Tháng Năm 10, 2025

Bất chấp lãi suất thấp, nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán vẫn gửi tiền tại ngân hàng như một phương án để đầu tư, tối ưu nguồn vốn.

Lãi suất huy động của các ngân hàng hiện không cao, quanh 4,5-6% một năm, đối với kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, gửi tiền tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư an toàn nhất ít rủi ro.

Hàng quý, một số công ty có thể thu về hàng trăm tỷ đồng nhờ việc gửi ngân hàng. Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đang là doanh nghiệp trên sàn sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất cuối quý I/2025, ở mức hơn 39.600 tỷ đồng. Khoản mục này tăng khoảng 3.000 tỷ so với đầu năm. Đơn vị này đã thu về hơn 400 tỷ đồng nhờ việc gửi tiền trong quý đầu năm nay.

Viettel Global là công ty phụ trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Doanh nghiệp này đang hiện diện tại 10 thị trường gồm Lào, Campuchia, Cameroon, Haiti, Myanmar, Mozambique, Peru, Tanzania, Đông Timo và Burundi.

Việc đầu tư ở nhiều nước khác nhau mang lại nhiều rủi ro cho Viettel Global như thua lỗ tỷ giá, bất ổn địa chính trị. Ví dụ, trong quý I/2025 công ty này lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng từ tỷ giá. Tuy nhiên, với việc có lượng lớn tiền gửi, doanh nghiệp này sẽ có nguồn thu hàng trăm tỷ đồng đều đặn mỗi quý.

Không chỉ Viettel Global, một số doanh nghiệp ghi nhận nguồn thu từ tiền gửi có đóng góp lớn vào lớn nhuận trong quý đầu năm nay, ví dụ Petrolimex hay Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Thậm chí, PV Oil có thể đã lỗ nếu không có tiền gửi.

Không chỉ để đầu tư, các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền lớn đem đi gửi còn với nhiều mục đích khác. Công ty cổ phần tập đoàn Hóa chất Đức Giang, một công ty trong lĩnh vực sản xuất hóa chất, đem tiền đi gửi để vừa đầu tư vừa chuẩn bị cho những dự án lớn.

“Chúng tôi gửi lượng tiền lớn trong ngân hàng để chờ đợi đầu tư những ‘cú đấm thép’ tiềm năng, thay vì đầu tư trái phiếu, tiền ảo hay bất động sản theo xu hướng”, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch công ty nói trong phiên họp thường niên năm 2024. Đến năm nay, doanh nhân này lại khẳng định lại một lần nữa quan điểm này.

Chủ tịch Hóa chất Đức Giang chia sẻ nhiều công ty tài chính đã tư vấn cho ban lãnh đạo dùng tiền “nhàn rỗi” để mua trái phiếu, tiền ảo bất động sản với lợi suất hàng chục đến hàng trăm phần trăm. “Tuy nhiên, tôi đã không đồng ý với những kế hoạch đó vì sợ bị ‘bùng’. Chúng tôi được nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất 2% thì gửi tiền cũng có lãi tốt rồi”, Chủ tịch Hóa chất Đức Giang chia sẻ.

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, Hóa chất Đức Giang có gần 11.300 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm 66% tổng tài sản. Số tiền này mang về cho doanh nghiệp 134 tỷ đồng tiền lãi trong quý trước, tương ứng mỗi ngày thu về 1,5 tỷ đồng.

Không chỉ riêng Hóa chất Đức Giang hay Viettel Global, nhiều công ty trên sàn cũng đang gửi hàng chục nghìn tỷ ở ngân hàng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn cũng đang thực hiện việc này như Vingroup, Hòa Phát, PV Gas, FPT, Vinamilk…

Chuẩn bị cho các dự án lớn cũng là nguyên nhân tập đoàn Hòa Phát đem tiền đi gửi ngân hàng. Tại phiên họp thường niên năm 2024, ông Trần Đình Long, Chủ tịch công ty này chia sẻ Hòa Phát sở hữu lượng tiền gửi lớn để làm nguồn vốn thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Tập đoàn này muốn cân bằng giữa tiền đi vay và vốn tự có, bởi theo ông Long, doanh nghiệp “lạm dụng” đòn bẩy tài chính có thể hứng chịu hậu quả lớn.

