Tháng Mười Một 29, 2024

Đòn đánh thuế của Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên không làm thay đổi nền kinh tế Mỹ, nhưng ở nhiệm kỳ thứ hai có thể sẽ khác, theo chuyên gia.

Ông Donald Trump từng áp thuế với hàng hóa nước ngoài trong nhiệm kỳ đầu, khởi động với pin năng lượng mặt trời và máy giặt vào 2018. Sau đó, thép và nhôm xuất đến Mỹ cũng chịu thêm thuế, kể cả xuất xứ từ đồng minh.

Đáng kể nhất là đợt tăng thuế với hàng Trung Quốc, dẫn đến xung đột thương mại Mỹ – Trung. Hai nước đạt được một thỏa thuận vào 2020, nhưng các cam kết mua hàng Mỹ của Trung Quốc chưa bao giờ thành hiện thực.

Khi Trump nhậm chức vào 2017, chính phủ liên bang thu về xấp xỉ 35 tỷ USD từ thuế nhập khẩu và các khoản phí liên quan. Con số này tăng hơn gấp đôi, lên gần 71 tỷ USD vào 2019, theo số liệu từ Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB).

Mức này có vẻ đáng kể nhưng so với quy mô nền kinh tế Mỹ thì vẫn nhỏ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này hiện khoảng 29.300 tỷ USD, theo Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA). Tức là, thuế quan thu được chiếm chưa đến 0,3% GDP.

Vì vậy, theo các chuyên gia, tác động của đòn đánh thuế trong nhiệm kỳ đầu hầu như không rõ nét với kinh tế Mỹ. Các nghiên cứu cho rằng cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc không mang lại lợi ích kinh tế nào cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc chuyển sản xuất ra nước ngoài.

Vốn đầu tư nhà máy không tăng vọt như mục tiêu mang việc làm trở về của ông Trump. Thay vào đó, nhiều công ty Mỹ chọn phương án tìm kiếm nhà cung cấp thay thế Trung Quốc. Các nghiên cứu cũng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã hy sinh một phần “sức mạnh mềm” khi người Trung Quốc ít xem phim Hollywood hơn.

Ông Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Raleigh, Bắc Carolina, ngày 4/11. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, lần này giới chuyên gia cảnh báo mối đe dọa về thuế của Tổng thống đắc cử có thể sẽ khác. Ông Trump cho biết sẽ áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ hàng từ Mexico và Canada, bổ sung 10% thuế với hàng Trung Quốc ngay khi nhậm chức. Việc này nhằm siết chặt kiểm soát ma túy, nhất là fentanyl và nhập cư bất hợp pháp.

“Rõ ràng sẽ có thêm nhiều thuế quan nữa”, Michael Stumo, CEO tổ chức Coalition for a Prosperous America – một nhóm ủng hộ thuế nhập khẩu để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, cho biết.

So với nhiệm kỳ đầu, các mức thuế mới ông Trump đề xuất có quy mô lớn và mang lại những tác động đáng kể hơn. Nếu Mexico, Canada và Trung Quốc đối mặt với các mức thuế bổ sung mà ông tuyên bố vừa qua, số tiền thuế Mỹ thu được có thể lên tới 266 tỷ USD, chưa tính đến gián đoạn thương mại và các biện pháp trả đũa.

Chi phí này có khả năng sẽ do các gia đình Mỹ, nhà nhập khẩu, cùng các công ty trong và ngoài nước trả, thông qua giá cả cao hơn hoặc lợi nhuận thấp. Melquiades Flores, chủ công ty bán buôn nông sản M&M Tomatoes and Chile tại Los Angeles cho biết khách hàng sẽ phải chịu giá cao hơn. “Bất kể họ tính thuế bao nhiêu, giá tăng và người tiêu dùng gánh chịu”, ông nói.

Goldman Sachs ước tính lạm phát cơ bản theo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0,9% khi các mức thuế được thực hiện. Dù lạm phát hạ nhiệt, tốc độ đã chậm lại. So với cùng kỳ 2023, PCE tháng 10 tăng 2,3% so với mức 2,1% vào tháng 9.

Joe Brusuelas, kinh tế trưởng thị trường Mỹ tại công ty kiểm toán RSM cho biết kênh nhập khẩu hàng hóa đã góp phần kéo giảm lạm phát hai năm qua. “Tuy nhiên, khả năng giá cả leo thang kéo theo chi phí trong khu vực dịch vụ tăng lên”, ông nói.

Các cựu quan chức chính quyền Biden cảnh báo việc doanh nghiệp lợi dụng điều chỉnh thuế để tăng giá hàng hóa. Điều này từng xảy ra hồi 2022, khi xung đột Nga – Ukraine tạo cơ hội cho thương nhân đẩy giá lương thực và năng lượng đi lên.

