Tháng Mười Hai 18, 2024

Thành phố sẽ cố gắng giải quyết vướng mắc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trong tháng 12, để hoàn thành công trình trong năm 2025, theo Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi.

“Nhà đầu tư cam kết có thể hoàn thành dự án trong vòng 12 tháng. Như vậy, nếu các vướng mắc được giải quyết, dự án sẽ khởi động đầu năm sau và có thể hoàn tất vào cuối năm”, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 20 của HĐND thành phố, chiều 10/12.

Dự án chống ngập do triều gồm 6 cống ngăn triều khổng lồ cùng tuyến đê bao ven sông Sài Gòn dài 6 km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư, khởi công từ năm 2016. Công trình nhằm kiểm soát ngập cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Do vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên công trình đã chậm trễ 6 năm so với kế hoạch dù đã hoàn thành 90% khối lượng.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn, chiều 10/12. Ảnh: An Phương

Theo ông Mãi, công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng thường xuyên được cử tri thành phố nhắc đến trong mỗi buổi tiếp xúc. Dự án này cũng được lãnh đạo trung ương nêu ra như một điển hình của vấn đề kéo dài, lãng phí. Thủ tướng đã yêu cầu thành phố cùng các bên tập trung giải quyết để sớm hoàn thành dự án.

Vừa qua, thành phố đã báo cáo Thủ tướng các giải pháp gỡ vướng cho dự án này. Trong đó, TP HCM đề nghị được điều chỉnh chủ trương đầu tư vì thời gian thực hiện kéo dài, tổng mức đầu tư của dự án đã thay đổi. Nếu không điều chỉnh chủ trương, thành phố sẽ không ký lại được hợp đồng, phụ lục và không có cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư.

Thành phố cũng đề nghị Thủ tướng có ý kiến để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cấp vốn, gia hạn thời gian tái cấp vốn. Các ngân hàng cũng cần cơ cấu lại kế hoạch trả nợ của nhà đầu tư và TP HCM liên quan đến dự án. “Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng BIDV. Nếu Thủ tướng có ý kiến, tôi nghĩ các ngân hàng sẽ sẵn sàng hỗ trợ”, ông Mãi nói.

Cống ngăn triều Tân Thuận ở quận 7, thuộc dự án chống ngập do triều. Ảnh: Quỳnh Trần

Cũng theo người đứng đầu chính quyền thành phố, dự án chống ngập 10.000 tỷ được thanh toán bằng tiền từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và ba vị trí đất. Năm nay, thành phố đã bố trí 6.800 tỷ đồng vốn đầu tư cho dự án nhưng chưa thanh toán được. Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án dùng ba vị trí đất để thanh toán cho nhà đầu tư, ủy quyền cho TP HCM định giá và thực hiện thanh toán.

Dự án hiện đã hoàn thành 90% tổng khối lượng và hoàn tất kiểm toán 3.000 tỷ đồng. Thành phố đề xuất thanh toán trước phần tiền này để nhà đầu tư hoàn thành phần còn lại của dự án, khoản chênh lệch vốn sẽ dùng để trả nợ ngân hàng để giảm lãi.

“Thành phố sẽ nghiên cứu phương án giải quyết các vướng mắc tại dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trong tháng này. UBND TP HCM cũng nhiều lần ngồi lại với nhà đầu tư để làm rõ việc điều chỉnh phụ lục hợp đồng, pháp lý quỹ đất, tiến độ công việc cụ thể”, ông Mãi nói.

Trước đó, khi chất vấn Chủ tịch UBND TP HCM, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt đặt vấn đề, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM được khởi công từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do đó, đại biểu này mong muốn lãnh đạo thành phố nêu rõ nguyên nhân cụ thể của sự chậm trễ và đưa ra mốc thời gian dự án vận hành chính thức.

Theo VnExpress


Tháng Mười Hai 17, 2024
chungkhoan-3-jpg-1734443395-4352-1734443432-1.jpg

Ủy ban Chứng khoán giao HoSE và HNX chạy hệ thống công nghệ thông tin mới trong năm sau, đồng thời triển khai hợp đồng tương lai chỉ số VN100.

Tại hội nghị tổng kết, triển khai nhiệm vụ 2025 của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Hà Nội (HNX) cùng Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) đưa hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) vào vận hành trong năm tới. Các đơn vị cũng cần nghiên cứu, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, giao dịch mới để bảo đảm đáp ứng nhu cầu khi nâng hạng thị trường.

VNX và các công ty con cần tăng tính chủ động, dự đoán và báo cáo cụ thể các khó khăn khi nâng hạng thị trường và hệ thống công nghệ thông tin mới đi vào hoạt động.

KRX là hệ thống công nghệ thông tin do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thiết kế. Hệ thống này cung cấp nhiều tiện ích mới, nổi bật nhất là hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng và thực hiện mua – bán cổ phiếu trong ngày (T+0). Điều này có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, từ đó tăng thanh khoản. KRX cũng được nhiều công ty chứng khoán, đơn vị phân tích và quỹ đầu tư tin rằng sẽ hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ban đầu, HoSE dự kiến hoàn thành năm 2021 nhưng sau đó liên tục lỗi hẹn và đến nay chưa thể vận hành chính thức.

Giao dịch chứng khoán tại công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (quận 1, TP HCM), hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Năm 2025, các Sở Giao dịch cũng cần nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới. Trong đó, hợp đồng tương lai VN100 dự kiến triển khai trong quý đầu năm sau. Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ có phương án phân loại cổ phiếu niêm yết, phát triển các chỉ số, thị trường mới dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), khởi nghiệp sáng tạo.

Hợp đồng tương lai chỉ số VN100 là sản phẩm phái sinh dựa trên VN100 – chỉ số theo dõi 100 cổ phiếu có vốn hóa, khả năng thanh khoản và tỷ lệ tự do chuyển nhượng hàng đầu sàn HoSE. Lý do lựa chọn chỉ số VN100 từng được đại diện SSC giải thích nhằm giảm bớt tác động của rổ VN30 khi đây là chỉ số duy nhất được triển khai hợp đồng tương lai trên thị trường. Giới chuyên gia từng cho rằng hợp đồng tương lai VN30 tồn tại một số hạn chế như tính đại diện chưa cao, cơ cấu thành phần tập trung nhiều cổ phiếu của ngành tài chính và bất động sản.

