọn tiền nhàn rỗi cho chứng khoán, ông Nguyễn Đại Hiệp, Giám đốc Tư vấn khách hàng cá nhân của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), gợi ý ở góc nhìn cân bằng, nhà đầu tư có thể chia làm hai.

Một nửa rót vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng dài hạn (trên 1 năm), hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và phục hồi chính sách như ngân hàng (VCB, ACB); bất động sản khu công nghiệp (SZC, LHG); bất động sản dân dụng (KDH); thép (HPG); logistic (GMD)… Số còn lại rót vào nhóm ngắn hạn như chứng khoán (SSI, HCM); xây dựng (CTD), đầu tư công (VCG) hay các cổ phiếu liên quan giá hàng hóa (cao su, vận tải biển, chăn nuôi heo) để bắt sóng theo chu kỳ và tâm lý thị trường.

Tuy nhiên, chuyên gia VDSC lưu ý cần tránh mua đuổi theo tin tức khi thị trường đang ở vùng nhạy cảm quanh ngưỡng kháng cự 1.340-1.350 điểm. Thay vào đó, nhà đầu tư tập trung vào định giá và nhóm cổ phiếu ở các ngành trên, những mã có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Nhà đầu tư nên cân nhắc cả rủi ro biến động của tỷ giá, động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump để phân bổ danh mục ngắn hạn cho hợp lý.

“Thực tế còn tùy vào điều kiện tài chính, kinh nghiệm và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, nên tìm các cơ hội mà ở đó sự bất định cao nhưng rủi ro ở mức thấp”, ông Hiệp nhấn mạnh.


Tháng Ba 28, 2025
d1bc0215-2c69-4966-8baf-96c23bd9c8da.png

Giá FIT giảm từ 9,35 cent xuống 7,09, thậm chí 4,8 cent một kWh khiến doanh nghiệp FDI đầu tư điện mặt trời lo nguy cơ mất vốn, rời khỏi thị trường Việt Nam.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2023 cho biết, một số dự án điện mặt trời được hưởng giá FIT (khuyến khích ưu đãi) với mức 9,35 cent một kWh trong 20 năm là không đúng quy định, nên phải xác định lại giá mua điện.

Theo đó, giá mua điện có thể giảm từ mức FIT1 9,35 cent một kWh (tương đương 2.231 đồng) xuống FIT2 7,09 cent một kWh (1.692 đồng), hoặc mức giá thấp hơn như các dự án chuyển tiếp 4,8 cent, tức giảm từ 24-47% so với mức giá Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang mua.

Bộ Công Thương tính toán rằng, mức giá tính lại trên phản ánh đúng chi phí đầu tư và vận hành. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng mức này chưa phù hợp với thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất vay vốn tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Tại buổi chia sẻ của doanh nghiệp FDI đầu tư điện tái tạo ở TP HCM ngày 28/3, ông Trần Minh Tiến, Giám đốc điều hành nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1-2 và Mỹ Sơn 1-2 của Bangkok Glass Energy (BGE), cho biết công ty đang đối mặt nguy cơ phá sản nếu giá FIT bị điều chỉnh.

BGE đầu tư các dự án này theo giá FIT 1 nhưng hiện tại có nguy cơ bị áp giá FIT 2, tức chỉ còn 7,09 cent một kWh thay vì 9,35 cent như trước. Hơn nữa, công ty mua lại dự án từ đối tác khác với suất đầu tư cao hơn, dẫn đến thua lỗ nghiêm trọng nếu bị điều chỉnh giá.

Cùng chung nỗi lo, đại diện B.Grimm Power Việt Nam (nhà đầu tư Thái Lan) cho biết hai dự án của họ với công suất 500 MWp đang bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty vay vốn từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV để đầu tư. Nếu áp dụng giá FIT 2 hoặc mức giá thấp hơn như các dự án chuyển tiếp (4,8 cent một kWh), doanh nghiệp sẽ không thể hoàn vốn và không có khả năng trả nợ.

Không chỉ BGE hay B.Grimm Power, Dragon Capital – quỹ đầu tư nước ngoài có ba dự án điện tái tạo tại Việt Nam – cũng chưa nhận được thanh toán từ tháng 9/2023.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc đầu tư mảng năng lượng sạch của Dragon Capital, cho rằng việc hồi tố giá FIT dựa trên ngày cấp văn bản nghiệm thu là thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng. Hiện công ty mẹ tại Singapore đang phải hỗ trợ tài chính để trả nợ cho một dự án 40 MWp tại Việt Nam, nhưng nếu tình hình không được giải quyết, họ sẽ không thể tiếp tục đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có 173 nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới gặp tình huống này. Trong đó, có gần 150 dự án điện mặt trời tập trung đang hoạt động trên hệ thống điện quốc gia.

Khoảng một phần ba số dự án có tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu (Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh) và châu Á (Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc). Tổng giá trị đầu tư của các dự án sở hữu nước ngoài ước khoảng 4 tỷ USD, gồm hơn 3.600 MWp điện mặt trời và 160 MW điện gió.

