Cùng với đà tăng mạnh của biểu lãi suất tiết kiệm trong những tháng gần đây, số tiền nhàn rỗi người dân mang gửi ngân hàng cũng thiết lập kỷ lục mới.
Sau khi lãi tiết kiệm xuống mức thấp kỷ lục trong nửa cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, các ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm từ tháng 4 đến nay. Theo đó, từ mặt bằng lãi suất chủ yếu dưới 5%/năm trong những tháng cuối năm 2023, đến nay lãi tiết kiệm cao nhất thị trường đã được các ngân hàng điều chỉnh tăng lên trên 6%/năm ở nhiều kỳ hạn của các ngân hàng.
Theo khảo sát, tại kỳ hạn 18 tháng, thị trường có HDBank, DongABank, OceanBank hiện cùng giữ mức lãi suất 6,1%/năm. Tiếp sau là BacABank với lãi suất 6,05%/năm và Saigonbank, BaoVietBank với lãi suất 6%/năm.
Ở kỳ hạn 36 tháng, NCB tiếp tục dẫn đầu với lãi suất 6,15%/năm. OceanBank, Saigonbank, SHB, DongABank cùng giữ mức lãi suất 6,1%/năm, trong khi BacABank trả lãi 6,05%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm khách hàng nhận được phổ biến ở mức 5%/năm đến 5,8%/năm. Thống kê cho thấy, so với đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động hiện cũng đã tăng 0,5-1% ở nhiều kỳ hạn.
Cùng với đà tăng mạnh của biểu lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng niêm yết trong những tháng gần đây, số tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi ngân hàng lấy lãi cũng lập kỷ lục mới.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 7/2024, tổng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đã đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng, tăng 305.672 tỷ đồng, tương đương tăng 4,7% so với cuối năm 2023. Đây là mức cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiền gửi của người dân đã tăng hơn 448.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, số tiền gửi tiết kiệm của người dân đã tăng thêm hơn 21.100 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2024.
Thống kê của ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong gần 2 năm qua, bất chấp lãi suất huy động ở vùng thấp kỷ lục trong năm ngoái và 3 tháng đầu năm nay.
Lượng tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi tiết kiệm tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán, vàng, BĐS chứng kiến những rung lắc mạnh thời gian qua.
Ở chiều ngược lại, tính tới cuối tháng 7, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng lại có dấu hiệu giảm nhẹ 1,1% so với cuối năm ngoái, xuống gần 6,77 triệu tỷ đồng, thấp hơn lượng tiền gửi dân cư.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang chuyển dịch vốn sang các kênh đầu tư khác thay vì tập trung vào ngân hàng. Sự dịch chuyển này có thể do nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi kêu gọi người dân hãy mua trái phiếu để đóng góp kinh phí làm 183 km đường sắt đô thị, tổng mức đầu tư ước tính 36 tỷ USD.
“Đây là dự án lớn, cần huy động sức dân. Với sức của nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ làm được việc lớn lao, thậm chí là làm được những dự án hàng trăm tỷ đô”, ông Phan Văn Mãi nói tại phiên đối thoại với đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, sáng 3/10.
Đề án hệ thống đường sắt đô thị, đến năm 2035, TP HCM phải hoàn thành 183 km metro, dự kiến vốn cần 36 tỷ USD. Theo ông Mãi, cơ chế cho phép nên TP HCM sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị và mong người dân mua, cùng đóng góp kinh phí để triển khai. Cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến metro kết hợp với tác động tích cực của dự án lên kinh tế, xã hội… thành phố sẽ có nguồn kinh phí tốt để trả lại lợi ích cho người dân.
“Bà con gửi tiền vào ngân hàng có thể lãi suất cao hơn nhưng mua trái phiếu là cùng đóng góp xây dựng thành phố”, ông Mãi nói, và cho rằng việc phát hành trái phiếu đường sắt sẽ là một trong những giải pháp đột phá, giúp huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, tái cấu trúc không gian đô thị.
Thành phố được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành – Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư và đang ở bước xây dựng, hoàn thiện đề án.
Tại đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP HCM đề xuất Trung ương cho 14 cơ chế, trong đó có một số nội dung giúp thành phố huy động được vốn để làm 200 km metro. Cụ thể, cho phép TP HCM và Hà Nội thực hiện thu hồi đất dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện mô hình TOD (phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở) ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội quyết định.
Đồng thời, địa phương được đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích phát triển dự án khu đô thị TOD theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và sử dụng toàn bộ số tiền thu được đầu tư trực tiếp cho dự án đường sắt đô thị. Dự kiến, TP HCM sẽ thu được 40 tỷ USD từ nguồn này và một phần sẽ dùng để đầu tư cho metro.
