Tháng Mười 4, 2024

Ngày 3.10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý 4/2024.

Cụ thể, danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, hay bị cắt cho vay margin quý 4/2024 trên HOSE gồm 85 chứng chỉ quỹ và cổ phiếu, tăng thêm 6 mã so với danh sách công bố đầu quý 3/2024. Hầu hết là những cổ phiếu nằm trong diện bị cảnh báo, bị kiểm soát hay thuộc diện đình chỉ giao dịch.

Trong đó, có những cổ phiếu một thời khá “hot” như GMC – Công ty CP Garmex Sài Gòn do thuộc diện bị kiểm soát; cổ phiếu ITA – Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo do bị đình chỉ giao dịch; LDG – Công ty CP Đầu tư LDG do lợi nhuận nửa đầu năm 2024 là số âm; NVL – Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) do đang thuộc diện cảnh báo; QCG – Công ty CP Quốc Cường Gia Lai do bị lỗ trong 6 tháng đầu năm 2024; VPH – Công ty CP Vạn Phát Hưng do bị lỗ trong 6 tháng đầu năm 2024; DQC – Công ty CP Tập đoàn Điện Quang do thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2024; RAL – Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông do vi phạm về pháp luật thuế…

Nhiều cổ phiếu “hot” một thời bị cắt cho vay margin ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Việc cho vay cầm cố cổ phiếu hay cho vay margin diễn ra sôi động trên thị trường. Điều này giúp nhà đầu tư gia tăng sử dụng đòn bẩy để tìm kiếm lợi nhuận khi giao dịch. Đây cũng là nguồn thu lớn của các công ty chứng khoán. Theo ước tính, dư nợ cho vay margin đến cuối quý 2/2024 tại các công ty chứng khoán đạt hơn 215.000 tỉ đồng và ghi nhận mức kỷ lục cho vay margin trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong cuộc đua hút khách hàng, tăng thị phần, lãi suất cho vay margin tại một số công ty chứng khoán giảm xuống chỉ còn khoảng 8 – 8,5%/năm trong khi lãi suất thông thường dao động từ 9 – 13% tùy nhóm khách hàng. Thậm chí có nhiều gói cho vay ngắn hạn trong vòng 3 – 5 ngày thì lãi suất còn 0%. Đẩy mạnh cho vay margin để tăng nguồn thu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng là lý do để hàng loạt công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn…

Nguồn: BaoThanhNien


Tháng Mười 3, 2024

Các công ty tài chính, công ty chứng khoán đang đối diện với những thách thức, rủi ro như an ninh mạng, nợ xấu…

Ngày 2.10, Vietnam Report công bố danh sách top 10 công ty uy tín ngành tài chính năm 2024, bao gồm nhóm công ty chứng khoán như SSI, chứng khoán Kỹ thương, VPS, HSC, VNDIRECT… và nhóm công ty tài chính như FE Credict, Home Credit, EVN Finance…

Sau năm 2023 đầy khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhóm doanh nghiệp tài chính nói chung đã có sự hồi phục. Thống kê đối với nhóm 20 công ty chứng khoán lớn nhất có tổng lợi nhuận sau thuế đã ngang bằng với tổng lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 và gần 75% số tương ứng năm 2023; tổng tài sản tăng 18,4% so với đầu năm. Đối với các công ty tài chính, hiện có 16 đơn vị đang được cấp phép hoạt động. Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản các công ty tài chính đạt 303.000 tỉ đồng. Đây là con số còn nhỏ so với hơn 18,18 triệu tỉ đồng của nhóm ngân hàng thương mại Việt Nam.

Các công ty chứng khoán đối diện với thách thức hàng đầu là an ninh mạng ẢNH: M.P

Theo khảo sát của Vietnam Report, ngành tài chính đang đối diện 4 thách thức. Trong đó, dẫn đầu là rủi ro công nghệ như an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu, tội phạm tài chính gia tăng. Kế đến là nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống; thị trường yêu cầu các sản phẩm tài chính chất lượng hơn và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành.