“Tôi lo ngại về các mức thuế không phân biệt áp dụng cho nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc. Điều này có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng giá vô tội vạ”, bà Jen Harris, cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời Biden, hiện là Giám đốc Sáng kiến kinh tế và xã hội Quỹ William & Flora Hewlett nhận xét.

Đảng Dân chủ và các tổ chức doanh nghiệp cũng lên tiếng về rủi ro từ các mối đe dọa áp thuế của ông Trump. Các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đưa ra luật để tước bỏ khả năng áp thuế đơn phương của Tổng thống. Họ cảnh báo rằng chúng có thể dẫn đến giá ôtô, giày dép, nhà ở và hàng tạp hóa leo thang.

Ngoài ra, những lời đe dọa thuế quan của ông Trump tạo cảm giác bất định, khi các công ty và quốc gia chờ đợi điều chỉnh cụ thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng.

“Chúng ta biết các ưu tiên chính sách kinh tế chính của chính quyền Trump sắp tới, nhưng không biết chúng sẽ được thực hiện như thế nào hoặc khi nào”, Greg Daco, kinh tế trưởng thị trường Mỹ tại EY-Parthenon bình luận.

Với Tổng thống đắc cử, thuế là công cụ đã được thử nghiệm vào nhiệm kỳ đầu và dường như ít gây tranh cãi về mặt chính trị hơn. Các mức thuế ông áp đặt với hàng Trung Quốc được Tổng thống Joe Biden duy trì, thậm chí mở rộng. Quan chức chính quyền Biden từng xem xét việc dỡ bỏ để giảm áp lực lạm phát, nhưng họ nhận ra rằng chúng khó có thể giúp ích đáng kể.

Michael Stumo nói thuế quan “mới và độc đáo đến mức khiến mọi người hoảng sợ vào năm 2017”, nhưng hiện chúng được Mỹ và các quốc gia khác coi là một phần trong bộ công cụ chính sách.

Nguồn: VnExpress


Tháng Mười Một 28, 2024

Trong buổi tọa đàm chiều nay do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh dẫn số liệu từ Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, theo thống kê nửa đầu năm về hàng hóa nhỏ di chuyển qua biên giới, mỗi tháng có khoảng 1,3-1,9 tỷ USD hàng hóa không phải đóng thuế.

“Những hàng hóa này rõ ràng khi đóng thuế đã là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD ra – vào thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn. Như vậy cơ chế chính sách đang không phù hợp”, ông Thịnh nhận xét.

Shipper một hãng chuyển phát tại Hà Nội kiểm tra đơn hàng trước khi giao cho khách, cuối tháng 1. Ảnh: Phương Dung

Chuyên gia dẫn chứng thực tế ở Liên minh châu Âu, từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định miễn thuế với những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro hay tại nước Anh, hàng hóa dưới 135 bảng Anh giờ đây phải đóng thuế. Quốc gia cùng khu vực như Thái Lan cũng đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra – vào với mức 7%. Theo ông Thịnh, không kể nhỏ hay lớn, nếu mỗi ngày có 4-5 triệu đơn qua biên giới, con số thất thoát là rất lớn.

Vì thế, chuyên gia cho rằng hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay và phải phù hợp với từng điều kiện, theo đúng thông lệ. Năm 2010 bằng Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng hiện tại với kinh tế số, chỉ cần một giây đã có đầy đủ thông tin nên theo ông Thịnh không phải miễn như trước.

Thứ hai, phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và kho dữ liệu. Kho này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng và đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội. Tiếp theo là việc ứng dụng công nghệ để quản lý hoạt động thương mại điện tử cho phù hợp và chặt chẽ.

Việc tuyên truyền để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng và đủ cũng là điều phải thực thi. Trên cơ sở như vậy, kể cả các chủ thể không có pháp nhân ở Việt Nam nhưng người tiêu dùng vẫn có quyền đòi hỏi, buộc họ phải nộp thuế cho Chính phủ.

“Kết hợp giữa các Bộ, ban, ngành, giữa tuyên truyền, quảng cáo và ý thức của người dân đối với hoạt động quản lý và thu thuế từ thương mại điện tử sẽ là cơ sở để chúng ta có thể quản lý thương mại điện tử một cách phù hợp và sâu sát hơn”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

Doanh thu thuế từ thương mại điện tử tăng đều qua các năm, từ 83.000 tỷ (2022), lên 97.000 tỷ (2023) và chỉ trong 7 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế chủ động triển khai nhiều biện pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu và kết nối UBND các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu từ các ngành như ngân hàng và viễn thông đã được đồng bộ, giúp công tác quản lý và thu thuế đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, thương mại điện tử, với tính linh hoạt và giao dịch xuyên biên giới, vẫn đặt ra những thách thức mới

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (ngồi giữa) và bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế (ngồi bên phải) trong buổi tọa đàm chiều nay. Ảnh: VGP

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế – cho hay Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ sửa Nghị định 12, trong đó đề xuất các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay. Thông qua giải pháp này, tất cả giao dịch thương mại điện tử dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu, cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ.

