Báo cáo Connected Consumer: Shopee thống lĩnh thị trường TMĐT Việt Nam; thương mại xã hội tìm cơ hội khác
Những kết quả mới thu được từ Báo cáo “Connected Consumer” cho Quý I/2021 của Decision Lab xác nhận rằng thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn cơ hội để phát triển. Shopee là nền tảng phổ biến nhất, nhưng dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho những “người chơi” khác.
Mặc dù doanh thu bán hàng trực tuyến vẫn được thống lĩnh bởi những tập đoàn ngoại quốc như Shopee và Lazada, nhưng việc người dùng chỉ tập trung tại các thành phố lớn đã cho thấy các nền tảng bán hàng thông qua mạng xã hội, như Facebook Marketplace, vẫn có “đất để dụng võ” tại Việt Nam.
Hình thức kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội là một ý tưởng đã khá phổ biến trong khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu của Bain & Co. ước tính khoảng 44% tổng doanh thu thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á đến từ các nền tảng mạng xã hội.
Tại Việt Nam, Shopee vẫn là nền tảng được ưa chuộng nhất tại hai thành phố trọng điểm (TP.HCM và Hà Nội). Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp nhỏ có mô hình phân phối chi phí thấp dựa vào các nền tảng mạng xã hội trên khắp các khu vực đang được chú ý đầu tư.
Bằng cách cho phép người dùng mua hàng trực tiếp thông qua các mạng xã hội phổ biến như Facebook hay Instagram, hình thức thương mại xã hội (social commerce) đã góp phần tạo nên tương tác trực tiếp giữa người bán và người mua trong thời đại kỹ thuật số.
Ứng dụng Mio, một nền tảng có khả năng đột phá trong một thị trường vốn đã đầy tính đột phá, sẽ là một chủ đề thú vị trong tương lai. Mặc dù những sản phẩm như Mio cho thấy tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam, về mặt ngắn hạn, những sản phẩm này khó có thể thách thức sự thống lĩnh thị trường của những nền tảng phổ biến hiện tại với khối lượng người dùng khổng lồ được “nuôi dưỡng” bằng những đợt giảm giả “khủng” mà những nền tảng nhỏ khó có thể mang lại.
Theo như Báo cáo Quý I/ 2021 của Decision Lab, Shopee hiện nay đã trở thành nền tảng phổ biến nhất, được sử dụng bởi hơn một nửa số người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam. Vào năm ngoái, thị trường thương mại điện tử đã tăng trưởng 18% trong nước, đạt mốc 11,8 tỉ USD và chiếm 5,5% tổng doanh số bán lẻ.
Lazada kém phổ biến hơn tại 16%, theo sau bởi doanh nghiệp trong nước Tiki, một nền tảng có thể mang lại thách thức cho Lazada ở cả hai thành phố lớn.
Facebook (10%), Instagram (2%) và ứng dụng tin nhắn phổ biến Zalo (2%) là những bằng chứng cho thấy sức ảnh hưởng của mạng xã hội tới việc mua sắm của người dùng.
Một nền tảng trong nước khác, Sendo (5%), đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, khi mà thương hiệu này không thể cung cấp cho người dùng nhiều đợt giảm giá như hai đối thủ chính.
Decision Lab
Nguồn: brandsvietnam