Tháng Hai 19, 2025
CG2A5939-7865-1739893244.jpg

Cán bộ, công chức TP HCM nghỉ việc được hỗ trợ theo Nghị định 178 và chính sách riêng của thành phố với số tiền có thể gần 2,7 tỷ đồng.

Đó là nội dung trong tờ trình của UBND TP HCM gửi HĐND thành phố quy định chế độ hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Dự kiến tờ trình được HĐND TP HCM xem xét tại kỳ họp ngày 20/2.

Nếu được thông qua, người làm khu vực công ở TP HCM nhận hai chế độ hỗ trợ bên cạnh chính sách theo Nghị định 178 quy định chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Căn cứ tính hỗ trợ là lương hiện hưởng và số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cán bộ làm thủ tục hành chính tại UBND TP Thủ Đức, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Để đảm bảo nguồn kinh phí khi triển khai hỗ trợ, TP HCM tính dựa trên trường hợp nhận mức tối đa là một chuyên viên, bậc lương 9, hệ số 4,98 và hai loại phụ cấp tổng 30%, đã đóng bảo hiểm xã hội 30 năm và còn 5 năm đến tuổi hưu. Theo Nghị định 178, người này nhận hơn 1,575 tỷ đồng và theo chính sách hỗ trợ thêm của TP HCM là trên 1,1 tỷ đồng. Tổng dự kiến mức hỗ trợ là gần 2,7 tỷ đồng.

Căn cứ vào mức cao nhất này, ngân sách TP HCM cần đảm bảo hơn 16.789 tỷ đồng để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tinh giản.

Với người phụ trách công tác đảng tại các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, TP HCM tính dựa trên trường hợp nhận mức tối đa 30 năm tham gia bảo hiểm xã hội. Với 418 người, tổng kinh phí dự kiến hơn 186 tỷ đồng.

Tương tự với cách tính này trường hợp được hưởng cao nhất, tổng số tiền ngân sách chi cho 450 trường hợp không đủ điều kiện tái cử là gần 37 tỷ đồng.

Như vậy, dự kiến tổng ngân sách cần đảm bảo để TP HCM triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ thêm cho cán bộ bị tinh giản gần 17.000 tỷ đồng.

Thành phố tính toán có 7.159 nhân sự nhận hỗ trợ. Trong đó 521 cán bộ, công chức, viên chức khối Đảng; cán bộ, công chức (không bao gồm cấp xã) là 2.015 người; viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 2.767 người. Cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 1278 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 988 người; 418 người phụ trách công tác đảng tại các doanh nghiệp nhà nước bị dôi dư sau sắp xếp và 450 trường hợp không đủ điều kiện tái cử, bổ nhiệm.

Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo quy định tại Nghị định 178 còn dưới 2 năm công tác so với tuổi nghỉ hưu được trợ cấp thêm 12 tháng lương; trợ cấp thêm 6 tháng lương cho 20 năm đầu; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm 1/2 tháng lương.

Người còn đủ 2 năm cho đến đủ 5 năm công tác so với tuổi nghỉ hưu được trợ cấp thêm 12 tháng lương; trợ cấp thêm 6 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 6 tháng lương cho 20 năm đầu; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm 1/2 tháng lương.

Người còn trên 5 năm đến đủ 10 năm so với tuổi nghỉ hưu được trợ cấp thêm 12 tháng lương; trợ cấp thêm 5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 6 tháng lương cho 20 năm đầu; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm 1/2 tháng lương.

Trường hợp là người quản lý doanh nghiệp nhà nước, cán bộ chuyên trách công tác đảng công tác tổng công ty, công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải nghỉ sắp xếp tổ chức đảng được hỗ trợ thêm 3 tháng lương tối thiểu vùng cho mỗi năm công tác.

Đối với các chế độ hỗ trợ thêm khác phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, cán bộ kéo dài thời gian công tác theo quy định tại Điều 8, Nghị định 178, được hỗ trợ thêm trợ cấp hưu trí một lần bằng 30 tháng lương.

Cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý khi thôi chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức lãnh đạo, quản lý thấp hơn sẽ được hưởng chế độ bằng 2 lần mức phụ cấp lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị của thành phố khi được cử đi công tác ở cấp xã trong thời gian 3 năm sẽ được hỗ trợ thêm một lần bằng 10 tháng; hỗ trợ thêm một lần bằng 5 tháng lương nếu được cử tăng cường đến làm việc ở cơ quan đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện.

Trường hợp công chức giữ chức vụ bổ nhiệm có thời hạn, thuộc cơ cấu tham gia cấp ủy cùng cấp nhưng không đủ điều kiện tái cử sẽ được trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ trước tuổi; trợ cấp thêm 6 tháng lương cho 20 năm đầu; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm 1/2 tháng lương.

Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên và thuộc đối tượng hưởng lương hưu sẽ được trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương đối với 15 năm đầu; từ năm thứ 16 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm 1/2 tháng lương.

Việc đẩy mạnh tinh giản, sắp xếp bộ máy của TP HCM thực hiện theo Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị. Có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy. Để hỗ trợ cho người nghỉ việc, Chính phủ ban hành Nghị định 178 với 8 chính sách hỗ trợ tài chính vượt trội.

 


Tháng Hai 18, 2025

Ông Trump nghĩ “thuế nhập khẩu đối ứng” giúp giảm thâm hụt thương mại nhưng chuyên gia nói “không”, bởi vấn đề ở chính đặc thù nền kinh tế Mỹ.

Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhắc đến kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariff) với các đối tác thương mại của nước này. Khái niệm này nghe có vẻ đơn giản, nghĩa là Mỹ sẽ tăng thuế với hàng hóa ngang bằng với mức thuế nước xuất khẩu áp lên hàng hóa của Mỹ.

“Nếu họ đánh thuế chúng ta, chúng ta cũng đánh thuế họ”, ông Trump nói. “Nếu thuế của họ ở mức 25%, chúng ta cũng 25%. Nếu họ 10%, chúng ta cũng 10%. Và nếu họ cao hơn 25%, chúng ta cũng vậy”, ông giải thích thêm.

Nguồn cơn đến từ việc ông và các cố vấn cho rằng các nước khác đánh thuế hàng Mỹ cao hơn mức Mỹ áp cho hàng nhập khẩu của họ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp và nền công nghiệp Mỹ.

Nhà Trắng chỉ ra một số ví dụ về mất cân bằng đặc biệt nghiêm trọng như Brazil đánh thuế nhập khẩu ethanol 18%, trong khi Mỹ chỉ áp 2,5%. Ấn Độ đánh thuế xe máy nhập khẩu mức 100% còn Mỹ là 2,4%. Châu Âu áp thuế 10% với xe nhập khẩu, gấp bốn lần mức thuế 2,5% Mỹ áp dụng với xe con.

Tóm lại, chính quyền Trump cho rằng mất cân bằng trong mức thuế dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ và dai dẳng. Thực tế, kể từ năm 1975, Mỹ chưa bao giờ xuất siêu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 13/2. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, mức thuế quan nước ngoài cao hơn mà Trump phàn nàn không được các nước áp dụng tùy tiện và lén lút. Hiện thuế quan của Mỹ thường thấp hơn các đối tác, một phần cũng từ sự vận động của họ trong quá khứ.

Sau Thế chiến II, Mỹ ra sức thúc đẩy các nước giảm rào cản thương mại và thuế quan, với quan điểm rằng giao thương tự do sẽ thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và xuất khẩu, thông qua hoạt động gọi là Vòng đàm phán Uruguay, kéo dài từ năm 1986 đến 1994.

Vòng đàm phán này đi đến ký kết Hiệp định Marrakesh ngày 15/4/1994, dẫn đến thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1995. Đây là vòng đàm phán thương mại lớn nhất lịch sử, với sự tham gia của 123 quốc gia, nhằm tự do hóa thương mại toàn cầu và giảm rào cản thuế quan.

Theo thỏa thuận, các quốc gia có quyền đặt mức thuế riêng với các sản phẩm khác nhau nhưng theo nguyên tắc “tối huệ quốc” (most favored nation), quy định sự đối xử bình đẳng và không phân biệt. Nghĩa là, mức thuế mà ông Trump phàn nàn không chỉ nhắm vào Mỹ mà áp dụng cho tất cả.

Từ trước khi muốn áp dụng thuế đối ứng, ông Trump đã áp thuế lên thép, nhôm, máy giặt, tấm pin mặt trời và gần toàn bộ hàng Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu. Chỉ ba tuần sau khi bước vào nhiệm kỳ hai, ông áp thuế bổ sung 10% đối với hàng Trung Quốc, tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu, áp thuế 25% hàng từ Canada và Mexico nhưng sau đó trì hoãn trong 30 ngày, định áp thuế ôtô từ tháng 4.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thuế quan không hiệu quả trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại. Bất chấp các loại thuế mà Trump áp đặt nhiệm kỳ đầu và được ông Biden duy trì, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng lên 918 tỷ USD vào năm ngoái, mức cao thứ hai trong lịch sử.

Các nhà kinh tế lý giải rằng nguyên nhân thâm hụt thương mại không phải do chính sách thuế mà đến từ các yếu tố đặc thù của nền kinh tế Mỹ. Chính phủ liên bang duy trì mức thâm hụt ngân sách lớn trong thời gian dài và người tiêu dùng Mỹ chi tiêu mạnh, dẫn đến tổng mức tiêu dùng và đầu tư của Mỹ tăng cao.

Trong 100 năm qua, nợ công của Mỹ đã tăng từ 395 tỷ USD vào 1924 lên 35.460 tỷ USD vào kết thúc năm tài chính 2024, tức quý III năm ngoái. Cùng với đó, kinh tế Mỹ gần đây vượt trội hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Từ trước Covid-19 đến giữa năm ngoái, GDP Mỹ đã tăng gần 9%, so với chỉ 5,5% của Canada và 1,9% của Liên minh châu Âu và giàm 2% ở Đức.

Điều này nghĩa là sức chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa càng cao hơn. Kết hợp chi tiêu công bạo tay và tiêu dùng mạnh mẽ khiến một phần nhu cầu phải được đáp ứng bằng hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài.

Kimberly Clausing, chuyên gia tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói thâm hụt thương mại thực chất là tình trạng mất cân đối vĩ mô, bắt nguồn từ sự thiếu tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách và không muốn tăng thuế. “Cho đến khi giải quyết được những vấn đề này, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì thâm hụt thương mại”, bà lý giải.

Các chuyên gia cũng nghi ngờ về tính khả thi của thuế đối ứng. Đến nay, Nhà Trắng không công bố nhiều chi tiết. Ông Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick chuẩn bị báo cáo vào ngày 1/4 về cách triển khai.