Xuất hóa đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không. Mặt khác, việc này cũng giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa. Theo bà Lan Anh, lúc đó, hàng hóa trong thị trường Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Đặc biệt giải pháp này sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài quy định về hóa đơn, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng. Cơ quan này đề xuất bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhỏ lẻ.

“Không chỉ Việt Nam mà tất cả quốc gia cũng đang chú ý đến việc này và họ cũng có đề xuất như vậy. Dự thảo luật mới đã đưa quy định trên để hoàn thiện chính sách với hoạt động thương mại điện tử”, Vụ trưởng nói.

Theo VnExpress

 


Tháng Mười Một 27, 2024
thue-1716775821-1716775830-5349-1716776043.jpg

Công nghệ AI và Big data giúp ngành thuế phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, từ đó phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm thuế hiệu quả.

Năm 2023 đánh dấu bước tiến lớn trong tiến trình chuyển đổi số công tác quản lý thuế, như: triển khai bản đồ số hộ kinh doanh; vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát, phòng, chống gian lận trong hoàn thuế, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận…

Cụ thể, AI giúp ngành thuế, phân tích dữ liệu; tự động kiểm tra hồ sơ khai thuế, hóa đơn điện tử; đánh giá rủi ro của từng người nộp thuế; tự động hóa quy trình. Trong đó Big data được sử dụng để quản lý thuế theo ngành kinh tế, giúp đánh giá hiệu quả hoạt động thuế của từng ngành; hay sử dụng để dự báo số thu ngân sách, giúp cơ quan thuế có kế hoạch thu ngân sách nhà nước phù hợp.

Với cơ sở dữ liệu lớn của hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế thực còn nghiên cứu áp dụng một số công nghệ mới để phân tích dữ liệu như giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên nhận diện tên hàng hóa dịch vụ trên hóa đơn điện tử; tìm giá bất thường của hàng hóa; xây dựng các chuỗi mua bán một số mặt hàng như tinh bột sắn, dăm gỗ, điện thoại di động và máy tính bảng, phát hiện các trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong tuân thủ pháp luật thuế.

Năm qua, Tổng cục thuế cũng đã thực hiện Đề tài khoa học “Nghiên cứu giải pháp áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích rủi ro tuân thủ nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế”.

Đề tài đã nghiên cứu các giải pháp áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích rủi ro tuân thủ nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế, đồng thời mở ra hướng mới trong công tác ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Các nội dung của đề tài tập trung vào: Thí điểm xây dựng ngân hàng tiêu chí, chỉ số rủi ro và áp dụng phần mềm và kiểm chứng, thí điểm mô hình AI để phân tích rủi ro tuân thủ nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế sử dụng các kỹ thuật tiền xử lý dữ liệu để kiểm tra dữ liệu, phát hiện khác biệt của dữ liệu để xử lý làm sạch, hiệu chỉnh, dữ liệu khi đã được chuẩn hóa là cơ sở cho việc phân tích. Đề tài còn tập trung dự báo trong một mô hình AI sử dụng kết hợp các thuật toán phân cụm như K-means, K-Medoids, Local Outliers Factor,…, từ đó, tìm ra đối tượng bất thường; huấn luyện máy học (không giám sát, có giám sát) để xây dựng mô hình đánh giá rủi ro dựa trên các thuật toán như Quantile Regression, Logistic Regression, Decision Tree, Isolation Forest, Logistic Regression-ScoreCard.

Kết quả là hơn 273.000 doanh nghiệp hoạt động trên hai năm tính đến thời điểm năm 2019, thuật toán phân cụm xác định 15.625 doanh nghiệp có bất thường; thực hiện dán nhãn và thực hiện phân lớp, xác định mô hình dự báo với kết quả đưa ra 12.098 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 4,4%) có dấu hiệu rủi ro (điểm rủi ro dưới ngưỡng tham số xác lập trên hệ thống).