Trước đó khi tham dự các hội nghị, đại diện SSC từng cho biết hợp đồng tương lai VN100 có thể triển khai trong năm 2024, nhưng đến nay vẫn lỡ hẹn.

9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của VNX đạt hơn 1.746 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó HoSE đóng góp khoảng 1.322 tỷ (tăng 32%) và HNX góp 393 tỷ đồng doanh thu, tăng 23%.

VNX lãi sau thuế 1.719 tỷ đồng, cao hơn 28% so với 9 tháng năm trước. Sở này mới thực hiện được 62% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã vượt 21% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo VnExpress


Tháng Mười Hai 17, 2024
chungkhoan-13-JPG-3421-1733441891.jpg

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/12 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PNJ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) với giá mục tiêu 125.883 đồng/CP, tương đương với P/E mục tiêu đạt 16,1x khi mùa cao điểm lễ hội đang đến gần.

Lũy kế 11 tháng năm 2024, doanh thu thuần PNJ đạt hơn 35 nghìn tỷ (tăng 19% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 1.876 tỷ (tăng trưởng 8,3%) với động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ kinh doanh trang sức (tăng 18%) trong khi kinh doanh vàng miếng đã chững lại trong 2 quý gần đây kể từ khi NHNN ra chính sách kiểm soát giá vàng từ 3/6.

Luận điểm đầu tư: Thứ nhất là Biên lợi nhuận cải thiện nhờ giảm tỷ trọng vàng miếng và xu hướng chuyển dịch sang trang sức Tỷ trọng vàng miếng giảm từ 42% xuống 15% giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp, ước tính biên lợi nhuận gộp trong quý IV/2024 đạt 18%. Đồng thời, quy định kiểm soát nguồn gốc vàng nghiêm ngặt tạo lợi thế cho PNJ, gia tăng thị phần khi các cửa hàng nhỏ lẻ gặp khó khăn.

Thứ hai là giá nguyên liệu hạ nhiệt và nhu cầu trang sức hồi phục trong mùa cao điểm. Giá kim loại quý giảm trong quý IV/2024 do nhu cầu công nghiệp yếu và lãi suất cao, giúp kích cầu tiêu thụ trang sức. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm tăng mạnh trong mùa lễ hội cuối năm (lễ cưới, Tết, ngày vía Thần Tài) sẽ thúc đẩy doanh số trang sức của PNJ.

Thứ ba là tăng trưởng lợi nhuận nhờ mở rộng hệ thống và tối ưu mô hình cửa hàng. PNJ duy trì chiến lược mở rộng tại các thành phố Tier 2 với mô hình cửa hàng nhỏ và thử nghiệm flagship (PNJ Next) để tăng nhận diện thương hiệu. Doanh thu cửa hàng cũ (SSSG) dự kiến tăng trưởng 10%-11% trong 2024F/2025F khi doanh thu phục hồi về mức đỉnh 2022.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MCH

CTCK SSI

Chúng tôi tăng giá mục tiêu của cổ phiếu của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH – UPCoM) lên 260.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 12,1%), (từ 235.300 đồng/cổ phiếu), và duy trì khuyến nghị khả quan.

Dựa trên kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm 2024, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo cho cả năm 2024 và 2025, khi biên lợi nhuận gộp tăng mạnh hơn so với kỳ vọng của chúng tôi.

Trong năm 2024, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ đạt lần lượt là 32 nghìn tỷ đồng (tăng 13,7% so với năm trước) và 8,1 nghìn tỷ đồng (tăng 14%), cao hơn 3,7% so với dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trước đó của chúng tôi.

Sang năm 2025, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ lần lượt đạt 32,3 nghìn tỷ đồng (tăng 13,1%) và 9,2 nghìn tỷ đồng (tăng 13,3%), vượt trội hơn so với các doanh nghiệp F&B niêm yết khác mà chúng tôi nghiên cứu.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVD

CTCK SSI

Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu mới cho cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD – sàn HOSE) là 28.700 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá khoảng 20%) và duy trì khuyến nghị khả quan.

Kết quả kinh doanh quý III/2024 đầy ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ lần lượt tăng 77% và 21%, nhờ các mảng đều đạt kết quả tốt. PVD gần đây đã công bố khoản đầu tư vào một giàn khoan tự nâng mới, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.

Chúng tôi cũng cho rằng việc lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ tăng 25% trong quý IV/2024 cũng như khả năng ghi nhận một khoản lợi nhuận bất thường tiềm năng trong ngắn hạn liên quan đến việc thoái vốn giàn khoan/tài sản của PVD sẽ là các yếu tố tiềm năng hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Chúng tôi cho rằng sự điều chỉnh giá cổ phiếu gần đây là một cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VHC

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Lũy kế 3 quý năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC – sàn HOSE) lần lượt đạt 9.329 tỷ đồng (tăng 22%) và 808 tỷ đồng (giảm 4,8% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ phục hồi sản lượng hai chữ số ở hầu hết thị trường. Dự báo quý IV tiếp tục đà phục hồi, giúp doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 12.555 tỷ đồng (tăng 25%) và 1.102 tỷ đồng (tăng trưởng 20%), hoàn thành lần lượt 109% và 110% kế hoạch kịch bản cao của doanh nghiệp.

Với tỷ lệ tự chủ khoảng 70% cá nguyên liệu và tự sản xuất thức ăn (vốn chiếm khoảng 70% chi phí nuôi cá), giá nguyên liệu đầu chính là bột cá và bã đậu giảm lần lượt 18%/22% so với đầu năm cùng giá bán cải thiện ở hầu hết các thị trường sẽ giúp Vĩnh Hoàn cải thiện biên lợi nhuận gộp lên mức gần 18% (so với mức trung bình 14% trong 9 tháng năm 2024).