Antonio Rivera, chuyên gia tại công ty luật ArentFox Schiff, cựu luật sư của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, cho biết còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Ví dụ, Mỹ sẽ xem xét hàng nghìn mặt hàng và điều chỉnh mức thuế theo từng quốc gia hay không? Hay liệu Mỹ sẽ xem xét mức thuế trung bình của mỗi quốc gia và so sánh Mỹ? Ngoài ra, có phương pháp nào hoàn toàn khác không?

Stephen Lamar, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ nói kế hoạch thuế đối ứng tạo ra một môi trường kinh doanh vô cùng hỗn loạn. “Rất khó để lập kế hoạch dài hạn một cách bền vững”, ông nói.

Ngoài ra, thuế quan đánh lên hàng nhập khẩu nhưng cuối cùng thường do người tiêu dùng gánh chịu, làm tăng rủi ro lạm phát. Không hào hứng với kế hoạch thuế đối ứng nhưng một số chuyên gia cho rằng khả năng ông Trump dùng nó làm công cụ đe dọa, buộc các nước ngồi lại đàm phán thương mại.

“Đây có thể là tình huống đôi bên cùng có lợi”, Christine McDaniel, cựu quan chức thương mại Mỹ hiện làm việc tại Trung tâm Mercatus thuộc Đại học George Mason đánh giá.

Hôm 13/2, trong cuộc gặp song phương đầu tiên tại Nhà Trắng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump thống nhất sớm bắt đầu các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại và giải quyết bế tắc thuế quan. “Ông Trump đang cố gắng thay đổi trật tự thương mại toàn cầu. Ấn Độ nhận ra điều này và đang tìm cách thực tế để giải quyết những khác biệt”, Raja Mohan, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Nam Á (Singapore) bình luận.

Theo VnExpress


Tháng Hai 15, 2025

Chính phủ cho rằng cơ sở nghiên cứu công lập phải được đảm bảo đầu tư từ ngân sách nhà nước bên cạnh các khoản thu hợp pháp khác, đảm bảo lợi thế cạnh tranh với nước ngoài.

Sáng 15/2, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đóng vai trò then chốt cho sự phát triển kinh tế xã hội, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết của Quốc hội sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ hóa các quy định pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chính phủ đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; ưu đãi thuế cho khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình tại phiên họp sáng 15/2. Ảnh: Hoàng Phong

Chính phủ đề xuất sử dụng ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng, duy trì, vận hành, bảo trì nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để sử dụng chung cho các cơ quan, tổ chức.

Hiện nay, quy định về tự chủ về tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực khác nhau, nên chưa phù hợp với lĩnh vực khoa học công nghệ. Nhiều đơn vị có chức năng chính là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược và chính sách phục vụ quản lý nhà nước, không có nguồn thu trực tiếp từ xã hội.

Quy định về lộ trình tự chủ tài chính tăng dần không thể áp dụng đối với tất cả tổ chức khoa học công nghệ – nơi thực hiện nghiên cứu và sáng tạo. Kết quả nghiên cứu có thể đạt được hoặc không đạt được các chỉ tiêu đề ra và không phải kết quả nào cũng có thể thương mại hóa ngay hoặc thương mại hóa thành công. Điển hình là đối với những tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược và chính sách.

“Tự chủ về tài chính không nên được hiểu là tự bảo đảm về tài chính hay tự cung, tự cấp trong khoa học công nghệ, dẫn tới cắt giảm tối đa ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng nói.

Những bất cập này làm giảm số lượng tổ chức khoa học được nhận kinh phí hoạt động thường xuyên từ ngân sách, dẫn đến suy giảm số lượng nhân lực hoạt động khoa học công nghệ. Theo thông lệ quốc tế, các cơ sở nghiên cứu công lập phải được đảm bảo nguồn đầu tư cơ bản quan trọng từ ngân sách nhà nước bên cạnh các khoản thu hợp pháp khác, nguồn tài trợ nghiên cứu theo cơ chế cạnh tranh trong nước và nước ngoài.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo bổ sung quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Họ không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu xảy ra tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.

Cùng với đó, Nghị quyết này cũng thí điểm cơ chế để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Chính phủ cho rằng những chính sách này phù hợp với định hướng lớn của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 57, trong đó cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hoàng Phong

Cần chính sách vượt trội để khơi thông nguồn lực

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng chính sách trong dự thảo cần thể chế hóa vấn đề cấp bách, được nêu trong Nghị quyết số 57. Những chính sách chưa thực sự cấp bách, cần nghiên cứu đánh giá thêm phải có hướng dẫn chi tiết thì sẽ được xem xét đưa vào dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cùng một số luật liên quan.

Theo ông Huy, chính sách trong dự thảo cần thể hiện tính vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế; có trọng tâm, trọng điểm; là vấn đề thực sự vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ.

Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ quy định về cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay Quốc hội, bổ sung đánh giá về tính hiệu quả của các quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, bộ, ngành. Về áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học, sử dụng ngân sách nhà nước, Ủy ban đề nghị làm rõ nội hàm của cụm từ “các trường hợp cần thiết” đối với việc thuê chuyên gia để áp dụng khoán chi.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu quy định rõ Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của doanh nghiệp nhà nước được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng Quỹ phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị quyết này dự kiến được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 19/2.


