Người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ “mạnh tay hơn” trong chi tiêu

Tháng Tám 14, 2023by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_nguoi_tieu_dung_duoc_ky_vong_se_manh_tay_hon_trong_chi_tieu-e1692838178548.jpg

ACBS kỳ vọng triển vọng ngành bán lẻ sẽ cải thiện hơn về cuối năm với dự phóng tình hình kinh tế tốt hơn.

Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng trên bản đồ đầu tư thế giới. Bên cạnh sự phát triển sôi động của các công ty trong nước, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài cũng đã có mặt tại Việt Nam do thị trường năng động và chính sách của nhà nước chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Các sản phẩm hàng hiệu và cao cấp đã có mặt nhiều hơn khi thu nhập và tầng lớp trung lưu gia tăng.

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), sự xuất hiện của các thương hiệu cả trong và ngoài nước mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn nhưng cũng làm tăng cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo nhưng xu hướng bán lẻ hiện đại, bán lẻ đa kênh đang ngày càng chứng tỏ sức mạnh của mình.

Số liệu từ ACBS, số lượng siêu thị và trung tâm thương mại ở Việt Nam tương ứng đạt 1.241 và 258 trong năm 2022, tăng 22-23% so với năm 2018. Nhiều chuỗi bán lẻ nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), dược phẩm, điện thoại di động, điện tử gia dụng xuất hiện và trở nên nổi bật bởi tốc độ mở rộng mạng lưới cửa hàng nhanh chóng.

Mặc dù bị tác động bởi dịch COVID-19, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sau đó đã phục hồi, đạt 5.673 nghìn tỉ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép bình quân hàng năm là 7,5% trong giai đoạn 2017-2022, bao gồm cả kết quả kém tích cực trong 2020-2021. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2023, sức mua của người tiêu dùng được ghi nhận sụt giảm do tình hình kinh tế không thuận lợi, lãi suất tăng, khó khăn hơn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng, lo ngại về sự ổn định của thu nhập/việc làm trong bối cảnh kinh tế khó khăn hơn và tình trạng sa thải ở nhiều công ty. Các công ty bán lẻ niêm yết như Thế Giới Di Động, PNJ, FPT Retail,.. đều báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023.

Bất chấp những thách thức trong nửa đầu năm 2023, ACBS kỳ vọng triển vọng ngành bán lẻ sẽ cải thiện hơn về cuối năm với dự phóng tình hình kinh tế tốt hơn. Chi tiêu của người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ lãi suất đã có điều chỉnh giảm có thể khôi phục hoạt động tài chính tiêu dùng, thuế VAT giảm và các biện pháp của Chính phủ nhằm giải quyết một số vấn đề của lĩnh vực bất động sản và tài chính.

Ngoài ra, mô hình dân số đông và đang tăng trưởng kéo theo nhu cầu các sản phẩm thiết yếu vẫn được chú trọng nhất là yếu tố thúc đẩy tiêu thụ các nhóm sản phẩm thiết yếu, trong khi tầng lớp trung lưu mở rộng có thể hỗ trợ tăng trưởng cho nhóm hàng xa xỉ. “Nhìn chung, về dài hạn, nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam”, ACBS nhận định.

Việt Hà

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button