Ba xu hướng quản trị doanh nghiệp sẽ nổi lên trong thập niên 2020
Bill Gates từng viết trong cuốn sách The Road Ahead (Con đường phía trước): “Chúng ta luôn đánh giá quá cao những thay đổi sẽ diễn ra trong hai năm tiếp theo, nhưng lại đánh giá thấp những thay đổi sẽ xảy đến trong 10 năm tới.” Lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay cần quan tâm tới những gì để chuẩn bị cho những biến động của 10 năm tới?
Trong những năm gần đây, công nghệ đang dần xâm chiếm mọi ngóc ngách của nơi làm việc, những thay đổi đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thực trạng này khiến câu hỏi các lãnh đạo nên làm gì để chuẩn bị đối phó với những biến chuyển trở thành một điều gần như bất khả giải.
Trước mắt, họ cần phải nhận ra “tương lai của việc làm” không còn phải viễn cảnh mà nó đang bắt đầu ngay chính thực tại. Sau đây là ba xu hướng mà các lãnh đạo hiện đại nên chuẩn bị khi bước vào thập niên mới.
Sự nổi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI)
Chỉ trong năm 2018, số lượng các doanh nghiệp sử dụng AI đã tăng gấp ba. Hiện tại khoảng 37% các công ty đã và đang ứng dụng công nghệ này dưới nhiều hình thức. Tập đoàn khách sạn Hilton International đang sử dụng chatbot và nền tảng phỏng vấn dựa trên công nghệ AI trong quy trình tuyển dụng. Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đang dùng hơn 200.000 robot trong các nhà kho. Chuỗi pizza Domino’s cũng đang ứng dụng các công cụ AI để giám sát những nhân viên làm pizza tại Úc và New Zealand.
Đến năm 2030, 70% các doanh nghiệp sẽ ứng dụng ít nhất một loại hình AI, theo kết quả nghiên cứu của McKinsey. Điều này có thể tạo nên những thay đổi lớn lao trong chăm sóc khách hàng, tuyển dụng, chuỗi cung ứng cũng như bảo mật… Mức độ ảnh hưởng của AI lên doanh nghiệp không hề nhỏ: 72% giám đốc tin rằng AI sẽ “trở thành lợi thế của công ty trong tương lai,” theo báo cáo của PwC.
Để không bị tụt lại trên đường đua, lãnh đạo không còn có thể bỏ qua AI: Họ cần phải nâng cấp trình độ cho nhân viên, sửa đổi cấu trúc doanh nghiệp và ứng dụng AI một cách chiến lược. “Sự thay đổi đang tới, và AI chính là công nghệ dẫn dắt,” CP Gurnani, CEO của Tech Mahindra nhận định, “Tuy vậy chúng ta cần nhớ rằng đến sau cùng, con người vẫn là người kiểm soát mọi sự.”
Tầm quan trọng của trải nghiệm nhân viên
Trong thập niên mới, các doanh nghiệp dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài. Chính vì vậy việc đảm bảo nhân viên luôn hạnh phúc và khỏe mạnh trở thành điều thiết yếu.
“Củng cố trải nghiệm của nhân viên đồng nghĩa với gầy dựng một tổ chức khiến mọi người muốn lui tới,” Jacob Morgan, diễn giả và tác giả của nhiều đầu sách quản trị doanh nghiệp nhận định. Điều này liên đới tới nhiều yếu tố, từ thiết kế không gian làm việc cho tới sức khỏe tinh thần của nhân viên.
Những công ty có nhiều nhân viên gắn bó sẽ thu được lợi nhuận cao hơn 21% so với những doanh nghiệp khác. Chính vì vậy yếu tố này đang trở nên ngày càng quan trọng với các phòng nhân sự. Theo báo cáo Xu hướng nhân lực 2019 của Deloitte, 84% những người tham gia khảo sát xác định trải nghiệm nhân viên là vấn đề quan trọng, trong khi 28% cho rằng đây là “vấn đề bức thiết”.
Trải nghiệm của nhân viên càng trở nên có ý nghĩa trong tương lai khi thế hệ Z (những người sinh sau năm 1996) gia nhập lực lượng lao động toàn cầu. Ước tính những người trẻ này sẽ chiếm 33% bộ máy nhân sự toàn thế giới vào năm 2030.
“Thế hệ Z tìm kiếm những người lãnh đạo đáng tin cậy, ủng hộ mọi nhu cầu của họ và thể hiện sự quan tâm của họ trên cương vị người với người, chứ không chỉ cấp trên và nhân viên,” Dan Schawel, giám đốc nghiên cứu Future of Workplace cho biết. “Tập trung vào nhu cầu thường nhật của thế hệ Z là cách tốt nhất để xác định những gì họ cần tại nơi làm việc,” ông nói.
Làm việc có chủ đích
Đầu năm 2020, khi Deloitte hỏi gần 10.000 CEO về thước đo quan trọng nhất của thành công, câu trả lời được nhiều người đồng tình nhất (34%) chính là “tác động tới xã hội”, theo sau đó là sự hài lòng của khách hàng (18%) và kết quả tài chính (17%).
Theo khảo sát của PwC, trong khi 79% các lãnh đạo đều tin rằng mục tiêu là trọng tâm để doanh nghiệp thành công, chỉ 34% nhìn nhận đây là yếu tố dẫn dường cho mọi quyết định của họ.
Trong thập niên tiếp theo, các lãnh đạo cần phải đan cài mục tiêu vào mọi mặt của doanh nghiệp, bởi lẽ 87% những người trẻ thuộc thế hệ millennials (thế hệ sinh từ năm 1980 tới 1996) – thế hệ lao động chủ lực hiện tại tin rằng “thành công của công ty không chỉ nên đong đếm bằng lợi nhuận.”
Jason Wingard
Nguồn: Forbes Việt Nam