Tháng Hai 14, 2025

Sáng 14/2, Bộ trưởng Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo tờ trình gửi Thường vụ Quốc hội cách đây 4 ngày, Chính phủ đề xuất Thủ tướng được phép giao chủ đầu tư thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc đàm phán đối tác ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác và tín dụng Nhà nước tài trợ xây nhà máy điện hạt nhân được tiến hành song song quá trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, duyệt dự án.

Sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương (dự kiến tại kỳ họp tháng 5/2025), Chính phủ được phép chọn nhà thầu và áp dụng hình thức hợp đồng “chìa khóa trao tay” cho dự án. Nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ từ lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, đến thi công xây dựng. Ngoài ra, hợp đồng còn bao gồm điều khoản mua bảo hiểm cho vật tư, thiết bị và cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho lần nạp đầu tiên.

Cơ quan thẩm tra – Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng việc chỉ định gói thầu hợp đồng “chìa khóa trao tay” là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch.

Để giảm rủi ro, Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung quy trình giám sát, công khai danh sách, tiêu chí lựa chọn nhà thầu; chế tài nghiêm nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong quá trình chỉ định và thực hiện hợp đồng.

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường Diên Hồng ngày 12/3. Ảnh: Media Quốc hội

Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến vận hành năm 2030 phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; còn nhà máy Ninh Thuận 2 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Khi góp ý xây dựng dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội chiều 12/3, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhắc lại điện hạt nhân Ninh Thuận là một trong những dự án trọng điểm mà Quốc hội từng không đồng tình. “Đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đã trình ra Quốc hội nhưng bị bác. Điều đó thể hiện được vai trò, trách nhiệm cũng như là quyền lực của Quốc hội”, ông nói.

Dự án điện hạt nhân bị dừng lại dẫn đến các yêu cầu bồi thường hợp đồng từ các đối tác quốc tế. Đội ngũ cán bộ được đào tạo cho dự án không được sử dụng, chưa kể vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng và chi phí cơ hội bị bỏ lỡ. Ông Hạ đặt câu hỏi liệu chủ trương của Đảng chưa phù hợp hay do Chính phủ chuẩn bị chưa kỹ cho dự án này?

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết dự án điện hạt nhân là vấn đề được Trung ương và Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định triển khai. Tuy nhiên, sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản và việc Đức tuyên bố dừng các dự án điện hạt nhân, cùng với chi phí thực hiện dự án lúc đó quá cao, Chính phủ đã cân nhắc lại.

“Sau khi tổng kết kỹ lưỡng và trình lên Trung ương, Trung ương đã thống nhất cao và đưa ra Quốc hội quyết định dừng dự án, chứ không phải là bác bỏ. Dừng và bác là hai khái niệm khác nhau,” ông Định giải thích.

Ông cũng dẫn chứng Nghị quyết của Quốc hội khi đó đã nêu rõ việc dừng dự án. Chính phủ và Trung ương sau đó đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho những người được đào tạo, các doanh nghiệp và người dân Ninh Thuận, bao gồm các chính sách về điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng không thể bù đắp hết những hy sinh, mất mát của người dân đã nhường đất cho dự án.

Ông Định thừa nhận việc đầu tư rồi không sử dụng là gây thất thoát, nhưng đó là do bối cảnh và tình hình thực tế lúc bấy giờ. Hiện nay, khi thế giới đã khẳng định về an toàn điện hạt nhân và trước yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng, Trung ương đã bàn bạc rất kỹ và Quốc hội đồng thuận cao với việc tái khởi động dự án.

Đề xuất chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội vào cuối 2009, với dự kiến xây dựng hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại huyện Thuận Nam và Ninh Hải, tổng công suất 4.000 MW. Tổng đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỷ đồng.

Sau 7 năm chuẩn bị, tháng 11/2016, Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Giải thích việc dừng khi đó, Chính phủ cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô có nhiều thay đổi. Việt Nam cũng cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ lo ngại nợ công sẽ vượt trần nếu phải vay thêm để làm dự án này.

Ở lần khởi động lại dự án, nhà chức trách cho biết sẽ tận dụng tối đa kết quả đã thực hiện với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, lập cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước với điện hạt nhân. Theo chuyên gia, điện hạt nhân phát thải rất ít, khoảng 6 gram CO2 trên mỗi kWh, so với mức phát thải trên 1.000 gram của điện than. Điện hạt nhân có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải mà vẫn đủ năng lượng phát triển kinh tế.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Cùng với đó, chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM cũng là nội dung thảo luận buổi chiều.


Tháng Hai 12, 2025

Từ 12/2 đến 19/2, Quốc hội họp bất thường xem xét sửa đổi một số luật và quyết định nhân sự, bao gồm cả cơ cấu Chính phủ và các bộ, ngành.

Công tác nhân sự được thực hiện vào hai ngày cuối của kỳ họp. Ngoài cơ cấu Chính phủ, đại biểu cũng xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và danh sách thành viên các Ủy ban.

Trong 5 ngày đầu kỳ họp, Quốc hội sẽ cho ý kiến và xem xét thông qua bốn luật quan trọng, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Năm nghị quyết quan trọng cũng được Quốc hội xem xét thông qua, liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức các cơ quan của Quốc hội, số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi), cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi) và Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi).

