Đấu trường game di động
Dù được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng game di động tại Việt Nam lại thiếu nhiều động lực để tạo ra điểm bùng nổ.
Được đánh giá cao về năng lực sản xuất game di động nhưng Việt Nam có nguy cơ xếp chót bảng trong đường đua trị giá hàng tỉ USD ở Đông Nam Á.
“Mỏ vàng mới” của Đông Nam Á
Năm 2013, Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông được Google vinh danh trên bảng xếp hạng game di động phổ biến nhất. Đúng 7 năm sau, nhà sản xuất và phát hành game âm nhạc trên di động của Việt Nam Amanotes được nhắc đến trên các bảng xếp hạng toàn cầu.
Ngoài Flappy Bird hay Amanotes, rất nhiều công ty phát triển game của Việt Nam được thế giới biết đến như Imba, Wolffun, Topebox… Có rất nhiều tựa game nổi danh được sản xuất bởi đội ngũ nhân sự 100% người Việt như Free Fire, Caravan War, Game 7554, I Squad, Arena of Survivors…
Dù sở hữu nhiều danh hiệu nhưng Việt Nam đang được xếp gần chót trong cuộc đua game di động ở khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, theo báo cáo Newzoo 2022, Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt 4,5 tỉ USD giai đoạn 2020-2025, với CAGR 7,4%, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng của ngành game di động toàn cầu. Mặc dù vậy, doanh thu không phân chia đồng đều cho các nước mà có xu hướng chảy về các quốc gia có lợi thế về người chơi và khả năng chi trả.
Tại khu vực, Indonesia dẫn đầu thị phần với 138 triệu người chơi cùng quy mô 1,4 tỉ USD. Kế đến là Thái Lan với hơn 38 triệu người chơi với quy mô 763 triệu USD. Việt Nam hiện chỉ đứng trên Singapore, đơn vị xếp cuối bảng xếp hạng với 507 triệu USD doanh thu dù lượng người chơi rất cao, chỉ xếp sau Indonesia với 58 triệu người. Nếu không có gì thay đổi, khi miếng bánh thị trường ngày càng phình to thì dòng tiền vẫn có xu hướng đổ vào các quốc gia đang được hưởng lợi về số người chơi game cùng khả năng chi trả.
Tuy nhiên, các động thái gần đây cho thấy chính phủ các nước không muốn yên vị với vị trí hiện tại. Điển hình như Thái Lan, Cơ quan Xúc tiến Kinh tế số (DEPA) hỗ trợ các chính sách về tiền mặt như ngân sách quảng bá lên đến 150.000 USD cho những sự kiện về game hay các gói hỗ trợ công ty game từ 1,5-5,8 triệu USD. Hay như Philippines, Hội đồng Kinh tế Sáng tạo của nước này từ tháng 1/2021 đã đưa ra chính sách giảm thuế thu nhập từ 30% xuống 25% để thu hút các doanh nghiệp game trong khu vực. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành, chi phí nhân lực hấp dẫn cũng là một kế sách mà hội đồng này đưa ra để thu hút vốn ngoại.
Chính phủ các nước tăng cường thúc đẩy ngành game là có lý do. Từ trước đến nay, ngành game có tính rủi ro rất cao, được xếp ngang với sản phẩm phim ảnh nên ít được quan tâm từ nhà đầu tư chứ đừng nói đến cấp cơ quan bộ ngành của chính phủ. Tuy nhiên, kể từ khi hình thức thể thao điện tử esports xuất hiện, định kiến này đang dần thay đổi.
Thứ nhất, với tính định kỳ, esports có thể tổ chức hằng quý, hằng năm với cùng một tựa game. Thứ 2, thay vì chỉ bán vật phẩm trong game hay quảng cáo từ game, nguồn thu esports đa dạng hơn như từ tài trợ, bản quyền, phí phát hành và bán vé… Để so sánh, theo Newzoo, năm 2019, Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) có doanh thu từ các giải đấu là 766 triệu USD, trong khi esports là 957,5 triệu USD. Lưu ý rằng FIFA là giải đấu có 100 năm lịch sử, còn esports chỉ mới xuất hiện gần đây.
