“Bài toán” quản lý tài sản số ngày càng phức tạp

Tháng Chín 22, 2023by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_bai_toan_quan_ly_tai_san_so_ngay_cang_phuc_tap-e1695884498461.jpg

Sự phát triển nóng của tài sản số đặt ra những vấn đề chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, thị trường tài chính, thuế…

Những tiến bộ của công nghệ chuỗi khối (blockchain) thời gian qua đã mở ra tiềm năng cung cấp các ứng dụng kinh doanh đa mục đích, cũng như kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các tài sản số. Và việc quản lý tài sản số đang đặt ra khá nhiều thách thức cho các nhà quản lý trên thế giới.

Tại Hội thảo khoa học Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số do Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển tổ chức, ban tổ chức cho biết, năm 2030 tài sản nằm ở dạng token chiếm 10% GDP toàn cầu, tương đương 16,1 nghìn tỉ USD. Trong năm 2022, con số này đang ở mức 0,31 tỉ USD và chiếm khoảng 0,4% GDP. Dự kiến trong năm 2023 sẽ đạt mức 0,6 tỉ USD và chiếm 0,6% GDP toàn cầu. Con số này sẽ tiếp tục tăng từ 2024 và đạt hơn 10 tỉ USD, chiếm 7% GDP toàn cầu vào năm 2028.

Ông Nguyễn Khánh Bảo, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết doanh thu trên thị trường tài sản kỹ thuật số được dự đoán sẽ đạt 56,42 tỉ USD vào năm 2023. Doanh thu dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2023-2027) là 16,15%, dẫn đến tổng số tiền dự kiến là 102,7 tỉ USD vào năm 2027.

Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng trong thị trường tài sản kỹ thuật số lên tới 83,73 USD vào năm 2023. Trong thị trường tài sản kỹ thuật số, số lượng người dùng dự kiến sẽ lên tới gần 1 tỉ người dùng vào năm 2027. Tỉ lệ thâm nhập của người dùng sẽ là 8,8% vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 12,5% vào năm 2027.

Việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain là rất cần thiết. Ảnh: T.L.

Theo ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển thì tại Việt Nam, Blockchain được xác định là một trong những công nghệ hàng đầu trong danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia Cách mạng 4.0.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản số. Và dù như vậy, hoạt động giao dịch, khai thác tài sản số vẫn diễn ra một cách sôi động trong làn sóng phát triển mạnh mẽ của Cách mạng 4.0. Việc quản lý và tạo hành lang pháp lý như thế nào cho sự phát triển này hiện vẫn còn có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau mà khung khổ pháp luật hiện hành vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

Hiện nay, EU và nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc…đã xây dựng chính sách pháp lý quản lý, phát triển tài sản số nhưng ở Việt Nam chưa có đạo luật, quy định pháp lý cụ thể về tài sản số cũng như nguyên tắc vận hành.

Tại Mỹ, Bộ Tư pháp nước này đang thành lập Mạng lưới Điều phối viên tài sản kỹ thuật số trên toàn quốc nhằm tăng cường nỗ lực điều tra, khởi tố tội phạm liên quan đến tài sản kỹ thuật số. Còn ở châu Á, Hàn Quốc đã cho thành lập một đơn vị điều tra liên ngành chống tội phạm liên quan đến tiền kỹ thuật số.

Nhóm nghiên cứu đề xuất cần hoàn thiện khung pháp luật, trong đó có định nghĩa rõ ràng cụ thể về tài sản số phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam… Cùng với đó là thành lập và kiểm soát các sàn giao dịch tài sản số. Thúc đẩy cơ chế phát triển ứng dụng công nghệ blockchain trong việc quản lý tài sản số.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất tiếp tục hoàn thiện các mô hình khu công nghệ, nghiên cứu theo hướng hình thành các khu nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm sản phẩm Blockchain, trong đó ưu tiên các sản phẩm ứng dụng mang lại giá trị, lợi ích kinh tế của quốc gia, đổi mới hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia.

Cẩm Tú

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button