Tổng Bí thư Tô Lâm (trái) và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2024. Ảnh: Media Quốc hội

Bên cạnh nội dung lập pháp, Quốc hội cũng thảo luận các đề án và chính sách quan trọng như Đề án bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, nghị quyết thí điểm nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM, chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và các chính sách đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trong ngày khai mạc 12/2, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và thẩm tra các Luật Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương. Các đại biểu cũng nghe tờ trình và thẩm tra Đề án bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Buổi sáng, đại biểu sẽ chia tổ thảo luận về sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Buổi chiều, đại biểu thảo luận hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Kỳ họp sẽ bế mạc vào sáng 19/2.

Theo VnExpress

 


Tháng Hai 10, 2025
img7312-1739109127749385387974-2700-8944-1739147913.jpg

Thủ tướng đề nghị Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Tại cuộc làm việc chiều tối 9/2, Thủ tướng đánh giá các ngành công nghiệp nền tảng như thép, hóa chất giúp Việt Nam không bị động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Không thể không phát triển ngành thép và phải theo hướng số hóa, tự động hóa”, ông nói, cho rằng các doanh nghiệp như Hòa Phát sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn về mặt chiến lược.

Thủ tướng đề nghị Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc – Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị trong thời gian tới.

“Hòa Phát đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, giá cả”, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết. Ngoài dự án này, theo ông Long, họ cũng có thể sản xuất các loại thép chất lượng cao cho các dự án trọng điểm quốc gia, xuất khẩu.

Về phía địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết tỉnh này đã chuẩn bị 143 ha đất để Hòa Phát sản xuất thép chất lượng cao phục vụ đường sắt tốc độ cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân, người lao động tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, ngày 9/2. Ảnh: VGP

Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam, trong Top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới. Tập đoàn đã xuất khẩu thép tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Họ có 8 dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư ở Khu kinh tế Dung Quất, gồm hai khu liên hợp sản xuất gang thép 1 và 2 với tổng vốn đầu tư hơn 171.000 tỷ đồng.

Lợi thế của khu liên hợp là có cảng biển nước sâu cho phép tàu đón 200.000 tấn cập bến, dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm đi các thị trường trong, ngoài nước. Trong đó, khu liên hợp thứ nhất có công suất 6 triệu tấn thép đã hoạt động. Còn khu thứ hai sẽ vận hành năm nay với quy mô 280 ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng chất lượng cao một năm.

Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư hồi cuối tháng 11/2024. Tuyến đường dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành. Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư sơ bộ 1,713 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD).

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ cần khoảng 62.000 thanh (thiết kế đường đôi, gồm 4 thanh song song), chiều dài 100 m. Hiện, dung lượng thị trường thép ray tại Việt Nam là khoảng dưới 1.000 thanh có chiều dài 12,5 – 25 m để thay thế bảo trì tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu.

Dự kiến, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ thực hiện trong 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào 2035. Do đó, giới chuyên môn nhìn nhận các doanh nghiệp trong nước cần đẩy tiến độ chuẩn bị, chuyển giao công nghệ, sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Việt Nam dự định làm đường sắt tốc độ cao bằng nguồn ngân sách và ít chịu ràng buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài. Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, nhà thầu nước ngoài muốn tham gia phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là sử dụng dịch vụ hàng hóa sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia với giá trị xây dựng lên tới 34 tỷ USD.

Trước đó, làm việc với Thaco hôm 8/2 tại Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam), Thủ tướng cũng đề nghị tập đoàn này tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu, đầu máy đường sắt tốc độ cao.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá với năng lực, trình độ ở trong nước hiện nay, nếu được chuyển giao công nghệ và có một số cơ chế chính sách thích hợp, Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ công nghiệp xây dựng, vận hành, bảo trì và từng bước nội địa hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế.

Theo VnExpress


Tháng Hai 7, 2025

Thường vụ Quốc hội quyết định bỏ đề xuất tăng một bậc lương cho nhà giáo xếp lương lần đầu, với lý do chính sách này chưa hợp lý với ngành nghề khác.

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 7/2, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết quyết định được đưa ra do chưa đạt được đồng thuận. Một số đại biểu đề nghị đánh giá tác động trong mối tương quan chung với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị.

Mặc dù vậy, lương của nhà giáo vẫn được duy trì ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Chính sách cải thiện tiền lương cho công chức, viên chức sẽ được nghiên cứu trong quá trình xây dựng chính sách lương theo vị trí việc làm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội

Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, lương khởi điểm của nhà giáo trẻ hiện chỉ ở mức thấp (hệ số 2,34, khoảng 6,8 triệu đồng). Tình trạng nhiều giáo viên trẻ bỏ việc (61% ở độ tuổi dưới 35) cho thấy cần thiết phải cải cách lương để giữ chân lực lượng lao động trong ngành giáo dục.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2024, một số đại biểu cho rằng việc tăng bậc cho nhà giáo mới vào nghề là không công bằng so với các ngành khác, như y tế. Sau khi cải cách tiền lương, mức lương giáo viên hiện dao động từ 3,8 triệu đến 12,2 triệu đồng tùy theo cấp học và hạng giáo viên.

Giáo viên mầm non hạng III vẫn là nhóm nhận lương thấp nhất, từ gần 3,8 đến hơn 8,8 triệu đồng một tháng tùy bậc. Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận lương cao nhất. Trong đó, người được áp dụng hệ số lương 6,78 sẽ được nhận hơn 12,2 triệu đồng một tháng.

Ngoài mức lương, giáo viên còn có thể nhận một số khoản phụ cấp khác như: phụ cấp thâm niên 5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%; ưu đãi nghề 25-50%; phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho nhà giáo, bao gồm hỗ trợ thuê nhà ở công vụ cho giáo viên làm việc tại vùng khó khăn và cho phép giáo viên nghỉ hưu trước tuổi nếu có nguyện vọng.

