Bài học về Mô hình kinh doanh từ McDonald’s

Tháng Sáu 7, 2020by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_mo_hinh_kinh_doanh_McDonalds.jpg

Mọi người truyền tai nhau câu nói: McDonald’s không phải công ty bán bánh Burger, mà họ là công ty Bất động sản, nhưng nhiều người trong số họ không hiểu câu chuyện đằng sau. Vậy thực tế diễn ra như thế nào?

1. “Nhà sáng lập” Ray Kroc

Bộ phim The Founder khắc họa chân dung Ray Kroc, nhà sáng lập McDonald’s có một trường đoạn tôi thích vô cùng, đó là cảnh Ray Kroc sau khi thuyết phục anh em Richard và Maurice McDonald cho mình được độc quyền mở nhượng quyền thương hiệu McDonald’s, ông đến khoảnh đất đầu tiên ông thuê được, cúi xuống và nhặt một nắm đất lên xoa xoa trên tay và từng mảng bụi đất lả tả rơi xuống…

Đó là giây phút bước đường cùng của Ray Kroc, khi đó, ông đã thất bại với tất cả các dự án kinh doanh của mình và dồn toàn lực vào quân bài cuối cùng McDonald’s, nơi ông không phải là nhà sáng lập thực sự và ở một vai trò nửa làm thuê, nửa tự phát triển cực kỳ mong manh.

Nhưng rồi sau đó, ông đã một tay loại bỏ anh em nhà McDonald ra khỏi cuộc chơi và đưa McDonald’s trở thành một đế chế kinh doanh khổng lồ và là một trong những biểu tượng văn hoá của nước Mỹ.

2. Founders đích thực: Richard & Maurice

Nhìn lại lịch sử của McDonald’s, chúng ta thấy được sự tăng trưởng thần kỳ của McDonald’s gắn với tên tuổi của một trong những doanh nhân vĩ đại bậc nhất trong lịch sử kinh doanh nước Mỹ: Raymond Albert “Ray” Kroc.

Ông Ray Kroc

Ray Kroc được bình chọn là một trong số “100 người có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong thế kỷ 20” theo bình chọn của tạp chí Time danh tiếng. Cũng vì những thành tựu rực rỡ này mà nhiều người cho rằng Ray Kroc là người sáng lập McDonald’s.

Nhưng sự thực không phải vậy.

Chuỗi nhà hàng McDonald’s ra đời ban đầu từ ý tưởng của hai nhân vật có tên Richard and Maurice McDonald.

Ở thời điểm đó, Ray Kroc chuyên bán máy xay sinh tố và khá thành công với nghề này. Sau thế chiến II, công việc kinh doanh của Ray Kroc bị chậm lại nhưng ông phát hiện ra một nhà hàng nhỏ ở California của anh em nhà McDonald vẫn mua rất nhiều máy sinh tố, thậm chí còn nhiều hơn cả những cửa hàng lớn ở các thành phố sầm uất hơn.

Ray Kroc quyết định đến California.

3. Cuộc gặp gỡ định mệnh

Ray Kroc quyết định đến thăm cửa hàng của anh em nhà McDonald và nhận thấy đây là một mô hình kinh doanh đặc biệt. Khách hàng chọn đồ với một menu được ấn định sẵn rất đơn giản. Quy trình làm bánh được sắp xếp một cách rất khoa học khiến tốc độ hoàn thành món ăn cực nhanh. Khách hàng lựa chọn món ăn, trả tiền ngay tại quầy thu ngân và cũng nhận đồ ăn luôn tại đó.

Chứng kiến lượng khách hàng khủng khiếp của McDonald’s, Ray Kroc lập tức mường tượng ra một viễn cảnh khi phát triển McDonald’s ra toàn bộ các thành phố lớn trên toàn nước Mỹ.

Ông chia sẻ tầm nhìn của mình với anh em nhà McDonald (Mà sau này ông kể lại trong buổi nói chuyện với sinh viên ĐH Havard): “Các anh đang ngồi trên một đống vàng. Hãy phát triển và mở rộng mô hình nhà hàng của các anh ngay lập tức!”. Tuy nhiên anh em nhà McDonald chần chừ: “Chúng tôi cũng muốn vậy. Nhưng ai giúp chúng tôi?”. Ray Kroc nhanh chóng đáp lời: “Tôi sẽ đảm đương công việc này!”.

4. Tầm nhìn của Founder Ray Kroc

Khi đó Ray Kroc đã 52 tuổi và kiếm được nhiều tiền nhưng khát vọng xây dựng nên một đế chế đồ ăn nhanh đang sôi sục khiến ông cảm thấy mình tràn trề sinh khí.

Việc phát triển chuỗi McDonald’s thành công rực rỡ, vượt quá sức tưởng tượng khiến anh em nhà McDonald sợ hãi, muốn dừng lại. Ray Kroc đã quyết định vay mượn và mua lại toàn bộ chuỗi McDonald’s với giá 2,7 triệu USD, mức giá kỷ lục trong lĩnh vực nhà hàng thời đó.

Năm 1961, thoả thuận được ký kết và Ray Kroc trở thành ông chủ của McDonald’s, sẵn sàng đưa thương hiệu này vào một cuộc chơi ở tầm vóc lớn hơn hơn rất nhiều.

5. Mô hình kinh doanh ẩn sau Mcdonald’s

Ban đầu anh em nhà McDonald không chịu nhượng lại chuỗi của mình cho Ray. Tuy nhiên do có tầm nhìn từ trước nên Ray Kroc đã âm thầm bắt tay và mua toàn bộ các bất động sản (BĐS) mà McDonald’s đang thuê.

Ray Kroc đã mua lại toàn bộ BĐS của McDonald’s trước khi mua lại cả tập đoàn này.

Quay lại trên bàn đàm phán để mua lại McDonald’s, với sức ép là chủ đất cả tất cả các BĐS đó, Ray Kroc đã có tiếng nói thực sự trọng lượng. Và cuối cùng cuộc thương thuyết thành công với cả sức ép là Ray sẽ tăng giá hoặc đuổi các quán McDonald’s đang ở trên đất của mình đi. Nhiều người cho rằng Ray bất nhân nhưng thực ra Ray cũng khá hào hiệp khi thâu tóm toàn bộ McDonald’s với mức giá không hề rẻ (dĩ nhiên là quy mô của McDonald’s tại thời điểm đó).

Sau khi sở hữu cả đất và cả BĐS, Ray Kroc có thể thế chấp BĐS, dùng dòng tiền kinh doanh của McDonald’s để trả lãi suất ngân hàng và dùng tiền đòn bẩy mở rộng đế chế McDonald’s.

Và đó là sự ra đời của một mô hình kinh doanh với dòng tiền kép đầy sức mạnh, cả từ dòng tiền từ kinh doanh quán McDonald’s, cho đến dòng tiền từ BĐS cho McDonald’s thuê, và cả từ trị giá của miếng đất đó tăng lên nhiều lần khi có McDonald’s đứng trên nữa. McDonald’s đúng như vậy, không chỉ là công ty bán bánh Burger, đó còn là một công ty BĐS lớn trên thế giới. Và theo một cách nhìn nào đó, Ray Kroc có thể được coi là ông tổ của mảng “BĐS Dòng tiền”.

Hoàng Tùng
Nguồn: Brandsvietnam

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button