Bức tranh bán lẻ trước cuộc chia tay của Auchan

Tháng Sáu 3, 2019by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_buctranhbanle-1-e1559523269982.jpg

Việc rút khỏi Việt Nam của chuỗi cửa hàng 24 giờ Shop&Go, trang thương mại điện tử Robins.vn, và đang diễn ra ở chuỗi siêu thị Auchan đã phản ánh sự đào thải khốc liệt của thị trường. Những nhà bán lẻ yếu về tài chính hoặc chưa nắm được xu hướng mua sắm đang thay đổi nhanh của người tiêu dùng sẽ phải sớm nói lời chia tay.

Tiếp tục tăng trưởng nhanh

Trong khi các chuỗi bán lẻ nói trên đã và đang chuẩn bị ra đi, thì Ryohin Keikaku, công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ Nhật Bản Muji, lại đang gấp rút để sớm tham gia vào thị trường Việt Nam. Chuỗi cửa hàng bán lẻ này nổi tiếng bởi đa dạng các loại sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất cho đến quần áo, mỹ phẩm… Chia sẻ về kế hoạch này, lãnh đạo Keikaku cho rằng Việt Nam là thị trường trọng điểm tại Đông Nam Á với dân số đông thứ ba và kinh tế đang tăng trưởng, ở mức 7,1% trong năm 2018.

Trong khi đó, những nhà bán lẻ khác như Aeon, Central Group, E-mart hay các chuỗi cửa hàng tiện lợi như MiniStop, Family Mart, 7-Eleven, GS25… không ngừng mở rộng điểm bán. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016 doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam đạt khoảng 118 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,2% so với năm trước đó. Năm 2017 đạt mốc 130 tỉ đô la, tăng 10,9% so với năm trước đó. Bước sang năm 2018, doanh số thị trường này gần cán mốc 150 tỉ đô la, tăng 12,4% so với năm 2017. Riêng bốn tháng đầu năm nay, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt hơn 1,2 triệu tỉ đồng, tăng đến 13,2% so với cùng kỳ năm trước, một mức tăng kỷ lục.

Thị trường bán lẻ vì thế được đánh giá có nhiều tiềm năng, việc đóng cửa hoặc thoái lui của một số nhà bán lẻ nước ngoài được cho là do mô hình kinh doanh chưa phù hợp; hoặc nhà đầu tư yếu tiềm lực tài chính; ngại tiếp tục rót vốn trong bối cảnh thị trường này ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Mô hình siêu thị gặp khó

Mô hình siêu thị đơn thuần hay siêu thị tổng hợp đứng riêng lẻ một mình đã phát triển mạnh ở các thành phố lớn và một số tỉnh thành, tuy nhiên, khoảng ba năm nay, mô hình này được đánh giá không còn phù hợp. Đơn cử, tập đoàn TCC (Thái Lan) không đưa mô hình kinh doanh siêu thị giống như Co.opmart, Auchan vào Việt Nam mà chỉ tập trung phát triển mô hình phân phối sỉ Metro Cash & Carry (nay là MM Mega Market). Lý giải việc này, lãnh đạo MM Mega Market Việt Nam cho rằng, giống như Thái Lan nhiều năm trước, mô hình siêu thị đứng riêng lẻ hiện không còn dư địa phát triển ở thị trường trong nước trong bối cảnh thị trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh gay gắt và thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi nhanh.

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng đang có xu hướng đến các trung tâm thương mại (TTTM) theo mô hình “one-stop shopping” (cung cấp tất cả dịch vụ tại một điểm đến). Mô hình này đáp ứng đầy đủ các loại nhu cầu, tiện ích, từ mua sắm đến ăn uống, vui chơi, xem phim, tập thể dục, học tập…; đồng thời kích thích được sức mua, mở rộng được nhóm khách hàng cho nhà kinh doanh. Trên thực tế, trong những năm qua, các nhà bán lẻ có mô hình kinh doanh tương tự Auchan vào Việt Nam đều chọn đứng trong các TTTM “one-stop shopping, chứ không đứng riêng lẻ một mình.

Cũng nhìn thấy chiều hướng này, sau sáu tháng “thâu tóm” chuỗi siêu thị Big C vào năm 2016, Central Group (Thái Lan) lập tức công bố kế hoạch nâng cấp các điểm bán Big C trở thành các TTTM bán lẻ hiện đại và đa dịch vụ. Với khoản đầu tư 30 triệu đô la, Central Group đặt mục tiêu nâng cấp 13 trong tổng số 34 trung tâm bán lẻ Big C thành các TTTM lớn hơn về quy mô và diện tích vào năm 2021.

Tương tự, Saigon Co.op, chủ hệ thống chuỗi siêu thị Co.opmart, cũng đang từng bước phát triển các TTTM Sense City bên cạnh việc nâng cấp một số siêu thị Co.opmart lên mô hình này.

Người tiêu dùng đang có xu hướng đến các trung tâm thương mại theo mô hình “one-stop shopping” (cung cấp tất cả dịch vụ tại một điểm đến). Ảnh: Quốc Hùng

Đường dài cho cửa hàng tiện lợi

Việc chuỗi cửa hàng tiện lợi 24 giờ Shop&Go rút khỏi thị trường sau hơn 10 năm phát triển cũng dấy lên nhiều ý kiến rằng mô hình kinh doanh này đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, giới kinh doanh trong ngành và các công ty nghiên cứu thị trường lại ghi nhận mô hình bán lẻ tiện lợi đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh và còn nhiều dư địa phát triển. Businesskorea dẫn nguồn của GS Retail, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc, lý giải việc chọn Việt Nam để đầu tư là dựa vào tiềm năng của một nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh và có tỷ lệ người tiêu dùng từ 35 tuổi trở xuống chiếm tới 57% dân số.

