Bí mật của Black Friday dưới góc nhìn kinh tế học
Doanh số bán hàng Black Friday cũng là một cách để kiểm tra sức khỏe của ngành bán lẻ, vì nhiều nhà kinh tế học tin rằng chi tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Black Friday là ngày sau ngày Lễ tạ ơn của Mỹ (thứ năm thứ tư của tháng 11), được coi là khởi đầu của mùa mua sắm Giáng sinh ở nước ngoài. Ngày nay, Black Friday đã phổ biến trên toàn thế giới như một ngày hội giảm giá của những tín đồ mua sắm.
Tại Mỹ, từ năm 1932, Black Friday đã được coi là khởi đầu của mùa mua sắm Giáng sinh. Black Friday được cho là sẽ kích cầu tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ.
Trong năm 2014, 133,7 triệu người Mỹ đã mua sắm vào dịp này. Mỗi người trung bình chi tiêu 380,95 USD, tổng cộng là khoảng 51 tỷ USD đã được đổ vào nền kinh tế.
Doanh số bán hàng Black Friday cũng là một cách để kiểm tra sức khỏe của ngành bán lẻ, vì nhiều nhà kinh tế học tin rằng chi tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Họ ngụ ý nếu chi tiêu cho Black Friday thấp thì sức khỏe của nền kinh tế cũng kém.
Mặc dù các cửa hiệu trưng các tấm biển “sale thanh lý”, “sale lỗ vốn”, “sale sập sàn”, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: các cửa hàng sẽ không mở cửa trong Black Friday nếu họ không thu về lợi nhuận khổng lồ. Từ góc độ kinh tế học, sự kiện này đem lại lợi nhuận cho hầu như tất cả các cửa hàng.
Theo lý thuyết kinh tế học vi mô, giảm giá tại cửa hàng trong ngày Black Friday, cũng như phiếu giảm giá và các hình thức tương tự khác, là một dạng phân biệt giá theo thời điểm, có thể cho phép doanh nghiệp kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Dựa trên ý tưởng là những cá nhân khác nhau sẵn sàng trả số tiền khác nhau cho cùng một sản phẩm. Ban đầu, các cửa hàng đặt giá sản phẩm rất cao và bán cho những khách hàng có nhu cầu cao với sản phẩm và không muốn phải chờ đợi, chiếm thặng dư tiêu dùng từ nhóm khách này.
Sau đó, khi nhóm khách hàng cao cấp này đã mua đủ sản phẩm cho mình, các cửa hàng sẽ giảm giá để thu hút nốt nhóm khách hàng đại trà còn lại. Chính sách phân biệt giá qua đó sẽ giúp tăng lợi nhuận của nhà sản xuất.
Nếu như Black Friday đem lại lợi ích cho nhà sản xuất, vậy tại sao họ không tổ chức “ngày hội mua sắm” này thường xuyên hơn?
Trên thực tế, ngoài Black Friday, hàng năm các thương hiệu từ lớn đến nhỏ cũng đều có nhiều dịp giảm giá khuyến mại khác nhau. Tuy nhiên, những dịp giảm giá giả sử có tăng thêm thì lợi ích cận biên mà nhà sản xuất đạt được từ chúng cũng sẽ giảm xuống.
Vì ngân sách của người tiêu dùng là có giới hạn, cho dù các nhà sản xuất có giảm giá nhiều đợt trong năm hơn thì họ cũng không thể tăng tiêu dùng lên quá cao. Hơn nữa, người tiêu dùng chọn mua hàng trong ngày Black Friday với tâm lý rằng: “Nếu không mua ngay thì có thể sau đó nó sẽ không giảm giá nữa”. Do vậy, khi người tiêu dùng quá quen thuộc với việc giảm giá thì tâm lý này cũng sẽ không còn.
Bên cạnh đó, ngày nay Black Friday còn bị biến tướng thành ngày xả các sản phẩm lỗi mốt, sản phẩm bị lỗi hoặc khó bán, đồ lẻ size. Điều này đã khiến sức ảnh hưởng của nó đối với cầu tiêu dùng ngày càng giảm đi.
Black Friday cũng gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực về phía người tiêu dùng. Nó gây ra tiêu dùng quá mức, tác hại này đôi khi vượt quá cả lợi ích đến từ việc mua đồ giá rẻ. Người tiêu dùng thông thái sẽ có chiến lược cũng như cân nhắc thiệt hơn khi mua sắm. Nhưng thường không phải ai cũng tỉnh táo được trước đồ giá rẻ và những lời chào mời quá đỗi hấp dẫn của các thương hiệu.
(Theo Tri Thức Trẻ)