Các hãng hàng không Việt báo lỗ dù doanh thu cao
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho biết thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng có sự không đồng đều giữa các phân khúc.
Theo báo cáo của VABA, vận chuyển hàng hóa phục hồi nhanh và đã có sự tăng trưởng so với năm 2019, trong khi vận chuyển hành khách phục hồi chậm hơn và chưa đạt mức từng đạt cùng kỳ năm 2019; thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát nhưng thị trường quốc tế chỉ mới phục hồi chậm.
Sản lượng vận chuyển hàng không của các hãng hàng không Việt Nam đã phục hồi và có sự tăng trưởng nhất định, nhưng doanh thu không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm do chi phí đầu vào tăng; sự phục hồi của ngành Hàng không Việt Nam có sự không đồng đều giữa các doanh nghiệp thuộc các giai đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, sự phục hồi của các doanh nghiệp vận tải hàng không trong chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới. Chẳng hạn, giá nhiên liệu bay (Jet A1) liên tục tăng trong năm 2022. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay đạt 130 USD/thùng, tăng khoảng 80% so với mức trung bình của năm 2021. Trong giai đoạn trước mắt, giá Jet A1 vẫn được dự báo dao động ở mức 110-130 USD/thùng, gây bất lợi lớn cho các hãng hàng không, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu chiếm tới hơn 40% tổng chi phí khai thác.
Thêm vào đó, giá USD tăng giá khoảng 9% so với VND trong năm 2022 cũng đang gây áp lực tài chính lớn cho các hãng bay, khi đây là đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán các chi phí: Mua nhiên liệu, thuê mua máy bay, dịch vụ thuê ngoài phục vụ hành khách… Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, VND trong nawm 2023 vẫn còn dư địa giảm giá khoảng 3-4% so với USD.
Đây đều là các nhân tố ảnh hưởng mạnh tới khả năng điều tiết giá cả một cách hiệu quả của các hãng bay, cũng như toàn thị trường. Do đó, trong ngành Hàng không Việt Nam đang tồn tại nghịch lý là doanh thu tăng mạnh, nhưng nhiều hãng bay vẫn báo lợi nhuận ở mức âm.
Hàng không Việt Nam vẫn có những cơ hội đáng kể để phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Vietnamairlines
Theo người trong ngành thì giai đoạn 2022-2025, ngành Hàng không còn có thể phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: Những biến đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng làm nhu cầu sử dụng các dịch vụ của ngành Hàng không tăng lên và dịch vụ cần đa dạng, mở rộng hơn để đáp ứng yêu cầu khách hàng; tình trạng thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và chuyên môn; tác động từ sự tranh chấp và xung đột quốc tế; sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường khi sẽ có những doanh nghiệp hàng không mới từ trong nước và quốc tế; gia tăng cạnh tranh giữa các hãng hàng không hiện nay và sự bất cập của cơ sở hạ tầng hàng không và cơ sở hạ tầng phục vụ, có liên quan tới ngành Hàng không.
Tuy nhiên, ngành Hàng không Việt Nam vẫn có những cơ hội đáng kể để phục hồi và phát triển mạnh như: thị trường nội địa nhiều tiềm năng, thị trường quốc tế có dung lượng lớn trước xu hướng bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sau dịch; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kinh tế số tác động tích cực tới hoạt động của hàng không.
Theo kịch bản lạc quan của Cục Hàng không Việt Nam, ngành Hàng không có thể đạt mức hồi phục toàn phần vào cuối năm 2023. Dự kiến, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt 80 triệu lượt khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.
Trong bức tranh chung nêu trên, đến đầu năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 37 triệu lượt khách (tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019), 211.000 tấn hàng hóa, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 34,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Cẩm Tú
Nguồn: nhipcaudautu