Các doanh nghiệp FDI nói rằng họ đến Việt Nam với kỳ vọng vào môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định. Tuy nhiên, những thay đổi chính sách gần đây khiến họ phải cân nhắc việc tiếp tục đầu tư. Một số công ty thậm chí đang xem xét thoái vốn khỏi các dự án điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam.

Về mặt pháp lý, các doanh nghiệp cho rằng họ đã tuân thủ hợp đồng mua bán điện (PPA) ký với EVN, trong đó ngày vận hành thương mại (COD) đã được công nhận. Quy định về việc phải có văn bản nghiệm thu từ Bộ Công Thương hoặc cơ quan có thẩm quyền mới chỉ được đưa ra từ Thông tư 10/2023, trong khi hầu hết dự án này đã vận hành từ trước hoặc trong năm 2021.

Ngoài ra, việc so sánh giá FIT của Việt Nam với các nước khác để làm căn cứ điều chỉnh bị các nhà đầu tư đánh giá là thiếu hợp lý. Chẳng hạn, Campuchia có lãi suất thấp hơn, chi phí đầu tư rẻ hơn, trong khi tại Việt Nam, lãi suất cho vay từng lên đến 10-11% giai đoạn 2018-2019, doanh nghiệp phải chịu rủi ro tỷ giá và chi phí thuê đất cao. Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính quốc tế, mức giá FIT tối thiểu để đảm bảo hiệu quả đầu tư điện mặt trời cần đạt từ 9,6-10 cent một kWh.

Các doanh nghiệp FDI đề xuất Chính phủ giữ nguyên mức giá FIT như cam kết ban đầu, không áp dụng hồi tố. Họ cũng mong EVN đảm bảo thanh toán đầy đủ và đúng hạn. Nếu không, nguy cơ dòng vốn FDI rút khỏi Việt Nam sẽ trở thành hiện thực, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư cũng như sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo trong nước.

Hồi tháng 3, một số hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng đã kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công Thương về việc duy trì tính ổn định và nhất quán của chính sách giá điện tái tạo. Ước tính của các doanh nghiệp, việc này có thể dẫn đến thiệt hại gần 100% vốn chủ sở hữu của các dự án, tương ứng hơn 13 tỷ USD. Họ nhấn mạnh rằng những thay đổi bất ngờ trong chính sách sẽ làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư trong tương lai.


Tháng Ba 26, 2025
z6442917416207_9d386db505486b6b1b0180f00117fc9e.jpg

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng nhập khẩu như ôtô, gỗ, khí hóa lỏng LNG, sản phẩm nông nghiệp (đùi gà, cherry, táo).

Thông tin được ông Nguyễn Quốc Hưng, Cục trưởng Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) chia sẻ ngày 25/3.

Ông Hưng cho hay tại dự thảo nghị định sửa Nghị định 26/2023 về điều chỉnh thuế suất, cơ quan này đề nghị giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với một số nhóm mặt hàng.

MFN là mức thuế suất áp dụng cho các nước trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc điều chỉnh thuế này là một trong các giải pháp nhằm ứng phó trong bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu.

Biểu thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng dự kiến giảm:

Mặt hàng Thuế suất MFN hiện hành (%) Mức điều chỉnh dự kiến (%)
Một số loại ôtô 45-64 32
Ethanol 10 5
Đùi gà đông lạnh 20 15
Hạt dẻ cười 15 5
Hạnh nhân 10 5
Táo tươi 8 5
Anh đào ngọt (cherry) 10 5
Nho khô 12 5
Một số mặt hàng gỗ 20-25 5
Khí hóa lỏng (LNG) 5 2
Ethane 0

Như vậy, với mức thuế nhập khẩu MFN được dự kiến điều chỉnh, nhiều mặt hàng từ thị trường, như Mỹ, sẽ hưởng lợi. Hiện Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện – mức cao nhất trong hệ thống quan hệ ngoại giao – với 12 quốc gia, gồm Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Malaysia, Indonesia và Singapore.

Trừ Mỹ, 11 nước trong số này đã nằm trong các Hiệp định thương mại song, đa phương và Việt Nam là thành viên nên được hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Việt Nam – Mỹ ký Hiệp định thương mại song phương từ 2001, nhưng chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) về cắt giảm thuế quan. Do đó, Mỹ vẫn là đối tác chịu mức thuế MFN áp chung cho các quốc gia thành viên WTO.

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN với một số mặt hàng là cần thiết, đảm bảo đối xử công bằng giữa các Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam.

Cùng với đó, việc giảm thuế cũng giúp Việt Nam thích ứng linh hoạt với tình hình thế giới, khu vực nhằm đạt các mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Việc này còn góp phần cải thiện cán cân thương mại với các đối tác thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hàng nhập khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa.

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định việc điều chỉnh đảm bảo nguyên tắc giảm thuế nhập khẩu với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhà điều hành cũng điều chỉnh thuế nhập khẩu với các mặt hàng có kim ngạch nhập cao. Trong đó, mức thuế suất điều chỉnh không thấp hơn các mức thuế suất của các FTA mà Việt Nam là thành viên, theo Bộ Tài chính.