Thành phố cũng kiến nghị Trung ương cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công… để đầu tư mạng lưới metro. Lãi suất trái phiếu do hai địa phương tự quyết định, đảm bảo trên cơ sở khả năng thanh toán trả nợ.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đơn vị rà soát, đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với bộ ngành về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sáng 5/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung vào vấn đề huy động nguồn lực, đơn giản hóa thủ tục hành chính, linh hoạt hóa các quy định về đất đai và giải phóng mặt bằng, đồng thời tìm kiếm các giải pháp để rút ngắn thời gian thi công. Ông cũng yêu cầu các cơ quan rà soát suất đầu tư, tính toán chính xác nhất có thể tổng mức đầu tư.
Theo Thủ tướng, Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam với vận tốc thiết kế 350 km/h – tuyến đường sắt lưỡng dụng, vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh. Vì vậy, ông yêu cầu cơ quan chức năng đánh giá toàn diện tác động của dự án, không chỉ tập trung vào các chỉ số kinh tế như nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách mà còn phải xem xét hiệu quả tổng hợp của dự án đối với việc nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia.
“Cần phân tích kỹ lưỡng về khả năng giảm chi phí logistics, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế”, ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ tiếp tục khẳng định hướng tuyến của đường sắt tốc độ cao cần thẳng nhất có thể, tránh các khu dân cư lớn để không phải giải phóng mặt bằng nhiều, tiết kiệm chi phí, triển khai nhanh và tạo không gian phát triển mới. Các nhà ga phải theo hướng hiện đại, tầm nhìn xa nhưng tránh lãng phí.
Theo Thủ tướng, nguồn lực đầu tư dự án gồm đầu tư công của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu, nhất là trong xây dựng, vận hành nhà ga. Chính phủ đã lập tổ công tác và Bộ Giao thông Vận tải được giao lập tổ giúp việc chuyên trách xây dựng, triển khai dự án với nhân sự chất lượng tốt nhất. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ trực tiếp chỉ đạo triển khai dự án.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu tối đa ý kiến Thường trực Chính phủ, lãnh đạo bộ ngành để trình Hội đồng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 20/10. Trong hai năm 2025-2026, Bộ sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo kế hoạch, sau khi khởi công hai đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP HCM cuối năm 2027, các đoạn còn lại từ Vinh đến Nha Trang sẽ khởi công năm 2028-2029. Toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ hoàn thành năm 2035.
Dự án này được Bộ Giao thông Vận tải tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và học tập kinh nghiệm tại 6 nước đã làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao. Trên cơ sở đó, Bộ đề xuất đường sắt tốc độ cao dài 1.541 km, quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế tốc độ 350 km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình 67 km, 5 ga hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu tư ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đi qua 20 tỉnh, thành và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), tổng mức đầu tư sơ bộ 67,34 tỷ USD.
Căng thẳng tại Trung Đông cùng báo cáo việc làm Mỹ tháng 9 tốt hơn kỳ vọng khiến Dollar Index tăng 2,1% tuần này – mạnh nhất 2 năm.
Chốt phiên 4/10, Dollar Index – đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tên lớn – tăng 0,5% lên 102,49 điểm. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 8. Tính chung cả tuần, chỉ số này tăng 2,1% – tốt nhất kể từ tháng 9/2022.
USD tăng giá sau khi Mỹ hôm qua công bố báo cáo việc làm tháng 9 lạc quan. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 254.000 việc làm mới, cao hơn nhiều so với dự báo 140.000 mà các nhà kinh tế học đưa ra trong khảo sát trước đó của Reuters. Tỷ lệ thất nghiệp cũng bất ngờ giảm, từ 4,2% tháng 8 về 4,1% tháng 9.
“Báo cáo việc làm rất tốt. Kịch bản Mỹ vẫn tăng trưởng bất chấp lãi suất ở mức cao đang khả thi hơn bao giờ hết”, Karl Schamotta – chiến lược gia thị trường tại Corpay (Canada) cho biết. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vì thế sẽ càng thận trọng trong việc nới lỏng tiền tệ.
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee nhận định báo cáo việc làm tháng 9 là “xuất sắc”. Nếu có thêm các số liệu tương tự, ông sẽ càng tự tin nền kinh tế đang ở trạng thái toàn dụng lao động (full employment) với mức lạm phát thấp.
