Khẩu vị mới của nhà đầu tư Nhật
Người Nhật tích cực xây dựng các lợi thế mới cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam, thông qua đầu tư vào công nghệ tuyển dụng.
Cuối tháng 8/2023, nền tảng tuyển dụng nhân sự TopCV công bố nhận đầu tư Series B từ tập đoàn nhân sự Nhật Mynavi. Trước đó 2 năm, Mynavi cũng từng đầu tư vào TopCV. Ngoài TopCV, tập đoàn này cũng từng đầu tư vào các nền tảng tuyển dụng khác như JobHopin, ITviec, website chuyên tuyển dụng nhân sự cho ngành công nghệ thông tin và MindX, đơn vị đào tạo công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Từ con người…
Việc quan tâm đến lĩnh vực tuyển dụng, đào tạo nhân sự của các công ty Nhật đã hình thành từ khá sớm. Nó thể hiện qua thương vụ En-Japan tiến hành mua lại phần lớn cổ phần của Navigos Group, công ty vận hành website VietnamWorks và dịch vụ tuyển dụng nhân sự cao cấp Navigos Search, vào năm 2013.
Cùng năm đó, một công ty nhân sự khác của Nhật là Recruit Global Incubation Partners (RGIP), trực thuộc Tập đoàn Recruit Holdings cũng thông báo đầu tư chiến lược vào Anphabe, đơn vị sở hữu mạng lưới cộng đồng doanh nhân ở Việt Nam.
Năm 2020, tập đoàn thời trang và mỹ phẩm Nhật World Mode Holdings (WMH) cũng đầu tư chiến lược vào People Link Việt Nam, đơn vị cung cấp nhân lực trong lĩnh vực thời trang, bán lẻ và tiêu dùng có văn phòng ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Dù chỉ là các thương vụ rời rạc nhưng tổng thể đó là chiến lược xây dựng nguồn nhân lực ổn định ở thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật để đáp ứng nhu cầu mở rộng ngày càng cao. Theo nhận định của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO), đầu tư của các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam cũng đa dạng hơn trước, khi ngoài sản xuất, các lĩnh vực phi sản xuất ngày càng được chú ý nhiều hơn như bán lẻ, nhà hàng, giáo dục, nhân sự…
Bên cạnh mục tiêu xuất khẩu, các công ty Nhật cũng bắt đầu chú ý đến phục vụ thị trường Việt Nam nhiều hơn với các sản phẩm như thiết bị điện tử, xe máy, thực phẩm chế biến… Minh chứng là sự xuất hiện của Uniqlo, Muji…
Tắc nghẽn chuỗi cung ứng trong cao điểm dịch bệnh COVID-19 cũng khiến Chính phủ Nhật ra chính sách tài trợ hơn 2 tỉ USD cho các doanh nghiệp nước này dịch chuyển một phần nhà máy khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật đầu tư tại nước ngoài năm 2022 do JETRO cung cấp, 60% trong số hơn 600 doanh nghiệp Nhật đang hoạt động ở Việt Nam tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh trong 1-2 năm tới. Tỉ lệ này đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng sau Ấn Độ và Bangladesh nếu xét ở khu vực châu Á.
“Để đáp ứng nhu cầu đó, tuyển dụng và đảm bảo lực lượng lao động là yếu tố cần thiết và đây cũng là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam, theo khảo sát của JETRO”, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, chia sẻ.
Giới kinh doanh Nhật được biết đến với văn hóa Keiretsu, có thể hiểu là “buôn có hội, bán có phường”, các công ty này sẽ đi cùng như dịch vụ tài chính, sản xuất, vận chuyển… tạo thành một hệ sinh thái bổ trợ lẫn nhau khi tham gia một thị trường nào đó.
Chính vì thế, mở rộng cần nhân lực, nhiều công ty sở hữu dữ liệu nhân lực, cùng với văn hóa làm việc gắn kết sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật có cái nhìn toàn diện hơn về nguồn nhân lực ở Việt Nam để chuẩn bị cho khâu tuyển dụng và đào tạo.
… đến tài chính tiêu dùng
Cũng trong văn hóa Keiretsu, các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn phát triển vừa là công cụ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái giữ chân khách hàng dựa trên dữ liệu họ tích lũy được.
Đơn cử như Money Forward, xuất phát từ việc tự động hóa quy trình xử lý hóa đơn đầu vào cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật, đơn vị này bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyên sâu hơn cho nghiệp vụ kế toán như Money Forward Early Payment, dịch vụ chuyển tiền trước cho các đơn hàng và hóa đơn mua hàng của doanh nghiệp.
Phần lớn các dịch vụ chuyên sâu của Money Forward đều liên quan đến hỗ trợ tài chính làm khách hàng khó dứt khỏi Money Forward. Công ty gọi được 43 triệu USD trước khi lên sàn chứng khoán Tokyo vào năm 2017, chỉ 5 năm kể từ khi thành lập.
Ở Việt Nam, Money Forward là một trong những nhà đầu tư vào Bizzi, đơn vị có mô hình hoạt động tương tự như họ ở giai đoạn đầu. Bản thân Bizzi đang đi theo con đường của Money Forward.
Tương tự, trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, nền tảng dữ liệu nhân sự chuyên sâu không chỉ giúp các công ty Nhật tuyển dụng và xây dựng được lực lượng lao động cần thiết, các dữ liệu đó còn có thể liên kết ngân hàng cung cấp các khoản vay tiêu dùng phù hợp như một lợi ích cộng thêm để giữ chân nhân viên.
Dữ liệu từ FiinGroup cho thấy Việt Nam còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong thị trường cho vay tiêu dùng khi quy mô dư nợ các khoản vay này chỉ chiếm 27,17% GDP so với tỉ lệ trung bình từ 60-70% GDP tại các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật, Singapore, Thái Lan, Malaysia..
Ngoài ra, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia châu Á có thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi) cùng với sự phát triển kinh tế ổn định, mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng.
Các ngân hàng thương mại chủ yếu cho vay đối tượng khách hàng có thu nhập ổn định (hơn 20 triệu đồng/tháng trở lên), có tài sản đảm bảo hoặc lịch sử tín dụng tốt với các sản phẩm có giá trị khoản vay cao, thời gian dài. Nhóm công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chủ yếu khai thác tập khách hàng vay ngắn, có thu nhập từ 4-20 triệu đồng/tháng.
Cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại với nhóm khách hàng thu nhập ổn định là rất gay gắt, trong khi thị trường thiếu các nền tảng “quan sát” thu nhập của lực lượng lao động để đối chiếu cho các khoản vay. Trong bối cảnh đó, các nền tảng tìm việc có thể đảm bảo được phần nào vai trò này.
Trao đổi với NCĐT, ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Điều hành TopCV, cho biết trong thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng thêm dịch vụ kết nối cho vay tài chính với các tổ chức tín dụng. “Chúng tôi sẽ sớm thông báo thông tin này ra thị trường. Trước mắt chúng tôi vẫn sẽ tập trung ứng dụng công nghệ vào việc tuyển dụng, đào tạo nhân sự tốt hơn”, ông Hiếu nói.
World Bank dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, phục hồi dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Tuy có chững lại nhưng cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Tiêu dùng tư nhân sẽ vẫn đứng vững với tốc độ tăng trưởng 6%, tuy có giảm nhẹ xuống dưới mức tăng trước đạt dịch là 7% vào năm 2019, đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.
Có vẻ như người Nhật đã chuẩn bị rất kỹ cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam.
Công Sang
Nguồn: nhipcaudautu