Báo cáo hiệp hội nhà hàng tại Mỹ cho thấy tâm lý lạc quan được cải thiện đáng kể sau cuộc bầu cử tổng thống. Điều này kì vọng sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ cá tra từ Việt Nam.

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập với cổ phiếu VHC với giá mục tiêu là 78.600 đồng/CP với tiềm năng tăng giá là 9%, tương đương với mức PER dự phóng cho năm 2025 là 13.4x, cao hơn mức trung bình 5 năm là 8x. Cổ phiếu VHC đã tăng 23% từ đầu năm, phản ánh kỳ vọng phục hồi đáng kể so với mức nền thấp trong 2023.


Tháng Mười Hai 15, 2024
pc1-6192.jpg

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/12 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PC1

CTCK Vietcap (VCI)

Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị mua đối với CTCP Tập Đoàn PC1 (PC1) và tăng 8% giá mục tiêu lên mức 31.200 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 tăng 4,5% và tác động tích cực từ việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu của chúng tôi đến cuối năm 2025 (xem trang 5).

Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận giai đoạn 2024-2028 của chúng tôi vì mức tăng 24% đối với dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số mảng khai thác niken của chúng tôi, được thúc đẩy bởi mức tăng 55% đối với dự báo sản lượng bán của chúng tôi trong suốt giai đoạn 2024-2028. Mức tăng này bù đắp cho mức giảm 4,9% của lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số mảng xây lắp điện (chủ yếu do dự báo lợi nhuận các năm 2024/2025 lần lượt giảm 30%/28%).

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2025 sẽ tăng 67%, nhờ (1) doanh thu mảng xây lắp điện tăng trưởng 26%, với chiều dài của đường dây 500kV trong giai đoạn 2026-2030 tăng gấp 2,8 lần so với giai đoạn 2021-2025, và dòng vốn đầu tư mới vào mảng năng lượng tái tạo sau khi hướng dẫn của Thoả thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) dự kiến sẽ được công bố vào nửa đầu năm 2025, (2) lợi nhuận mảng thủy điện tăng mạnh, (3) ghi nhận thêm nguồn doanh thu mới từ dự án BĐS Tháp Vàng (trái với việc không ghi nhận doanh thu từ dự án này trong năm 2024), và (4) không ghi nhận lỗ tỷ giá.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu GAS

CTCK Vietcap (VCI)

Chúng tôi giảm 5,2% giá mục tiêu cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) xuống còn 77.300 đồng/cổ phiếu do chúng tôi giảm 5,7% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2025-2029 nhưng giữ nguyên khuyến nghị khả quan.

Việc điều chỉnh giảm dự báo chủ yếu do chúng tôi (1) giảm 7,9%/4,6% dự báo giá dầu Brent/dầu nhiên liệu trung bình, như đã công bố trong Báo cáo Cập nhật Ngành Dầu khí ngày 14/11, và (2) giảm 14% dự báo chi phí vận chuyển LNG (bao gồm phí lưu trữ, tái hóa khí, phân phối) trung bình từ khoảng 3,0 USD/triệu BTU xuống còn 2,6 USD/triệu BTU cho giai đoạn 2025-2029, theo thông tin bổ sung từ các nhà máy điện. Những yếu tố này ảnh hưởng (3) dự báo sản lượng khí thương phẩm cao hơn 1% của chúng tôi (chủ yếu đến từ sản lượng LNG cao hơn), và (4) dự báo sản lượng bán LPG cao hơn 11% cùng với biên lợi nhuận gộp cao hơn dựa trên kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đi ngang so với cùng kỳ năm trước trong năm 2025 do (1) sản lượng khí thương phẩm cao hơn, chủ yếu là LNG, (2) lỗ từ LNG Thị Vải giảm (118 tỷ đồng so với mức lỗ 628 tỷ đồng vào năm 2024), và (3) không có chi phí dự phòng như trong năm 2024, bù đắp cho tác động tiêu cực của dự báo giá dầu nhiên liệu giảm 12,8%.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HDG

CTCK Vietcap (VCI)

Chúng tôi điều chỉnh tăng 5,8% giá mục tiêu cho CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) lên 31.000 đồng/CP và nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên khả quan.

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu chủ yếu bởi (1) định giá của chúng tôi đối với mảng điện tăng 8% (chủ yếu là do chúng tôi dự báo tổng lợi nhuận thủy điện tăng), (2) số dư tiền mặt ròng của công ty mẹ cao hơn và (3) tác động tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu sang cuối năm 2025. Những yếu tố trên bù đắp cho mức định giá thấp hơn 4% của chúng tôi đối với mảng BĐS, chủ yếu là do định giá của chúng tôi đối với dự án khu đô thị Dịch Vọng giảm 80% do tiến độ pháp lý và giải ngân vốn XDCB chậm.

Chúng tôi duy trì dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028, lần lượt thay đổi -9%/-9%/+30%/-12%/+6% trong năm 2024/25/26/27/28, chủ yếu là do (1) tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số từ Charm Villas giai đoạn 3 tăng 11% và (2) tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số từ mảng điện tăng 9% (chủ yếu do lợi nhuận từ thủy điện dự kiến tăng). Các yếu tố này bù đắp cho dự báo lợi nhuận từ dự án Dịch Vọng giảm và dự báo chi phí Holdco tăng của chúng tôi.

Khuyến nghị mua cổ phiếu CTD

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tới từ (1) biên lãi gộp tăng 189bps so với cùng kỳ nhờ các dự án mới (sau giai đoạn tái cơ cấu có biên lãi gộp tốt hơn), đặc biệt các dự án công nghiệp có vốn FDI và (2) Coteccons (CTD) không trích lập chi phí dự phòng trong kỳ (so với 30 tỷ đồng trong quý I/2024).