Các số liệu kinh tế lạc quan gần đây cùng bình luận “không vội vã giảm lãi suất mạnh tay” của Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Hai khiến nhà đầu tư giảm đặt cược vào khả năng Fed hạ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) tháng tới. Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch cho thấy thị trường hiện kỳ vọng xác suất này chỉ là 31%. Khả năng cao nhất là giảm 25 điểm cơ bản. Thậm chí, một nhóm nhỏ nhà đầu tư còn cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất.
Đôla Mỹ hôm qua cũng lên cao nhất 7 tuần so với euro và yen. Mỗi USD hiện đổi được 149 yen. Trong khi đó, mỗi euro tương đương 1,09 USD. Tính chung cả tuần, đôla Mỹ cũng ghi nhận tuần tăng mạnh nhất 15 năm so với yen.
USD tuần này mạnh lên chủ yếu do nhu cầu trú ẩn khi căng thẳng tại Trung Đông tăng nhiệt. Iran đêm 1/10 khai hỏa gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel, đánh dấu cuộc tập kích thứ hai vào lãnh thổ đối thủ lâu năm trong vòng 6 tháng qua, nhằm trả thù cho cái chết của các lãnh đạo Hamas, Hezbollah và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Cuộc tập kích diễn ra bất chấp cảnh báo từ Israel và Mỹ, gây biến động lớn cho cả thị trường vàng và dầu thô thế giới. Giá dầu tuần này ghi nhận mức tăng mạnh nhất một năm, khi cả hai loại dầu chủ chốt là Brent và WTI đều tăng hơn 8%. Giá vàng hôm 4/10 có thời điểm lên gần 2.670 USD một ounce, sau đó quay đầu giảm.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, Wall Street hôm qua cũng tăng điểm sau báo cáo việc làm tháng 9. DJIA lập đỉnh mới tại 42.352 điểm, khi chốt phiên tăng 0,8%. S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 0,9% và 1,2%.
Ngân hàng Bank of America hiện dự báo Fed giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong mỗi phiên họp từ nay đến tháng 3/2025. Tần suất sau đó sẽ là 25 điểm cơ bản mỗi quý cho đến cuối 2025.
Bộ ngành cần chủ động cùng TP HCM thực hiện cơ chế đặc thù, không để thành phố phải đeo bám xin ý kiến nghe rất xót xa, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.
“Trong báo cáo một năm thực hiện Nghị quyết 98, thành phố nhận thiếu sót là chưa quyết liệt đeo bám bộ ngành. Tôi nghe rất xót xa. Tại sao phải đeo bám trong khi rõ ràng phải phối hợp với nhau”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói tại buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban thường vụ Thành ủy TP HCM, sáng 5/10.
Nghị quyết 98 thí điểm 44 cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM, có hiệu lực ngày 1/8/2023. Sau hơn một năm, 30 cơ chế đã áp dụng, hai nội dung đang chờ Bộ, ngành bổ sung quy định, một cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế, 4 chính sách chưa đề xuất áp dụng và 7 cơ chế thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.
Mặc dù đạt được một số kết quả, song theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tiến độ xây dựng; ban hành kế hoạch triển khai một số nội dung chưa đạt như như chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Theo ông Mãi, một số nội dung phải xin ý kiến bộ ngành để thực hiện. Ví dụ lĩnh vực ưu tiên cho nhà đầu tư chiến lược phải trao đổi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành khác mới trình HĐND thành phố. TP HCM được phép chi vượt một số nội dung nhưng cũng phải xin ý kiến Bộ Tài chính…
Trước báo cáo của TP HCM, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần đổi mới cách làm. “Thành phố cần tích cực hơn trong quyền hạn của mình nhưng bộ ngành cũng phải bám thành phố để tháo gỡ”, ông Phương nói và dẫn ví dụ khi tìm hiểu cách Trung Quốc lập Khu thương mại tự do Thượng Hải. Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đặt mục tiêu cho thành phố, các bộ, ngành chủ động xuống tháo gỡ, xây dựng để địa phương làm được chứ không đợi ở dưới đề xuất lên.
Theo ông Phương tinh thần của Nghị quyết 98 là cơ chế chính sách đột phá và TP HCM làm thí điểm nhưng nhiều nội dung thành phố vẫn phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành thì “nghe sai sai”. Việc chậm thực hiện các cơ chế đặc thù có nguyên nhân khách quan là chưa có khung pháp lý và cần thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, có những vấn đề đã có các quy định chuyển tiếp.
Phó chủ tịch Quốc hội ví dụ trong điều khoản thi hành Nghị quyết 98 nêu rõ nếu cùng một vấn đề nhưng có sự khác nhau giữa Nghị quyết này và luật, quy định khác thì phải áp dụng Nghị quyết 98 thực hiện. “Cần bám chắc cái này để triển khai, lòng vòng, chờ đợi bộ ngành ý kiến thì rất khó”, ông Phương nói.
