Tháng Sáu 18, 2025

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất chuyển một số trụ sở dôi dư sau sắp xếp hành chính thành các thư viện mini kết hợp không gian phục vụ cộng đồng với trạm sạc, khu giải khát và nơi gửi xe thông minh.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng 18/6, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Giám đốc Khu du lịch Cửa Biển) cho rằng sau quá trình bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã, cả nước sẽ có nhiều trụ sở hành chính dôi dư. Ông đồng tình với quan điểm của Chính phủ trong việc tái sử dụng các cơ sở công cho các mục đích phục vụ cộng đồng như giáo dục, y tế, công viên, thiết chế văn hóa – thể thao và đặc biệt là thư viện.

Theo ông Cảnh, nhu cầu đọc sách của người dân vẫn hiện hữu, song nhiều người không có quỹ thời gian cố định cho việc này. Vì vậy, ông đề xuất chuyển một số trụ sở cũ thành thư viện mini, kết hợp không gian nghỉ ngơi, giải khát và trạm sạc phương tiện xanh, để người dân có thể tranh thủ đọc sách trong lúc chờ xe sạc điện.

Mang theo bảng minh họa cho mô hình thư viện mini tích hợp trong không gian đô thị, ông Cảnh cho rằng đây là thời điểm phù hợp để dành một phần trụ sở dôi dư xây dựng các không gian cộng đồng kiểu mới, tích hợp đa chức năng, vừa thân thiện với người dân, vừa hỗ trợ phát triển đô thị thông minh.

Đại biểu Cảnh cho rằng mô hình này có thể triển khai tại các trung tâm xã mới sau sáp nhập, vừa tiết kiệm đất công, vừa tạo không gian học tập, thư giãn, tiếp cận tri thức cho người dân. Mô hình có thể xã hội hóa theo hướng Nhà nước cho thuê đất với ưu đãi để phát triển các thư viện cộng đồng gắn với tiện ích đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất công, ưu tiên cho các hoạt động thiết yếu thay vì cho thuê làm dịch vụ đơn thuần.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Giám đốc Khu du lịch Cửa Biển). Ảnh: Giang Huy

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) cho biết, đến hết tháng 12/2024, cả nước vẫn còn 62.700 cơ sở chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định. Ông đánh giá kết quả sắp xếp, xử lý nhà đất, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn rất hạn chế.

Trong thời gian tới, khi triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện, ông lo ngại số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư sẽ còn tăng mạnh, gây thêm áp lực lên hệ thống quản lý.

Đại biểu Luận đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, phân loại, sắp xếp lại các cơ sở dôi dư; đồng thời, đơn giản hóa thủ tục, sửa đổi văn bản hướng dẫn và phân cấp mạnh hơn cho địa phương để xử lý hiệu quả.

Các tài sản thuộc bộ, ngành trung ương, tập đoàn, tổng công ty không còn nhu cầu sử dụng hoặc hiệu quả thấp, ông kiến nghị bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng nhằm tận dụng tối đa nguồn lực công, tránh thất thoát, lãng phí.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cũng bày tỏ lo ngại khi nhiều trụ sở dôi dư bị bỏ hoang, không bảo quản, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng. “Những hình ảnh này gây bất bình trong xã hội, nhất là với những trụ sở bỏ không nằm ngay trung tâm các thành phố lớn”, bà nói.

Bà Ngọc nhấn mạnh từ 1/7/2025, chính quyền địa phương hai cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động, đặt ra yêu cầu cao hơn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó việc quản lý tài sản công phải được thực hiện toàn diện, cụ thể.

Vì vậy, bà đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tiến hành tổng rà soát, số hóa toàn bộ tài sản công từ trung ương đến địa phương, đồng thời hoàn thiện thể chế pháp lý để hướng dẫn việc phân loại, chuyển đổi, đấu giá và xử lý tài sản dôi dư hiệu quả, minh bạch.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/7 tới, cả nước còn lại 34 tỉnh, thành phố (gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương và 28 tỉnh) sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bộ máy chính quyền cấp tỉnh và cấp xã theo mô hình mới cũng sẽ chính thức vận hành từ thời điểm này.

Trước đó ngày 15/6, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định rõ nhu cầu sử dụng trụ sở làm việc phù hợp với mô hình mới; đồng thời hoàn tất rà soát, xử lý dứt điểm các trụ sở, nhà đất dôi dư trước ngày 20/6. Trường hợp không có phương án xử lý cụ thể sẽ bị xem xét truy trách nhiệm.

Với những trường hợp đã có thỏa thuận hoán đổi hoặc điều chuyển trụ sở làm việc để phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp, Bộ Tài chính cho biết có thể tạm bàn giao để sử dụng ngay, đồng thời hoàn tất thủ tục điều chuyển trong vòng 30 ngày kể từ ngày bàn giao. Các loại tài sản khác như ô tô, trang thiết bị… nếu không còn sử dụng cũng cần được báo cáo cụ thể với cơ quan quản lý.