An ninh mạng đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng đối với các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán thường lưu trữ và xử lý lượng lớn thông tin nhạy cảm như dữ liệu khách hàng, giao dịch tài chính và thông tin chiến lược đầu tư. Điều này khiến họ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp dữ liệu, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hoặc thậm chí phá hoại hệ thống giao dịch. Rủi ro an ninh mạng không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và niềm tin của khách hàng. Trong năm 2024, sự việc tiêu biểu là chứng khoán VNDIRECT đã bị tấn công bởi mã độc ransomware – loại phần mềm độc hại được thiết kế để mã hóa dữ liệu trên hệ thống và đòi tiền chuộc để giải mã. Sự việc trên đã khiến hoạt động giao dịch bị tê liệt hoàn toàn trong gần 10 ngày, tuy tài sản của khách hàng vẫn được đảm bảo nhưng sự việc trên cũng để lại hậu quả vô cùng nặng nề trong tâm lý nhà đầu tư.

Rủi ro an ninh mạng với công ty tài chính, chứng khoán

Cũng từ đây, những yêu cầu cao hơn đối với tính bảo mật của hệ thống giao dịch cần được đảm bảo. Hai phần ba số công ty chứng khoán trả lời khảo sát của Vietnam Report đang có kế hoạch tăng 6 – 14% ngân sách cho chương trình bảo mật và an ninh mạng trong 3 năm tới, một phần ba trong số đó lên kế hoạch tăng chi ngân sách trên 10%…

Nguồn: BaoThanhNien


Tháng Mười 3, 2024

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn ước tính ban đầu trong các năm từ 2021 đến 2023, theo AFP dẫn cập nhật thường niên của chính phủ nước này hôm nay 26.9.

Một nhân viên ở cửa hàng điện tử Best Buy ở Westbury (New York) năm 2023 ẢNH: REUTERS

Bộ Thương mại Mỹ thống kê được tỷ lệ tăng trưởng GDP trong năm 2023 là 2,9%, tăng so với con số ước tính trước đó là 2,5%.

Tăng trưởng GDP năm 2022 cũng tăng, từ 1,9% lên 2,5%.

Cả hai sự thay đổi trên vẫn giữ nguyên sau khi thêm vào các yếu tố như chi tiêu dùng và đầu tư thương mại.

Chỉ số chi tiêu dùng tốt hơn dự kiến có nghĩa là GDP cho năm 2021 cũng được điều chỉnh tăng thêm, theo Bộ Thương mại.

Ông Trump hứa ‘hãng xe Đức sẽ thành hãng xe Mỹ’ nếu ông đắc cử tổng thống

AFP dẫn lời giới quan sát nhận định rằng sự thể hiện của nền kinh tế Mỹ, hiện lớn nhất thế giới, trở thành yếu tố then chốt đối với cử tri trong bối cảnh nước Mỹ chỉ còn ít tuần là đến ngày bầu cử tổng thống.

Cử tri cảm thấy sức ép đến từ chi phí sinh hoạt tăng lên trong vài năm gần đây dù lạm phát giảm. Và cảm giác này có thể tác động đến cách họ nhìn nhận về cách quản lý đất nước dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Trong một báo cáo khác của chính phủ Mỹ cũng công bố hôm 26.9, tăng trưởng GDP trong quý 2 năm nay không thay đổi. Tuy nhiên, tỷ lệ GDP quý 1 tăng nhẹ lên 1,6% từ 1,4%, theo Reuters.

Nguồn: BaoThanhNien


Tháng Mười 3, 2024

Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên ATP chip bán dẫn của CT Semiconductor (thành viên Tập đoàn CT Group) chính thức khánh thành và đi vào hoạt động tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội) vào ngày 1.10.

Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên ATP chip bán dẫn tại NIC là một phần trong chuỗi các hoạt động của CT Semiconductor bao gồm: xây dựng hoàn chỉnh 3 nhà máy OSAT (2 ở miền Nam và 1 ở miền Bắc), 2 trung tâm R&D ở TP.HCM và Hà Nội và đặc biệt là 2 trung tâm chăm sóc khách hàng ở Silicon Valley và Phoenix, Arizona.

Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên ATP chip bán dẫn của CT Semiconductor đặt tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia ẢNH: CTV

Các kỹ sư giàu kinh nghiệm từ nhiều nước sẽ đào tạo chuyên sâu cho các nhân sự hạt giống theo 1 chương trình “Đào tạo thầy – Train for the Trainer” về lắp ráp, kiểm tra, đóng gói chip bán dẫn. Các kỹ sư và sinh viên năm cuối các ngành liên quan về điện tử để làm chủ công nghệ ATP. Điểm đặc biệt là các thực tập sinh được thực chiến trên các máy kiểm định chip thế hệ mới nhất và làm quen với các chủng loại chip khác nhau.

Đây cũng là bước đi rất thực tiễn để hiện thực hóa kế hoạch phát triển 10 nhà máy OSAT ở Việt Nam theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam vừa ban hành.

Điểm khác biệt của CT Semiconductor là sự tự chủ về công nghệ, chuẩn bị bài bản đi từ khâu đào tạo chuyên ngành ATP phục vụ cho các công ty OSAT, R&D đến sản xuất theo mô hình 4.0. Cũng trong dịp này CT Semiconductor còn đưa máy kiểm tra các vi mạch và linh kiện bán dẫn AMB5600 để phục vụ cho việc nghiên cứu và đào tạo tại trung tâm. Được biết, đây là máy kiểm tra chip đầu tiên xuất hiện trong hệ thống đào tạo tại Việt Nam.

CT Semiconductor đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chế tạo vi mạch bán dẫn ẢNH: CTV

Lãnh đạo CT Semiconductor chia sẻ: “Chỉ có con đường làm chủ công nghệ và quy tụ nhân tài thế giới thì mới đưa ngành chip bán dẫn Việt Nam phát triển bền vững, tránh làm theo kiểu phong trào kêu gọi FDI để báo cáo. Như 20 năm trước, các công ty chip hàng đầu thế giới vào Việt Nam được rất nhiều ưu đãi nhưng đến nay ngành chip Việt Nam thực sự vẫn chưa có gì, trong khi các nước ASEAN đã vượt lên khá xa phía trước. Chúng tôi rất mong sự hỗ trợ công bằng từ các bộ ngành và địa phương”.

Nguồn:BaoThanhNien


Tháng Mười 3, 2024

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số tiền gửi của dân cư tháng 7 tiếp tục tăng thêm 21.000 tỉ đồng so với tháng trước và tăng hơn 306.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023. Trong khi dó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm mạnh.

Tổng phương tiện thanh toán của hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 7 ghi nhận mức tăng 2,52% so với cuối năm 2023, tương ứng tăng 403.000 tỉ đồng, lên 16,401 tỉ đồng. Trong đó, tốc độ tăng huy động từ khối dân cư nhanh hơn so với các tổ chức. Tính đến cuối tháng 7, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đạt 6,838 triệu tỉ đồng (tăng 4,68% so với cuối năm 2023), đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. So với tháng trước, lượng tiền gửi của dân cư tăng 21.000 tỉ đồng và tăng hơn 306.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023.

Ngân hàng huy động vốn từ dân cư gia tăng ẢNH: NGỌC THẮNG

Từ đầu năm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm dân cư ở mức thấp nên lượng tiền huy động của các ngân hàng tăng khá chậm, có tháng còn âm như tháng 1 (giảm 0,53% so với cuối năm 2023). Từ tháng 4, lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng rục rịch tăng và mức tăng mạnh kể từ tháng 6 đến tháng nay, điều này giúp hệ thống ngân hàng tăng trưởng huy động vốn nhanh hơn vào những tháng này.