“Trên thương trường, mọi người cứ gọi Hoà Phát là ‘vua tiền mặt’, nhưng đó không phải là tiền dôi dư. Chúng tôi không thể phiêu lưu cầm tiền đi đầu tư hay ‘ôm’ bất động sản mà phải để chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch Hoà Phát nói.

Hòa Phát từng là “vua tiền mặt” trên thị trường chứng khoán trong nhiều năm, ví dụ năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, trong quý vừa qua, số tiền gửi và tiền mặt của tập đoàn này còn khoảng 23.600 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ sau một quý và giảm gần 11.000 tỷ sau một năm do triển khai dự án Dung Quất 2. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này sẽ sử dụng một nửa là vốn tự có, theo chia sẻ từ ban lãnh đạo.

Còn từ góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trung tâm phân tích của Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cho biết các doanh nghiệp đầu ngành duy trì lượng tiền gửi lớn để tối ưu nguồn vốn “nhàn rỗi”. Việc này giúp các công ty có thu nhập thụ động khi chưa có hoạt động đầu tư mới trong tương lai gần.

Ngoài ra, gửi tiền vào ngân hàng giúp doanh nghiệp phân tán rủi ro khi có nhiều biến số vĩ mô, ví dụ chính sách thuế quan của Mỹ. Ngoài ra, tiền gửi là một dạng “tài sản đảm bảo” cho các khoản vay tại ngân hàng. Chuyên gia lưu ý báo cáo tài chính thể hiện số liệu lượng tiền gửi tại một ngày cố định cuối mỗi quý nên việc đánh giá tình hình tài chính và dòng tiền chỉ mang tính chất tương đối.


Tháng Tư 5, 2025
af35c07f-98e6-4b5e-874b-5f76e0c88d11.png

Hồ Quốc Tuấn

Hồ Quốc Tuấn

Giảng viên cao cấp, Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Tài chính & Kế toán, Đại học Bristol

Khi ông Trump kéo tấm bảng thuế quan lên, tôi đã ngạc nhiên và khi nghe con số 46% áp vào Việt Nam, tôi phải “tua lại” để nghe cho kỹ.

Ông khen “Việt Nam – những nhà đàm phán tuyệt vời, những con người tuyệt vời, họ thích tôi, tôi thích họ”, rồi… nói tiếp: “Vấn đề là họ tính chúng tôi 90%. Chúng tôi sẽ tính họ mức thuế 46%”.

Tôi đã hoang mang một lúc với hai thông điệp có vẻ trái chiều, đặc biệt là mức thuế áp lên Việt Nam – nằm trong nhóm cao nhất thế giới.

Để hiểu mức thuế này cao như thế nào, cần hiểu khuôn khổ đánh thuế “đối ứng” mà ông Trump gọi là “có đi có lại” hoặc “hãy đối xử với chúng tôi như cách chúng tôi đối xử với bạn”.

Theo tài liệu do Nhà Trắng công bố, việc đánh thuế được chia làm hai nhóm.

Đầu tiên là mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả quốc gia, có hiệu lực lập tức vào 5/4.

Ngoài ra, một số quốc gia sẽ phải gánh chịu mức thuế “đối ứng”, cao hơn mức 10% đó. Đây là những nước mà Mỹ cho là “vi phạm” về rào cản phi thuế quan, nhưng kỳ thực, đa số có thặng dư thương mại về hàng hóa lớn với Mỹ. Mức thuế này có hiệu lực ngày 9/4.

Ở đâu ra con số 46% với Việt Nam? Chính là tính toán từ một công thức do Nhà Trắng công bố. Việt Nam đang có thặng dư thương mại, tức xuất siêu hàng hóa lớn với Mỹ, và để cân bằng, thì theo công thức của phía Mỹ, cần phải có thuế quan lên đến 90%. Nhưng ông Trump cho rằng ông chỉ áp mức “dễ chịu” là 46%.

Về quan điểm, phía Mỹ cho rằng vì Việt Nam áp dụng nhiều loại công cụ thuế quan lẫn phi thuế quan như VAT, phí, hạn chế kỹ thuật về nhập khẩu, lẫn “thao túng tiền tệ” để đạt lợi ích không công bằng về thương mại nên mới có thặng dư lớn như vậy với Mỹ, và do đó cần phải chịu thuế quan cao hơn.