Về chi phí tổ chức, nếu như FIFA World Cup Qatar 2022 tốn hơn 1,6 tỉ USD chi phí tổ chức, thì sự kiện quy mô tương tự của Riot Games tốn chỉ khoảng 100 triệu USD. Quan trọng hơn, esports không bị ảnh hưởng bởi giãn cách do dịch COVID-19. Khi dịch bệnh diễn ra, công ty này vẫn thu về 1,75 tỉ USD doanh thu trong năm 2020. Với tỉ lệ lợi nhuận trên tổng đầu tư (ROI) cao, chính phủ các nước đang quan tâm đến esports và có chính sách hỗ trợ các công ty game trong nước có thể tạo ra các giải đấu tương tự để tối ưu nguồn thu.
Chờ cú bật từ chính sách
Theo Newzoo, trong năm 2022, thế giới có 3,2 tỉ người chơi game. Tổng doanh thu ngành game đạt 198 tỉ USD. Việt Nam có nhiều cơ hội để tạo nên sự bùng nổ của thị trường game với các lợi thế: dân số đông, nhiều bạn trẻ, có nền tảng hạ tầng internet, giá rẻ, tốc độ mạng cao nhất Đông Nam Á. Số lượng người sử dụng smartphone trên 90% người trưởng thành.
Thực tế, Việt Nam có 28,4 triệu người chơi game, chiếm 30% dân số. Thế hệ Gen X, Gen Y được tiếp xúc với game từ sớm. Năm 2015, nhân lực ngành game là 7.000 người nhưng đến năm 2021 đã lên tới 25.000 người. Tuy nhiên, trong khi các nước nhìn nhận game là ngành kinh tế mới kèm theo các chính sách hỗ trợ phù hợp để tiến tới esports, thì doanh nghiệp làm game ở Việt Nam vẫn đang trông chờ vào chính sách. Cùng với việc đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành game trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính đang làm khó cho ngành game Việt Nam trên đường đua với các quốc gia trong khu vực.
Đầu tiên, dù luôn xuất hiện trong các bảng xếp hạng game của Google nhưng đa phần game từ Việt Nam là miễn phí và có nguồn thu từ quảng cáo trong game là chính. Nguồn thu này không bền vững do thể loại game này dễ làm, dễ sao chép cùng với việc các chính sách thắt chặt quảng cáo từ Google và Apple mới đây khiến doanh thu càng thêm bấp bênh.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam (VIRESA), cho biết tỉ suất ngành game hiện chỉ từ 3-8%. Sự thay đổi từ chính sách quảng cáo từ các nền tảng phân phối toàn cầu cùng với việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) sẽ càng đẩy các công ty game Việt Nam vào thế khó. Cộng với việc xin phép phát hành game vẫn còn nhiều bất hợp lý, khó khăn trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng những động thái hiện nay sẽ dẫn đến xu hướng doanh nghiệp sẽ đặt công ty ở Singapore trở nên phổ biến hơn, bỏ qua thị trường trong nước và tạo cơ hội cho game không phép khai thác tập khách hàng Việt Nam.
Không chỉ vậy, các công ty game di động Việt Nam ước tính đã xuất khẩu 200 triệu USD trong năm 2022 và nếu làn sóng di dân sang quốc gia khác để có chi phí tốt hơn diễn ra trong thời gian tới, Việt Nam có thể mất luôn nguồn thu nhập này. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, CEO Công ty VTC, thị trường game nội địa đang ở trạng thái nuôi dưỡng, còn nhiều rủi ro, nếu áp thêm thuế sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho biết, các quốc gia như Mỹ, Singapore, châu Âu, Trung Quốc… vẫn chưa có chính sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game. “Cần hết sức cân nhắc khi áp dụng thuế này ở Việt Nam. Vì có thể không đạt mục tiêu điều chỉnh hành vi người chơi game hay tăng thu thuế cho ngân sách nhà nước mà có thể khiến doanh nghiệp khó khăn hơn”, ông Lực nói.