Mảng xây dựng công nghiệp (với biên lãi gộp cao, khả năng phát sinh công nợ khó đòi với các chủ đầu tư FDI thấp) sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho CTD trong trung và dài hạn. Trong 2025-2026, chúng tôi kỳ vọng nguồn cung công việc mảng dân dụng gia tăng đáng kể khi thị trường Bất động sản hồi phục. Chúng tôi cho rằng CTD có thể tận dụng cơ hội để gia tăng backlog từ các chủ đầu tư Bất động sản trong bối cảnh các nhà thầu thi công khác còn đang gặp khó khăn về tài chính.

KBSV ước tính doanh thu của CTD tăng 20,6%/8,7% trong năm 2025/2026 KBSV ước tính biên lãi gộp của CTD đạt 4,3%/4,5% trong 2025/2026 nhờ (1) tỷ trọng doanh thu các dự án mới gia tăng, (2) tối ưu năng lực thi công sau khi sáp nhập UG M&E và Sinh Nam. Chi phí dự phòng ước tính chiếm 0,3% doanh thu/năm (so với 1,2% trong 2024).

Chúng tôi ước tính dự án Emerald68 sẽ đóng góp 377 tỷ đồng lợi nhuận cho CTD trong năm 2026-2027.

KBSV khuyến nghị mua với CTD, giá mục tiêu 85.500 đồng/cổ phiếu (tăng 1% so với định giá gần nhất), tương ứng với mức lợi nhuận kỳ vọng là 29,3%.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh thu quý III/2024 của riêng Vinhomes (VHM – sàn HOSE) đạt 33,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 2%), lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 7,9 nghìn tỷ đồng (giảm 26%) đến từ bàn giao tại dự án Ocean Park 1,2,3, Golden Avenue và bắt đầu bàn giao cho khách hàng bán lẻ tại dự án Royal Island. Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh thu của Vinhomes (tính cả các giao dịch bán buôn và các dự án BCC) đạt 90,9 nghìn tỷ (giảm 16%) và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 19,6 nghìn tỷ đồng (giảm 39%).

Doanh số bán hàng của Vinhomes trong quý III/2024 tăng trưởng mạnh đạt 37,9 nghìn tỷ đồng (tăng 135%), trong đó phần lớn đến từ các giao dịch bán lẻ (chiếm 91%). Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh số đạt 89.6 nghìn tỷ đồng (tăng 58%), trong đó dự án Royal Island chiếm 67%.

KBSV dự báo tổng giá trị hợp đồng bán hàng năm 2024/2025 dự báo đạt 100,7/81,9 nghìn tỷ đồng (tăng 16% /giảm 19%). Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 2024/2025 đạt 28,8/30.7 nghìn tỷ đồng (giảm 14% /tăng 6%).

Vinhomes duy trì vị thế hàng đầu nhờ quỹ đất rộng lớn và khả năng triển khai dự án mạnh. Định giá hấp dẫn với P/B 2025fw là 0.7x, dưới đường -1std của trung bình P/B 5 năm của VHM. Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHM với giá mục tiêu 54.200 đồng/cổ phiếu.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MBB

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) sẽ tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng đa dạng hoá, với mức tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2025-2027 sẽ đạt 18-20% – thấp hơn giai đoạn 2020-2023 khi tăng trưởng trên quy mô tín dụng lớn hơn. Cho vay kinh doanh hộ gia đình, thương mại và chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục chiếm phần lớn trong danh mục cho vay, trong khi giải ngân với lĩnh có rủi ro cao hơn như cho vay phát triển BĐS và TPDN sẽ duy trì ở tỷ trọng vừa phải.

KBSV đánh giá trong ngắn hạn NIM của MBB vẫn chịu sức ép suy giảm, điều này cũng dẫn đến những điều chỉnh trong dự phóng về NIM của chúng tôi. Theo đó, mức NIM dự phóng cho năm 2024 là 4.34% (-45bps YoY), sau đó sẽ hồi phục trong GĐ 2025-2027 khi ngân hàng xử lý tốt hơn vấn đề chất lượng tài sản.

Chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn áp lực lên chất lượng tài sản của ngân hàng còn tương đối lớn đến từ TT02 hết hạn; đáo hạn các lô trái phiếu gia hạn 2 năm trước đó; khả năng phục hồi của khách hàng. Về dài hạn, những dự án BĐS, năng lượng tái tạo (có liên quan trực tiếp tới một số khách hàng lớn của MB) đang được Chính phủ tháo gỡ khó khăn. Với giả định các dự án sẽ được tháo gỡ hoàn toàn trong một vài năm tới, đây sẽ là cơ sở để MBB đưa chất lượng tài sản quay trở lại nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt như giai đoạn trước.

KBSV điều chỉnh thời điểm định giá về cuối năm 2025. Khuyến nghị mua cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 34.300 đồng/CP – tiềm năng tăng giá 41% so với giá đóng cửa ngày 12/12/2024.


Tháng Mười Hai 14, 2024
DRH-KQKD-2010-2023.png

Từ ngày 16/09/2024, cổ phiếu DRH của CTCP DRH Holdings (HOSE: DRH) bị đình chỉ giao dịch do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Trên thực tế, các vi phạm về công bố thông tin của Công ty thời gian qua đều bắt nguồn từ BCTC kiểm toán 2023. Điều gì đã xảy ra tại DRH?

Lao đao giữa các án phạt

Trước khi xảy ra vấn đề với đơn vị kiểm toán BCTC năm 2023, DRH đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt với hàng loạt vi phạm về công bố thông tin (CBTT) như chậm báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu; không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong BCTC năm 2021; Báo cáo tình hình quản trị 2021, 6 tháng đầu năm 2022, năm 2022 thiếu các thông tin về việc Công ty mượn tiền, dịch vụ quản lý dự án với các công ty con, gồm: CTCP Kinh doanh và Phát triển Bất động sản Đông Sài Gòn, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Bình Đông, CTCP Địa ốc An Phú Long.

Gần 1 tháng sau đó, BCTC hợp nhất quý 4/2023 của Công ty thể hiện khoản lỗ ròng 95 tỷ đồng cả năm 2023 (BCTC kiểm toán ghi nhận lỗ gần 104 tỷ đồng), đánh dấu mức lỗ kỷ lục trong 14 năm kể từ khi cổ phiếu niêm yết lên HOSE.