Bên cạnh hiệu quả mang lại, công tác quản lý tuân thủ pháp luật thuế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo Tổng cục Thuế, số lượng người nộp thuế lớn, gây áp lực cho công tác quản lý. Cụ thể, hơn 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 3 triệu hộ kinh doanh, cùng với khoảng 29 triệu mã số thuế thu nhập cá nhân…

Hồ sơ, dữ liệu thuế ngày càng lớn, đòi hòi thời gian, nhân lực đáp ứng công tác quản lý thuế ngày một cao. Hệ thống hóa đơn điện tử đã tiếp nhận, quản lý hơn 7 tỷ hóa đơn điện tử; số lượng hồ sơ khai thuế (tổ chức, cá nhân) hơn 155 triệu hồ sơ khai thuế; Số lượng báo cáo tài chính doanh nghiệp và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 16,2 triệu. Ngoài ra, tình trạng trốn thuế, gian lận thuế còn phổ biến, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Để ứng dụng tốt trí tuệ nhân tạo AI, Bigdata trong công tác quản lý tuân thủ pháp luật thuế, ngành Thuế cũng đứng trước một số thách thức như việc ứng dụng AI và big data cần có hạ tầng công nghệ hiện đại, đồng bộ; cần có đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao để vận hành và quản lý hệ thống AI và big data. Ngoài ra, cần có khung pháp lý hoàn chỉnh để điều chỉnh việc ứng dụng AI và big data trong công tác quản lý thuế.

Theo Tổng Cục Thuế


Tháng Mười Một 25, 2024

HoREA đề nghị ưu tiên thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà thương mại với chủ đầu tư làm phân khúc bình dân để thị trường phát triển cân bằng.

Theo Luật Nhà ở 2014, từ 1/7/2015, nhà đầu tư được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở. Cơ chế này, theo Chính phủ, làm bó hẹp các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại dưới quy mô khu đô thị, nhất là tại các khu vực mới, chưa có đất ở.

Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết, trong đó cho thí điểm trong 5 năm việc nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) góp ý ưu tiên thí điểm với doanh nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng hoặc đang có quỹ đất để làm dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, phù hợp tình hình kinh tế của địa phương.

Việc này theo ông sẽ thúc đẩy cấu trúc lại sản phẩm nhà ở đang lệch pha về phân khúc cao cấp, giúp thị trường phát triển an toàn, bền vững.

Tại phiên thảo luận quốc hội tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà ở thương mại trong khi không ít nơi xây xong không ai ở, còn phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền người dân vẫn gặp khó. Theo họ, nhà ở xã hội, nhà giá bình dân là phân khúc có nhu cầu thực của người dân tại nhiều địa phương.

Bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Cũng theo dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, dự án được chọn thí điểm phải được thực hiện tại khu vực đô thị, không thuộc công trình phải thu hồi. Dự án thí điểm cần có tối đa 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai của quy hoạch tỉnh đến 2030.

Chủ tịch HoREA cho biết tiêu chí trên sẽ giúp hạn chế tình trạng nhà đầu tư lợi dụng nghị quyết thí điểm để “mua gom” đất nông nghiệp tràn lan hoặc lấy đất trồng lúa làm dự án nhà ở thương mại. Bởi Luật Đất đai 2024 quy định chặt chẽ về quy hoạch đất trồng, cơ chế bảo vệ đất lúa, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Việc thí điểm này là bước tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá tăng cao do một phần nguyên nhân từ khó khăn tiếp cận đất đai.

Danh mục khu đất được chọn thí điểm mở rộng loại đất chuyển đổi sẽ do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp phê duyệt. Ngoài đề xuất từ cấp có thẩm quyền, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị bổ sung thêm tiêu chí nhà đầu tư được đề xuất bổ sung khu đất vào danh mục này.

Thời gian qua, nhiều huyện ven Hà Nội nóng về đấu giá đất với giá trúng lên tới 100 triệu đồng một m2, như tại Thanh Oai, Hoài Đức. Các mức giá này gấp vài lần tới chục lần giá khởi điểm. Gần đây các phiên đấu giá ở huyện ven giảm nhiệt sau các động thái siết lại từ cơ quan quản lý, song giá trúng vẫn ở mức cao 55-75 triệu đồng một m2.

Dự kiến Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết này vào ngày 30/11

Nguồn: VnExpress


Tháng Mười Một 24, 2024

Chính sách thuế bất động sản được đưa ra nhiều lần nhưng vẫn dừng lại ở đề xuất, do chưa đúng thời điểm, lo ảnh hưởng thị trường, thậm chí “thiếu quyết tâm chính trị”.

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Thực tế, đề xuất đánh thuế nhà từng được Bộ Tài chính nêu tại dự thảo Luật Thuế nhà, đất 2009, mức 0,03% với nhà trên 500 triệu đồng. Mười năm sau, nhà chức trách lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế tài sản với 2 phương án về ngưỡng đánh thuế nhà, trên 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng, tương ứng thuế 0,3% hoặc 0,4%. Song, các đề xuất này đều vấp phải phản ứng trái chiều từ dư luận ngay khi công bố, nên được gác lại.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói “thiếu quyết tâm chính trị” là nguyên nhân cốt yếu khiến chính sách thuế bất động sản “vẫn nằm trên giấy”. Ông Võ nhìn nhận việc áp thuế bất động sản gặp thách thức bởi “rơi vào thế giằng co” nhiều năm qua. Theo ông, đối tượng bị đánh thuế là người sở hữu nhiều bất động sản, thường là nhà đầu tư, đầu cơ, chủ đầu tư – vốn là nhóm có nguồn lực tài chính lớn hoặc quyền lực. Nhóm này luôn ở thế xung đột với những người “vất vả để mua nhà”, hay số đông người lao động tài chính ít, không có khả năng mua.