Trong khi đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh so với tháng trước, âm 1,07%. Số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tính đến cuối tháng 7 còn 6,768 triệu tỉ đồng, giảm 139.000 tỉ đồng so với tháng trước và giảm 73.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023.

Trước đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng tháng 6 tăng 139.000 tỉ đồng (tương ứng mức tăng 0,96% so với tháng 5), lên đến 6,907 triệu tỉ đồng. Kể từ đầu năm đến nay, tháng 6 là tháng duy nhất có lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng. Những tháng còn lại đều có mức giảm mạnh, có tháng âm hơn 4%. Việc sụt giảm tiền gửi của các tổ chức kinh tế cho thấy dòng vốn đang dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng.

Nguồn: BaoThanhNien


Tháng Mười 3, 2024

Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh từ 15 giờ chiều nay 3.10. Giá xăng giảm cao nhất là 770 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm cao nhất là 354 đồng/kg.

Chiều 3.10, liên bộ Công thương – Tài chính đã thông tin về kỳ điều hành giá xăng dầu áp dụng từ 15 giờ cùng ngày.

Chiều 3.10, liên bộ Công thương – Tài chính đã thông tin về kỳ điều hành giá xăng dầu áp dụng từ 15 giờ cùng ngày.

Giá xăng dầu đồng loạt giảm sâu từ 15 giờ chiều nay 3.10 ẢNH: PHAN HẬU

Theo liên bộ Công thương – Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành từ ngày 26.9 – 2.10 chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: căng thẳng gia tăng tại khu vực Trung Đông, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng lên… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có diễn biến tăng, giảm tùy từng mặt hàng.

Trong kỳ điều hành này, liên bộ Công thương – Tài chính tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

Theo đó, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường từ 15 giờ ngày 3.10 đối với xăng E5RON 92 không cao hơn 18.850 đồng/lít, giảm 770 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành và thấp hơn xăng RON 95 là 953 đồng/lít. Giá xăng RON 95 không cao hơn 19.803 đồng/lít, giảm 715 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành.

Giá dầu diesel không cao hơn 17.401 đồng/lít, giảm 105 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành. Giá dầu hỏa không cao hơn 17.651 đồng/lít, giảm 222 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành. Giá dầu mazut không cao hơn 15.003 đồng/kg, giảm 354 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành.

Liên bộ Công thương – Tài chính cho rằng, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên, tỷ giá VND/USD và các quy định hiện hành, phương án điều hành giá xăng dầu được quyết định trong kỳ này bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới.

Phương án điều hành giá xăng dầu kỳ này tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.


Tháng Chín 30, 2024

BÀ RỊA – VŨNG TÀUTổ hợp hóa dầu miền Nam, tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD, vận hành thương mại từ 30/9.

Tổ hợp hóa dầu miền Nam do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn thuộc Tập đoàn SCG, Thái Lan đầu tư, đóng tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, sau hơn 5 năm khởi công.

Tổ hợp này được đầu tư hơn 5 tỷ USD xây một nhà máy olefins quy mô lớn; ba nhà máy polyolefin, cùng với bồn bể, cảng chuyên dụng… Khi đi vào vận hành tối đa công suất, tổ hợp sẽ tạo ra 1,35 triệu tấn olefins và 1,4 triệu tấn polyolefin một năm, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây là nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và nhiều lĩnh vực khác.

Tổ hợp hóa dầu miền Nam từ trên cao. Ảnh: Trường Hà

Ông Kulachet Dharachandra, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, cho biết Tổ hợp hóa dầu miền Nam vận hành sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế lâu dài và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp hóa dầu và ngành nhựa tại Việt Nam.

Dự kiến Tổ hợp này sẽ đạt doanh thu 1,5 tỷ USD mỗi năm và đóng góp thuế giá trị gia tăng khoảng 150 triệu USD. Công ty cũng tạo việc làm cho khoảng 1.000 nhân sự tại nhà máy, trong đó 85% là người Việt. Ngoài ra, khoảng 800 lao động làm việc cho các nhà thầu hợp tác lâu dài với Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, trong đó hơn một nửa là lao động địa phương.