Tháng Sáu 16, 2025

Sáng 16/6, các đại biểu sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 và Luật Nhà giáo.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình việc sửa đổi Hiến pháp, một số đại biểu đề nghị quy định cụ thể các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là xã, phường, đặc khu ngay trong Hiến pháp.

Ủy ban dự thảo sửa đổi cho rằng việc quy định quá cụ thể các loại đơn vị hành chính trong Hiến pháp có thể dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung quy định này tương đối thường xuyên bởi loại hình tổ chức đơn vị hành chính cụ thể dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn có sự phát triển.

Do đó, Hiến pháp chỉ cần khẳng định rõ việc tổ chức đơn vị hành chính theo mô hình địa phương hai cấp còn tên từng loại đơn vị hành chính sẽ do luật định để đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ. Đây cũng là bài học thực tiễn được rút ra trong các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trước đây.

Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở hiến định để Quốc hội quy định đặc điểm của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, bảo đảm tính minh bạch, tránh tùy nghi trong việc thiết kế cấp chính quyền tại các địa phương.3

Các đại biểu tại hội trường Diên Hồng ngày 11/6. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Ủy ban thấy rằng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có thể không đồng nhất với một loại đơn vị hành chính lãnh thổ thông thường (tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu). Giữa các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng có sự khác nhau về quy mô, tính chất, cấp quản lý, chế độ, chính sách được áp dụng để phù hợp với các đặc điểm, mục tiêu và ưu tiên, định hướng.

Kinh nghiệm quốc tế và khu vực cũng cho thấy có nhiều mô hình các khu, trung tâm, khu vực được các quốc gia thành lập để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hoặc mục tiêu đặc biệt khác. Do đó, Hiến pháp không nên quy định nội dung này theo hướng đóng khung vào những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể khi chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và khi hội tụ đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định cụ thể về nội dung này khi quyết định thành lập từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời hạn áp dụng và trình tự kiện toàn bộ máy sau khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để bảo đảm chặt chẽ; nên giao thẩm quyền chỉ định Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND cấp xã cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Ủy ban cho rằng do tính chất hết sức đặc biệt của việc sắp xếp đơn vị hành chính trong lần này nên cần có các cơ chế đặc biệt để phục vụ việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ở các đơn vị hành chính mới. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành 34 nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của 34 tỉnh, thành phố.

Do đó, cơ chế chỉ định này chỉ áp dụng để thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan của chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp theo nghị quyết nói trên trong năm 2025. Sau đó, cả nước sẽ quay lại thực hiện theo đúng các điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan và cấp có thẩm quyền đang tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát để bảo đảm công tác chuẩn bị và kiện toàn tổ chức bộ máy ở các đơn vị hành chính được chặt chẽ, khách quan, công tâm, đúng quy định. Cán bộ được lựa chọn, xem xét để chỉ định phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của công tác cán bộ.

Đối với Luật Nhà giáo, một trong điểm quan trọng là quy định cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm nhà giáo dạy thêm trái quy định pháp luật, cấm dạy thêm học sinh mà nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật không cấm dạy thêm, chỉ quy định nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức nhằm khắc phục tình trạng dạy thêm tràn lan. Yêu cầu nhà giáo không được dạy thêm cho học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy hiện đã quy định trong Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng nhà giáo; việc giao thẩm quyền tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông cho cơ quan quản lý giáo dục.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập là viên chức nên việc tuyển dụng phải tuân thủ quy định pháp luật về viên chức. Dự thảo Luật chỉ quy định một số yêu cầu mang tính đặc thù trong tuyển dụng nhà giáo như nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp, phương thức tuyển dụng phải có thực hành sư phạm…

Về thẩm quyền tuyển dụng, dự luật giao ngành giáo dục quyền chủ động trong tuyển dụng nhà giáo. Đối với thẩm quyền tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định chi tiết.

Sáng 16/6, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua các Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nhà giáo; Việc làm (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Sau đó, các đại biểu nghe tờ trình, thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), thảo luận về dự thảo Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP HCM.


Tháng Sáu 11, 2025

Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm toàn bộ vốn của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc nếu lỗ lũy kế lớn hơn 100% vốn điều lệ và quỹ dự trữ.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 07, sửa đổi bổ sung Thông tư 39 quy định về kiểm soát đặc biệt với tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 6/6.

Thông tư mới bổ sung quy định và hướng dẫn quy trình để giảm vốn điều lệ của ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt sau khi được phê duyệt chuyển giao bắt buộc.

Cụ thể, trong vòng 10 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, ngân hàng được kiểm soát đặc biệt phải hoàn thành việc xác định và gửi Ban kiểm soát đặc biệt kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất. Kỳ kế toán tính từ thời điểm có báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất đến tháng liền trước ngày phê duyệt phương án chuyển giao.

Trong vòng 20 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án chuyển giao, Ban kiểm soát đặc biệt phải xác định và báo cáo Ngân hàng Nhà nước kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của ngân hàng được chuyển giao, kể cả trong trường hợp nhà băng được kiểm soát đặc biệt không hoàn thành việc báo cáo.