Tháng Ba 25, 2025
z6439469986347_1cd40366e0bdd43c79397ff4212d8914.jpg

Ngày 24/3, Tổng thống Mỹ công bố sắc lệnh bất kỳ quốc gia nào mua dầu, khí từ Venezuela sẽ chịu thuế nhập khẩu 25% khi bán hàng vào Mỹ.

Thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 2/4, áp dụng đồng thời với các loại thuế hiện hành. Ông Trump cho rằng Venezuela đã đưa “hàng chục nghìn người có bản chất rất bạo lực” vào Mỹ.

Các nước mua dầu Venezuela qua bên thứ ba cũng phải chịu thuế. Thuế này sẽ hết hiệu lực sau 1 năm kể từ lần cuối nước đó mua dầu.

Trung Quốc hiện là khách mua lớn nhất của dầu Venezuela. Tháng trước, nước này nhập khẩu 503.000 thùng dầu thô và nhiên liệu mỗi ngày từ quốc gia Nam Mỹ, tính cả trực tiếp và gián tiếp. Con số này chiếm khoảng 55% xuất khẩu dầu củaVenezuela.

Ấn Độ, Tây Ban Nha, Italy và Cuba cũng mua dầu từ nước này.

David Goldwyn – Giám đốc hãng tư vấn Goldwyn Global Strategies cho biết động thái trên có thể tác động mạnh đến xuất khẩu dầu của Venezuela, buộc nước này giảm giá mạnh. Tuy nhiên, chính sách này khiến nhu cầu dầu Nga tăng cao. “Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không mạo hiểm để phải gánh thêm thuế nhập khẩu, khi mà họ có thể mua dầu Nga”, ông nói.

Chính phủ Venezuela phản đối chính sách thuế mới của Mỹ. Trong thông cáo hôm 24/3, họ cho biết đây là chính sách “phi pháp, tuyệt vọng, cho thấy sự thất bại của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Venezuela”.

Dù vậy, chính quyền Trump cũng lùi hạn chót cho hãng dầu Mỹ Chevron về việc rút khỏi quốc gia Nam Mỹ. Đầu tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ cho Chevron thời hạn 30 ngày để giảm dần hoạt động tại đây. Ông Trump cho rằng Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro không nỗ lực cải tổ việc bầu cử và tiếp nhận người di cư bị Mỹ trục xuất.

Hạn chót mới cho Chevron là ngày 27/5. Sau đó, Bộ Tài chính Mỹ chấm dứt giấy phép đã cấp cho công ty này năm 2022. Giấy phép này cho phép họ hoạt động tại Venezuela và xuất khẩu dầu sang Mỹ.

Giá dầu thô thế giới tăng hơn 1% sau thông tin này. Dầu thô Brent thêm 1,2% lên 73 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI tăng 1,2% lên 69,1 USD.


Tháng Ba 24, 2025
dam-ca-mau-1280x853.jpg

Thu nhập bình quân mỗi tháng của một nhân viên Đạm Cà Mau đạt 55 triệu đồng, vượt nhiều ngân hàng và các doanh nghiệp phi tài chính như FPT, Coteccons,…

Theo báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã chứng khoán: DCM), tổng chi phí nhân công, nhân viên bán hàng và quản lý ở mức 949 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2024, Đạm Cà Mau có 1.430 nhân sự, tăng 130 người.

Như vậy, Đạm Cà Mau đã chi cho mỗi nhân viên trung bình 663,6 triệu đồng trong năm qua, bao gồm các khoản lương, thưởng, tiền tăng ca, các loại bảo hiểm và chi phí khác. Tương đương, mỗi nhân sự thu nhập trung bình hơn 55 triệu đồng một tháng. Số liệu được VnExpress chia trung bình giữa các nhân viên, quản lý và nhân viên bán hàng.

Thu nhập trung bình mỗi tháng của nhân viên Đạm Cà Mau cao hơn các ngân hàng như Techcombank (49 triệu đồng), VietinBank (45 triệu đồng), BIDV (47 triệu đồng), Vietcombank (42 triệu đồng) hay một số doanh nghiệp phi tài chính như FPT (40 triệu đồng), Coteccons (41 triệu đồng),…

Về các lãnh đạo, 18 người trong Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát và Ban Tổng giám đốc của Đạm Cà Mau nhận lương và thù lao hơn 27 tỷ đồng trong năm 2024, tương đương năm trước. Trong đó, hai nhân sự có thu nhập cao nhất là ông Trần Ngọc Nguyên (chủ tịch công ty) và ông Văn Tiến Thanh (tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT điều hành) nhận 2,5 tỷ đồng mỗi người, tương đương 208 triệu đồng một tháng.

Đạm Cà Mau mang về gần 13.942 tỷ đồng doanh thu trong năm qua, tăng 8%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.428 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động trong ngành sản xuất phân bón. Hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 75,56% cổ phần đơn vị này. Công ty có ba nhà máy và chiếm khoảng 10,6% thị phần phân bón nội địa, tập trung vào Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Campuchia.


Call Now Button