Hành trình bền vững: Cần dũng cảm
Nhà sáng lập Puratos Grand-Place Việt Nam khẳng định muốn bắt đầu hành trình bền vững, cần có sự dũng cảm. Và ông là minh chứng tốt nhất cho điều đó.
Puratos Grand-Place Việt Nam đã nhận được Chứng chỉ Trung hòa carbon cho toàn Công ty, bao gồm 3 nhà máy và 7 văn phòng, vào tháng 12/2021. Hơn 1 năm sau, họ nhận thêm một chứng chỉ trung hòa carbon cho sản phẩm sô-cô-la 60DAYS. NCĐT đã trao đổi với ông Gricha Safarian, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty, về hành trình phát triển bền vững này.
Ông đã mất bao lâu từ lúc lên ý tưởng cho đến lúc đạt được chỉ tiêu zero carbon? Và Công ty đã tốn nguồn lực cho việc này như thế nào?
Tôi nghĩ chi phí đầu tư cho chứng chỉ khoảng 1% doanh thu, một con số đáng kể nếu so với tỉ suất sinh lời 6-7% của toàn Công ty. Chúng tôi đã đạt Chứng chỉ Trung hòa carbon ở cấp công ty trước. Có 3 cấp độ chứng chỉ được cấp: cấp độ 1 là ở phạm vi từng nhà máy riêng lẻ; cấp độ 2 là ở phạm vi toàn Công ty, là chứng chỉ đạt được vào cuối năm 2021; cấp độ 3 là ở phạm vi sản phẩm, là chứng chỉ dành cho sản phẩm sô-cô-la 60DAYS vào đầu năm 2023.
Mất 4 năm, 642.000 euro để đạt được cấp độ 2 và mất 3 năm cho cấp độ 3. Chúng tôi đã bị COVID-19 kìm chân. Khi dịch bệnh ập đến, chúng tôi phải thay đổi thứ tự ưu tiên, trong đó việc tồn tại đứng đầu. Tuy nhiên, tôi rất tự hào về đội ngũ của mình, họ vẫn giữ mục tiêu trung hòa carbon ở Top đầu. Vì vậy, chúng tôi đã đạt được chứng chỉ. Nhưng chứng chỉ này phải được xét mới hằng năm chứ không phải được cấp vĩnh viễn. Nếu bạn bắt đầu ngủ quên thì việc này sẽ kết thúc sau một năm.
Trước đây chúng tôi làm việc với một tổ chức phi chính phủ và được cấp số liệu phát thải của mỗi tấn ca cao là 2,5 tấn carbon. Tuy nhiên, khi làm, chúng tôi phát hiện ra phát thải thực tế cao hơn nhiều, đến 6-7 tấn. Do đó, chúng tôi đang làm việc để tăng lượng phát thải cho đúng với thực tế, đồng nghĩa với việc chúng tôi cần phải mua nhiều chứng chỉ carbon hơn và làm nhiều hơn để giảm phát thải.
Tôi mong trong tương lai Chính phủ sẽ ban hành luật lệ liên quan đến việc mua năng lượng sạch. Nếu có thể mua điện gió, điện xanh, chúng tôi sẽ mua ít chứng chỉ carbon hơn. Tôi không thích chứng chỉ carbon, vì tôi nghĩ đó là một điều tốt nhưng có thể có nhiều gian dối. Tôi cũng đang tìm mua một mảnh đất để trồng cây ca cao trong vùng Đông Dương, để sau này chúng tôi có thể tự phát hành chứng chỉ carbon của riêng mình.
Có phải quy mô nhỏ giúp cho việc tiến đến net zero tại Công ty nhanh chóng và dễ dàng không?