Nếu ngân hàng được kiểm soát đặc biệt có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, Ban kiểm soát đặc biệt báo cáo đề nghị Ngân hàng Nhà nước ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ.

Căn cứ báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và báo cáo, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế. Mức vốn này thay thế mức vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp.

Hơn nửa năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước hoàn tất chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, gồm OceanBank về MB và được đổi tên thành MBV; CBBank về Vietcombank đổi tên thành VCBNeo; GPBank về VPBank và DongA Bank về HDBank.

Hiện, chưa có thông tin về kết quả kinh doanh mới nhất của các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt đã được chuyển giao. Theo thông tin trước đó của Ngân hàng Nhà nước, OceanBank lỗ lũy kế hơn 17.900 tỷ đồng vào cuối 2019 (cao hơn nhiều so với vốn điều lệ 4.000 tỷ), tuy nhiên số lỗ này cũng đã được giảm dần. Còn CBBank có lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng đến cuối 2019 trong khi vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.


Tháng Sáu 11, 2025

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, định hướng phát triển một trung tâm tài chính quốc tế, đặt tại TP HCM và Đà Nẵng là quyết định táo bạo, nhưng thực hiện được.

Quan điểm này được Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu khi phát biểu ở tổ dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam.

Theo dự thảo nghị quyết, Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam sẽ hình thành theo mô hình “một trung tâm, hai điểm đến”, tức là có một trung tâm nhưng đặt tại TP HCM và Đà Nẵng.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết, ban đầu Chính phủ tính xây dựng hai trung tâm tài chính quốc tế và khu vực đặt tại TP HCM, Đà Nẵng nhưng có lo ngại như vậy dễ dẫn tới sự cạnh tranh, giành giật nhà đầu tư. Do đó, cấp có thẩm quyền định hướng chỉ phát triển “một trung tâm, hai điểm đến”. Tức là, Việt Nam xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế nhưng đặt tại hai thành phố, TP HCM và Đà Nẵng, với định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ khác nhau.

“Phát triển một trung tâm tài chính quốc tế tại hai thành phố không xung đột, không làm suy yếu lẫn nhau, bởi có chung ban chỉ đạo, cơ quan điều hành. Các chuyên gia đánh giá đây là quyết định táo bạo, nhưng thực hiện được”, Phó thủ tướng nói.

Ông thêm rằng Việt Nam đã hội đủ điều kiện phát triển trung tâm tài chính quốc tế, và “nếu không làm lúc này sẽ không có nguồn lực, khó cạnh tranh được với các trung tâm tài chính ở Thượng Hải, Singapore, Dubai…”

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu ở thảo luận tổ, sáng 11/6. Ảnh: Phạm Thắng

Cụ thể, TP HCM được định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ toàn diện. Thị trường vốn gắn với dịch vụ quản lý tài sản, quản lý quỹ, bảo hiểm, các sản phẩm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, sản phẩm phái sinh tài chính…; phát triển hệ thống ngân hàng, sản phẩm thị trường tiền tệ.

Các cơ chế thử nghiệm (sandbox) về fintech, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, cũng như thành lập các sàn giao dịch chuyên biệt, nền tảng giao dịch mới cũng được hình thành tại đây. Thành phố cũng phát triển thị trường, sàn giao dịch hàng hóa, hàng hóa phái sinh, kết nối với các thị trường hàng hóa vật chất ở trong nước và quốc tế…

Với Đà Nẵng, trung tâm tài chính quốc tế tại đây sẽ phát triển tài chính xanh, tài chính thương mại phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup, các tổ chức và cá nhân không cư trú (dịch vụ tài chính offshore), thương mại xuyên biên giới gắn với Khu thương mại tự do, các khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu công nghiệp… Đà Nẵng cũng thử nghiệm có kiểm soát tài sản số, tiền số, thanh toán và thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ…

Trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng để hình thành trung tâm tài chính quốc tế, cần môi trường kinh doanh cạnh tranh, hệ thống pháp lý hoàn thiện, nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng đồng bộ và hệ sinh thái tài chính phát triển, có tính cạnh tranh.

Ông cho biết, các sản phẩm được cung cấp trong trung tâm tài chính quốc tế gồm thành lập sàn, nền tảng giao dịch hàng hóa và phái sinh hàng hóa; giao dịch tín chỉ carbon, kim loại quý hiếm, chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, sáng 11/6. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu TP HCM, góp ý quy định về thành lập các sàn, nền tảng giao dịch đang “thoáng tới mức lo ngại”. Theo ông, các thành viên tham gia trung tâm tài chính có thể là nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Họ có quyền đăng ký mở các sàn giao dịch, nhưng “mở hết cỡ” mà chưa rõ cơ chế quản lý thế nào sẽ dẫn tới rủi ro.

“Nếu trong trung tâm tài chính quốc tế mà mở ra tới 2-3 sàn giao dịch vàng, Bitcoin…, chúng ta quản lý làm sao, giao dịch thế nào? Để thành viên được tự lập sàn giao dịch thì không ổn, mở như vậy rất nguy hiểm”, ông Ngân đặt vấn đề.