Tương tự, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cho biết đã nghe nhiều ý kiến phản ánh dù TP HCM đã có nghị quyết đặc thù, đặc biệt nhưng làm gì cũng phải xin ý kiến. “Cái này phải nghiên cứu vì đã giao quyền phải để thành phố chủ động thực hiện theo pháp luật. Mỗi việc đi xin là mỗi lần hội họp. Do đó, phải làm sao giảm hội họp, văn bản trao đổi để đẩy nhanh công việc”, ông Mẫn nói.
Theo ông Mẫn, TP HCM có vị trí, vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển của cả nước. Trong vòng hai tháng qua, lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đều đến làm việc “là chưa có tiền lệ với bất kỳ địa phương nào”. Do đó, bộ ngành, các ủy ban của Quốc hội cũng giữ tinh thần này để chủ động vào với TP HCM để gỡ vướng.
“Đừng để tình trạng quyết liệt, quyết tâm thì có nhưng không làm, tắc chỗ này chỗ kia lại đổ cho luật chưa đồng bộ. Quốc hội và cả nước rất ủng hộ TP HCM do đó cần phải tháo gỡ trên tinh thần tắc đâu tháo đó”, ông Mẫn nói.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 và đã chủ trì ba cuộc họp, có kết luận tháo gỡ các vướng mắc. Tuy nhiên, chính Thủ tướng cũng chưa bằng lòng với những kết luận của mình.
“Lỗi này không tại ai cả mà chúng ta bị vướng với chính những thứ chúng ta đề ra”, ông Nên nói, nhắc lại lời của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương rằng nếu cùng một vấn đề nhưng quy định pháp luật khác nhau thì ưu tiên thực hiện Nghị quyết 98. Tuy nhiên, thực tế thực hiện người đưa ra nghị định hướng dẫn rất lo lắng rằng hướng dẫn của mình trái luật.
“Chúng tôi không dám trách họ vì họ thực ra cũng lo cho an toàn của chính mình”, ông Nên nói, thêm rằng mặc dù có chính sách khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng đụng đến luật thì cán bộ phải cân nhắc. Do đó, khi ban hành các chính sách phải tính đến việc này.
“Cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Quốc hội cần quyết định vấn đề gì, thẩm quyền nào của Chính phủ, địa phương cần làm rõ ràng, rạch ròi đừng để thành phố làm gì cũng phải đi xin”, ông Nên nói.
Tại buổi làm việc, TP HCM nêu ba nội dung cụ thể chuẩn bị trình Quốc hội xem xét gồm các dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP HCM, Đường sắt đô thị và Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM.
Với dự án Đường sắt đô thị, tổng vốn gần 35 tỷ USD cho hơn 183 km, TP HCM kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho thành phố (khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035), còn lại sử dụng ngân sách địa phương.
Với Trung tâm tài chính quốc tế, thành phố kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công trung tâm tài chính.
Đêm nay đến sáng mai, hàng chục nghìn hộ thuộc 10 quận huyện ở thành phố bị cắt nước hoặc nước yếu vì nhà máy nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn bảo trì, sửa chữa.
Nước bị cắt trong 8 giờ, từ 21h ngày 5/10 đến 5h ngày 6/10. Trong đó, những nơi bị cắt nước toàn bộ, gồm: quận 8 (phường 7, 13, 15); Bình Chánh (thị trấn Tân Túc, xã Tân Kiên, Tân Quý Tây, Bình Chánh).
Trong thời gian bảo trì, một loạt quận huyện khác bị nước yếu, gồm: toàn bộ quận Bình Tân, huyện Hóc Môn. Quận 12 (phường Tân Thới Nhất, Tân Hưng Thuận, Đông Hưng Thuận, Trung Mỹ Tây, Tân Chánh Hiệp, Tân Thới Hiệp, Hiệp Thành, Thới An, Thạnh Xuân). Quận Gò Vấp (phường 8, 9, 11, 12, 13, 14, 15, 16).
Một số địa bàn khác cũng bị nước yếu trong thời gian sửa chữa nhà máy, gồm: quận Tân Phú (phường Tây Thạnh, Sơn Kỳ, Tân Sơn Nhì, Tân Quý, Tân Thành, Phú Thọ Hòa, Phú Thạnh, Hòa Thạnh, Hiệp Tân, Tân Thới Hòa). Quận Tân Bình (phường 10, 12, 13, 14, 15). Quận 6 (phường 6, 9, 10, 11, 12, 13, 14). Quận 8 (phường 6, 8, 9, 14, 16).