Hệ lụy là từ năm 2018 đến nay, thị trường địa ốc xuất hiện nhiều dấu hiệu tiêu cực, bất cập khi giá nhà leo thang và lệch pha cung – cầu nghiêm trọng. Việc này ảnh hưởng đến phát triển bền vững của thị trường.

Khu đất đấu giá tại xã Tiền Yên, Hoài Đức (Hà Nội) có hàng chục lô trúng trên 100 triệu đồng một m2, tháng 8/2024 Ảnh: Phạm Chiểu

Ở góc độ cơ quan quản lý thuế, điều khiến họ lo ngại là việc áp thuế này có thể tác động mạnh tới thị trường bất động sản. “Việc này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, có thể khiến nền kinh tế rơi vào ảm đạm”, một lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ bên lề cuộc họp tuần trước.

Năm ngoái, Bộ Tài chính cho biết đã nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10, thông qua vào tháng 5/2025. Song, tại một báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng 7, cơ quan này đánh giá thời điểm này “chưa phù hợp”. Lý do là kinh tế thế giới còn phức tạp, khả năng phục hồi chưa rõ. Ở trong nước, doanh nghiệp và một bộ phận người dân vẫn khó khăn. Những yếu tố này tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam, khó đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%. Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô trong bối cảnh niềm tin người tiêu dùng chưa phục hồi.

Giám đốc một công ty bất động sản đang phát triển dự án tại khu Tây Hà Nội cho rằng thuế bất động sản hướng đến chống đầu cơ, tránh lãng phí đất đai. Song theo ông, chính sách này cần tính toán kỹ để không triệt tiêu cơ hội phát triển của thị trường bất động sản – lĩnh vực vốn ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục ngành nghề liên quan.

Lo ngại không đảm bảo công bằng giữa các đối tượng sở hữu nhà, cũng là nguyên nhân khiến chính sách thuế bất động sản vẫn dừng lại ở nghiên cứu. Cách đây hai năm, TP HCM đề xuất thí điểm áp thuế với nhà, đất thứ hai, nhưng không thành cũng bởi lý do này. Góp ý tại thời điểm đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư lo ngại người có một nhà, đất ở diện tích, giá trị lớn sẽ không bị đánh thuế. Ngược lại, người sở hữu hai nhà, đất với diện tích, giá trị nhỏ lại chịu thuế cao.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây, lo ngại tình trạng thuế chồng thuế nếu chính sách này áp dụng. Theo ông, hiện người mua nhà đất phải đóng tiền sử dụng một lần, khoảng 10-50% giá trị tài sản. “Nếu đánh thuế nhà, đất hằng năm nhưng vẫn thu tiền sử dụng đất một lần sẽ khiến người dân “kiệt quệ”, họ không đủ sức mua nhà. Trong khi, người giàu có thể lách bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản cho người thân”, ông nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc nhìn nhận đánh thuế bất động sản có thể đẩy giá nhà, đất tăng lên. Bởi, chi phí thuế sẽ cộng vào giá thành sản phẩm, người mua sau cùng phải chịu khoản này. Khi đó, giấc mơ sở hữu nhà của phần đông người dân sẽ càng khó khăn.

Khu trung tâm TP HCM, quận 1, tháng 11/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài ra, theo các chuyên gia đánh thuế bất động sản không dễ do thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu bất động sản. Theo GS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chỉ số giá chủ yếu do các đơn vị độc lập thu thập và công bố, chưa hoàn chỉnh tất cả phân khúc nhà đất. Thậm chí mỗi báo cáo của các đơn vị đưa ra lại có dữ liệu khác nhau. Cùng với đó, phần lớn các giao dịch địa ốc có tình trạng hai giá, tức giá mua thực tế chênh cao so với kê khai trong hợp đồng để nộp thuế. “Điều này không phản ánh chính xác các giao dịch, ảnh hưởng đến dữ liệu, gây thất thu ngân sách”, ông Thịnh nói.

Do đó, theo ông Đặng Hùng Võ, Việt Nam cần áp dụng công nghệ trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu bất động sản, cải thiện nghiệp vụ định giá. “Từ đó, việc xác định nhà thứ hai, ba và giá trị bất động sản mới minh bạch”, ông nói.