Nguồn: VietstockFinance

Năm 2023, Công ty chỉ ghi nhận vỏn vẹn gần 9 tỷ đồng doanh thu; chi phí tài chính vọt lên 114 tỷ đồng, tăng 22% so năm trước; riêng lãi vay tăng thêm 10 tỷ đồng, lên 90 tỷ đồng.

Sau khoản lỗ lịch sử, DRH 2 lần gửi văn bản đến UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vào ngày 27/3 và 9/4 để xin gia hạn BCTC kiểm toán 2023. Lý do được đưa ra là hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty thay đổi và đang trong quá trình tái cấu trúc, cộng với việc thu thập chứng cứ từ kế toán các công ty con chậm trễ nên đơn vị kiểm toán cần thời gian thu thập và đánh giá thông tin liên quan.

Đến ngày 15/5, DRH tiếp tục gửi văn bản đến 2 cơ quan trên để giải trình việc chậm công bố BCTC kiểm toán và Báo cáo thường niên 2023. Theo giải trình, ngày 14/5/2024, DRH nhận được đề nghị của kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY) về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cũng như đề nghị DRH thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty không nhận được bất kỳ thông báo bằng văn bản nào của EY về nguyên nhân chấm dứt hợp đồng trước hạn.

DRH cho rằng, trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ hồ sơ mà EY yêu cầu để hoàn tất thủ tục phát hành BCTC riêng và hợp nhất năm 2023.

Với việc chậm nộp BCTC kiểm toán 2023 quá thời hạn, HOSE đã đưa cổ phiếu DRH vào diện cảnh báo từ 24/4/2024 và hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều) từ 27/5. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng loại DRH thuộc chỉ số VNX Allshare của bộ chỉ số VNX-Index, do cổ phiếu bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát từ 9/5.

“Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về”

Sau khi EY ngừng hợp tác, HĐQT DRH ngày 20/5 đã thông qua nghị quyết và ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt để kiểm toán BCTC năm 2023. Đến ngày 4/9, tức mất 3.5 tháng, BCTC năm 2023 của DRH cuối cùng đã có kết luận kiểm toán. Sau đó, DRH lần lượt công bố Báo cáo thường niên 2023 vào 26/9; chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 8/10, dự kiến họp vào 5/11.

Thế nhưng, phải đến tháng 9, DRH mới công bố BCTC kiểm toán 2023. Cổ phiếu DRH bị chuyển từ hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 16/9. Mặt khác, việc kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với BCTC đã đưa cổ phiếu lần nữa vào diện chứng khoán bị cảnh báo từ ngày 19/9.

Cơ sở của kết luận ngoại trừ kiểm toán đến từ việc ngày 31/12/2023, tổng dư nợ trái phiếu DRHH2022001 và DRHH2224001 gần 568 tỷ đồng. Đến thời điểm phát hành BCTC, Công ty chưa có Báo cáo kiểm toán về tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành của 2 lô trái phiếu trên. Đơn vị kiểm toán không đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này đến BCTC hợp nhất 2023.

Bên cạnh đó, đối với số dư phải thu về cho vay ngắn hạn và phải thu khác tại ngày 31/12/2023 – bao gồm khoản cho vay, lãi phải thu về cho vay và hợp tác kinh doanh với CTCP Kinh doanh Địa ốc Dland; khoản phải thu về ủy thác đầu tư cho ông Nguyễn Thanh Trí – đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp về tính hợp lý của các khoản cho vay và ủy thác đầu tư nêu trên, cũng như không đánh giá được khả năng thu hồi và liệu các đối tác có phải bên liên quan của Công ty hay không.

Kiểm toán còn nhấn mạnh đến khoản nợ gốc 158 tỷ đồng và lãi 10 tỷ đồng của trái phiếu DRH đã quá hạn thanh toán, cộng thêm khoản lãi chậm thanh toán gần 38 tỷ đồng. Ngoài ra, DRH còn có khoản nợ thuế đã quá hạn nộp ngân sách Nhà nước. Theo đó, kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Về phía mình, DRH cho biết, vẫn đang tìm công ty kiểm toán để kiểm toán tình hình sử dụng vốn của 2 lô trái phiếu. Đối với các trái phiếu quá hạn thanh toán, DRH dự kiến xử lý tài sản bảo đảm là cổ phiếu KSB và quyền sử dụng đất tại TP. Thủ Đức để thu hồi tiền trả cho nghĩa vụ trái phiếu, chậm nhất đến quý 1/2025. Còn với trái phiếu chưa đáo hạn, DRH lên kế hoạch chuyển nhượng 1 dự án của Công ty để có tiền thanh toán gốc và lãi cho trái chủ trong quý 4/2024.

Ngoài các biện pháp mang tính cấp bách kể trên, DRH nêu một số phương án nhằm đảm bảo dòng tiền cho các nghĩa vụ với trái chủ khác như: đẩy mạnh thi công chung cư cao tầng Aurora từ tháng 11/2024 để đảm bảo tiến độ thu tiền từ khách hàng và dự kiến bàn giao vào tháng 8/2025; thu hồi kịp thời các khoản nợ phải thu đến hạn vào quý 1/2025.

Trong bối cảnh đầy bất ổn, cổ phiếu DRH liên tục lao dốc. Kể từ đầu năm 2024 cho đến phiên giao dịch cuối cùng trước khi bị đình chỉ (13/9), giá cổ phiếu giảm hơn 62%, chỉ còn 1,900 đồng/cp – không bằng giá 1 ly trà đá.

Diễn biến giá cổ phiếu DRH từ đầu năm 2024 đến khi bị đình chỉ giao dịch

Được biết, tổng tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ và người có liên quan tại thời điểm 31/12/2023 là gần 6.6 triệu cp, tương đương 5.29% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty.