Nhiều ngành của Việt Nam, bao gồm sản xuất linh kiện, điện tử, nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày đều sẽ bị ảnh hưởng xấu. Nhưng hãng tin CNBC cũng cho rằng, áp thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam “có thể sớm làm tăng chi phí cho các tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc, nội thất và đồ chơi, và một số công ty có thể chuyển phần chi phí tăng thêm này sang người tiêu dùng dưới hình thức tăng giá”.

Nói vậy để thấy tuy Việt Nam gặp khó khăn, Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không kém. Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/4 cũng chìm trong sắc đỏ như thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nếu ở Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm hơn 80 điểm, thì ở phía Mỹ, chỉ số Dow Jones cũng mất cả nghìn điểm, và Nasdaq giảm hơn 4%. Một số cổ phiếu Mỹ giảm hơn 12% trong chỉ một phiên, như Nike, HP, Dell, Ralph Lauren, vốn phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng nước ngoài.

Nói cách khác, Mỹ đánh thuế nhiều nước thì doanh nghiệp Mỹ cũng tổn thất, kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vấn đề là sức chịu đựng của ai tốt hơn, và Việt Nam có thể làm gì?

Rất nhiều chuyên gia khuyên Việt Nam nên đàm phán thương mại ngay với Mỹ để giảm thuế quan. Nhưng vấn đề là không chỉ có Việt Nam đi đàm phán. Ngay ngày 4/4, EU bắt đầu có phiên đàm phán với Mỹ và nhiều nước khác như Singapore, Ấn Độ, Thái Lan cũng muốn bắt đầu thương thảo. Xét tương quan nhiều phía, Việt Nam có nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh hàng chục nước đã và đang tìm cách “chạy thuế quan” ở Mỹ, Việt Nam cần một chiến lược đàm phán thích hợp và nhận định rõ tình hình hơn.

Ông Trump, trong thông điệp của mình, ngoài chuyện đánh thuế, còn muốn đem sản xuất về Mỹ và bắt đầu một kỷ nguyên khôi phục ngành công nghiệp ở Mỹ. Việt Nam có thể xem xét chuyện đầu tư vào Mỹ hay tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất Mỹ ở Việt Nam, ngoài chuyện xét ưu đãi thuế cho một số mặt hàng nhập từ Mỹ như các chuyên gia đã đề nghị.

Quan trọng hơn, trong bối cảnh nhiều nước cùng thương lượng thuế quan, cần ý thức rõ Mỹ đang xem Việt Nam là một đối tác như thế nào trong bàn cờ thế giới để xoay xở. Nếu tình thế quá khó, cũng không nên đánh đổi bằng mọi giá.

Có một bình luận trên Financial Times tôi đọc được, đại ý nếu ông Trump muốn sử dụng thuế suất cao như công cụ đem sản xuất về Mỹ, thì thương lượng hạ thuế với ông là vô nghĩa.

Tôi thì nghĩ ở khía cạnh trung dung hơn. Ông Trump muốn mang sản xuất về Mỹ, nhưng cũng muốn đàm phán thương mại.

Trump sẽ không cực đoan một vế nào cả vì cả hai đều mang lại lợi ích về chính trị và hình ảnh cho ông. Vì vậy, kỳ vọng về mức thuế suất giảm được có thể chỉ ở mức vừa phải. Ông Trump sẽ giữ một mức thuế suất vừa đủ khiến một số nhà sản xuất vốn có thể làm ở Mỹ phải quay lại Mỹ, đồng thời tìm kiếm một lợi ích thuế quan tốt hơn với hàng mà Mỹ phải nhập khẩu.

Từ đó, có thể thấy triển vọng hạ thuế quan tới mức tối thiểu là rất khó. Nói cách khác, kinh tế Việt Nam có thể sẽ không thuận lợi như những nhận định cách đây hơn một tháng về tăng trưởng 8% và hai con số. Việt Nam có thể vẫn sẽ tăng trưởng cao so với đa số quốc gia, nhưng cần tránh nỗ lực tăng trưởng bằng mọi giá và bớt đặt trọng tâm vào những con số quá cao.