Dù chưa có sắc thuế tài sản riêng, thực tế các loại thuế về sử dụng đất phi nông nghiệp, nông nghiệp cũng có tính chất và đặc điểm tương tự. Tuy nhiên, số thu hàng năm của hai khoản này chỉ chiếm 0,03% GDP. Mức này khá khiêm tốn so với các nước khác. Chẳng hạn, quy mô thu thuế bất động sản ở hầu hết các quốc gia khoảng 0,1-3% GDP, riêng các nước châu Phi dưới 0,5%, theo số liệu từ Bộ Tài chính.

Giới chuyên môn nhiều lần khẳng định nghiên cứu về chính sách thuế bất động sản là cần thiết, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng an toàn, khuyến khích sử dụng bất động sản hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Song, việc này cần có lộ trình, tránh gây cú “sốc” cho thị trường.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh gợi ý giai đoạn đầu có thể áp thuế suất vừa phải, sau đó tăng dần để người dân làm quen. Chẳng hạn, Singapore áp thuế 16% khi chủ sở hữu bán nhà trong năm đầu sau khi mua. Mức thuế giảm về 12% và 8% vào hai năm tiếp theo. Họ không phải chịu thuế này khi bán nhà sau năm thứ 4. Nước này cũng có nhiều đợt điều chỉnh thuế với người mua bất động sản thứ hai trong nhiều năm qua.

“Cơ quan quản lý nên nghiên cứu kỹ cách thu thuế tài sản nhà ở tại nhiều nước phát triển để áp dụng thận trọng với Việt Nam”, ông nói.

Ngoài ra, để giải quyết lo ngại về thiếu công bằng giữa các chủ thể sở hữu, ông Đặng Hùng Võ cho rằng nhà điều hành nên bổ sung thêm căn cứ về diện tích nhà, đất khi nghiên cứu áp thuế. Việc này nhằm tránh trường hợp người sở hữu nhiều nhà diện tích nhỏ bị đánh thuế, nhưng có căn hộ hàng trăm m2 lại không bị thu. Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, để chính sách được đồng thuận cao, việc áp thuế ngoài tính dựa trên số lượng nhà, đất sở hữu, cần tính trên giá trị tài sản.

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi nói mục tiêu của nhà điều hành là tạo thị trường bất động sản minh bạch, ổn định. Ông khẳng định Bộ Tài chính đồng tình đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, đất. Song, theo ông, các chính sách đưa ra cần mang tổng thể. “Nếu riêng thuế sẽ không đáp ứng được hết, mục tiêu cuối cùng không đạt được. Các chính sách về đất đai, quy hoạch cũng phải đồng bộ”, ông Chi nói.

Theo VnExpress


Tháng Mười Một 23, 2024

Ứng dụng kê khai thuế điện tử đang được nâng cấp, dự kiến tự động hỗ trợ khâu quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm sau.

Thông tin được lãnh đạo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết tại một sự kiện ngày 21/11. Theo đó, cơ quan này đang xây dựng chức năng “tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân gợi ý” trên các ứng dụng (app) eTax Mobile, để hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử.

Tức là, ứng dụng này sẽ hỗ trợ người nộp thuế tạo tờ khai thuế dựa vào dữ liệu từ doanh nghiệp – nơi trả thu nhập cho người nộp thuế, thay vì họ phải tự tổng hợp thông tin kê khai như hiện tại.

Sau đó, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng, tự động hỗ trợ việc quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp. Dự kiến, việc này triển khai đầu năm sau, trước kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của năm 2024.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng việc hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động sẽ giúp đơn giản các bước thủ công, xử lý hồ sơ, khi lượng người nộp thuế cá nhân hàng năm phải quyết toán, hoàn thuế rất lớn.

Người dân tải ứng dụng eTax của Tổng cục Thuế, để tra cứu thông tin nộp, hoàn thuế. Ảnh: Phương Dung

Hoàn thuế thu nhập cá nhân là khi người dân được trả lại phần nộp thừa trong năm, hoặc có thu nhập tính thuế chưa đến ngưỡng phải nộp. Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, cá nhân không có người phụ thuộc, thu nhập dưới 132 triệu đồng một năm có thể làm thủ tục để hoàn phần nộp dư. Với mỗi người phụ thuộc (bố mẹ, vợ con, anh chị) phần thu nhập được khấu trừ thêm 52,8 triệu đồng một năm.

Những người có từ 2 nguồn thu nhập trở lên phải trực tiếp làm thủ tục quyết toán, hoàn thuế. Khi đó, họ tự tổng hợp chứng từ khấu trừ để nộp kèm hồ sơ. Song, thủ tục, chứng từ hoàn thuế khá phức tạp, khiến không ít người định bỏ số tiền nộp thừa hoặc mất phí thuê dịch vụ hỗ trợ để được hoàn.