Đúng là ở quy mô vừa và nhỏ, chúng tôi dễ dàng đạt được Chứng chỉ Trung hòa carbon hơn vì việc tính toán dễ hơn so với các công ty ở quy mô lớn. Tuy nhiên, quy trình đều giống nhau. Thông thường, có 2 cách để bù đắp lượng carbon thải ra là mua chứng chỉ carbon hoặc hành động, hoặc cả 2. Theo tôi được biết hiện nay chưa có luật quy định về tỉ lệ carbon được bù đắp bằng chứng chỉ tối đa. Nhiều tổ chức đang bù đắp bằng việc mua chứng chỉ carbon trong khi không thực sự có động thái nào để giảm lượng carbon phát thải. Nhìn vào bức tranh rộng hơn, nếu họ tiếp tục mua chứng chỉ mà không có hành động môi trường thực tế nào, họ sẽ là người trả chi phí.
Yếu tố nào khiến nhà máy tại Việt Nam cán đích trước các nhà máy khác của Puratos trên toàn thế giới?
Tôi rất may mắn có mối quan hệ trực tiếp, gần gũi với ông chủ của Tập đoàn. Tôi và người chủ này cùng chia sẻ đam mê với ca cao. 10 năm trước, khi chúng tôi liên doanh, tôi đã trò chuyện với ông ấy rất nhiều và từng bước một tôi đã tạo ảnh hưởng đến ông ấy trong con đường phát triển bền vững. Ông ấy là chủ và mọi người phải nghe ông.
Đi trên con đường bền vững này, tôi đã gây thù chuốc oán với nhiều người trong Tập đoàn. Ví dụ như người chịu trách nhiệm mua ca cao cho Tập đoàn. Anh ta cố gắng thương lượng để mua được giá thấp nhất, nhưng từ khi theo đuổi Cacao Trace, chúng tôi cố gắng thương lượng giá cao nhất có thể cho người nông dân. Sau 1 năm “chiến đấu” với anh ta, tôi đến gặp Ban Giám đốc và nói: “Các ông phải thay đổi KPI thưởng cho anh ta, nếu không sẽ không bao giờ thành công”.
Họ đã thay đổi KPI và bây giờ anh ấy rất hài lòng. Nhưng điều tương tự xảy ra ở bất cứ công ty nào trên con đường hướng đến bền vững. Bạn cần hiểu bền vững sẽ khiến nhiều người trong tổ chức gặp khó khăn, do đó bạn sẽ phải lường trước và cho họ KPI hợp lý, vì bạn không thể làm kinh doanh kiểu mới với KPI kiểu cũ.
Theo ông, giữa một sản phẩm cụ thể và một nhà máy, cái nào dễ đạt được zero carbon hơn? Có sự khác nhau trong việc đạt đến mức này giữa các sản phẩm khác nhau không, ví dụ sô-cô-la so với sữa tươi hoặc bia?
Zero carbon với sản phẩm khó hơn. Với sản phẩm, phát thải được tính từ khâu thu mua nguyên liệu, vận chuyển về nhà máy… cho đến khi bao bì được tiêu hủy tại thị trường tiêu thụ, Việt Nam và thậm chí ở Nhật.
Giữa các sản phẩm khác nhau thì hành trình vẫn như nhau. Nếu đi vào chi tiết, tính toán, đương nhiên mỗi chuỗi cung ứng khác nhau. Nói về bia, họ có vấn đề khác là sử dụng quá nhiều nước, vì vậy phát thải nằm ở việc họ vận chuyển nước. Trong chuỗi cung ứng của chúng tôi phát thải chính không nằm ở đây.
Thứ giống nhau cho tất cả mọi người là hành trình. Bây giờ chỉ mới là hành trình tự nguyện, chưa có luật lệ nào ở Việt Nam bắt buộc chúng tôi phải trung hòa carbon và tôi nghĩ trong vòng 10 năm tới cũng sẽ chưa có luật này. Vì vậy, đó thực sự là quyết định của riêng tôi với tư cách là người quản lý. Chúng tôi biết điều này đắt đỏ hơn, nhưng đổi lại khoản đầu tư này có thể mang về nhiều việc kinh doanh hơn, nhiều khách hàng hơn và hình ảnh tốt hơn.