Nguồn: Vnexpress


Tháng Chín 27, 2024

Từ chỗ tồn đến 15.800 hồ sơ thuế nhà đất, đến nay TP.HCM chỉ còn tồn 9.150 hồ sơ, tính cả số hồ sơ mới nhận từ đầu tuần đến nay.

Cơ quan thuế đang đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ thuế đất cho người dân – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Hé lộ về số hồ sơ thuế nhà đất còn tồn tại TP.HCM

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online cuối ngày hôm nay, 26-9, ông Nguyễn Tiến Dũng, phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết như trên. Cũng theo ông Dũng, sau khi hồ sơ thuế thông, số lượng hồ sơ thuế đất mới được nộp vào tăng rất nhanh. Mỗi ngày phát sinh mới vài trăm bộ hồ sơ. Riêng ngày hôm nay 26-9 phát sinh 500 bộ hồ sơ mới.Tuy nhiên, cơ quan thuế đã đẩy nhanh tiến độ xử lý hết mức có thể. Do vậy đến nay chỉ còn tồn 9.150 hồ sơ, tính cả số hồ sơ thuế đất mới lẫn cũ còn tồn.

“Như trong ngày hôm nay, 26-9, cơ quan thuế đã xử lý được 2.700 bộ hồ sơ và sẽ làm cả cuối tuần để giải quyết nhanh nhất số hồ sơ còn tồn”, ông Dũng khẳng định.

Chi cục trưởng chi cục thuế chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ đất đai

Trước đó, ngay sau khi UBND TP.HCM có văn bản 5635 cho phép sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế trong lúc chờ ban hành bảng giá đất mới, Cục Thuế TP.HCM đã có chỉ đạo khẩn yêu cầu chi cục trưởng các chi cục thuế phải ưu tiên, tập trung nguồn lực để giải quyết sớm nhất các hồ sơ đất đai tiếp nhận từ ngày 1-8, làm việc cả các ngày thứ bảy, chủ nhật…

Đồng thời các chi cục thuế phải báo cáo tiến độ xử lý hằng ngày về phòng quản lý đất để phòng này tổng hợp báo cáo lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM. Những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt sẽ được động viên, khen thưởng kịp thời.

Đáng lưu ý, Cục Thuế TP.HCM yêu cầu chi cục trưởng chi cục thuế trên địa bàn chịu trách nhiệm tổ chức xử lý hồ sơ đất đai, không để phát sinh phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Nguồn: Báo tuổi trẻ


Tháng Chín 27, 2024
n1-5765-1727239068.png

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết tập đoàn đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam sau hơn 10 năm.

Thông tin được ông Furusawa Yasuyuki, CEO Aeon Việt Nam chia sẻ ngày 26/9, tại lễ khai trương một trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị ở quận 8, TP HCM. Theo ông, tập đoàn này mở rộng hoạt động và xem Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản. Ngoài các đô thị lớn, họ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các địa phương tiềm năng.

Sau hơn 10 năm, Aeon đã rót khoảng 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, theo CEO Furusawa Yasuyuki.

Khách hàng lựa chọn phụ kiện giày dép tại một cửa hàng ở Aeon Tạ Quang Bửu, quận 8, TP HCM. Ảnh: Thi Hà

Ngoài các trung tâm mua sắm ở khu trung tâm, gần đây tập đoàn này mở rộng phát triển mô hình bách hóa tổng hợp, siêu thị tại các quận, huyện ven nội thành các đô thị. Việc này nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các khu vực vệ tinh. Aeon Tạ Quang Bửu, quy mô 7.000 m2 là ví dụ cho mô hình này.

Cũng theo lãnh đạo Aeon Việt Nam, bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực năm nay. Theo đó, doanh thu từ các cửa hàng hiện tại tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và hàng thiết yếu tăng giá phần nào đã ảnh hưởng tới kinh doanh của họ.