 

Nguồn: Báo cáo thường niên 2023 của DRH

Nguồn: Vietstock


Tháng Mười Hai 13, 2024

(ĐTCK) Thị trường có tuần giảm điểm nhẹ, nhưng thanh khoản cũng sụt giảm, hoạt động giao dịch trên bảng điện tử nhìn chung khá ảm đạm do thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ lớn. Một bộ phận dòng tiền luân chuyển qua lại giữa các cổ phiếu vừa và nhỏ với tâm điểm trong hai tuần qua vẫn thuộc về cái tên VCA của CTCP Thép Vicasa – Vnsteel.

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 7,57 điểm (-0,60%), xuống 1.262,57 điểm. Thanh khoản giảm với khối lượng giao dịch giảm hơn 12% trên sàn HOSE. Khối ngoại duy trì đà bán ròng trên HOSE với giá trị hơn 1.131 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, cổ phiếu VCA của CTCP Thép Vicasa – Vnsteel có thêm một tuần dẫn đầu trong số các mã tăng mạnh nhất. Tổng cộng mã này đã ghi nhận 11 phiên tăng trần liên tiếp kể từ phiên 28/11 đến 12/12, nhưng đã chịu lực bán chốt lời trong phiên cuối tuần 13/12 khi giảm sàn, khớp lệnh hơn 0,34 triệu đơn vị. Tuần trước, cổ phiếu này tăng gần 40%.

Các cổ phiếu tăng khác đều là những cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính đầu cơ ngắn hạn cao, với đa số thuộc nhóm bất động sản, vận tải, logistics như HTN, VRC, FIR, CTI, TCO, AGM, CLC…

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư vẫn tiết cung giá thấp và hầu hết các mã giảm mạnh nhất cũng chỉ mất 6-7%, ngoại trừ PMG nhưng thanh khoản mã này chỉ dừng lại ở mức thấp.

Tuần này, HOSE chào đón tân binh RYG của CTCP Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia, khi 45 triệu cổ phiếu có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 12/12 với giá tham chiếu 15.000 đồng và cổ phiếu này đã tăng vọt 12% và nhích thêm 1,2% trong phiên còn lại lên 17.000 đồng/cổ phiếu, khớp lần lượt 0,27 triệu và 0,19 triệu đơn vị.


Trên sàn HNX, cổ phiếu TTL tăng vọt và bỏ xa phần còn lại với cả năm phiên đều tăng kịch trần, nhưng thanh khoản thấp với chỉ trên dưới 5.000 đơn vị khớp lệnh, ngoại trừ phiên cuối tuần khi đột biến có hơn 250.000 cổ phiếu được sang tay.

Chỉ còn một số các cổ phiếu khác đáng chú ý như DST, KSV, S99, khi có được thanh khoản khá tích cực trong các phiên giao dịch. Còn lại đa số chỉ khớp lệnh với khối lượng thấp.


Trên UpCoM, đa phần các mã tăng, giảm mạnh nhất đều thanh khoản thấp. Ngoại trừ cổ phiếu MTA, khớp lệnh bất ngờ phiên cuối tuần hơn 0,29 triệu đơn vị, trong khi các phiên còn lại chỉ 30.000-40.000 đơn vị khớp lệnh.

Tương tự là cổ phiếu BCA, khi có phiên khớp lệnh đột biến hơn 0,2 triệu đơn vị, trong khi những phiên khác trong tuần chỉ vài chục nghìn đơn vị.


Tháng Mười Hai 12, 2024
z6124696714270_ed905045fcaa042bfbe27d4b67c59680.jpg

Ở phiên thứ 4 liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 286 tỷ đồng trên sàn HoSE khi VN-Index giảm 1,5 điểm.

Khối ngoại trở lại xu hướng xả hàng từ đầu tuần và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hôm nay, nhóm này bán ròng khoảng 286 tỷ đồng, tăng 46% so với phiên trước. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu 4 phiên liên tiếp gần đây.

Bên bán gần như chiếm ưu thế hoàn toàn xuyên suốt cả phiên, trọng tâm nằm ở FPT khi mã này đang trên vùng đỉnh lịch sử. Trước đó, cũng chính dòng vốn ngoại là động lực góp phần nâng đỡ thị giá FPT khi họ liên tục mua vào từ cuối tháng 11.

Động thái trên của nhóm nước ngoài diễn ra trong bối cảnh chứng khoán lình xình cả tuần. Hôm nay, VN-Index giữ sắc xanh phần lớn thời gian giao dịch nhưng biên độ tăng không quá lớn, chỉ quanh 2-3 điểm. Riêng cuối buổi sáng, thị trường có lúc kiểm tra 1.275 điểm nhưng một lần nữa bất thành khi thiếu động lực dẫn dắt đủ mạnh.

Chỉ số đại diện sàn HoSE yếu dần trong buổi chiều rồi rung lắc quanh tham chiếu sau 14h. VN-Index đóng cửa ở trên 1.267 điểm, giảm hơn 1,5 điểm so với hôm qua. Đây là phiên điều chỉnh thứ ba liên tiếp của chứng khoán.

Gần một nửa cổ phiếu trên sàn HoSE sụt giá. Các nhóm có chỉ số ngành giảm mạnh nhất là viễn thông, du lịch – giải trí, tài nguyên và bất động sản. Hai màu xanh và đỏ đan xen trên bảng điện nhóm bluechip cho thấy sự giằng co lớn ở nhóm này. Rổ VN30 có 15 mã giảm, 11 mã tăng và chỉ số đại diện sụt nhẹ gần 1 điểm.

Thanh khoản hôm nay quay đầu giảm hơn 2.800 tỷ so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch sàn HoSE ghi nhận gần 13.500 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chỉ số chung tiếp tục một phiên giằng co rung lắc quanh ngưỡng 1.270 điểm và chưa hoàn toàn củng cố được động lực ở vùng điểm này. Với diễn biến rung lắc và chưa có tín hiệu cải thiện hiện tại, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng nhịp rung lắc để mua ở vùng giá chiết khấu đối với các cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục. Mục tiêu là trung bình giá vốn và đạt được lợi nhuận tốt hơn khi động lực thị trường được củng cố và tiến đến những mốc điểm cao hơn.