Khi xuất khẩu gặp khó thì vai trò của chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế càng quan trọng, như Trung Quốc đang lên kế hoạch, nhưng cũng không nên “chạy chỉ tiêu” theo những con số, bất chấp rủi ro lạm phát, lãng phí đầu tư công và nợ xấu.

Cú sốc thuế của ông Trump lúc này chưa chắc là hoàn toàn xấu, mà ở khía cạnh nào đó, giúp ta nhìn nhận thẳng thắn, cân bằng hơn giữa mục tiêu tăng trưởng và rủi ro tiềm ẩn.


Tháng Chín 27, 2024
Gemini_Generated_Image_mte54rmte54rmte5.jpg

Trong khi Long Châu tìm được mô hình phù hợp cho nhân rộng cửa hàng và gặt hái lợi nhuận, An Khang với Pharmacity phải thu mình để tái cấu trúc chuỗi.

Ngành bán lẻ dược phẩm Việt Nam hiện nay ước đạt quy mô gần 2 tỷ USD, theo Chứng khoán MB (MBS). Nhiều năm qua, đây là trường đua của hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ dược phẩm theo mô hình chuỗi hiện đại (chiếm khoảng 5%) khi họ còn đến 95% thị phần để thâu tóm từ các nhà thuốc nhỏ lẻ.

Pharmacity cùng Long Châu và An Khang là ba “chiến mã” nổi bật nhất. Sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên (năm 2020), nhu cầu về thuốc và chăm sóc sức khỏe tăng đột biến. Nhận thấy tiềm năng trên, cả ba bước vào cuộc đua mở rộng chuỗi. Có giai đoạn, gần như mỗi ngày, họ đều tổ chức lễ khai trương cho ít nhất một nhà thuốc mới.

Sau khoảng ba năm kèn cựa nhau từng địa điểm mở bán, chuỗi nhà thuốc hiện đại chứng kiến bước ngoặt lớn với việc xáo trộn vị trí xếp hạng và xuất hiện nhiều dấu hiệu “hụt hơi”. Đến nay, cục diện đã được xác định: Long Châu tìm được mô hình phù hợp để nhân rộng, còn Pharmacity và An Khang phải tinh gọn mạng lưới, tập trung tái cấu trúc.

Xuất phát điểm gần như là chuỗi nhà thuốc nhỏ nhất về quy mô, Long Châu về tay Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – FRT) từ năm 2016. Họ nhận định dược phẩm là thị trường khổng lồ nên dồn nguồn lực đầu tư mở rộng mạng lưới. Tuy nhiên thời gian đầu, chuỗi nhà thuốc vẫn là bài toán khó, trở thành một trong những tác nhân chính gây suy giảm lợi nhuận cho FPT Retail trong năm 2020.

Với mô hình cửa hàng mở tương tự như các nhà thuốc truyền thống, Long Châu đánh mạnh vào mảng thuốc kê đơn với tỷ trọng chiếm đến 70-80% tổng hàng bán, theo SSI Research. Họ dồn lực chuẩn bị nguồn hàng dồi dào và điểm danh ở nhiều mặt bằng đắc địa, không ngại đặt gần các bệnh viện với diện tích lớn. Sau một năm, Long Châu bắt đầu có mức lợi nhuận khiêm tốn 4,9 tỷ đồng.

Chuỗi nhà thuốc này bước vào giai đoạn càng mở càng có lãi và đỡ đần kết quả kinh doanh của cả FRT thay cho “đàn anh” FPT Shop. Đến đầu năm 2023, khi bảng hiệu tại các nhà thuốc Long Châu được gắn thêm logo công ty mẹ, cũng là lúc họ vượt Pharmacity về quy mô để chiếm lấy ngôi vương với hơn 1.000 điểm bán. Trong nửa đầu năm, chuỗi này lãi hơn 270 tỷ đồng trước thuế, cao hơn mức lợi nhuận cả năm của giai đoạn 2021-2023. Tính đến cuối tháng 9, Long Châu đã tiệm cận mốc 2.000 nhà thuốc.