Aeon là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm siêu thị, cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm và dịch vụ tài chính. Năm tài chính 2023, tập đoàn này ghi nhận doanh thu toàn cầu khoảng 63 tỷ USD.

Tại Việt Nam, sau chục năm gia nhập thị trường, tập đoàn Nhật Bản đang vận hành 7 trung tâm thương mại lớn, tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và TP HCM. Tháng trước, họ vận hành trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Nguồn: vnexpress


Tháng Chín 26, 2024
349e4a36-f935-4b9e-a764-7d1684-3725-5106-1727359399.jpg

Năm 2024, Việt Nam thăng hai bậc trong bảng xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu, đặc biệt dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 của WIPO công bố chiều 26/9 (giờ Hà Nội), Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, tăng từ vị trí 46 vào năm 2023.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết năm 2024 Việt Nam có 3 chỉ số dẫn đầu thế giới gồm nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Trong đó, lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của nước ta đạt vị trí dẫn đầu. Theo Bộ trưởng, các chỉ số về đầu tư mạo hiểm đang có xu hướng phát triển tốt, số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm tăng 27 bậc xếp thứ 54/133 quốc gia, nền kinh tế, số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm tăng 10 bậc lên vị trí 44.

WIPO đánh giá Việt Nam là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình trong top 70 đã có những tiến bộ nhanh nhất về đổi mới sáng tạo trong hơn thập kỷ qua, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Morocco. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

“Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột về nguồn nhân lực và nghiên cứu”, báo cáo nêu.

Cụ thể trụ cột cơ sở hạ tầng (xếp hạng 56, tăng 14 bậc từ vị trí 70 năm 2023); trình độ phát triển của thị trường (xếp hạng 43, tăng 6 bậc); trình độ phát triển của doanh nghiệp (xếp hạng 46, tăng 3 bậc); sản phẩm tri thức và công nghệ (xếp hạng 44, tăng 4 bậc).

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: T. Hiệp.

Báo cáo năm nay ghi nhận Việt Nam có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới gồm: tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).

Trong video phát biểu tại Lễ công bố GII, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của các nước trong quá trình phát triển nhanh, bền vững.

“Việt Nam xác định lấy giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, trong đó đổi mới sáng tạo vừa là động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện.

Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam cổ vũ đổi mới sáng tạo vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới và khu vực. Đổi mới sáng tạo cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong quá trình thúc đẩy tiến trình đổi mới sáng tạo. Do đó, Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển, tiên tiến và có điều kiện hơn ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các nước đang phát triển, các nước nghèo, có điều kiện khó khăn hơn về xây dựng thể chế, về ưu đãi nguồn tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị thông minh


Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia được WIPO phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện kể từ năm 2007. Năm nay, các bộ trưởng và giám đốc điều hành doanh nghiệp và chuyên gia đổi mới sáng tạo sẽ thảo luận về mở khóa tinh thần khởi nghiệp.
Qua 17 lần công bố, báo cáo GII giúp đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia và sự phát triển so với các nền kinh tế trong cùng khu vực hoặc nhóm thu nhập. Qua các chỉ số, mỗi quốc gia thấy được bức tranh toàn cảnh cũng như các điểm mạnh, điểm yếu từ đó có điều chỉnh về chiến lược chính sách kinh tế và đổi mới sáng tạo. Để xếp hạng các quốc gia sẽ dựa vào 81 chỉ số, tính bằng giá trị trung bình thuộc hai bảng chỉ số phụ đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 7 trụ cột: Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường và môi trường kinh doanh; trình độ phát triển của thị trường; tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.Tại Việt Nam, Chính phủ sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lý điều hành quan trọng. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và vào cuộc của các bộ ngành trong việc chủ động phát hiện nguyên nhân, hạn chế, từ đó có kế hoạch, giải pháp điều chỉnh chính sách góp phần cải thiện các chỉ số thành phần.

Nguồn: VnExpress


Call Now Button