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết khi hệ thống cấp nước hoạt động lại, một số nơi xa nguồn có thể phục hồi chậm hơn dự kiến. Đơn vị sẽ điều tiết mạng lưới cấp nước và tăng cường tiếp nước bằng xe bồn đến các nơi quan trọng bị ảnh hưởng.
Thế giới đối mặt siêu chu kỳ tăng giá nhà nhiều thập kỷ tới do nhân khẩu học, sức hút đô thị và áp lực hạ tầng, theo The Economist.
Trước năm 1950, giá nhà ở các nước phát triển hầu như ổn định theo giá trị thực. Điều này là nhờ việc xây dựng được triển khai dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, các thay đổi về chính sách, quy định và quá trình đô thị hóa sau Thế chiến II đã tạo ra siêu chu kỳ cho thị trường nhà ở toàn cầu.
Các chính phủ bắt đầu trợ cấp cho vay thế chấp và bùng nổ dân số dẫn đến nhu cầu tăng. Trong khi đó, nguồn cung thu hẹp. Nửa sau thế kỷ 20 chứng kiến hàng loạt quy định nghiêm ngặt về sử dụng đất, khiến việc xây dựng nhà ở đô thị khó khăn hơn. Những thành phố từng xây nhà nhanh chóng như London và New York dần chậm lại. Việc xây dựng nhà mới, tính theo tỷ lệ dân số, đạt đỉnh vào những năm 1960 và giảm còn một nửa như hiện tại. Kết quả là giá nhà tăng không ngừng.
Hai thập kỷ gần đây, giá nhà có thời điểm giảm nhưng nhìn chung vẫn đi lên. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, giá nhà toàn cầu giảm 6% tính theo giá trị thực. Nhưng không lâu sau đó, nó lại phục hồi và phá đỉnh trước khủng hoảng.
Khi Covid-19 xuất hiện, các nhà kinh tế dự đoán một cuộc khủng hoảng bất động sản, song thực tế lại là cơn sốt mua nhà. Kể từ năm 2021, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, xuất hiện lo ngại về cuộc khủng hoảng giá nhà mới. Giá nhà thực tế có giảm 5,6% nhưng giờ tăng nhanh lại.
“Dường như thị trường bất động sản có khả năng giữ vững xu hướng tăng giá, bất kể điều kiện thị trường như thế nào. Nhiều khả năng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ hơn trong những năm tới”, The Economist bình luận.
Vài năm qua, thị trường bất động sản ít bị tác động hơn so với các lo ngại. Dù các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, nhiều chủ sở hữu không bị ảnh hưởng do đã vay với lãi suất cố định từ trước, đặc biệt là ở Mỹ. Người mua mới phải chịu lãi vay cao hơn nhưng tốc độ tăng lương nhanh đã giúp giảm nhẹ tác động. Ở các quốc gia G10, tiền lương đã tăng 20% so với năm 2019.
Trong ngắn hạn, giá nhà có khả năng tiếp tục tăng. Ở Mỹ, lãi suất cho vay mua nhà cố định 30 năm đã giảm gần 1,5 điểm phần trăm so với đỉnh gần đây. Ở châu Âu, người vay sẽ sớm có thể tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất.
Không chỉ vậy, siêu chu kỳ tăng giá nhà sẽ còn kéo dài nhiều thập kỷ tới vì 3 yếu tố chính. Đầu tiên là nhân khẩu học. Dân số nhập cư tại các nước phát triển đang tăng với tốc độ 4% mỗi năm, nhanh nhất từ trước đến nay. Những người nhập cư cần có nơi để ở, làm tăng cả giá thuê và mua nhà.
Báo cáo gần đây tại Tây Ban Nha của Rosa Sanchis-Guarner từ Đại học Barcelona cho biết tỷ lệ nhập cư cứ tăng 1% thì sẽ làm tăng giá nhà trung bình thêm 3,3%. Các chính trị gia từ Canada đến Đức đang cố gắng siết quy định nhập cư. Dù vậy, các nước giàu vẫn có khả năng tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn để hỗ trợ cho dân số già hóa.
Yếu tố thứ hai là sức hút các thành phố lớn. Khi Covid-19 bùng phát, nhiều người nghĩ rằng đô thị sẽ mất đi sức hút. Xu hướng làm việc từ xa đồng nghĩa với việc mọi người có thể sống ở bất cứ đâu và mua nhà ngoại ô để rộng rãi và rẻ hơn.