Ngoài hoàn thuế, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, nhà chức trách cũng xây dựng cổng thông tin điện tử dành cho cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đăng ký, kê khai, nộp thuế.

Cơ quan thuế sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kiểm soát doanh thu, mua bán trên các sàn thương mại điện tử. Công cụ này sẽ phân tích thông tin hóa đơn điện tử, xác định các rủi ro về lập hóa đơn giả hoặc mua bán chứng từ khi xét hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Ứng dụng AI cũng được dùng trong phân tích dữ liệu lớn được thu thập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhằm xác định các hành vi không kê khai, trốn thuế.


Tháng Mười Một 22, 2024

Do khai sai thuế, lập và sử dụng hóa đơn không đúng nên Tập đoàn Hà Đô bị phạt, nộp thêm và trả lãi chậm tổng cộng 7,65 tỷ đồng.Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) vừa công bố đã nhận được quyết định xử phạt từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) về vi phạm hành chính qua kiểm tra thuế. Doanh nghiệp này phạm ba lỗi: khai sai dẫn đến thiếu số tiền phải nộp, lập hóa đơn không đúng thời điểm và sử dụng hóa đơn không đúng quy định. Trong đó, việc lập hóa đơn không đúng thời điểm được xác định nhiều lần, nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế.

Tổng cục Thuế quyết định phạt tiền gần 4,5 tỷ đồng cho ba sai phạm kể trên. Song song đó, HDG phải nộp đủ số tiền thuế còn thiếu vào ngân sách hơn 1 tỷ đồng, kèm tiền chậm nộp hơn 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền chậm nộp trên được tính đến hết ngày 25/9. Do đó, công ty cần tự tính và đóng số tiền chậm nộp sau ngày 25/9 đến thời điểm thực hiện nghĩa vụ.

Cổng vào khu đô thị Hado Charm Villas (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: HDG

Tập đoàn Hà Đô ban đầu theo mảng xây lắp nhưng sau đó lấn sân vào kinh doanh bất động sản, năng lượng. Năm 2021, họ thoái vốn mảng xây lắp để tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm bất động sản, năng lượng và đầu tư tài chính.

Trong nửa đầu năm nay, doanh thu HDG giảm 10% xuống 1.398 tỷ và lợi nhuận sau thuế cũng sụt 16% về 363 tỷ đồng. Mảng năng lượng mang lại doanh thu chủ yếu ghi nhận tình trạng sản lượng từ các nhà máy thủy điện giảm do ảnh hưởng của thời tiết El Nino, sản lượng điện gió và mặt trời cũng đi lùi do dự án điện gió 7A đang vào chu kỳ năm gió thấp.

Kinh doanh địa ốc có sự tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng chỉ góp chưa tới 30% tổng doanh thu. Theo SSI Research trong giai đoạn 2022-2023, nguồn thu bất động sản chủ yếu đến từ việc bàn giao các căn hộ đã bán tại dự án Hado Charm Villas (Hà Nội). Thời gian tới, họ có thể ghi nhận thêm doanh thu từ rổ hàng còn lại của dự án nếu điều kiện thị trường thuận lợi cho việc mở bán.

Ngoài ra, Hà Đô cũng lên kế hoạch mở rộng sang bất động sản khu công nghiệp. Họ đã bắt đầu khảo sát các khu vực tiềm năng tại Hưng Yên, Thái Bình, Long An, Cần Thơ, Ninh Thuận.


Tháng Mười Một 21, 2024

Techcom Capital nộp thêm 94,8 triệu đồng thuế vào ngân sách Nhà nước, ngày 8/11, nâng tổng số thuế đóng kỳ 2022-2023 lên 114,3 tỷ đồng.

Thông tin trên được đưa ra trong văn bản của Tổng cục Thuế. Với số lượng khách hàng hiện tại gần 130.000, tính đến ngày 31/10, tổng giá trị tài sản quản lý của Techcom Capital đạt hơn 14.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cuối năm 2023.

Techcom Capital đóng 114,3 tỷ đồng thuế kỳ 2022-2023. Ảnh: Techcombank

Techcom Capital đang quản lý 10 quỹ đầu tư đa dạng loại hình, chiếm giữ 25% thị phần quỹ mở nội địa tính theo giá trị tài sản quản lý. Trong đó, quỹ Trái phiếu Techcom (TCBF) là một trong những quỹ mở nội địa trái phiếu lớn nhất trên thị trường với gần 10 năm hoạt động.

Các quỹ mở của Techcom Capital cung cấp giải pháp rút vốn hàng ngày, giúp nhà đầu tư linh hoạt trong việc cơ cấu lại danh mục và vốn đầu tư. Đặc biệt là những người có nhu cầu rút vốn thường xuyên.

