Bài học từ những “cú ngã” của Bita’s, Lộc Trời, Vina T&T
Thành công trong kinh doanh không phải một đích đến mà là phần thưởng cho chủ doanh nghiệp biết vượt qua thử thách nhất là những “cú ngã” mà để vượt qua được không chỉ đánh đổi bằng vật chất.
Đừng là người kinh doanh cô độc
Là chủ sở hữu một doanh nghiệp có thâm niên trong ngành giày dép – may mặc, hơn ai hết, thủ lĩnh của Bita’s Đỗ Long hiểu rằng cứ kinh doanh là sẽ có những lần thất bại. Thậm chí, thất bại cũng chính là “cái duyên” đưa ông từ một nhà giáo đến với cương vị lãnh đạo Bita’s và dẫn dắt thành công doanh nghiệp ấy qua gần 3 thập kỷ.
Thất bại trong những câu chuyện của ông Long không có nghĩa là cứ sai rồi bỏ mà phải là cái sai, cái thử nghiệm có cân nhắc, có trách nhiệm.
Nhớ lại những năm 1971-1973, mặc dù không đi bộ đội nhưng ông lại hoạt động tại các hội báo người Hoa, vừa đi học vừa làm các công tác xã hội để tuyên truyền ý thức nghĩa vụ cho thanh thiếu niên và cũng ít nhiều vấp phải sự phản đối từ người thân vì lo cho sự an toàn của ông.
Câu chuyện này theo ông suốt đến tận hôm nay, sự quyết tâm đến cùng với công việc đó đã phần nào hình thành nên tính cách quyết liệt và trách nhiệm của một doanh nhân Đỗ Long sau này. “Để thành công với những gì đã chọn, cơ bản nhất là đứng ở đâu, làm gì cũng phải có trách nhiệm đến cùng”, Chủ tịch Bita’s nhấn mạnh.
“Để điều hành 3-4 công ty cần một sự sắp xếp quản lý đặc biệt như Công ty may Nhật Tân có khi quản lý tới 5.000 nhân viên, 17 phân xưởng sản xuất tại 6 tỉnh thành nhưng hoàn toàn là gia công. Thị trường gia công may mặc tại Việt Nam lúc bấy giờ bùng nổ dần thể hiện các bất cập: cạnh tranh trên từng đơn hàng, các doanh nghiệp liên kết để cùng nhau nâng giá, hạ giá, can thiệp thị trường… Đây là yếu tố sẽ không giúp Việt Nam phát triển, do đó tôi quyết định bỏ gia công dù làm rất tốt để chuyển hướng kinh doanh.
Chúng tôi đi đến một số nước trong đó có Nhật Bản để tiếp cận. May mắn nhận được sự đồng ý hợp tác từ một tập đoàn lớn tại đây để trở thành nhà sản xuất trực tiếp các mặt hàng cho đối tác này. May Nhật Tân nhờ định hướng này, không chỉ hạn chế tối đa các bất cập của mô hình gia công mà còn giúp công ty giảm tải vấn đề nhân công với 500 người được làm việc trong môi trường có điều hòa, sạch và xanh. Không phải cứ nhiều công nhân là ổn mà phải làm có hiệu suất thì mới có thể ổn định cả một hệ thống”, ông Long chia sẻ.
Năm 1991, Bita’s là công ty có giấy phép duy nhất và đặc biệt nhất Việt Nam – giấy phép kinh doanh dành cho công ty đang lỗ và nợ khoảng 4 tỉ đồng. Khởi điểm là một công ty hợp doanh bị phá sản từ người anh ruột, nguyên nhân cho thất bại này chính là việc sản phẩm của công ty trước đây chỉ xuất đi một thị trường là Liên Xô. Sau này Liên Xô sụp đổ, hàng tồn đọng nhiều, các đối tác tại Liên Xô cũng gặp khó khăn và không trả tiền hàng còn nợ. Ở trong nước thì chủ doanh nghiệp (anh trai ông Long) có nguy cơ vướng vòng lao lý.
Ông Long kể lại: “Thời điểm đó, với thân phận là một người em – đồng thời cũng là phó tổng giám đốc công ty Bitis, chúng tôi phải thành lập một nhóm người để sang tiếp quản Bita’s. Cuối năm 1990 – 1991, tôi chính thức đứng ở vị trí mới tại Bita’s và bắt đầu cam kết với Bộ Tài chính, Thành ủy và UBND TP. HCM nhận công ty Bitas và hứa thanh toán các khoản nợ trong vòng bao nhiêu năm.
Một thời gian ngắn sau, chúng tôi đã “cứu” thành công Bita’s và giải thể hình thức hợp doanh (Công ty hợp doanh cao su nhựa Tân Bình) và thay bằng mô hình công ty tư nhân, đổi tên thành Bình Tân. Đây có thể coi là một sự thay đổi chiến lược, đảo ngược thất bại đến thành công của công ty”.