Nguồn: VnExpress


Tháng Mười Hai 11, 2024
chungkhoan-30-JPG-2048-1733732492.jpg

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 470 tỷ đồng chỉ sau hai phiên ưu tiên gom cổ phiếu, dù đây là phiên tăng điểm thứ ba của VN-Index.

Trong hai phiên chứng khoán đi lên cuối tuần trước, khối ngoại mua ròng khá mạnh. Tuy nhiên nhóm này nhanh chóng trở lại xu hướng xả hàng trong ngày giao dịch hôm nay. Họ bán ròng liên tục cả phiên với tổng giá trị 471 tỷ đồng.

Tâm điểm là FPT khi bị bán ròng hơn 360 tỷ đồng. Đây vốn là cổ phiếu hút dòng tiền nổi bật trong thời gian trước. Nhà đầu tư nước ngoài từng thi nhau mua ròng hàng trăm tỷ đồng, liên tiếp nhiều phiên trong giai đoạn thị giá FPT chuẩn bị lập đỉnh.

Nhà đầu tư đang theo dõi thị giá cổ phiếu FPT trong một phiên giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

FPT cũng là lực cản lớn nhất cho chứng khoán. Mã này giảm 1,7% về 147.000 đồng một đơn vị, thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 667 tỷ đồng. Không chỉ khối ngoại, nhiều nhà đầu tư cũng thực hiện chốt lời khiến 62% lượng khớp lệnh hôm nay là bán chủ động. Diễn biến trên xuất hiện sau khi FPT lập kỷ lục về giá với 149.500 đồng vào cuối tuần trước. Cổ phiếu này đứng đầu top ảnh hưởng xấu nhất tới VN-Index hôm nay.

Buổi sáng, chỉ số đại diện sàn HoSE trồi sụt quanh tham chiếu, thanh khoản thu hẹp. Thị trường mất lực kéo từ nhóm bluechip và chỉ xuất hiện điểm sáng ở một số cổ phiếu vừa và nhỏ.

Chứng khoán tích cực hơn khi gần giờ nghỉ trưa do dòng tiền tham gia sôi động hơn. Sang buổi chiều, sắc xanh được phủ liên tục. Khoảng 14h, chỉ số được đẩy lên cao hơn 7,5 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên VN-Index sớm hạ độ cao và chốt phiên ở sát 1.274 điểm, vẫn tích lũy được thêm 3,7 điểm so với cuối tuần trước.

Toàn sàn HoSE có 235 cổ phiếu tăng giá, nhiều hơn so với 146 cổ phiếu giảm. Sắc xanh tập trung phần lớn ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi nhóm bluechip vẫn xen lẫn nhiều mã giảm. Thị trường ghi nhận 12 mã tím trần, chủ yếu vẫn thuộc nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nổi bật nhất là YEG.

Thanh khoản sụt nhẹ gần 900 tỷ về khoảng 16.800 tỷ đồng. Đây là phiên thứ hai liên tiếp ghi nhận tổng giá trị giao dịch đi lùi dù điểm số nhích lên. Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn trong tâm thế thận trọng sau phiên tăng bùng nổ hôm 5/12.

Nguồn: VnExpress


Tháng Mười Hai 10, 2024

Đó là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Dũng tại Hội nghị Đối thoại trực tiếp với gần 150 doanh nghiệp và người nộp thuế trên địa bàn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến thuế thương mại điện tử, hóa đơn điện tử, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng vừa được tổ chức ngày 06/12.

Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Dũng chủ trì Hội nghị Đối thoại với DN và NNT

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hội nghị đối thoại lần này được Cục Thuế phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức nhằm giải đáp, tháo gỡ và trả lời các câu hỏi vướng mắc của các doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế (NNT) về các nội dung như thuế nhà thầu, HĐĐT, hoàn thuế GTGT, thuế khoán đối với hộ kinh doanh, thuế TNCN, giá thuê đất, kê khai thuế…

“Hội nghị cũng là diễn đàn để cơ quan thuế thông tin, hướng dẫn cho các DN và NNT một số chính sách thuế mới, sửa đổi bổ sung; hướng dẫn sử dụng ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động dành cho người nộp thuế là cá nhân (eTax Mobile). Đây là các nội dung quan trọng mà các DN và NNT cần lưu ý để đảm bảo thực hiện đúng quy định.” – Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Dũng cam kết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN và NNT trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiện lợi trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về thuế. Từ đó, góp phần đảm bảo nguồn thu cho NSNN và gia tăng tính tuân thủ pháp luật thuế của các DN và NNT.

Một số nội dung câu hỏi của DN đề nghị cơ quan thuế hướng dẫn về việc xử lý hóa đơn mua vào từ các DN bỏ trốn tại thời điểm thanh kiểm tra thuế, đại diện Cục Thuế cho biết, theo quy định của pháp luật thuế GTGT, thuế TNDN hiện hành, một trong những điều kiện để khấu trừ thuế GTGT đầu vào và tính vào khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế tính thuế TNDN là phải “có hóa đơn GTGT hợp pháp đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào theo quy định của pháp luật.

Như vậy, hóa đơn hợp pháp là hóa đơn đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Trường hợp cơ quan thuế hoặc cơ quan công an, cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn thì các trường hợp này NNT không thỏa mãn điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào và tính vào khoản chi phí được trừ.

Ngoài ra, trường hợp NNT có hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Điều 143 Luật Quản lý thuế (hành vi trốn thuế) hoặc Điều 142 Luật Quản lý thuế (hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm nếu người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng). Theo đó, cơ quan thuế đề nghị công ty căn cứ thực tế để thực hiện theo quy định pháp luật.

Liên quan đến việc khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay và khấu trừ thuế GTGT đầu vào, tính trừ chi phí khi mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), Cục Thuế cho biết, về vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có các văn bản hướng dẫn thống nhất thực hiện. Theo đó, về cách xác định các NCCNN có hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đã đăng ký thuế tại Việt Nam, cơ quan thuế đã đăng công khai danh sách các NCCNN đã thực hiện đăng ký thuế trên Cổng TTĐT dành cho NCCNN (etaxvn.gdt.gov.vn).

