Cá tươi in 3D sắp được tung ra thị trường
Phi lê cá được tạo ra bằng cách kết hợp tế bào gốc của cá với các chất dinh dưỡng khác nhau để làm mực sinh học, rồi đưa vào máy in.
Thời gian qua, Công ty Umami Meats (Israel) đã phát triển phi lê cá mú in 3D (3D Bioprinting Solutions) từ tế bào gốc, sau đó được xử lý thông qua công nghệ in sinh học thành hình dạng giống một con cá.
Đại diện Công ty Umami Meats cho biết quá trình in chỉ mất vài phút. Thành phẩm sau đó có thể được nấu chín và ăn ngay lập tức. Dự kiến đến cuối năm 2023, người tiêu dùng sẽ được thưởng thức sản phẩm phi lê cá mú in 3D với hương vị và kết cấu giống hệt cá tự nhiên. Hiện nay khoảng 1/3 trữ lượng cá toàn cầu đang bị khai thác quá mức. Đặc biệt cá mú nổi tiếng thơm ngon được coi là có nguy cơ tuyệt chủng.
Gần đây, nhiều công ty thực phẩm đã nghiên cứu để tạo ra các loại thịt in 3D, trong đó có thịt bò, thịt gà và một số loại hải sản. Giải pháp công nghệ sinh học in 3D đang giúp cho KFC phát triển, sản xuất thịt bằng tế bào và nguyên liệu thực vật có kết cấu và hương vị như thịt gà tự nhiên. Năm 2020, KFC đã hợp tác với một công ty in sinh học của Nga để sản xuất gà miếng nhân tạo.
Công nghệ in 3D dần trở thành xu hướng vì có thể tạo ra các sản phẩm giống thật đến từng chi tiết. Ảnh: T.L
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường của Mỹ (American Environmental Science and Technology) đánh giá: “Công nghệ sản xuất thịt từ tế bào rất ít tác động đến môi trường, nó giảm hơn một nửa lượng khí thải nhà kính so với sản xuất thịt theo phương pháp chăn nuôi truyền thống”.
Bên cạnh Mỹ, Israel là một trong số những quốc gia đang nổi lên với công nghệ thực phẩm nhân tạo đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong đó, công nghệ in 3D dần trở thành xu hướng vì có thể tạo ra các sản phẩm giống thật đến từng chi tiết. Công nghệ in thực phẩm 3D được cho là mang lại vô số lợi ích, đặc biệt là khi thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thực phẩm do nhu cầu đánh bắt quá mức.
Cẩm Tú
Nguồn: nhipcaudautu