Trước GS25, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi khác như Circle K, B’s mart, Family Mart, MiniStop… đã có mặt tại Việt Nam với mỗi thương hiệu lên hàng trăm cửa hàng. Năm 2017, 7-Eleven cũng đã xuất hiện ở TPHCM và đang đẩy nhanh số điểm bán với mục tiêu cả ngàn cửa hàng…

Vậy tại sao Shop&Go đến khá sớm và đã phần nào phát triển được chuỗi kinh doanh nhưng vẫn phải rút lui? Theo giới phân tích, nếu người “khai lối” mô hình kinh doanh này biết phát huy thế mạnh đi đầu cũng như thích ứng với sự thay đổi của người tiêu dùng thì sẽ thành công. Nhưng trong thời gian qua, Shop&Go chỉ mới dừng lại bước “dọn đường” cho các cửa hàng tiện lợi đến sau khai thác. Trong năm năm gần đây, khi mô hình này được nhiều người tiêu dùng chấp nhận thì hàng loạt chuỗi cửa hàng mới nhảy vào với chiến lược phát triển nhanh điểm bán, tạo áp lực khá lớn cho Shop&Go. Các chuỗi cửa hàng này còn đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách, cung cấp wifi miễn phí, có không gian cho khách ăn uống tại chỗ, phục vụ cả bữa trưa và tối cũng như tạo sự khác biệt bằng những món ẩm thực và thức uống riêng.

Đáng chú ý, để giảm giá bán, các chuỗi cửa hàng phải đảm bảo số lượng cửa hàng đủ lớn mà theo các chuyên gia, tối thiểu là 200 điểm bán mới đạt điểm hòa vốn và bắt đầu có lợi nhuận. Hay chuỗi MiniStop tính toán phải mở tối thiểu 300 cửa hàng mới đảm bảo mức lợi nhuận ổn định, và mỗi cửa hàng phải mất 5-6 năm mới có thể hoàn vốn. Trong khi đó, các cửa hàng Shop&Go vốn nhỏ hẹp, khó mở rộng không gian cung cấp dịch vụ tại chỗ cho khách; ở thời điểm công bố rút lui, Shop&Go cũng chỉ có 87 điểm bán.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ ở TPHCM cho rằng đầu tư cửa hàng tiện lợi, càng mở càng lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn đua nhau giành mặt bằng đẹp, mở rộng chuỗi là vì tin tưởng thị trường sẽ phát triển, dần thay thế cửa hàng truyền thống. Đơn vị nào trụ vững thì sẽ hái được “trái ngọt”, nếu không sẽ phải nhường lại sân cho những đối thủ mạnh hơn.

TMĐT – cuộc đua “đốt tiền”

Thương mại điện tử (TMĐT) hiện chỉ chiếm khoảng 3% doanh thu ngành bán lẻ trong nước, một tỷ lệ còn khá thấp so với nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc (hơn 20%), Indonesia (5-6%)… Điều này cho thấy tiềm năng TMĐT Việt Nam còn rất lớn khi mà tỷ lệ người dùng Internet cao, nhận biết của người dân về TMĐT ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, với các động thái mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm cùng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, hỗ trợ khách hàng, giới phân tích cho rằng các doanh nghiệp TMĐT đang trở thành nơi “đốt tiền” của các nhà đầu tư. Chỉ tính đến năm 2017, Tiki đã báo lỗ 282 tỉ đồng, Shopee báo lỗ trên 600 tỉ đồng, còn Lazada báo lỗ tới trên 1.000 tỉ đồng…

Điều này không khó để lý giải vì sao Robins.vn của Central Group tiếp tục nối dài danh sách phải dừng bước kinh doanh sau một số tên tuổi khác như Vuivui.com, Food Panda, beyeu.com, lamdieu.com, foreva.com…

Dù vậy, với tốc độ tăng trưởng được dự báo đến 25%/năm và có thể đạt tới 10 tỉ đô la vào năm 2020, không khó hiểu khi hàng loạt ông lớn, nhà đầu tư tiếp tục nhảy vào thị trường TMĐT Việt Nam. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, Alibaba cho biết sẽ rót thêm 2 tỉ đô la Mỹ vào Lazada, nâng tổng số tiền đầu tư vào doanh nghiệp này lên mức 4 tỉ đô la Mỹ. Tiki cũng nhận được khoản đầu tư 50 triệu đô la Mỹ từ JD kèm với kế hoạch tiếp tục đầu tư trong những vòng gọi vốn tiếp theo. Trong khi đó, Shopee được công ty mẹ là tập đoàn SEA (Singapore) bơm thêm khoảng 50 triệu đô la Mỹ để nâng vốn điều lệ vào giữa năm ngoái; tập đoàn tài chính Nhật Bản SBI Holdings và một số công ty đầu tư 51 triệu đô la vào Sendo… để chuẩn bị cho “cuộc chiến” dài hơi tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên hiện “chiến trường” TMĐT vẫn chưa ngã ngũ, kéo theo đó là cuộc đua rót vốn, giảm giá khuyến mãi cao, và trước mắt, đối tượng hưởng lợi sẽ là người tiêu dùng.

Quốc Hùng

Nguồn TBKTSG

 

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button