Dược sĩ đang lấy thuốc cho khách hàng tại một nhà thuốc Long Châu. Ảnh: FRT

Đi trước thị trường là lợi thế cạnh tranh lớn trong kinh doanh. Tuy nhiên điều này chưa hẳn chính xác hoàn toàn với thị trường nhà thuốc hiện đại. Từng là người tiên phong và đứng đầu về quy mô, Pharmacity có lúc sở hữu hơn 1.100 nhà thuốc (tháng 9/2022), nhưng lại “hụt hơi” sớm nhất trên cuộc đua mở rộng mạng lưới của mình. Từ cuối năm 2022, chuỗi này đã phải đóng cửa những điểm kinh doanh kém hiệu quả, lưu lượng khách hàng thấp. Từ việc 3-4 nhà thuốc chen nhau trên một cung đường, Pharmacity tinh gọn dần và mất ngôi vương vào tay Long Châu từ đầu năm ngoái. Đến nay, họ chỉ sở hữu khoảng 898 điểm bán, đứng thứ hai thị trường.

Tham gia cuộc đua muộn hơn, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mua lại nhà thuốc An Khang từ năm 2017. Họ dành nhiều nguồn lực và tâm huyết cho công cuộc mở mới, cao điểm là năm 2022. Sau khi đạt đỉnh gần 540 nhà thuốc vào tháng 6/2023, An Khang đã trải qua ít nhất 4 năm thua lỗ liên tiếp, riêng hai năm 2022 và 2023, lỗ đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là lúc ban lãnh đạo MWG chính thức chọn dừng lại và tập trung tái cấu trúc.

Báo cáo kết quả kinh doanh mới đây cho biết chuỗi nhà thuốc An Khang vừa đóng cửa thêm 61 điểm bán trong tháng 8. Trước đó, họ cũng ngừng kinh doanh 94 nhà thuốc trong tháng 7. Như vậy tính đến nay, chuỗi này chỉ còn 326 điểm bán, tức thu hẹp 245 nhà thuốc (tương đương 47%) so với mạng lưới hồi đầu năm. Ban lãnh đạo dự kiến đến cuối năm, toàn chuỗi chỉ còn khoảng 300 cửa hàng khi mức lỗ lũy kế tính đến tháng 6 đã lên gần 834 tỷ đồng.

Sự “hụt hơi” của Pharmacity và An Khang được người tiêu dùng, giới quan sát và chính ban lãnh đạo của họ lý giải bằng hai điểm yếu: giá cả kém cạnh tranh và thiếu nguồn thuốc để bán.

Cùng một mô tả tình trạng bệnh cảm giao mùa gồm sổ mũi, ho khan và sốt nhẹ, giá đơn thuốc 4 liều mua tại Long Châu, Pharmacity và An Khang lại khác nhau. Trong khi Long Châu bán 28.000 đồng, An Khang nhỉnh hơn khoảng 34.000 đồng. Riêng Pharmacity, đơn thuốc có giá tới 58.000 đồng, một phần do dược sĩ kê thêm kẹo ngậm trị ho dù không hỏi trước ý kiến người bệnh. Nếu trừ sản phẩm kê thêm, giá thuốc tại đây sẽ là 32.000 đồng cho 4 liều uống.

CEO Deepanshu Madan thừa nhận chiến lược giá của Pharmacity chưa thực sự phù hợp so với thị trường. Ông lý giải do một số yếu tố về nguồn cung, chi phí đầu vào khiến các mặt hàng tại chuỗi này có giá chênh lệch so với các nhà thuốc khác và theo ông, điều này “không thể tránh khỏi”.

So với hai đối thủ, Pharmacity hoạt động với mô hình khác hẳn là nhà thuốc tiện lợi – mô hình được công ty dùng khai phá thị trường Việt Nam từ cuối năm 2011. Ngoài thuốc và dược phẩm, các cửa hàng còn bán nhiều mỹ phẩm, bánh kẹo, nước giải khát và một số hàng tiêu dùng khác. Theo SSI Research, tỷ lệ sản phẩm không phải thuốc ở Pharmacity chiếm đến hơn 70%. Chính CEO chuỗi này cũng chấp nhận sự thật rằng trước đây, rất nhiều khách hàng nghĩ họ là một nhà thuốc tiện lợi nhưng lại thiếu các loại thuốc kê đơn.