“Các DN và NNT có hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa, dịch vụ liên quan đến nội dung này có thể thực hiện truy cập vào Cổng TTĐT để tra cứu tình trạng đăng ký thuế của NCCNN. Trường hợp NCCNN đã thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính thì NCCNN thực hiện trực tiếp tại Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế.” – đại diện Cục Thuế cho biết.

Quang cảnh Hội nghị Đối thoại

Liên quan đến nội dung về khai thuế nhà thầu khi mua hàng hóa dịch vụ từ nhà cung cấp nước ngoài NCCNN, đại diện Cục Thuế cho biết, về nguyên tắc, nếu khoản thu nhập nhà thầu đã đăng ký, kê khai, nộp thuế GTGT và TNDN từ Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế thì khi công ty trả thu nhập phát sinh từ nguồn thu nhập đã đăng ký thì không phải thực hiện kê khai.

Nếu khoản thu nhập nhà thầu đã đăng ký, kê khai, nộp thuế GTGT từ Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế mà chưa kê khai thuế TNDN thì khi công ty trả thu nhập phát sinh từ nguồn thu nhập đã đăng ký có trách nhiệm phải thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế TNDN thay cho nhà thầu nước ngoài theo quy định. Trường hợp nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng số ở nước ngoài (nhà thầu) chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định thì công ty có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Phát biểu kết luận hội nghị đối thoại, Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Dũng cho biết, với tinh thần và mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, trong thời gian qua, ngành Thuế nói chung và Cục Thuế nói riêng đã liên tục tổ chức các hội nghị đối thoại cấp Tổng cục và cấp Cục để lắng nghe những vướng mắc của cộng đồng DN và NNT để kịp thời đưa ra nhưng giải pháp hỗ trợ về giải thích chính sách và đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và NNT yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN.

“Trong khuôn khổ hội nghị, một số nội dung hỏi của DN đối với những câu hỏi, vướng mắc của DN chưa được giải đáp trực tiếp tại hội nghị, cơ quan thuế sẽ tổng hợp và trả lời bằng văn bản đến các DN; đồng thời, đề nghị các DN tiếp tục gửi văn bản, câu hỏi đến cơ quan thuế để được giải đáp cụ thể. Đối với những vấn đề vướng mắc ngoài thẩm quyền, Cục Thuế cũng sẽ có văn bản đề xuất, báo cáo với cấp trên để trả lời, giải quyết và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN.” – Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Dũng đề nghị.

Nguồn: Tổng Cục Thuế


Tháng Mười Hai 10, 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.

Thực tiễn áp dụng hệ thống HĐĐT đã cho thấy đây là phương thức quản lý góp phần quan trọng tạo môi trường kinh doanh, bình đẳng, thuận lợi, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng

Thời gian qua cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi cả nước để phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và người dân, góp phần tạo môi trường kinh doanh, bình đẳng, thuận lợi, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, DN, cửa hàng bán lẻ chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử, sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế.

Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng HĐĐT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với các hoạt động TMĐT, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, DN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo tại các Công điện số 889/CĐ-TTg ngày 1/10/2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số; Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 về tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 1/12/2023 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng HĐĐT, giúp người dân, DN hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế; rà soát, hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng chính như: dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng, bán lẻ xăng dầu… đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất HĐĐT.

Thứ hai, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu với các bộ, cơ quan liên quan, nhất là với Bộ Công an để quản lý thuế hiệu quả, đặc biệt là đối với các hoạt động TMĐT, xăng dầu, kinh doanh trên nền tảng số, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Kiên quyết xử lý theo pháp luật những người cố tình không thực hiện HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.

Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng HĐĐT, đặc biệt là trong việc lập HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện. Chỉ đạo cơ quan thuế các cấp chủ động phối hợp cơ quan công an và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai công tác kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là các cửa hàng vẫn còn sử dụng máy POS/máy tính bảng/điện thoại có cài đặt phần mềm để thực hiện lập HĐĐT khi bán hàng, đảm bảo việc thực hiện đúng quy định về HĐĐT theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai thông tin các trường hợp vi phạm theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Thứ tư, khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 1/ 2025 ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, trong đó có các giải pháp về HĐĐT đối với hoạt động TMĐT.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý các giao dịch trong hoạt động TMĐT, tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của các cá nhân trên sàn giao dịch TMĐT.

Thứ hai, chỉ đạo các DN kinh doanh xăng dầu, DN bán lẻ xăng dầu trên cả nước chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng; Phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về HĐĐT theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan

Thứ nhất, chủ trì việc kết nối dữ liệu dân cư với các cơ quan thuế và các cơ quan quản lý thuế, các địa phương để phối hợp phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không thực hiện HĐĐT.

Thứ hai, tăng cường nghiên cứu phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử hiện có tại Việt Nam lên ứng dụng công dân số quốc gia VNeID để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động TMĐT.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tại địa phương trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp có quy định sử dụng HĐĐT mà không thực hiện.

Thứ hai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế trong việc tuyên truyền, hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam để khuyến khích người tiêu dùng thực hiện lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Thứ ba, chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về lập HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét xử lý các DN, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu không chấp hành nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 5/3/2024 của Chính phủ và quy định của pháp luật. Chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hỗ trợ DN, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện chuyển đổi số, áp dụng giải pháp kết nối tự động khi phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng; chậm nhất trong tháng 3/2025, số cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động đạt tỷ lệ 100% tổng số cửa hàng kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với cơ quan thuế các cấp trong công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT tại địa bàn; chỉ đạo cơ quan thuế trên địa bàn cùng các sở, ban, ngành địa phương rà soát, thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Tại nội dung Công điện số 129/CĐ-TTg, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này. Đồng thời giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này theo chức năng, nhiệm vụ, được giao.

Nguồn: Tổng cục thuế


Call Now Button