Từ câu chuyện hồi sinh của Bita’s, ông Long không quên nhắc nhở các doanh nhân trẻ: “Đôi khi chúng ta phải có những bước đi ngược để thành công. Đem một cái gì đó ra thị trường không xong, thay vì phải bỏ và thay bằng cái mới thì khoan nản chí mà hãy tìm cách thử nó, đôi khi đạt được 1 phần kết quả cũng nên xem đó là hy vọng”.
Đối với việc quản trị một doanh nghiệp trẻ, theo Chủ tịch Bita’s, có 2 yếu tố lớn dẫn đến sự thất bại “báo trước” của các doanh nghiệp mới thành lập.
Một là những nhà lãnh đạo không biết về tài chính, nếu không biết thì cần một bộ máy tin cậy để sử dụng và hai là kinh doanh mà không có bạn bè để san sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ những lúc khó khăn.
“Thiên thời, địa lợi” – yếu tố cần nhưng chưa đủ
Chia sẻ tại tọa đàm “Hành trình khởi tạo thành công” do Câu lạc bộ Doanh nhân & Quản trị tổ chức vừa qua, ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, khả năng phát triển của doanh nghiệp – nhất là doanh nghiệp trẻ bên cạnh “thiên thời, địa lợi”, sự quyết tâm và hình ảnh một người lãnh đạo có tâm và tầm đóng vai trò hết sức quan trọng.
Với doanh thu năm 2018 đạt 9,032 tỉ đồng cùng đội ngũ nhân sự gồm 3.500 nhân viên, Lộc Trời hiện đang giữ vững vị trí là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Thành quả này theo ông Thòn chính là kết quả của nhiều bài học thất bại trên chặng đường phát triển kể từ tiền thân là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang.
Thông qua tên gọi công ty để nói về nhân tố làm nên thành công trong hành trình xây dựng doanh nghiệp, ông Thòn quan niệm “Lộc Trời” vừa là thuận lòng dân, vừa là sự may mắn của người làm kinh doanh nhưng đồng thời cũng là cơ duyên giúp mình nhận được nhiều sự hỗ trợ, hợp lực, đồng hành trên chặng đường phát triển.
Theo đó, những lúc Lộc Trời gặp khó khăn như vấn đề sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bắt nguồn từ quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp, từ bỏ mô hình kinh doanh cũ (từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sang lúa gạo) hay khi có các chiến lược kinh doanh mới mang tính thử thách, Lộc Trời luôn có quan điểm khắc phục riêng.
Để “vượt bão” thành công, công ty và bản thân ông Thòn trước hết sẽ nghĩ về lợi ích của người tiêu dùng – làm sao không làm họ thất vọng, suy giảm sự tin tưởng với thương hiệu. Tiếp sau là đặt cái tâm với lĩnh vực theo đuổi, kiên định và không bỏ cuộc dù còn một ít hy vọng. Cuối cùng là tìm kiếm sự chung tay, đồng hành của những “người bạn” – những đồng đội thời chiến nay trở thành người có sức ảnh hưởng, những đối tác hay đơn giản chính cộng đồng nhân viên của công ty.
Song theo ông Thòn, sự hỗ trợ và may mắn thôi là chưa đủ, nếu bản thân người lãnh đạo không có tinh thần vượt khó. Câu chuyện cảm động về cậu bé 10 tuổi mong muốn vượt Trường Sơn thăm Bác Hồ năm nào mà chủ tịch Thòn hồi tưởng lại trong ký ức tuổi thơ (năm ông Thòn khoảng 14 tuổi) cũng có nhiều nét tương đồng như chuyện cậu bé Vì Quyết Chiến đi xe đạp khoảng 103km từ Sơn La đến Hòa Bình để thăm em trai nằm viện gần đây, chính là để gửi gắm cơ sở niềm tin của ông Thòn và ý niệm thật sự về sự quyết tâm dành cho các doanh nhân Việt Nam.
Sự quyết tâm mà ông Thòn nhắc đến không phải là sự theo đuổi “bằng mọi giá” các mục đích đề ra (nhất là lợi nhuận) mà được cụ thể hóa thành cái tâm, trách nhiệm, tình cảm với công việc mình theo đuổi; tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám thất bại trong kinh doanh.
“Cũng như Bác Hồ từng nói, một khi con người ta có quyết tâm, mọi khó khăn sẽ vượt qua. Nếu bền gan, kiên trì thì sẽ không có việc gì khó. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, Chủ tịch Lộc Trời tâm sự.
Để “Lộc Trời” nảy mầm, ngoài thiên thời, địa lợi thì nhân hòa phải là yếu tố trung tâm. Có lòng người đồng nhất, kiên định thì khó khăn nào cũng vượt qua, trở lực nào cũng được giải quyết và thành công sẽ là cánh cửa luôn mở ra cho những người biết nhẫn nại.