Loạt hàng tiêu dùng và các mặt hàng phi dược phẩm được bày trí ngay khu vực thanh toán tại một cửa hàng Pharmacity. Ảnh: Tất Đạt

Trong khi đó, An Khang có mô hình kinh doanh khá tương đồng Long Châu, tức vẫn đẩy mạnh việc bán thuốc và dược phẩm là chính yếu. Nhưng chuỗi này thường có diện tích nhỏ hơn Long Châu. Đa phần các điểm bán chọn cách “nép” theo Bách Hóa Xanh để tận dụng lưu lượng khách hoặc đặt ở các vị trí kém đắc địa.

Tại cuộc họp nhà đầu tư hồi tháng trước, ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO chuỗi An Khang – nói bán lẻ dược phẩm là một ngành đặc thù và chuỗi có hai yếu tố then chốt mà họ cần cải thiện là tính sẵn sàng, đầy đủ về lượng thuốc so với nhu cầu khách hàng và trình độ của dược sĩ. SSI Research cũng cho rằng cơ cấu sản phẩm tại An Khang chưa hợp lý khiến kết quả kinh doanh chững lại.

Cả Pharmacity và An Khang đều đang trong quá trình tái cấu trúc. Ban lãnh đạo Thế Giới Di Động nói quá trình này sẽ diễn ra tương tự các chuỗi khác trong hệ sinh thái. Tức họ sẽ xem xét, đánh giá tính hiệu quả kinh doanh của từng nhà thuốc An Khang để đóng cửa những điểm không mang lại nhiều doanh thu hoặc có lợi nhuận kém. Song song đó, chuỗi sẽ tập trung cải thiện nguồn hàng thuốc và dược phẩm, cũng như nâng cao trình độ dược sĩ.

Về dài hạn, An Khang sẽ thu hẹp số lượng cửa hàng để vận hành với chi phí thấp nhất. Sau đó, MWG sẽ nỗ lực hoàn thiện mô hình kinh doanh để hướng tới điểm hòa vốn khi tích lũy đủ doanh thu trung bình mỗi điểm bán trên 550 triệu đồng một tháng. Nếu có thể đem lại lợi nhuận, chuỗi bán lẻ dược phẩm này mới tính đến chuyện tăng tốc, mở rộng về sau

Nhân viên chuỗi nhà thuốc An Khang tại một cửa hàng ở TP Thủ Đức (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Tương tự, Pharmactiy tìm nguồn cung ứng các sản phẩm cần thiết, tập trung đáp ứng các toa thuốc theo đơn bệnh viện với mục tiêu đầy đủ danh mục và chủng loại. Trước mắt, thuốc của nhóm bệnh tim mạch, huyết áp, mỡ máu, gan và tiểu đường đã mở rộng đáng kể. Họ cũng điều chỉnh giá bán, thay đổi cách vận hành chuỗi cửa hàng, hướng đến cung cấp nhiều sản phẩm với các mức giá khác nhau để phục vụ đa nhu cầu của khách hàng.

“Pharmacity không đặt nặng việc cạnh tranh theo mô hình giá rẻ nhất, thay vào đó tập trung cung cấp những sản phẩm chính hãng, chất lượng cao với giá thành phù hợp”, CEO Deepanshu Madan cho biết.

Trong thời gian hai đối thủ giải bài toán mô hình nhà thuốc chuẩn, Long Châu vẫn mở mới đều đặn và dồn lực đánh mạnh phân khúc thuốc hiếm, khó tìm mua. Họ cũng bắt đầu tính chuyện đầu tư sang các mảng chăm sóc sức khỏe khác.

Từ tháng 7/2023, FRT mở 2 điểm tiêm chủng đầu tiên tích hợp vào các nhà thuốc để tham gia thị trường có tổng doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng (năm 2023). Đến nay, số lượng trung tâm vaccine đã đạt hơn 110 điểm gồm cả mô hình tích hợp và mô hình đặt kế bên nhà thuốc, chỉ xếp sau chuỗi VNVC. Tuy nhiên, SSI Research vẫn lưu ý rằng mảng vaccine có thể chỉ chiếm dưới 10% tổng doanh thu của Long Châu và chuỗi này còn phải gánh chi phí ban đầu nên có thể chịu lỗ cho mảng mới.

Nguồn: Tất Đạt


Tháng Sáu 21, 2023
tuvanthuanthanh_dat_bike_khong_ngung_nang_cap-e1687965865155.jpg

Tại Việt Nam, Dat Bike hiện vẫn là một doanh nghiệp còn non trẻ nhưng luôn nỗ lực mỗi ngày để đưa ra những sản phẩm tốt hơn.