Khi bắt đầu hành trình bền vững, tất cả các ngành kinh doanh đều như nhau. Bạn cần một quyết định dũng cảm. Và sau đó bạn cần tiếp tục hành trình ngay cả khi nó ngày càng trở nên khó khăn hơn. Bạn không bao giờ dừng lại.
Giờ thì mọi người tại Puratos đều tiếp bước chúng tôi. Giống như một cuộc thi vậy, khi một công ty trong Tập đoàn đã đạt được trung hòa carbon cấp độ 2 và 3, mọi người cần phải làm gì đó. Chúng tôi đã cam kết đến năm 2025 toàn Tập đoàn sẽ trung hòa carbon cấp độ 2 và đặt mục tiêu đạt cấp độ 3 vào năm 2030. Đó giống như một KPI cho toàn Tập đoàn.
Ông có nghĩ các sản phẩm xuất khẩu từ nông sản khác có thể áp dụng quy trình tương tự như công ty của ông để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 không?
Dĩ nhiên là được. Ví dụ cấp độ 3 cho cà phê. Cà phê không phải qua các bước chế biến nhiều như sô-cô-la bởi vì chỉ là hạt cà phê. Chúng ta có hạt ca cao, có hạt cà phê. Cả 2 đều được lên men và được rang. Nhưng rang xong thì cũng đã là bước cuối của cà phê. Nhưng với ca cao rang, tiếp đến sẽ được nghiền thành ca cao nhão, được chiết xuất bơ ca cao, xay thành bột ca cao và cuối cùng phối trộn nhiều thành phần thành sô-cô-la. Do đó, đạt được cấp độ 3 cho sô-cô-la phức tạp hơn vì không những quy trình dài hơn mà trong quá trình chế biến còn thêm vào các nguyên liệu thô như đường, sữa và cần tính thêm lượng phát thải carbon những nguyên liệu này gây ra.
Tôi không nói dễ dàng, chỉ dễ hơn thôi. Chuối còn dễ hơn nữa vì với chuối, không cần lên men hay rang, bạn thu hoạch chuối và thế là xong. Việc tính toán carbon chỉ dựa trên phát thải carbon của quá trình nông nghiệp và vận chuyển. Nhưng điểm quan trọng cho bền vững là hầu hết thời gian trong chuỗi giá trị ca cao, tạo ra giá trị lớn nhất lại không ở quốc gia trồng cây ca cao. Chúng tôi là công ty duy nhất thực hiện toàn bộ quá trình sản xuất tại quốc gia ca cao, ở Việt Nam này. Nhưng hầu hết công ty sô-cô-la trên thế giới tại Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ… không làm như vậy. Như vậy, về mặt định nghĩa, chúng tôi dễ đạt được cấp độ 3 hơn những người có thêm nhiều công đoạn vận chuyển.
Quan điểm của tôi là thêm nhiều công đoạn sản xuất tại quốc gia trồng cây. Nếu bạn kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, bạn có lợi thế và có một câu chuyện hay. Nhưng tại bất cứ tầng nào nếu gặp sự cố, toàn bộ quy trình sẽ dừng lại. Sô-cô-la 60DAYS của chúng tôi là loại sô-cô-la khó nhất vì chúng tôi chỉ có 2 tháng để sản xuất trong khi những người khác có đến 15 tháng. Nếu chúng tôi có sự cố, ví dụ như máy rang bị hỏng và chúng tôi cần 1 tuần để sửa, thế là chúng tôi tiêu. Vì vậy, kinh doanh theo chiều dọc là một chiến lược rất mạnh nhưng là điều khó thực hiện nhất. Chúng tôi có mặt ở khắp mọi nơi, từ cây trồng cho đến sản phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi chọn con đường khó nhất vì ở đó chúng tôi có ít đối thủ.
Hằng Nguyễn
Nguồn: nhipcaudautu