Lộc Trời hưởng lộc gạo
Lộc Trời đang đứng trước cơ hội cải thiện lợi nhuận khi các đơn hàng xuất khẩu gạo gia tăng về số lượng và giá trị.
Sau lệnh cấm xuất gạo của Ấn Độ, UAE, Nga là cơ hội lớn cho Việt Nam khi giá và nhu cầu tăng đột biến. Các nhà xuất khẩu lớn trong nước được kỳ vọng sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận gia tăng. Đáng chú ý nhất là Tập đoàn Lộc Trời, trong vai trò nhà xuất khẩu lâu năm có tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Gánh nặng lãi suất
Quý I, Lộc Trời ghi nhận 4,5% tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 265 tỉ đồng so với cùng kỳ, ở mức lỗ 81 tỉ đồng so với khoản lời 184 tỉ đồng. “Do một số chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng nên lợi nhuận sau thuế của quý I giảm 265 tỉ đồng so với cùng kỳ”, Lộc Trời giải thích về biến động lợi nhuận từ lời sang lỗ của họ. Bên cạnh đó, giá vốn đầu vào cao là nguyên nhân khác kéo lợi nhuận về dưới 0.
Năm 2022, xuất khẩu gạo phục hồi sau tác động của dịch COVID-19. Tổng cục Hải quan công bố Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo trị giá 3,52 tỉ USD, tăng lần lượt 14% và 6,7% so với cùng kỳ. Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất gạo niêm yết đã tăng 8,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm do áp lực chi phí đầu vào như chi phí phân bón và giá thu mua lúa tăng. Xu hướng đó đã tiếp tục trong những tháng đầu năm 2023.
Ngành nông có tính mùa vụ và độ trễ. Sau khi đạt đỉnh, giá phân bón đã bắt đầu giảm từ tháng 11/2022 và vẫn còn giảm. “Việc giảm giá phân bón, cộng hưởng với lãi suất trong nước cũng giảm sẽ ảnh hưởng lên mặt bằng giá lúa gạo mới của vụ hè thu (thu hoạch vào khoảng tháng 8)”, bà Bùi Thị Loan, Trưởng phòng Học viện Phát triển Năng lực Đầu tư, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), nhận định.
Niềm tin cho uy tín
Đánh giá khả quan về nhu cầu của thị trường xuất khẩu đã phản ánh vào giá mua lúa khác thường năm nay. Năm nay, lúa vụ hè thu có giá cao nhất, đi ngược xu hướng giá lúa thông thường, vốn ưu ái về giá cho lúa vụ đông xuân có chất lượng tốt hơn.
“Tôi nghĩ lợi nhuận của Lộc Trời cải thiện vào quý II, nhưng quý III sẽ tốt hơn nữa”, bà Loan dự đoán về kết quả kinh doanh của Lộc Trời. Báo cáo tài chính quý II vừa được Công ty công bố vào cuối tháng 7 vừa rồi lại là một bất ngờ khác, với khoản lợi nhuận cao bất thường so với khoản lỗ cùng kỳ năm trước, ở mức lãi 424 tỉ đồng so với mức lỗ 44 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh thu chỉ ghi nhận mức tăng khiêm tốn 3,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Sự biến động này được Lộc Trời giải thích trong biên bản giải trình thứ 2 liên tiếp, “do lãi gộp tăng 61,94%, đồng thời tiết giảm chi phí bán hàng nên lợi nhuận sau thuế của quý II tăng”. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là khoản ghi nhận tăng 326,8 tỉ đồng lợi nhuận từ công ty liên kết. Năm 2023, Lộc Trời lên kế hoạch lãi sau thuế đạt 400 tỉ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm 2022. Sau 6 tháng, Công ty đã thực hiện được 86% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh thu năm 2022 cho thấy 2 mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn là thuốc bảo vệ thực vật và kinh doanh lương thực, lần lượt chiếm tỉ trọng 37% và 54% trong tổng doanh thu 11.900 tỉ đồng. Chiếm hơn 1/5 thị phần, thuốc bảo vệ thực vật luôn là mảng có tỉ trọng doanh thu lớn nhất và có biên lợi nhuận cao. Tham vọng của Lộc Trời là dần hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp, từ khâu giống, thuốc trừ sâu, sản phẩm lúa gạo… Từ năm 2019 hưởng lợi từ việc tăng giá lương thực trên toàn thế giới, Công ty tập trung nguồn lực nhiều hơn cho mảng lương thực và tỉ trọng mảng này đang vươn lên chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Lộc Trời.
YSVN cho rằng với thương hiệu Hạt Ngọc Trời, Lộc Trời đang dẫn đầu thị phần gạo có thương hiệu trong nước. Một thuận lợi cho Lộc Trời là Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giúp giảm hàng rào thuế quan khi Công ty xuất khẩu gạo sang các quốc gia thành viên.
Thực tế, chỉ những doanh nghiệp ký hợp đồng mới, sẵn gạo trong kho mới được hưởng lợi sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng như Nga, UAE. Doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro nếu không có sẵn vùng nguyên liệu, khi giá lúa leo thang làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Họ có thể phải bù lỗ cho lô hàng xuất khẩu. “Thế mạnh của Lộc Trời là có vùng trồng lâu năm, liên kết với nông dân tốt và tạo được uy tín rộng”, bà Loan phân tích. Tại các vùng nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long, Lộc Trời phân phối giống và các sản phẩm nông dược cho nông dân trồng lúa, do đó đảm bảo được chất lượng đầu vào của lúa nguyên liệu.
Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp không tránh khỏi rủi ro. Lộc Trời chịu rủi ro biến động thời tiết và biến động giá trên thị trường thế giới. Đồng thời, thị trường thuốc bảo vệ thực vật có xu hướng bão hòa trong bối cảnh ngành nông nghiệp tại Việt Nam bị đánh giá là lạm dụng thuốc trên cây trồng.
Thanh Hằng
Nguồn: nhipcaudautu