Cụ thể, giáo viên được hưởng chính sách thuê nhà ở công vụ hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Trường hợp không bố trí được chỗ ở, nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ.

Giáo viên mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu trước tuổi, nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu nếu đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên. Người có trình độ, học hàm, học vị cao, làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được kéo dài thời gian làm việc và nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh rằng các chính sách này cần thiết để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà giáo trình độ cao trong một số lĩnh vực đặc thù mà xu hướng phát triển đất nước đang cần. Luật Nhà giáo sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2025.


Tháng Hai 4, 2025
hinh-anh-1738587719-1738587785-2550-1738588000.jpg

Sáng 3/2, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị công bố các quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập, chỉ định nhân sự 4 Đảng bộ trực thuộc Trung ương và 3 cơ quan Đảng ở Trung ương.

Tại hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương thông báo các quyết định về việc kết thúc hoạt động của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương; Ban cán sự đảng Chính phủ; Đảng đoàn Quốc hội; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng ở Trung ương do Ban Bí thư thành lập; Ban Đối ngoại Trung ương.

Ban Tổ chức Trung ương cũng thông báo các quyết định thành lập đảng bộ mới và việc hợp nhất, đổi tên gồm: Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương; Đảng bộ Chính phủ; Đảng bộ Quốc hội; Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương.

Bộ Chính trị chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 30 người; Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 17 người. Ông Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Bí thư Đảng ủy các cơ quan đảng Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025. Bốn Phó bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương gồm ông bà: Lê Hoài Trung, Nguyễn Thị Hoàng Vân, Đỗ Việt Hà, Nguyễn Quang Trường.

Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 57 người; Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 17 người, do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Bí thư Đảng ủy. Bốn Phó bí thư là Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy; ông Lại Xuân Lâm, Phó bí thư Thường trực Khối các cơ quan Trung ương; ông Nguyễn Đức Phong, Phó bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương.

Ban Chấp hành Đảng bộ Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 39 người; Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 21 người; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn giữ chức Bí thư Đảng ủy Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025. Ba Phó bí thư Đảng ủy là các ông bà: Nguyễn Khắc Định, Phó chủ tịch Quốc hội; Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Đặng Xuân Phương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa 15 tỉnh Quảng Ninh.

Ban Chấp hành Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 29 người; Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 12 người. Bí thư Đảng ủy là ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hai Phó bí thư là bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Thắng, Phó bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định thành lập Đảng bộ, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và chỉ định Bí thư, các Phó bí thư Đảng ủy Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: TTXVN

Quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương; đổi tên Ban Kinh tế Trung ương thành Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, cũng được công bố.

Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.

Bộ Chính trị quyết định phân công, bổ nhiệm Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương gồm các ông bà: Lại Xuân Môn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; Ngô Đông Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ban Bí thư quyết định phân công, bổ nhiệm Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương gồm các ông bà: Đinh Thị Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Thanh Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Lam, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Phới, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; Triệu Tài Vinh, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Quang Đức, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Ông Trần Lưu Quang, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, giữ chức Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương. Các Phó ban gồm ông bà: Thái Thanh Quý, Phạm Đại Dương, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Hồng Sơn.

Bộ Chính trị quyết định ông Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, thôi giữ chức Chánh văn phòng Trung ương Đảng.

Ông Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương thôi giữ chức Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, điều động, bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng Trung ương Đảng.

Theo VnExpress


Tháng Một 22, 2025

Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2020-2025.

Quyết định của Bộ Chính trị được Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao cho ông Hầu A Lềnh sáng 22/1.

Hồi tháng 5/2023, khi ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy giữ chức quyền Bí thư Tỉnh ủy đến khi kiện toàn chức danh này.

Ông Hầu A Lềnh 52 tuổi, người dân tộc Mông, quê quán xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ông từng là cán bộ của Tổng cục 2, Bí thư Huyện đoàn Sa Pa, Phó bí thư – Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, Bí thư Huyện ủy Sa Pa, rồi Phó bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc…

Năm 2018, ông công tác ở Trung ương, giữ chức Phó chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc từ tháng 4/2021 đến nay.

Ông Hầu A Lềnh. Ảnh: Giang Huy

Ông Lềnh từng chia sẻ là người dân tộc thiểu số, sinh ra, lớn lên, trưởng thành và có nhiều năm công tác ở miền núi nên chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân vùng cao, hiểu được điều kiện học tập, sinh hoạt thiếu thốn của trẻ em vùng sâu. “Khi ra trường, về quê công tác, tôi nhìn thấy sự thay da đổi thịt, thấy cuộc sống của đồng bào mình ngày càng khấm khá lên. Tất nhiên, khoảng cách với người miền xuôi vẫn còn khá xa”, ông nói khi nhậm chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hồi tháng 4/2021.

Vì vậy, khi về tiếp nhận công việc ở Trung ương, ông ưu tiên quan tâm đến những vùng khó khăn nhất của đất nước, nơi mà bà con nhận thức còn hạn chế. “Rất nhiều vấn đề cần giải quyết ở đó như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hạ tầng, kinh tế xã hội, đất ở, nước sinh hoạt, nước sản xuất, các vấn đề an sinh, sinh kế khác”, ông nói.