Ông kiến nghị giao ban điều hành trung tâm tài chính quyết định việc lập sàn giao dịch, các thành viên tham gia với vai trò môi giới hoặc người tạo lập thị trường, tương tự cơ chế của các nước.

Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cũng đề nghị đánh giá rõ, với các nhóm chính sách như tại dự thảo đã đủ tiền đề để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hình thành và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế hay chưa.

“Các quy định đã đủ sức nặng, hấp dẫn, bảo đảm tính cạnh tranh hay chưa? Cần làm rõ đâu là những chính sách được coi là vượt trội, khác biệt riêng có của Việt Nam”, ông Mãi nêu.

Cũng theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất 12 chính sách đặc thù phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam. Các nhóm chính sách này tập trung vào ngoại hối, hoạt động ngân hàng, ưu đãi thuế, tài chính, đất đai, nhân lực, thị thực…, cũng như phát triển các loại thị trường, sàn giao dịch hàng hóa. Chẳng hạn, các doanh nghiệp tham gia trung tâm tài chính quốc tế được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, với thuế suất 10% trong 30 năm và miễn 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Dự án đầu tư ưu tiên phát triển được giao, cho thuê đất tối đa 70 năm; lĩnh vực khác thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm. Người nước ngoài làm việc, đầu tư được phép mua, nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án bất động sản thuộc trung tâm tài chính quốc tế…

Ngoài ra, cơ chế giải quyết tranh chấp trong đầu tư kinh doanh cũng là vấn đề mấu chốt khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Theo đó, các bên được sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp theo luật nước ngoài nhưng không được trái nguyên tắc của pháp luật Việt Nam. Riêng hoạt động đầu tư kinh doanh phái sinh, việc giải quyết sẽ theo cơ chế đặc thù, nhằm xử lý nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo công lý, thân thiện với các nhà đầu tư tham gia.

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho rằng khó khả thi nếu áp dụng luật nước ngoài khi xảy ra xung đột, tranh chấp. Theo ông, trường hợp luật Việt Nam không quy định, các tranh chấp được áp dụng theo luật nước ngoài, không vi phạm Hiến pháp sẽ có tính khả thi cao hơn. “Dự thảo nghị quyết quy định xử lý tranh chấp theo nguyên tắc cơ bản pháp luật Việt Nam là chưa rõ ràng, có thể gây lo ngại cho các nhà đầu tư”, ông Huân nêu.

Cùng quan điểm, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP HCM) cho rằng cần thành lập trọng tài trung tâm tài chính quốc tế để xử lý tranh chấp phát sinh, bởi “nếu hệ thống xử lý tranh chấp bất cập, nhà đầu tư sẽ chọn trọng tài nước ngoài thay vì trọng tài Việt Nam”.

Muốn vậy, ông Nghĩa nói cần sửa một số luật, như Luật Trọng tài thương mại, để đảm bảo tương thích trong hệ thống giải quyết tranh chấp giữa trọng tài, tòa án. Về lâu dài, Việt Nam sẽ hình thành tòa án chuyên biệt để xử lý tranh chấp tại trung tâm tài chính.

Việt Nam đặt mục tiêu thành lập trung tâm tài chính quốc tế trong 2025, đặt tại TP HCM và Đà Nẵng. Đến 2035, trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam thuộc nhóm 75 trung tâm hàng đầu thế giới và top 20 đến 2045.


Tháng Sáu 11, 2025

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc sắp xếp tỉnh thành không chỉ dựa yếu tố liền kề, mà tính đến hình thái lãnh thổ và lợi thế biển để thúc đẩy phát triển vùng, tạo động lực kinh tế.

Thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 ngày 11/6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết cuộc tái cấu trúc bộ máy nhà nước và đơn vị hành chính lần này mang tính toàn diện, đồng bộ, triệt để và đột phá. Chính phủ không chỉ tái cấu trúc không gian tổ chức lãnh thổ mà còn cả thể chế, văn hóa, kinh tế nhằm phát triển bền vững.

Bà cho biết việc sắp xếp được cân nhắc kỹ lưỡng, đa chiều từ diện tích tự nhiên, quy mô dân số đến yếu tố lịch sử, văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng, tầm nhìn phát triển và tâm lý xã hội. “Việc sáp nhập không đơn thuần theo yếu tố liền kề mà dựa vào hình thái lãnh thổ, đặc biệt là hướng ra biển lớn để hình thành các trung tâm kinh tế lớn”, bà nói.

Mục tiêu của sắp xếp là khai thác tối đa lợi thế kinh tế biển, tăng cường liên kết vùng, nhất là giữa duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời hình thành các cực tăng trưởng mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, Bộ Chính trị đã xem xét kỹ lưỡng và quyết định sắp xếp 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh, hợp nhất thành 23 đơn vị hành chính mới; giữ nguyên 11 đơn vị đủ điều kiện. Sau sắp xếp, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố.

