Vị chát của Vang Đà Lạt
Vang Đà Lạt đang ở đáy của chu kỳ 10 năm tăng trưởng và buộc phải tìm những động lực mới.
Vài năm trở lại đây, khách du lịch Đà Lạt có thêm một điểm tham quan được yêu thích đó là nhà làm vang Ladora Winery. Đây là dự án của Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods) trên khuôn viên 5 ha đặt tại Điểm Công nghiệp Phát Chi, thành phố Đà Lạt. Nằm trên địa điểm cao nhất tại Đà Lạt hơn 1.600 m, dự án này mang hoài bão ghi dấu ấn vang Việt trên bản đồ vang thế giới. Tại đây, du khách sẽ có không gian hoàn hảo tìm hiểu quy trình sản xuất vang cũng như thưởng thức trực tiếp những ly vang Chateau Dalat, Nouvo Sangria, Vang Đà Lạt, Vang mật ong…
Đáy của chu kỳ tăng trưởng
Khai trương dự án này, lãnh đạo của Ladofoods kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực kích thích du lịch Đà Lạt và hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh rượu vang. Đây cũng là nỗ lực mới của Ladofoods nhằm vượt qua những khó khăn kéo dài. Mới đây, tại Đại hội cổ đông năm 2023, lãnh đạo Công ty thông qua kế hoạch với số liệu không khả quan khi đạt doanh thu 212,3 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2022 và lỗ trước thuế 9,3 tỉ đồng.
Hội đồng Quản trị Công ty nhận định: “2023 vẫn là năm khó khăn, doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận vẫn chưa thể trở lại mức dương do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm điều tồn kho nhiều từ năm 2022 đến nay trong khi giá bán trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục”.
Kết quả này là dấu lặng sau 10 năm thành công của Ladofoods từ năm 2018 đến nay. Với lợi thế là một doanh nghiệp khá lâu đời, tiền thân là xưởng rượu vang Lafaro của người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, Ladofoods là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chế biến và sản xuất rượu vang tại Việt Nam. Ở giai đoạn thuận lợi, Công ty liên tục gặt hái thành công, chiếm hơn 60% thị phần vang sản xuất trong nước với hơn 30.000 điểm bán hàng trên cả nước, xuất khẩu đi nhiều thị trường Á, Âu, Mỹ… Doanh thu từ năm 2006-2011 tăng trưởng mạnh mẽ với CAGR đạt 22% và giai đoạn 2013-2017 với CAGR đạt 20%, lập đỉnh doanh thu là 586,8 tỉ đồng.
Ladofoods hiện là doanh nghiệp sản xuất rượu vang duy nhất tại Việt Nam sở hữu chuỗi giá trị khép kín từ vùng nguyên liệu nho vang đến nhà máy chế biến, hầm ủ vang và hệ thống phân phối nội địa cũng như xuất khẩu quốc tế. Sản phẩm Vang Đà Lạt có ưu thế cạnh tranh hơn so với các sản phẩm rượu vang cùng loại sản xuất tại Việt Nam do có chất lượng hơn và ổn định hơn, tạo được thương hiệu.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh từ năm 2018 sụt giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt là ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hầu hết lĩnh vực, đặc biệt là ngành du lịch, nhà hàng, sức tiêu thụ giảm. Bên cạnh đó là cạnh tranh ngày càng gay gắt với nhiều dòng vang ngoại nhập cũng như các loại nước có cồn khác.
Khó khăn dẫn đến những thay đổi chủ sở hữu của Công ty. Hiện Megram nắm 51% vốn Ladofoods, tiếp đến là Vilico với 38,3%. Mới đây, bà Lê Thúy Hằng đã rời Hội đồng Quản trị; đồng thời, Công ty cũng quyết định sáp nhập Công ty Chế biến Điều Xuất khẩu Lâm Đồng.
Tìm lối ra cho vang Việt
Theo VIRAC, thị phần của các doanh nghiệp vang nội địa ngày càng suy giảm nhường chỗ cho các doanh nghiệp phân phối nước ngoài và ngành rượu Việt Nam đang nhập siêu rượu vang. Khó khăn hơn khi thị trường vang thế giới đang rơi vào tình trạng thừa cung đi cùng với giảm nhu cầu, phải tiêu hủy rượu vang dư thừa.
Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, mức tiêu thụ rượu vang trong năm nay ước tính đã giảm 7% ở Ý, 10% ở Tây Ban Nha, 15% ở Pháp, 22% tại Đức và 34% đối với Bồ Đào Nha. Xu hướng này kéo dài khiến nhiều dòng vang ngoại nhập giảm giá mạnh, gây sức ép cho các sản phẩm vang trong nước. Chẳng hạn, Lễ hội Rượu vang Ý tổ chức tại TP.HCM gần đây có sự xuất hiện rầm rộ của hơn 50 nhà sản xuất với trên 150 loại rượu vang nổi tiếng của Ý. Ông Enrico Padula, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Ý tại TP.HCM, cho biết, doanh nghiệp rượu vang Ý có nhiều cơ hội mở rộng ở thị trường Việt Nam do người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng và hiểu biết về chất lượng rượu vang Ý. Do đó, vang Ý nhập vào thị trường Việt Nam không gặp nhiều khó khăn như ở các nước khác.
Mặc dù vậy, vẫn có những tín hiệu khả quan cho các nhà làm vang nội. VIRAC ước tính chi tiêu cho rượu mạnh bình quân trên đầu người sẽ tăng khi nền kinh tế bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Hồi phục của du lịch đến Việt Nam, kích thích nhu cầu tiêu dùng ngành rượu trong nước.
Về dài hạn, theo báo cáo của Wine Australia Market, tiêu thụ rượu vang dự kiến tại Việt Nam sẽ đạt 13,7 triệu lít vào năm 2027. Tầng lớp trung lưu chiếm 15%, với dân số gần 100 triệu người, dự kiến sẽ tăng lên 36 triệu người vào năm 2030, mang đến nhiều khả năng hơn để tăng mức tiêu thụ rượu vang.
Các chuyên gia trong ngành rượu đánh giá, đây là cơ hội để các nhà sản xuất vang nội địa như Ladofoods có thể chuyển mình với Vang Đà Lạt nếu nắm bắt được xu hướng về lợi ích sức khỏe và cao cấp hóa các sản phẩm rượu vang, cùng với sự đổi mới hương vị và mạng lưới phân phối tiên tiến hơn.
Hồng Lam
Nguồn: nhipcaudautu