Sau 4 năm có mặt tại Việt Nam, Dat Bike vẫn đang khẳng định vị thế của một thương hiệu Việt trên chính quê nhà, tiếp tục mục tiêu “xanh hóa giao thông” và tăng cường kết nối với khách hàng của mình.


Tháng Sáu 16, 2023
tuvanthuanthanh_dung_bua_an_giu_chan_nhan_vien-e1687789795607.jpg

Nhiều doanh nghiệp xem lựa chọn bữa ăn chất lượng là một phần trong việc giữ chân nhân viên. Đó chính là cơ hội kinh doanh cho PITO.

Với 5,3 triệu người đang làm việc ở các công ty (theo Tổng cục Thống kê), chỉ cần 10% trong số này là khách hàng sử dụng dịch vụ canteen của PITO, với mỗi suất ăn 2 USD thì Công ty đang khai thác thị trường trị giá hàng triệu USD mỗi năm.


Tháng Tư 20, 2023
tuvanthuanthanh_cha_de_chatgpt_ra_mat_phan_mem_chong_lai_chatgpt-e1683196508132.jpg

Phần mềm mới ra mắt giúp con người có thể nhận biết văn bản họ đang đọc là do A.I tạo ra hay do người viết.

OpenAI, công ty mẹ của DALL-E và ChatGPT vừa ra mắt một công cụ miễn phí dùng để xác định văn bản do A.I tạo ra và từ khoá đầu vào tạo thành văn bản. Đây được xem là “khắc tinh” của ChatGPT đang làm mưa làm gió trong thời gian gần đây.


Tháng Một 30, 2023
tuvanthuanthanh_thoi_the_my_nam-e1675618368496.jpg

Bằng chiến lược kinh doanh thông minh, Men Stay Simplicity (MSS) từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa đang dần thành hình.

Bằng chiến lược kinh doanh thông minh, Men Stay Simplicity (MSS) từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa đang dần thành hình.

Ra mắt gần 3 năm, mặc dù vướng dịch COVID-19 nhưng MSS của Hoàng Đình Tuấn từ việc sản xuất 1, 2 món mỹ phẩm cơ bản như sữa rửa mặt, sữa tắm đã có gần 8 sản phẩm độc lập, bao gồm kem dưỡng da, trị mụn hay serum đặc trị dành riêng cho nam giới chăm sóc da. Với hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối ngành hàng tại Unilever, Tuấn lên kế hoạch tiếp cận và chinh phục thị trường một cách bài bản và thông minh.


Tháng Mười Hai 21, 2022
tuvanthuanthanh_start_up_dua_vao_vu_tru-e1672767230976.jpg

Cuộc đua bay vào vũ trụ đang nóng lên với sự tham gia của ngày càng nhiều startup được rót vốn lớn.

Chuyến bay dưới quỹ đạo với quãng đường 89,5 km chỉ kéo dài trong vài phút ngắn ngủi. Nhưng đối với Ấn Độ, tên lửa phóng bởi Skyroot Aerospace vào ngày 18/11/2022 – tên lửa đầu tiên do một công ty tư nhân phát triển – là một sự kiện mang tính lịch sử. Bởi vì chuyến bay này mở đầu cho vô số chuyến bay tư nhân của Ấn Độ sẽ cất cánh trong những tháng tới.


Tháng Bảy 21, 2022
tuvanthuanthanh_thoi_cua_startup_cong_nghe_khi_hau-e1659658821806.jpg

Những startup công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo và phương tiện chạy điện đóng vai trò mấu chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Năm 2020, nhiệt độ Trái đất đã ở ấm hơn 0,98 độ C so với mức trung bình thế kỷ 20 là 13,9 độ C, trở thành năm nóng cao thứ 2 từ trước đến nay. Trong cùng năm, Jakarta ghi nhận lượng mưa hằng ngày cao nhất kể từ năm 1866, gây ra trận lũ lụt kinh hoàng. Trong khi đó, mực nước biển toàn cầu đã tăng 21-24 cm. Điều đó đặt các khu vực đông dân cư như Jakarta, Bangkok và TP.HCM trước nguy cơ chìm trong nước vào năm 2050.


Call Now Button