Việc bỏ cấp huyện và tái cấu trúc hệ thống hành chính đang bước vào giai đoạn “nước rút”, triển khai với tinh thần thần tốc nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, bài bản, khoa học. “Điểm đáng quý nhất là sự đồng thuận rất cao từ hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hoàng Phong

Bà cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, từ 1/7, cả hệ thống chính trị quyết tâm vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trung ương đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện, các địa phương cũng nỗ lực thực hiện. Sau khi làm việc với các địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu thống nhất quyết tâm vận hành mô hình mới từ thời điểm này, công bố các nghị quyết, quyết định của cấp có thẩm quyền để thực hiện.

Với thời gian còn lại rất ngắn, Bộ trưởng kỳ vọng sự đồng thuận cao của Quốc hội sẽ giúp triển khai đồng bộ mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ 1/7.

Đề nghị giữ lại tối đa địa danh nổi tiếng khi sắp xếp bộ máy

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất bảo tồn tối đa địa danh có ý nghĩa lịch sử khi sắp xếp bộ máy, như Lam Sơn, Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Ba Đình, Trường Sa, Hoàng Sa.

Ông Nghĩa cho rằng các địa danh nổi tiếng là hồn cốt của dân tộc, gắn liền với chiều dài lịch sử. Trải qua hàng chục, hàng trăm năm, những địa danh này đã góp phần hình thành nên nhân cách con người Việt Nam. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp đất nước giữ được bản sắc, không bị đồng hóa, dù từng trải qua nghìn năm đô hộ.

Ông nhấn mạnh các địa danh lịch sử cần được xử lý một cách khéo léo trong quá trình sắp xếp để tránh tình trạng biến mất khỏi bản đồ hành chính. “Nếu các địa danh nổi tiếng của đất nước không còn, thì việc dạy con em về truyền thống lịch sử sẽ như dạy ngoại ngữ”, ông Nghĩa ví von.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu sáng 11/6. Ảnh: Quang Phúc

Tại tổ Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cũng bày tỏ trăn trở về việc thay đổi tên gọi và địa danh hành chính khi sáp nhập cấp tỉnh, xã và bỏ cấp huyện. Theo bà, sự thay đổi này sẽ tác động sâu rộng đến đời sống người dân và hoạt động giao dịch của doanh nghiệp.

Vì vậy, bà Thủy đề nghị Chính phủ sớm xây dựng các công cụ hỗ trợ cập nhật thông tin thay đổi địa danh hành chính, cũng như chuyển đổi dữ liệu liên quan nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bà dẫn chứng một số thương hiệu nông sản lâu đời như vải Thanh Hà (Hải Dương), vải Lục Ngạn (Bắc Giang) đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Khi bỏ cấp huyện, cần làm rõ các thương hiệu này sẽ thay đổi ra sao hay vẫn được duy trì, để kịp thời có giải pháp phù hợp.

“Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh, nếu từ 1/7 địa chỉ và địa danh thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến logistics. Vì thế, chúng ta cần có giải pháp kịp thời để tuyên truyền rộng rãi trong và ngoài nước”, bà Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy phát biểu sáng 11/6. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị “cân nhắc kỹ lưỡng”, xem xét giữ lại các thành phố thuộc tỉnh như Hội An, Nha Trang, Đà Lạt… bởi đây là những đô thị có bề dày lịch sử hàng trăm năm, thậm chí 300-400 năm.

Theo ông, xu thế toàn cầu là tập trung hóa và phát triển các đô thị. Tại Việt Nam, từ sau năm 1975 đến nay, nhiều thành phố thuộc tỉnh đã được hình thành, tạo ra vị thế mới và mở ra cơ hội phát triển cho địa phương. Do đó, ông đề xuất Quốc hội khi sửa đổi Hiến pháp cần cân nhắc các quy định liên quan nhằm tạo điều kiện và không gian phát triển cho các đô thị cấp tỉnh.

Theo Đề án của Chính phủ về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp (công bố giữa tháng 4), cấp huyện – vốn là cấp trung gian – sẽ được bãi bỏ. Mô hình hành chính tương đương cấp huyện gồm thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn… sẽ không còn được duy trì.

Hiện cả nước có 84 thành phố trực thuộc tỉnh, 53 thị xã và 2 thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Thủ Đức và Thủy Nguyên). Tất cả các đơn vị này hiện đều được xác định là đơn vị hành chính cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


Tháng Sáu 11, 2025

Chính phủ đề xuất trao quyền gọi công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu và gọi nhập ngũ cho Chủ tịch UBND cấp xã, thay vì Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện như quy định hiện hành.

Sáng 11/6, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật thuộc lĩnh vực quốc phòng. Trong đó, Luật Nghĩa vụ quân sự được đề xuất điều chỉnh nhiều nội dung nhằm phù hợp với tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp.

Theo đề xuất, một số thẩm quyền hiện thuộc Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện sẽ chuyển về Chủ tịch xã, gồm: giao cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe cho hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; ra lệnh gọi từng công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; sơ tuyển, khám sức khỏe và gọi công dân nhập ngũ hoặc thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Một số thẩm quyền khác hiện do cấp huyện đảm nhiệm sẽ được chuyển lên cấp tỉnh, như: thành lập Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; quyết định danh sách công dân gọi nhập ngũ, danh sách tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ; công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình; tổ chức lễ giao, nhận quân (thực hiện tại Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực).