Tháng Một 22, 2025

Nỗi cay đắng của đảng Dân chủ trong ngày ông Trump nhậm chức
Trong lễ nhậm chức ở Đồi Capitol, lúc Tổng thống Trump liên tục chỉ trích chính quyền tiền nhiệm, ông Biden và các lãnh đạo Dân chủ chỉ có thể mím môi bất lực.

4 năm trước, đảng Dân chủ ăn mừng trước thất bại bầu cử của ông Donald Trump, coi chiến thắng họ đạt được là thắng lợi lớn đối với nền dân chủ và báo hiệu tầm nhìn tiến bộ mới cho nước Mỹ.

Nhưng tình thế giờ đây đã đổi khác, khi ông Trump trở lại nắm quyền sau chiến thắng bầu cử vang dội, phe Dân chủ mất quyền kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn Thượng viện, không có một người lãnh đạo rõ ràng hay con đường khả dĩ nào giúp họ vực dậy đảng của mình.

Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden chào đón vợ chồng Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Nhà Trắng trước lễ nhậm chức hôm 20/1. Ảnh: Washington Post

Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát cả ba nhánh trong chính quyền. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đảo ngược nhiều thành tựu mà đảng Dân chủ đã gây dựng trong những năm qua và theo đuổi các chính sách trái ngược với niềm tin của họ.

Và không giống như nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đảng Dân chủ hiện không được hỗ trợ bởi những tiếng nói phản đối tân Tổng thống trong xã hội. Các cuộc biểu tình phản đối ông Trump ngày nhậm chức năm 2017 từng thu hút hàng nghìn thành viên. Nhưng hôm 20/1, sự kiện tương tự ở Washington chỉ có vài trăm người tham gia.

Lễ nhậm chức tổng thống năm nay được tổ chức bên trong nhà mái vòm Rotunda của Điện Capitol, không gian tương đối chật hẹp, khiến các quan khách phải ngồi sát nhau, ngay cạnh bục phát biểu của ông Trump.

Điều đó đã tạo nên hình ảnh đầy cay đắng với đảng Dân chủ, khi ông Biden và các thành viên hàng đầu của họ phải ngồi ngay sát ông Trump, nghe Tổng thống thứ 47 đọc bài diễn văn chỉ trích 4 năm ông Biden điều hành đất nước là “một thảm họa”.

Ông cho rằng nước Mỹ dưới thời Biden “đang trên đà suy tàn”, thậm chí “không thể giải quyết cuộc khủng hoảng đơn giản trong nước”, trong khi ông Biden ngồi bên cạnh với vẻ trầm ngâm và đôi môi mím chặt.

“Tôi phải nói rằng đó là giọng điệu rất đen tối”, thượng nghị sĩ Dân chủ Tammy Baldwin nói, đề cập đến diễn văn nhậm chức của Tổng thống Trump.

Không có nhiều khoảnh khắc các đảng viên Dân chủ thể hiện cảm xúc thật sự tại buổi lễ. Dù vậy, chúng vẫn được gói gọn trong tiếng thở dài nhẹ của cựu đệ nhất phu nhân Jill Biden trước khi bà bắt đầu đi qua Đồi Capitol, tiếng cười khúc khích không che giấu từ cựu ngoại trưởng Hillary Clinton khi ông Trump cam kết đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ và dấu thánh giá mà cựu tổng thống Biden thực hiện khi thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, người điều hành lễ nhậm chức, nhắc đến nỗ lực chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Một số người lại phản ứng bằng cách không làm gì. Trong lúc các đảng viên Cộng hòa vỗ tay nhiệt liệt và đứng dậy khi Tổng thống Trump đề cập đến những mục tiêu chính sách của mình, các đảng viên Dân chủ chỉ ngồi im lặng, khoanh tay.

Ông Biden và ông Trump tại lễ nhậm chức ở Đồi Capitol ngày 20/1. Ảnh: Reuters

Nhưng những người không tham dự lễ nhậm chức lại tỏ ra thiếu kiềm chế hơn. Hạ nghị sĩ Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez tuyên bố trên mạng xã hội rằng bà “không tôn vinh những người bị cáo buộc lạm dụng tình dục”, dường như nhằm công kích ông Trump.

Một bồi thẩm đoàn ở Manhattan năm 2023 ra phán quyết rằng ông Trump đã có hành vi lạm dụng tình dục và phỉ báng cựu nhà báo E. Jean Carroll. Tổng thống cũng từng bị hàng chục phụ nữ khác cáo buộc tấn công hoặc quấy rối tình dục, song ông phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Hạ nghị sĩ Ilhan Omar trong khi đó chỉ trích những người theo đảng Dân chủ khác đã đến dự lễ nhậm chức sau nhiều năm gọi ông Trump là “mối đe dọa đối với nền dân chủ”.

Sau sự kiện, một số đảng viên Dân chủ cho rằng hình ảnh các tỷ phú, giám đốc điều hành doanh nghiệp ngồi trước thẩm phán Tòa án Tối cao, ứng viên nội các và nghị sĩ tại lễ nhậm chức cho thấy Tổng thống Trump là người ưu tiên giới tinh hoa giàu có hơn tất cả.

“Tôi bị sốc trước hình ảnh các tỷ phú công nghệ ngồi trước thẩm phán Tòa án Tối cao và thành viên nội các”, thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal cho biết. “Các thống đốc bị chuyển đến một phòng riêng, kể cả những thống đốc Cộng hòa. Đó là hình ảnh về một chính phủ đang được rao bán”.