Nhưng điều đó không diễn ra. Mọi người làm việc từ xa nhiều hơn nhưng các thành phố lớn vẫn giữ được sức hút. Ở Mỹ, 37% doanh nghiệp vẫn đặt tại các đô thị lớn, bằng với tỷ lệ năm 2019. Theo The Economist, tỷ lệ việc làm tại các thành phố thủ đô trên thế giới đã tăng trong những năm gần đây.
Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, số lượng việc làm được tạo ra ở các thủ đô nhiều hơn các nơi khác. Các thành phố này cũng thu hút nhiều hoạt động giải trí. Quán bar và quán rượu tại London đã tăng nhẹ so với trước đại dịch. Tất cả làm gia tăng sự cạnh tranh về không gian sống tại các trung tâm đô thị.
“Việc xây dựng nhà mới không theo kịp nhu cầu ở hầu hết quốc gia”, bà Juliana Ayoub, chuyên gia của Fitch Ratings bình luận trong báo cáo “Global Housing and Mortgage Outlook 2024” của hãng tư vấn này.
Sự thắng thế của các đô thị lớn làm trầm trọng thêm tác động của yếu tố thứ ba: cơ sở hạ tầng. Ở nhiều thành phố, việc đi lại trở nên khó khăn hơn, hạn chế khoảng cách mà mọi người có thể sống so với nơi làm việc. Tại Anh, tốc độ di chuyển trung bình đã giảm 5% trong thập kỷ qua. Ở nhiều thành phố của Mỹ, tắc nghẽn giao thông gần đạt mức cao nhất mọi thời đại, theo Viện Giao thông Texas A&M.
Một số nhà kinh tế hy vọng về xu hướng YIMBY (Yes In My Backyard – ủng hộ xây dựng nhà mới gần nơi ở). Một số nơi áp dụng YIMBY bằng cách thay đổi các quy định sử dụng đất để khuyến khích xây dựng. Vào đầu 2022, lượng giấy phép xây nhà mới ở New Zealand đạt kỷ lục, giúp hạ nhiệt giá bất động sản.
Tuy nhiên, ngoài New Zealand, ảnh hưởng của YIMBY vẫn rất nhỏ. Một nghiên cứu ở Mỹ của nhóm chuyên gia Knut Are Aastveit, Bruno Albuquerque và André Anundsen cho thấy mức độ “co giãn nguồn cung” – mức độ phản ứng của việc xây dựng đối với nhu cầu cao hơn – đã giảm kể từ những năm 2000.
Nhìn chung, không có bằng chứng cho thấy gia tăng nguồn cung đáng kể sau đại dịch. Vấn đề cung vẫn trầm trọng nhất ở các thành phố có quy định nghiêm ngặt nhất. Tại San Jose – nơi có giá nhà cao nhất ở Mỹ, chỉ có 7.000 ngôi nhà được phê duyệt xây dựng vào năm ngoái, giảm mạnh so với thập kỷ trước.
Những năm tới, thị trường nhà ở có thể đối mặt đủ loại biến động, từ biến động tăng trưởng kinh tế và lãi suất cho đến các cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng với tác động dài hạn của nhân khẩu học, kinh tế đô thị và cơ sở hạ tầng cùng hội tụ, The Economist cho rằng một dự báo được đưa ra vào năm 2017 bởi các nhà nghiên cứu Miles và Sefton cho thể đáng cân nhắc.
Nội dung chính là “ở nhiều quốc gia, giá nhà có thể tiếp tục tăng nhanh hơn thu nhập”. Vì vậy, bất động sản – loại tài sản lớn nhất thế giới sẽ ngày càng phình to.
Sau nhiều lần trì hoãn, dự kiến trong tháng 10 này, đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu sẽ đến VN để đánh giá tiến bộ trong quản lý đánh bắt, khai thác hải sản và xem xét gỡ thẻ vàng IUU. Liệu ngành thủy sản có vượt qua được đợt kiểm tra cực kỳ quan trọng này?