UBND cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức giao công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự cho đơn vị nhận quân và tổ chức lễ giao, nhận quân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thẩm quyền này hiện thuộc UBND cấp huyện.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Dự luật cũng quy định chuyển một số nhiệm vụ từ Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện về Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực, như: đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự; giải ngạch hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; tổ chức và tiếp nhận trong lễ bàn giao quân nhân hoàn thành nghĩa vụ tại ngũ.

Lần đầu tiên, dự luật bổ sung hình thức đăng ký nghĩa vụ quân sự trực tuyến. Theo đó, công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi có thay đổi về chức vụ, học vấn, chuyên môn, sức khỏe hoặc các thông tin liên quan phải đăng ký bổ sung – trực tuyến hoặc trực tiếp – tại cơ quan có thẩm quyền.

Đối với Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ đề xuất bỏ một số chức danh như: Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Phó chỉ huy trưởng, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện… nhằm tinh gọn tổ chức theo đề án của Quân ủy Trung ương về xây dựng lực lượng quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh”.

Dự thảo cũng quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền quyết định gọi đào tạo sĩ quan dự bị và gọi sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, chiến đấu đối với cán bộ, công chức, hạ sĩ quan dự bị cư trú tại địa phương.

Ngoài hai luật trên, Chính phủ còn đề xuất sửa đổi một số nội dung trong các luật liên quan nhằm đồng bộ hóa mô hình chính quyền hai cấp, gồm: Luật Quốc phòng; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng không nhân dân; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Dân quân tự vệ; và Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này tại hội trường vào ngày 14/6 và biểu quyết thông qua vào ngày 27/6.

Sơn


Tháng Sáu 8, 2025

Các nhà băng đồng loạt cảnh báo hiện tượng giả mạo doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng để lừa đảo, khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác.

Nhiều ngân hàng như BIDV, MB, SHB … cảnh báo về thủ đoạn giả mạo trang web, fanpage, tài khoản mạng xã hội với tên miền, giao diện và logo giống hệt các thương hiệu kinh doanh vàng uy tín, khiến người dùng dễ nhầm lẫn với trang chính thức. Các đối tượng còn mạo danh ngân hàng để lừa đảo, thay vì chỉ doanh nghiệp kinh doanh vàng như trước đây.

Cảnh báo này được các ngân hàng đưa ra trước thực tế hình thức lừa đảo mua bán vàng “nở rộ” thời gian qua, khi giá kim loại quý trong nước chênh cao so với thế giới, duy trì ở mức trên 10 triệu đồng một lượng và người dân khó mua khi có nhu cầu do nguồn cung hạn chế.

Theo các ngân hàng, thủ đoạn lừa phổ biến là sau khi tạo dựng lòng tin, kẻ gian tung tin giả về giá vàng hoặc bạc, quảng bá chương trình khuyến mãi, chiết khấu cao, tặng thưởng hấp dẫn. Họ cũng mời gọi đầu tư online, cam kết lãi cao (theo ngày hoặc tuần). Đây là hình thức lừa đảo có dấu hiệu đa cấp hoặc chiếm đoạt tiền, theo các ngân hàng.

Khi nạn nhân “sập bẫy”, kẻ gian tiếp tục gửi tin nhắn, email giả danh để thông báo trúng thưởng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng nhằm trục lợi. Thậm chí, họ còn mạo danh người thân, nhân viên công ty vàng, gọi điện hoặc liên hệ qua mạng xã hội để tiếp cận, lừa đảo dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều đối tượng còn sử dụng chiêu thức “chim mồi” tung hình ảnh chốt lời cao để kích thích khách hàng, hoặc gửi giấy xác nhận “đã đặt hàng” có logo và thông tin gần giống doanh nghiệp thật để tạo lòng tin.

Trước đó, Công ty Vàng bạc đá quý TP HCM (SJC) cũng cho biết đã có một số đối tượng lập trang web, fanpage giả mạo thương hiệu này để lừa đảo, thu gom dữ liệu cá nhân và thực hiện các giao dịch không có cơ sở pháp lý.

Vàng miếng tại trụ sở SJC ở quận 3 (TP HCM), tháng 3/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Trước tình hình thị trường vàng biến động mạnh, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác khi thực hiện các giao dịch mua bán.

Ngân hàng SHB khuyến nghị người dân chỉ nên giao dịch tại các điểm được cấp phép chính thức. BIDV đề nghị khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên doanh nghiệp hay ngân hàng.

MB lưu ý khách hàng cần kiểm tra kỹ fanpage, trang web, đường dẫn rõ ràng, thông tin các địa điểm giao dịch được phép mua, bán vàng miếng của tổ chức tín dụng trên địa bàn và toàn quốc. Nhà băng này cho rằng nên thực hiện mua bán trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh được cấp giấy phép.

Đồng thời, người dân cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân – tài sản số quan trọng, không được tùy tiện cung cấp nếu chưa xác minh rõ ràng. “Mọi sự lơ là, chủ quan đều có thể tạo cơ hội cho tội phạm lợi dụng và chiếm đoạt tài sản”, đại diện SHB nêu.

Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 yêu cầu các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trên địa bàn phải treo bảng hiệu nhận diện, niêm yết công khai giấy phép để người dân nhận diện là điểm mua bán hợp pháp.

Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải…


Tháng Sáu 4, 2025

Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng nhãn hàng tận dụng tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng để quảng bá là xu hướng tất yếu, song cần có cơ chế quản lý rủi ro và ngăn chặn vi phạm.

Ngày 4/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Quảng cáo sửa đổi, trong đó tập trung vào các chính sách quản lý nội dung quảng cáo sản phẩm từ nghệ sĩ nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng xu hướng tiêu dùng theo thần tượng là hiện tượng phổ biến toàn cầu, không thể bỏ qua trong thời đại số. Một TikToker nổi tiếng Trung Quốc từng livestream bán sầu riêng tại Thái Lan, trong 5 giờ đã đạt doanh thu tới 650 triệu USD. Tại Việt Nam, một hãng xe cũng mời danh thủ David Beckham đến buổi ra mắt sản phẩm để thu hút sự chú ý truyền thông.

“Truyền thông và người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng. Luật cần tạo điều kiện để doanh nghiệp khai thác hiệu quả yếu tố này, đồng thời kiểm soát mặt trái và ngăn ngừa vi phạm”, ông Hoan nêu quan điểm.

Ông lưu ý hiện nay nhiều cá nhân chưa phân biệt được ranh giới giữa giới thiệu sản phẩm, chia sẻ trải nghiệm và hoạt động quảng cáo có trả phí, dễ dẫn đến vi phạm. Do đó, các cơ quan cần có hướng dẫn cụ thể, minh họa bằng các tình huống điển hình để người nổi tiếng, doanh nghiệp nắm rõ quy định. “Có thể sử dụng video, infographic, bộ hỏi – đáp để hỗ trợ thực hiện đúng luật, tránh rủi ro”, ông nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết nhiều ý kiến đề nghị siết chặt quảng cáo qua người nổi tiếng. Tuy nhiên trong cơ chế thị trường, đây là hoạt động thương mại có ý nghĩa tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Vì vậy, dự thảo không cấm mà quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người chuyển tải nội dung quảng cáo.

Theo ông Vinh, quảng cáo là hoạt động có sự tham gia của nhiều chủ thể. Khi xảy ra sai phạm, các bên liên quan sẽ bị xử lý tương ứng với mức độ, tính chất vi phạm. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định người thực hiện quảng cáo có trách nhiệm xác minh độ tin cậy của nội dung và sản phẩm để tránh tình trạng quảng cáo sai sự thật, hàng giả, hàng nhái.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan nếu để xảy ra tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Quảng cáo trên các nền tảng số rất đa dạng nên cần công cụ quản lý phù hợp và linh hoạt.

“Phải siết chặt từ khâu kiểm duyệt, kiểm soát nội dung trên mạng xã hội, phương tiện đại chúng, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra”, bà Hải góp ý.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thì cho rằng người có ảnh hưởng trên môi trường số cần được đặt trong khuôn khổ pháp lý rõ ràng, vì họ có tác động lớn đến hành vi tiêu dùng và dư luận xã hội. Dự thảo luật cần quy định cơ chế giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm để bảo đảm công bằng giữa các chủ thể trong hoạt động quảng cáo và bảo vệ người tiêu dùng.

“Quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới là loại hình tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến thông tin sai lệch, trốn thuế và vi phạm pháp luật Việt Nam. Do đó dự thảo cần đảm bảo đồng bộ với các luật về an ninh mạng, giao dịch điện tử, thuế và quyền lợi người tiêu dùng”, bà Thanh nói.

Dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào ngày 13/6.


Tháng Sáu 4, 2025

Ông Phạm Thế Anh, chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất Việt Nam cân nhắc đánh thuế bất động sản với nhà thứ hai, để hạn chế đầu cơ và găm giữ tài sản.

Tọa đàm đối thoại chính sách về tăng trưởng kinh tế ngày 3/6, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận Việt Nam đang đối mặt các đợt sốt giá bất động sản, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững giai đoạn tới.

Theo ông, các đợt lên giá địa ốc khiến giới đầu tư trong nước có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá trên thị trường tài sản, thay vì rót tiền vào sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Việc này còn làm tăng chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, kéo giá dịch vụ như tiền thuê nhà, hàng hóa, dịch vụ… tăng theo và giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Việt Nam nên cân nhắc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi bởi nhiều lợi ích mà sắc thuế này có thể đem lại”, ông Thế Anh đề xuất.

Theo Bộ Xây dựng, trong quý đầu năm, lượng giao dịch bất động sản căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng 16-32% so với quý trước, trong khi giá các loại hình bất động sản tiếp tục có xu hướng đi lên. Tại cuộc họp tháng trước, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thừa nhận thực trạng đáng lo ngại là tốc độ tăng giá bất động sản ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong khi khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng giảm. Thị trường địa ốc cũng đang mất cân đối cung và cầu, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý.

Chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng việc đánh thuế với căn nhà thứ hai sẽ hạn chế đầu cơ và găm giữ bất động sản, vốn đang tạo ra các “đô thị ma” và tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường thứ cấp, đẩy giá nhà đất lên cao phi lý.

“Khi chi phí sở hữu căn nhà thứ hai tăng lên do thuế, những người găm giữ sẽ có xu hướng sử dụng hiệu quả hơn bằng cách cho thuê, đưa vào sản xuất kinh doanh, hoặc buộc phải bán bớt”, ông phân tích. Điều này, theo ông Thế Anh, sẽ làm tăng nguồn cung, góp phần hạ nhiệt giá nhà, giúp thị trường lành mạnh và tránh lãng phí tài nguyên.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, trình bày báo cáo tại tọa đàm, ngày 3/6. Ảnh: Phương Linh

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn tới để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, Việt Nam cần có đủ nguồn lực tài chính cho các dự án hạ tầng lớn – yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu tăng trưởng này.

Ở khía cạnh này, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, thuế bất động sản cũng là một trong những khoản thu bền vững mới để tái đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương như công viên, đường sá, bệnh viện, trường học. Hơn nữa, nguồn thu này cũng mở ra cơ hội để Việt Nam cắt giảm các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân – những sắc thuế đang làm giảm động lực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Thực tế, đây không phải lần đầu giải pháp đánh thuế bất động sản thứ hai được đưa ra nhằm hạ giá nhà. Cách đây 8 năm, Chính phủ từng đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai tại TP HCM, nhưng sau đó không được thông qua. Có nhiều ý kiến phản biện, một trong số đó cho rằng thời điểm đánh thuế khi đó còn quá sớm.

Năm ngoái, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đưa ra đề xuất này trong bối cảnh giá bất động sản liên tục tăng, chưa có tín hiệu giảm, nhất là phân khúc chung cư. Chuyên gia đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.

Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường gặp không ít thách thức. Giới chuyên môn cho rằng để sử dụng hiệu quả công cụ thuế, cơ quan quản lý cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản. Từ đó, việc xác định nhà thứ hai, ba… và giá trị của chúng mới công khai, minh bạch. Các mức thuế suất cũng cần nghiên cứu kỹ, tránh trùng lặp, thuế chồng thuế khiến người dân bị “kiệt quệ” sức mua.


Tháng Sáu 4, 2025

Vốn hóa Nvidia hiện cao hơn Microsoft khoảng 100 tỷ USD, giúp hãng chip Mỹ trở thành công ty giá trị nhất hành tinh.

Chốt phiên giao dịch 3/6, cổ phiếu hãng chip Nvidia tăng 2,8%, kéo vốn hóa của công ty này lên 3.450 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phiếu đại gia phần mềm Microsoft chỉ tăng 0,2%, khiến vốn hóa hiện tại là 3.440 tỷ USD.

Việc này giúp Nvidia một lần nữa trở thành công ty đại chúng có giá trị lớn nhất thế giới. Từ tháng 6/2024, Nvidia, Microsoft và Apple đã thay nhau giữ vị trí này. Lần gần nhất hãng chip Mỹ dẫn đầu là tháng 1 năm nay.

Logo Nvidia tại triển lãm Computex 2024 tại Đài Loan. Ảnh: Khương Nha

Một tháng qua, cổ phiếu hãng chip AI tăng gần 24%, bất chấp lo ngại về thuế nhập khẩu và các chính sách kiểm soát xuất khẩu sản phẩm công nghệ của chính phủ Mỹ. Tuần trước, Nvidia công bố doanh thu quý I (kết thúc vào tháng 4) đạt 44,06 tỷ USD – tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng ấn tượng với một công ty có quy mô lớn như hãng này.

Ngoài Nvidia, cổ phiếu các hãng chip khác cũng tăng trong phiên 3/6. Broadcom tăng 3%, Micron Technology thêm 4%. Quỹ đầu tư theo dõi cổ phiếu ngành chip VanEck Semiconductor ETF cũng ghi nhận cổ phiếu lên thêm 2%.

Nvidia tăng trưởng mạnh nhờ chip AI – sản phẩn được các công ty như OpenAI sử dụng để phát triển phần mềm ChatGPT. Microsoft, Meta, Google, Amazon, Oracle và xAI cũng là khách hàng lớn của hãng chip Mỹ. Họ hiện vẫn thống trị thị trường chip AI toàn cầu.

Nvidia thành lập năm 1993, ban đầu chuyên sản xuất chip cho game 3D. Sau này, hãng dần phát triển các phần mềm và chip AI tiên tiến. Bước ngoặt của Nvidia đến vào cuối năm 2022, khi OpenAI ra mắt ChatGPT, tạo ra cơn sốt trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu. OpenAI phát triển công nghệ AI tạo sinh dựa trên các chip đồ họa của Nvidia.

Tháng 11/2024, Nvidia được đưa vào Chỉ số Bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) – một trong ba chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ, thay thế đối thủ Intel.


Call Now Button