Mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục hạ nhiệt
Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện đã về gần đáy của giai đoạn COVID-19 (2021-nửa đầu 2022)
Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm trong những tháng gần đây. Số liệu từ khảo sát sơ bộ của NCĐT cho thấy, mức lãi suất đối với tiền gửi với kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng đang dao động quanh mức 5,5-6%, giảm khá mạnh so với thời điểm cuối năm 2022.
Dẫu vậy, áp lực tỉ giá đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về việc đảo chiều chính sách tiền tệ khi gần đây Ngân hàng Nhà nước đã có động thái rút ròng qua kênh tín phiếu.
Tính từ đầu năm đến nay, FED đã có 4 lần tăng lãi suất và 2 lần giữ nguyên, mỗi lần tăng 25 điểm cơ bản. Nếu xét từ 2022, FED đã tăng lãi suất 11 lần và lãi suất hiện đang chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây. Chênh lệch giữa chính sách giảm lãi suất của Việt Nam, và duy trì lãi suất cao của FED đã tạo ra một khoảng cách nhất định, khiến tỉ giá gia tăng.
Trước áp lực tỉ giá, gần đây Ngân hàng Nhà nước đã có động thái hút ròng qua kênh tín phiếu. Cụ thể, trong 5 phiên đấu thầu thị trường mở liên tiếp từ 21/9-27/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tổng cộng 70.000 tỉ tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Theo đó, toàn bộ 70.000 tỉ đồng tín phiếu đều được đấu thầu thành công với lãi suất trúng thầu dao động trong vùng 0,49-0,69%. Lãi suất trúng thầu thấp cho thấy thanh khoản hệ thống đang dư thừa.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán VNDirect, động thái này của Ngân hàng Nhà nước không nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn, nhằm hút bớt thanh khoản quá dư thừa (trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu), góp phần hạn chế đầu cơ tỉ giá và giữ vững ổn định vĩ mô trong nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán lượng hút ròng hợp lý để vừa hạn chế đầu cơ tỉ giá, vừa duy trì thanh khoản tốt đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời lượng hút ròng sẽ được trả lại thị trường sau đó khi áp lực tỉ giá hạ nhiệt.
“Chúng tôi đánh giá động thái phát hành tín phiếu vừa qua của Ngân hàng Nhà nước rất ít khả năng làm đảo ngược xu thế giảm hiện nay của lãi suất huy động và cho vay, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu”, VNDirect nhận định.
Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng thương mại giảm xuống mức 5,6%/năm tại ngày 25/09/2023, giảm 0,3 điểm % so với cuối tháng 8/2023 và 2,2 điểm % so với cuối năm 2022. Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện đã về gần đáy của giai đoạn COVID-19 (2021-nửa đầu 2022) và VNDirect kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì ở vùng này (bình quân 5,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng) trong những tháng cuối năm 2023.
Đồng thời, VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đã giảm nhanh trong thời gian qua.
Đồng quan điểm, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research cũng cho rằng động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước là một công cụ trong chính sách tiền tệ, là hoạt động thường thấy từ các Ngân hàng Trung ương nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Mục đích của Ngân hàng Nhà nước là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỉ giá trong ngắn hạn. Theo SSI Research, đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa có sự bứt phá và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm nay, nghiệp vụ này không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.
Nhật Anh
Nguồn: nhipcaudautu