Vẫn còn tàu mất tín hiệu kết nối
Theo lịch trình đã được thông báo, đoàn thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đến VN trong tháng 10 để kiểm tra việc chống khai thác IUU. Đây được xem là cơ hội cuối cùng bởi chính sách của EU nhiều khả năng sẽ thay đổi trong thời gian tới và đợt xem xét tiếp theo phải mất ít nhất 3 năm nữa. Trải qua 4 đợt thanh tra vào các năm 2018, 2019, 2022 và 2023, EC đánh giá kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU của VN có nhiều tiến bộ so với trước, nhất là việc cơ quan thẩm quyền đã hoàn thiện khung pháp lý và một số cải thiện trong quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, xử phạt các hành vi khai thác IUU. Tuy nhiên, EC khuyến cáo cần ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, quyết liệt hơn nữa trong xử phạt các hành vi khai thác IUU; đặc biệt là hành vi ngắt kết nối VMS (hệ thống quản lý, giám sát hành trình, hoạt động của tàu cá trên các vùng biển), khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Ngày 4.10, báo cáo của Cục Thủy sản cho thấy vẫn còn khoảng 200 tàu cá bị mất tín hiệu trên biển. Nguyên nhân có thể do ngư dân chủ động ngắt kết nối, nhưng nhiều báo cáo cũng cho rằng có nhiều trường hợp mất kết nối do chất lượng thiết bị VMS kém, dịch vụ bảo hành, sửa chữa không đảm bảo, thiết bị hư hỏng không biết liên hệ đơn vị nào để khắc phục…
Theo ghi nhận, các tỉnh, thành ven biển đang nỗ lực tăng cường quản lý để kịp thời khắc phục những hạn chế trước khi đón đoàn thanh tra EC. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung khắc phục tồn tại, thực hiện các giải pháp cấp bách. Theo đó, trong 2 tháng cao điểm (tháng 9 và 10.2024), tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực thi chống khai thác IUU tại các cảng cá, văn phòng đại diện, và các doanh nghiệp thủy sản, các cuộc tuần tra, kiểm soát trên biển cũng được tăng cường để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng yêu cầu giám sát hành trình của tàu cá 24/24 để kịp thời xử lý trường hợp mất kết nối hoặc vượt ranh giới khai thác. Đối với các tàu cá mất kết nối, tỉnh đã chỉ đạo xử phạt nghiêm, kể cả các trường hợp mất kết nối trên 6 giờ. Dự kiến trước ngày 10.10, tỉnh sẽ hoàn thành xác minh và xử lý các tàu mất kết nối và những trường hợp mất kết nối do nguyên nhân bất khả kháng như mất sóng vệ tinh, lỗi nguồn điện sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên, những trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ bị xử lý nghiêm.
Tương tự, trong tháng 9, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch thực hiện cao điểm chống khai thác IUU gồm các hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho các lực lượng tham gia đợt cao điểm kiểm tra chống khai thác IUU, thực hiện công tác số hóa IUU 100% đối với các tàu cá hết hạn giấy phép khai thác, hết hạn đăng kiểm, tàu cá mất kết nối, tàu cá sang bán nhưng chưa sang tên, tàu cá vượt ranh giới,… lập hồ sơ, có biện pháp theo dõi, quản lý đối với từng đối tượng cụ thể để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Tại tỉnh Tiền Giang, hiện có 938/938 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đưa vào hoạt động, đạt 100%. Tỷ lệ đăng ký và cập nhật dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase cũng đạt 100% và số liệu tàu cá của Tiền Giang trùng khớp với số liệu báo cáo của Cục Thủy sản qua phần mềm VN-Fishbase. Tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo Chi cục Thủy sản rà soát toàn bộ các trường hợp vi phạm quy định về VMS từ tháng 10.2023 đến nay để xác minh, làm rõ, tiếp tục xử lý theo quy định. Tất cả các trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối, vượt ranh giới trên biển phải được thông tin hoặc thông báo ngay theo quy trình; cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin phải tổ chức xác minh kịp thời; tiếp cận tàu cá vi phạm ngay khi về bờ, lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định; có hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu tàu cá vi phạm quy định VMS cập bến tại địa bàn quản lý nhưng không kiểm tra, xác minh, xử lý.
Nỗ lực đến phút cuối
Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận xét: “So với 4 lần đánh giá trước, đến nay, VN đã đạt kết quả tương đối tích cực. Về khung pháp lý, VN đã có luật Thủy sản năm 2017, các nghị định, thông tư đã được ban hành đầy đủ. Đặc biệt, gần đây, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã sửa đổi, bổ sung 2 nghị định và các thông tư để quản lý đội tàu một cách toàn diện và triệt để. Bên cạnh đó, hồ sơ xuất khẩu hải sản sang EU đã cơ bản đáp ứng yêu cầu với sản phẩm khai thác trong nước và nhập khẩu. Việc truy xuất điện tử đã được thực hiện tại hơn 70 cảng cá. Việc xử lý các vi phạm pháp luật được các ngành chức năng, địa phương thực hiện nghiêm minh hơn, hiện đã xét xử và truy tố 11 vụ hình sự tạo nên sự nghiêm minh và răn đe với các đối tượng cố tình vi phạm, đưa người đi khai thác ở vùng biển nước ngoài”. Theo Bộ NN-PTNT, qua 4 lần kiểm tra, EC đều khẳng định ở cấp T.Ư, các văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng đủ điều kiện để gỡ “thẻ vàng”. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức thực hiện, sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy, người đứng đầu địa phương chưa quyết liệt.
