Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nỗ lực tối đa, tạo đột phá thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để năm 2025 tăng trưởng ít nhất 8%, từ 2026 đạt hai con số.
Dịp đầu năm mới 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài viết “Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc”.
Theo Thủ tướng, nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, năm 2024 đất nước đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 7%; quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp còn khoảng 11%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; tăng năng suất lao động ước đạt 5,7%, vượt mục tiêu đề ra; chỉ số tự do kinh tế tăng 13 bậc, lên vị trí 59/176 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,6%, trong khi vẫn thực hiện tăng lương, tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục, cùng với kỷ lục xuất khẩu nông sản trên 62 tỷ USD; thặng dư thương mại ước đạt 24 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Nhờ nền kinh tế phục hồi tích cực và tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tổng thu ngân sách nhà nước vượt trên 19% dự toán (khoảng 320.000 tỷ đồng); nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định.
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỷ USD; là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với 17 FTA, trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng một bậc so với năm 2023.
Toàn quốc đã đưa vào khai thác hơn 2.000 km cao tốc; hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Bình – Hưng Yên trong thời gian ngắn kỷ lục 6 tháng; tập trung chuẩn bị, khẩn trương triển khai các dự án đường sắt quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 1,9%; thu nhập bình quân người lao động tăng khoảng 7,4%.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng thể chế vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển; quy trình, thủ tục có điểm còn bất cập. Phân cấp, phân quyền còn vướng mắc, vẫn còn nhiều công việc cụ thể ở cấp trung ương; thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh có lĩnh vực còn rườm rà, ách tắc. “Lãng phí vẫn còn trong nhiều ngành, lĩnh vực, gây nhiều hệ lụy, làm suy giảm nguồn lực, tăng gánh nặng chi phí, tạo rào cản, bỏ lỡ thời cơ cho phát triển của đất nước”, theo Thủ tướng.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa góp phần tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tầng lớp nhân dân chưa được cải thiện nhiều; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ùn tắc giao thông, ngập úng tại các thành phố lớn còn chậm. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, sạt lở, ngập lụt, sụt lún, khô hạn biến động khó lường, gây hậu quả nặng nề.
Phấn đấu tăng trưởng hai con số từ 2026
Thủ tướng nhấn mạnh 2025 “là năm tăng tốc, bứt phá” để về đích thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025. Năm nay cũng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước. 2025 là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, “mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc”.
“Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, ngay từ năm 2025 chúng ta phải nỗ lực tối đa, tạo những yếu tố đột phá thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% hoặc phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi; trên cơ sở đó tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026”, Thủ tướng viết.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật để thực sự là “đột phá của đột phá”, tạo động lực phát triển đất nước với tinh thần “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý chú trọng tư duy đổi mới, kiến tạo phát triển, tạo ra không gian phát triển mới; đổi mới, số hóa, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả của các loại thị trường; thực hiện đồng bộ giải pháp để phục hồi, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản và sớm nâng hạng thị trường chứng khoán.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu quyết liệt sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; có chính sách cụ thể, tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các động lực tăng trưởng mới cần tập trung, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây…
Hệ thống hạ tầng chiến lược cần phát triển đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh các dự án trọng điểm; kết nối hệ thống đường bộ cao tốc với sân bay, cảng biển; khẩn trương triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Toàn quốc phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển.
Việt Nam sẽ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
“Xác định rõ và có cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá cả ở tầm chiến lược và sách lược để nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thực sự là quốc sách hàng đầu, tạo sự bứt phá, bay cao, vươn xa trong nỗ lực bắt kịp, tiến cùng, tăng tốc, bứt phá và vượt lên, đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng viết.
Cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí sẽ được xây dựng. Chính sách tôn giáo sẽ phát huy tinh thần “đạo pháp và dân tộc”, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Toàn quốc phấn đấu sớm hoàn thành hơn 100.000 căn nhà ở xã hội.
Những sơ hở trong chính sách phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ sớm được khắc phục, đi kèm tăng cường kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
“Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam đã được thử thách qua lịch sử hào hùng đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta sẽ tiếp tục tỏa sáng để đưa đất nước vươn lên tầm cao mới, đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc, đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết.
Theo VnExpress