Bên cạnh việc áp dụng số hóa trong quy trình hoạt động, Techcom Capital cũng tăng cường phối hợp cùng các đối tác đại lý phân phối, nhằm mang đến nhiều giải pháp và giá trị cho khách hàng. Các biện pháp này bao gồm cung cấp thông tin minh bạch về quỹ, giúp nhà đầu tư nắm rõ danh mục và hiệu quả hoạt động; xây dựng đa dạng sản phẩm, dịch vụ tích hợp hàm lượng công nghệ cao để hỗ trợ nhà đầu tư như cố vấn tài chính tự động Robo-Advisor (TCWealth), phân bổ quỹ theo khẩu vị rủi ro.

Đại diện Techcom Capital (thứ 4 từ trái sang) nhận cúp vinh danh Công ty Quản lý Quỹ tiêu biểu do VSDC bình chọn. Ảnh: Techcombank

Trong hai năm qua, Techcom Capital được vinh danh là Công ty Quản lý quỹ tiêu biểu do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) bình chọn. Giải thưởng này tôn vinh các công ty quản lý quỹ có thành tích xuất sắc trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường tài chính.

Nguồn: VnExpress


Tháng Mười Một 19, 2024

Các nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook, TikTok… đã nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế 10 tháng đầu năm, tăng gần 26% so với cùng kỳ 2023.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết hiện có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng 5 đơn vị so với lần cập nhật cuối tháng trước. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple…

Tính đến đầu tháng 10, họ đã nộp hơn 8.600 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, với khoản nộp thêm này, lũy kế từ tháng 3/2022 – thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp 20.174 tỷ đồng.

Hiện những nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple… đang nắm giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.

Gần đây, một số nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688 bán hàng vào Việt Nam nhưng chưa đăng ký kinh doanh với nhà chức trách. Các sàn này cũng thuộc đối tượng phải kê khai và nộp thuế theo diện nhà cung cấp nước ngoài.

Tại họp báo Chính phủ ngày 9/11, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết các nhà cung cấp ngoại này có trách nhiệm đăng ký, tự tính, khai, nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quý.

Với Temu, chủ sở hữu của sàn bán online này kê khai doanh thu quý III bằng 0, dự kiến phát sinh từ tháng 10 sẽ khai vào quý sau,

Dù tự kê khai, song theo ông Sơn, trường hợp phát hiện nhà cung cấp báo cáo chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế đối chiếu dữ liệu để xác định. Sau đó, họ sẽ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ và thanh, kiểm tra khi có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

Cũng theo số liệu từ cơ quan thuế, tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng do cơ quan này quản lý ước đạt 1,65 triệu tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VnExpress


Tháng Mười Một 19, 2024

Nhà băng đóng 3.102 tỷ đồng tiền thuế năm 2023, trong đó gồm 8,5 tỷ đồng tất toán nộp bổ sung.

Thông tin do đại diện VIB công bố ngày 11/11. Theo đơn vị, kết quả này có được nhờ vào mô hình bán lẻ an toàn, bền vững với quy mô và hiệu quả tăng trưởng mạnh. Từ khi chuyển đổi mô hình kinh doanh năm 2017, nhà băng đã góp hơn 11.900 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 40% mỗi năm.

Hoạt động kinh doanh quý III/2024 ngân hàng ghi nhận nhiều điểm tích cực. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng và huy động đạt 12% và 8%, nhờ triển khai sản phẩm vay và huy động mới với lãi suất cạnh tranh.

Chất lượng tài sản được cải thiện tốt nhờ chiến lược quản trị nợ và biện pháp ngăn chặn sớm. Tính đến hết tháng 10, nợ nhóm hai giảm hơn 30%, tương đương hơn 4.500 tỷ đồng so với đầu năm. Với dư địa tín dụng tốt và chất lượng tài sản cải thiện mạnh, VIB kỳ vọng tiếp tục đạt kết quả kinh doanh tích cực và đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia.

Tống đóng góp ngân sách của VIB từ 2017 đến 2023. Nguồn: VIB

Ngoài ra, ngân hàng tích cực tham gia các chương trình vì cộng đồng như phong trào thi đua xóa nhà tạm, hỗ trợ khắc phục bão Yagi, tài trợ học bổng sinh viên và thúc đẩy văn hóa giáo dục xã hộ

VIB nhiều năm liền được vinh danh với bằng khen về ‘Thành tích cao trong công tác thu, nộp ngân sách Nhà nước của TP HCM”. Từ đầu năm đến nay, VIB nằm trong top các ngân hàng tư nhân có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Theo VnExpress


Call Now Button