Muốn chạy đường dài, hãy biết nhìn xa và cởi mở
Đúc kết những kinh nghiệm trong nhiều năm kinh doanh xuất nhập khẩu trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng – CEO Công ty Vina T&T cho rằng, một công ty sẽ không thể phát triển lâu dài được nếu thiếu đi tầm nhìn chiến lược.
Chuyện khởi nghiệp của ông Tùng bắt đầu với một công ty về logistics ra đời vào năm 2008 chuyên vận chuyển thực phẩm và cũng có tiếng trên thị trường lúc đó. Trên đà phát triển, có một vị khách Trung Quốc đặt vấn đề đưa ra 300.000 USD tiền cọc (chưa tính tiền hàng ngày) để yêu cầu công ty xuất nhập tôm sú hàng ngày.
“Hợp đồng hấp dẫn khiến chúng tôi bỏ bê các mảng, lĩnh vực còn lại như trái cây. Nhưng đến khi doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn, doanh thu “số âm”, cần một sự hợp lực, bù đắp từ nhiều mảng thì đã muộn. Kinh doanh đôi khi là thế, thành công là thành công luôn, còn thất bại cũng thất bại rất cay đắng.
Giai đoạn khó khăn đó, có một vị khách khác đặt vấn đề về thanh long. Tôi cũng chia sẻ về tình trạng công ty cũng như thực tế mình đã không còn làm về trái cây nhiều như trước nhưng vị khách này một mực muốn mình làm, chủ động đưa trước chi phí và khuyên cứ thử làm đi.
Do công ty đang gặp những hạn chế về tài chính nên dù nhận lời, tôi cũng gặp rất nhiều trở ngại: phải hạn chế “ra mặt” với các đối tác trong quy trình vận chuyển cũng như phải sống khép kín. Rất may mắn là hợp đồng này đã diễn ra thành công và đây cũng chính là tiền đề cho sự phát triển của Vina T&T trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây sau này”, ông Tùng nhớ lại quãng thời gian khó khăn khi mới khởi nghiệp.
Nói về những dự án mới của Vina T&T, ông Tùng cũng chia sẻ về việc ra đời chuỗi cửa hàng trái cây mới trước nhu cầu đầu ra cho trái cây loại 2 từ nông dân. Dự kiến cuối tháng 6/2019 công ty sẽ mở thêm 2 cửa hàng tại TP. HCM. Hiện nay, nông sản loại 1 do nông dân sản xuất đã xuất hết nhưng lượng nông sản loại 2 còn tồn đọng. Tình trạng này diễn ra sẽ tạo cơ hội cho thương lái ép giá, gây bất lợi cho nông dân. Do đó Vina T&T chủ động tạo ra đầu ra cho nguồn hàng này.
Kể về chuyện xuất khẩu trái dừa trên đất Mỹ, ông Tùng mở đầu bằng những suy nghĩ trầm tư về tình trạng “người Việt tự hại nhau và đưa giá dừa trong nước xuống thấp”. Ông Tùng kể: “Với trái dừa Thái Lan, thị trường họ lên xuống cùng nhau, nếu thấy hàng ngoại họ sẽ tự đồng hành, liên kết về giá chung để cùng bảo vệ giá trị hàng nội. Nhưng Việt Nam thì ngược lại, cứ thấy hàng nội nào thấp hơn sẽ không thích và tìm cách cạnh tranh. Đây là vấn đề đáng phải nhìn lại không chỉ cho ngành dừa mà còn nhiều ngành nghề khác trong nước.
Thực tế dừa Xiêm tại Việt Nam có chất lượng rất tốt, hoàn toàn cạnh tranh được với dừa Xiêm từ Thái Lan, đây là nhân tố thứ nhất khiến công hàng trái dừa đầu tiên của công ty thành công trên đất Mỹ. Nhân tố thứ hai nằm ở sự hỗ trợ của bạn hàng người Việt và đối tác người Việt của Vina T&T tại Mỹ. Có những lúc thị trường biến động, họ vẫn chấp nhận bán dừa giá thấp để giúp bình ổn, đồng hành cùng nông sản Việt Nam. Nhờ sự đoàn kết và hợp lực đó, đến nay cộng đồng tại California đã có khái niệm “dừa Xiêm Việt Nam” thay vì chỉ “dừa Xiêm của Thái” như trước đây”.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, ông Tùng nhìn nhận, một thời gian trước, khi khởi nghiệp phát triển như một phong trào, doanh nghiệp trẻ được đánh giá kinh doanh theo bản năng nhiều hơn. Không quá khó để thấy các hạn chế về mặt chi phí, kỹ năng kiến thức (ngoài chuyên ngành), nhân sự… được xem như những yếu tố chính dẫn đến các thất bại không đáng có.
Còn hiện nay, khi xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu bước sang giai đoạn mong muốn cạnh tranh đường dài, chuyên hóa và tiến gần hơn về các giá trị bền vững, yếu tố về con người nhất là chủ doanh nghiệp lại là nhân tố quan trọng để tổ chức đi đến những mục tiêu đề ra.
Han Sovy
Nguồn: TheLEADER