Celinda Lake, nhà thăm dò ý kiến nổi tiếng của đảng Dân chủ, cho biết cách hữu hiệu nhất để các thành viên đảng Dân chủ phản hồi với thông điệp chính sách của Tổng thống Trump là giữ im lặng.

“Chúng ta cần chờ chương trình nghị sự của ông ấy phản tác dụng. Để giật được một con cá lớn, bạn cần phải thả dây câu cho cá chạy tự do đã”, bà nói.

Thượng nghị sĩ Tim Kaine cũng chia sẻ lời khuyên tương tự tới những đảng viên Dân chủ khác.

“Hãy biết cách chọn chiến trường. Sẽ có rất nhiều cuộc chiến. Chúng ta không cần phải chạy theo mỗi khi ông ấy nhắc đến Greenland”, Kaine nói, ám chỉ những lời đe dọa trước đó của ông Trump về việc buộc Đan Mạch phải bán hòn đảo cho Mỹ.

“Mỗi người sẽ có cách nhìn nhận hơi khác nhau về vấn đề này tùy thuộc vào nơi họ ở và cử tri là ai, nhưng hãy chọn cuộc chiến của bạn và chọn những cuộc chiến thực sự phải có tác động đến người dân”, ông nhấn mạnh.

Ông Trump phát biểu trong lễ nhậm chức tại Đồi Capitol ngày 20/1. Ảnh: AP

Kaine cho hay ông sẽ tập trung vào cuộc đua giành chức thống đốc bang Virginia vào cuối năm nay, gọi đây là “điều thực tế mà chúng ta có thể làm để bắt đầu gửi đi một thông điệp tốt đẹp”.

Một số đảng viên Dân chủ vẫn nuôi dưỡng niềm tin rằng đến một ngày, cử tri sẽ bộc phát nỗi bất bình với ông Trump, khi họ hiểu thêm về những gì Tổng thống đang lên kế hoạch thực hiện.

“Tôi nghĩ những gì bạn sẽ thấy là một quá trình tích tụ giận dữ khá kịch tính vào mùa xuân năm nay”, thượng nghị sĩ Dân chủ Edward J. Markey dự đoán.

Theo ông, khi các sáng kiến, kế hoạch của chính quyền Trump được công bố chi tiết, sẽ có nhiều người Mỹ phản đối hơn. “Chỉ cần một chút thời gian nữa để người dân hiểu hoàn toàn lập trường của họ”, Markey nói, thêm rằng phe Dân chủ có thể dựa vào các cơ quan lập pháp, cả cấp bang và liên bang, để chống lại nỗ lực của ông Trump nhằm đảo ngược các quyết định dưới thời ông Biden.

Nhưng ít nhất trong hai năm tới, phe Dân chủ chỉ chiếm thiểu số ở cả lưỡng viện quốc hội và đảng của họ sẽ phải vật lộn để có được một thông điệp mạch lạc, nhất quán khi ông Trump điều hành Nhà Trắng, giới quan sát đánh giá. Điều đó có thể khoét sâu thêm nỗi cay đắng của họ.

Tại Thượng viện, hàng loạt ứng viên nội các gây tranh cãi của Tổng thống Trump đã vượt qua quá trình phê chuẩn mà các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ không thể làm gì để ngăn cản.

Và một nhóm thiểu số nghị sĩ đảng Dân chủ đang tham gia cùng đảng Cộng hòa để hiện thực hóa lời hứa cốt lõi trong chiến dịch tranh cử của ông Trump: Đạo luật Laken Riley. Đây là đạo luật sẽ đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư không giấy tờ phạm tội tại Mỹ.

Đảng Dân chủ biết rõ mình đang ở trong tình thế khó khăn khi thừa nhận rằng thông điệp của họ không được nhiều cử tri đồng tình. Họ biết cần phải điều chỉnh lại cách tiếp cận và không làm mất lòng những người đã chuyển sang ủng hộ Tổng thống Trump vì thất vọng. Điều này có lẽ là động lực khiến nhiều người Dân chủ quyết định cởi mở hợp tác với chính quyền Trump, chuyên gia nhận định.

Dù vậy, vẫn còn một bộ phận cốt cán của đảng phản đối Tổng thống Trump kịch liệt và muốn phản công bằng mọi giá.

Thượng nghị sĩ Booker cho biết ưu tiên hàng đầu của ông hiện nay là “làm mọi thứ có thể để ngăn chặn những điều tồi tệ xảy ra và thúc đẩy những điều tốt đẹp, bất kể liên minh phải hoạt động ở đâu để đạt được điều đó”.

Trên toàn quốc, đảng Dân chủ có một danh sách dài các lãnh đạo thế hệ tiếp theo, nổi bật là thống đốc của các bang chiến trường quan trọng, như Gretchen Whitmer ở Michigan và Josh Shapiro ở Pennsylvania, hay những người giao tiếp khéo léo như cựu bộ trưởng giao thông Pete Buttigieg và Ocasio-Cortez.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ai sẽ là người được giao trọng trách là lãnh đạo tiếp theo của đảng để ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2028.

“Các lãnh đạo kế tiếp trong đảng chúng ta phải là những người tiếp xúc với cử tri tại nơi họ đang ở, thảo luận về các vấn đề theo cách mà mọi người hiểu và đạt được kết quả thực tế”, Lis Smith, chiến lược gia đảng Dân chủ, lưu ý. “Bây giờ là thời điểm để thay đổi toàn diện đảng”.

Theo VnExpress


Call Now Button