Nova F&B đóng cửa, mở sóng ngầm F&B
Thương vụ Nova F&B bán lại cho đối tác Singapore cho thấy thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam dự báo tiếp tục có những cơn sóng ngầm.
Nhiều khách hàng khá bất ngờ khi thấy các quán cà phê của hệ thống Nova tại khu vực trung tâm TP.HCM thông báo đóng cửa. Tiếp sau đó hàng loạt hệ thống nhà hàng, cửa hàng bán lẻ… dù đang đông khách của Nova F&B cũng ra thông báo tương tự trước khi NovaGroup hoàn tất bán mảng Nova F&B cho đối tác Singapore.
Nova F&B rút lui
Theo thông tin chia sẻ của Nova F&B, hoạt động này diễn ra vào thời điểm Tập đoàn NovaGroup tái cấu trúc nhằm tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi. “Việc đóng cửa một số cửa hàng không hiệu quả hoàn toàn vì mục tiêu tối ưu hiệu quả kinh doanh, điều chỉnh và thay đổi về mặt chiến lược của Nova Service”, thông cáo của NovaGroup nêu.
Có thể thấy, khó khăn khiến NovaGroup buộc phải tập trung chính cho mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản và buộc phải buông tay với lĩnh vực F&B. Trước đó, Nova F&B được thành lập giữa năm 2015, thuộc Tổng Công ty Nova Service. Nova F&B từng là một trong những mảng kinh doanh được NovaGroup đặt kỳ vọng phát triển nhằm bổ trợ cho hoạt động chính là bất động sản. Thực tế mảng kinh doanh này cũng từng mang về lợi nhuận chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động. Ước tính doanh thu của công ty này đạt gần 17 tỉ đồng và gấp hơn 8 lần lên xấp xỉ 140 tỉ đồng chỉ sau 1 năm, sau đó vượt ngưỡng 200 tỉ đồng vào năm 2021 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cùng với doanh thu, hiệu quả hoạt động cũng tăng mạnh qua các năm nhờ sự cải thiện của biên lợi nhuận gộp. Từ mức 34% năm 2019, đến năm 2021, biên lợi nhuận gộp của Nova F&B đạt hơn 65%. Con số này thậm chí còn nhỉnh hơn Golden Gate, chuỗi nhà hàng có quy mô lớn nhất hiện tại, với biên lãi gộp quanh ngưỡng 58-61%.
VinaCapital đã thành công gắn kết thương vụ mua lại Nova F&B của một đối tác Singapore. Theo đó, đơn vị này sẽ ký kết vận hành với IN Hospitality và đổi tên thành IN Dining. Dưới sự tiếp quản của chủ mới, chưa biết số phận các hệ thống thương hiệu của Nova F&B sẽ hoạt động ra sao. Nhưng đơn vị trực tiếp tham gia điều hành đã có nhiều kinh nghiệm lâu năm trong ngành. Bởi vì, IN Hospitality là đơn vị vận hành một số trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, tiệc cưới lớn ở TP.HCM như GEM Center, White Palace Hoàng Văn Thụ, White Palace Phạm Văn Đồng, nhà hàng The Log, W Gourmet. Về tình hình kinh doanh, IN Hospitality ghi nhận lãi sau thuế đột biến năm 2022 với 130 tỉ đồng, tăng gấp gần 11 lần năm 2021 (11,9 tỉ đồng).
IN Dining thách thức Golden Gate
In Hospitality tiền thân là Công ty Cổ phần PQC Convention, đơn vị thành viên và cũng là lĩnh vực cốt lõi trong “hệ sinh thái” IN Holdings của 2 doanh nhân song sinh Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý. Hai doanh nhân này có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, tiệc cưới, khách sạn.
Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, cho biết VinaCapital hiện là cổ đông của IN Holdings và đồng hành với doanh nghiệp trong 4 năm qua. Cũng theo ông Andy Ho, IN Dining hướng tới khách hàng ở phân khúc cao cấp nhiều hơn. “VinaCapital với tư cách là cổ đông chiến lược, hoàn toàn ủng hộ và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về chiến lược, nguồn vốn để họ có đủ nguồn lực vận hành, mở rộng chuỗi nhà hàng đồ ăn và thức uống thuộc IN Dining”, ông nói.
Trong khi đó, lĩnh vực F&B tại Việt Nam vẫn được đánh giá nhiều tiềm năng tăng trưởng và đã hồi phục nhanh kể từ sau dịch đến nay. Thống kê của iPOS.vn cho thấy thị trường F&B Việt Nam đã tăng tốc đáng kể sau dịch COVID-19. Tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 338.600 nhà hàng, quán cà phê với tốc độ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2016-2022 đạt 2%. Đơn vị này ước tính quy mô thị trường F&B năm 2023 sẽ tăng 18% so với năm 2022, đạt 720.000 tỉ đồng. Sau khi hồi phục và tăng trưởng ấn tượng, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến đạt giá trị 938.300 tỉ đồng vào năm 2026.
Golden Gate (chủ quản chuỗi Vuvuzela, Kichi-Kichi, Sumo, GoGi…) đã tăng trưởng nhanh chóng hậu COVID-19. Năm 2022, Golden Gate đạt đỉnh lợi nhuận với 659 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 431 tỉ đồng. Con số lãi năm 2022 của đơn vị F&B này thậm chí gấp 2 lần mức lãi hồi trước dịch.
Thực tế, Nova F&B mới chỉ là một tân binh trên thị trường, trong khi Golden Gate đã có nhiều năm chinh chiến. Hiện tại, ở lĩnh vực chuỗi nhà hàng, Golden Gate đang dẫn đầu về độ phủ, quy mô cửa hàng và doanh thu. Nếu Golden Gate tập trung vào các thương hiệu trung cấp, thì Nova F&B hướng đến phân khúc cao cấp hơn. Sau khi mua lại Nova F&B, IN Dining sẽ phải tăng tốc để cạnh tranh với hệ thống chuỗi của Golden Gate. Đáng chú ý, theo ông Vũ Thanh Hùng, CEO iPOS.vn, nhà hàng ở phân khúc cao cấp (Premium F&B) đang trên đà tăng trưởng. Mô hình này không những phục vụ cho nhóm khách hàng cao cấp, mà còn phục vụ cho những khách hàng cận cao cấp vào những dịp đặc biệt.
Cũng phải nói thêm, Golden Gate cũng đang trong giai đoạn tái cấu trúc nội bộ, tinh giản bộ máy quản trị. Sau 18 năm thành lập, công ty này cũng mới thay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate và logo nhận diện thương hiệu. Với sự đổi mới này, ông Đào Thế Vinh, Tổng Giám đốc Golden Gate, nhấn mạnh đến chiến lược “đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới và mang mô hình ẩm thực quốc tế về Việt Nam”. Trước đó, tháng 11/2022, Hội đồng Quản trị Công ty đã công bố đầu tư ra nước ngoài bằng việc thành lập công ty tại nước ngoài với số vốn đầu tư hơn 4 triệu USD. Mục đích kinh doanh là tư vấn, nhượng quyền thương mại, vận hành nhà hàng, phân phối thực phẩm.
Tính đến cuối tháng 12/2022, hệ thống Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu với gần 400 nhà hàng tại hơn 40 tỉnh, thành. Sự bùng nổ của Golden Gate và bước chuyển của Nova F&B dưới cái tên mới là IN Dining báo hiệu thị trường F&B sắp tới vẫn có nhiều đợt sóng mới.
Hương Nguyễn
Nguồn: nhipcaudautu