Trong đợt kiểm tra thực tế tại tỉnh Thừa Thiên-Huế mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Việc chống khai thác IUU không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, mà còn là yêu cầu cấp bách để bảo vệ nguồn lợi hải sản, duy trì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản và bảo vệ uy tín của VN trên trường quốc tế. Các địa phương cần tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá, đặc biệt là các tàu có chiều dài trên 15 m. Các tàu phải tuân thủ nghiêm ngặt việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo không có tình trạng vượt ranh giới khai thác cho phép”.
VN hiện nay đã hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm VN bán cho gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ thì phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của thị trường đặt ra. Không chỉ với thị trường EU mà Nhật Bản, Mỹ cũng đã đặt ra vấn đề này.Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến
Sacombank giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng Cá nhân và Doanh nghiệp bị thiệt hại do bão lũ vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những ngày qua, mưa bão, lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến sinh kế và hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng ngàn người dân, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành miền Bắc. Và hiện tình hình thời tiết vẫn đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên.
Theo đó, nhằm đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh, từ nay đến cuối năm 2024, Sacombank giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu hoặc dư nợ mới. Đồng thời, Ngân hàng giảm thêm 50% phí dịch vụ và miễn phí tất toán trước hạn.
“Ngân hàng đã nhanh chóng triển khai thông tin đến các Chi nhánh/Phòng giao dịch miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên chủ động rà soát, đánh giá, báo cáo mức độ thiệt hại và đề xuất các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn” – đại diện Sacombank cho biết.
Trước đó, với tinh thần tương thân tương ái, Sacombank đã ủng hộ nhiều phần quà trị giá 500 triệu đồng đến bà con 2 tỉnh Lào Cai và Thái Nguyên. Đồng thời, ủng hộ 500 triệu đồng thông qua chương trình hỗ trợ người dân tái thiết cuộc sống sau bão lũ do báo Tuổi trẻ triển khai.
Ngoài ra, Công đoàn Cơ sở Sacombank đã phát động tất cả cán bộ nhân viên toàn Ngân hàng tham gia ủng hộ trên tinh thần tự nguyện nhằm chia sẻ, đồng hành cùng người dân ở vùng bão lũ. Số tiền tiếp nhận sẽ được Công đoàn cơ sở Sacombank chuyển đến Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
Sacombank dành 15.000 tỉ đồng cho cá nhân, doanh nghiệp vay đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu kinh tế vào quý cuối năm 2024.
Sacombank dành 15.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất từ 4,5%/năm đối với doanh nghiệp và 5,5%/năm đối với cá nhân khi vay sản xuất kinh doanh. Mức lãi suất này áp dụng cho kỳ hạn vay tối đa 3 tháng. Đồng thời, ngân hàng còn đơn giản hóa các thủ tục hồ sơ, tinh gọn quy trình và giảm thời gian phê duyệt khoản vay, tạo điều kiện tối đa để khách hàng sớm được giải ngân.
Quý 4 là thời điểm nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng cao, phục vụ cho mùa lễ tết sắp đến. Sacombank triển khai gói tín dụng này nhằm đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn nền kinh tế.
Sacombank đưa ra gói tín dụng lãi suất từ 4,5%/năm
Trước đó, nhằm đồng hành cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Sacombank đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi như giảm lãi suất lên đến 2%/năm đối với các khoản vay hiện hữu; ra mắt gói vay quy mô 10.000 tỉ đồng, lãi suất tối thiểu từ 4% – 5% đối với các khoản vay mới; giảm phí dịch vụ lên đến 50% và miễn phí tất toán trước hạn đối với tất cả khoản vay.
Ngoài ra, từ nay đến ngày 31.12.2024, khách hàng vay mua xe ô tô hoặc chi tiêu qua thẻ tín dụng Sacombank sẽ được hưởng nhiều khuyến mãi hấp dẫn. Điển hình, khách hàng vay mua xe Vinfast được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm, thế chấp bằng chính xe mua với mức vay lên đến 70% giá trị xe; khách hàng mở mới và trải nghiệm chi tiêu trên thẻ Sacombank Visa và JCB sẽ được hoàn tiền đến 600.000 đồng; khách hàng đăng ký mới dịch vụ ủy thác thanh toán và phát sinh giao dịch ủy thác thanh toán qua thẻ tín dụng Sacombank sẽ được hoàn ngay 50.000 đồng…