Một vấn đề khác, cần được quan tâm khi phát triển ngành công nghiệp game là nhân sự. Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến của VNG, cho biết game vẫn là ngành nghề bị nhiều định kiến với xã hội, vì thế nhân sự trong ngành này cũng bị ảnh hưởng theo. Điều này dẫn đến hệ quả là khó thu hút nguồn lực tham gia trong khi đây là ngành tiềm năng và nhiều studio Việt Nam đã chứng minh được khả năng trên đấu trường quốc tế. Cần có các chiến dịch thay đổi nhận thức xã hội và tôn vinh nhân sự làm trong ngành này.
Điển hình như Hàn Quốc, năm 2016, nhận thấy ngành công nghiệp game bị cạnh tranh bởi nhiều đối thủ, trong đó đáng kể nhất là lực lượng công ty game đến từ Trung Quốc, chính phủ nước này đã ban hành hàng loạt chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp game quốc gia. Song song đó là các chương trình thay đổi định kiến xã hội từ Bộ Văn hóa để thu hút nhân lực tham gia.
Trong khi đó, Trung Quốc đã công nhận esports nằm trong 1.900 nghề có danh xưng. Nước này cũng có những ngành học đầu tiên về esports trong khu vực châu Á, như cách phát triển, quản lý đội tuyển chuyên nghiệp sau khi đưa bộ môn này thành hạng mục thi đấu chính thức trong giải quốc tế lẫn quốc gia.
Nhiều tựa game hay do Việt Nam sản xuất chỉ phát hành ra thị trường toàn cầu, thậm chí có công ty đặt trụ sở ở Singapore. Thực tế này cho thấy năng lực của đội ngũ phát triển game của Việt Nam, nhưng cũng chỉ ra đóng góp của ngành game cho sự phát triển của đất nước còn hạn chế. Về vấn đề này, ông Lã Xuân Thắng cho rằng các doanh nghiệp trong nước không ngại cạnh tranh bởi chúng ta đủ nhân lực, tiềm lực. “Cái khó với chúng ta là sự bất bình đẳng, khi phải đối mặt với game lậu từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam, vốn không chịu sự kiểm soát về nội dung và thuế…”, ông Thắng nói.
Sự nổi lên của nhiều game xuyên biên giới không phép, phát hành qua kho ứng dụng Apple Store, Google Play đã gây thiệt hại lớn cho thị trường game Việt Nam. Thống kê chưa chính thức cho thấy, doanh thu từ game lậu chiếm khoảng 30% doanh thu toàn thị trường game. Thực tế này khiến các công ty Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh, suy giảm doanh thu, lợi nhuận, mất khách hàng.
Có thể thấy, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam thúc đẩy lĩnh vực game và mở ra cơ hội cho các nhà phát triển game. Ông Thái Thanh Liêm, CEO của Topebox, cho rằng trình độ phát triển game lớn của Việt Nam là chưa tới, một phần do các doanh nghiệp chưa tập hợp được với nhau để phát huy thế mạnh của nhau. “Khi các doanh nghiệp tập hợp lại thì chúng ta sẽ cùng phát triển và làm được những game lớn như ở nước ngoài”, ông Liêm cho biết.
Chia sẻ tại diễn đàn GameVerse 2023, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết Bộ đã chuẩn bị nhiều kế hoạch để thúc đẩy ngành game trong nước phát triển. Bộ đặt ra kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng lên con số 1 tỉ USD so với hiện nay là 600 triệu USD. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ tăng từ 30 lên 100-150 doanh nghiệp. Bộ cũng đặt ra mục tiêu kêu gọi 400 startup sản xuất game tham gia cộng đồng…
Ảnh: TL
Bên cạnh đề xuất với Bộ Tài chính không đưa game vào diện thu thuế đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian qua thực hiện cùng lúc 2 động thái là ngăn chặn game không phép và chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai. Cụ thể, Bộ đã làm việc với Google và Apple cấm hàng trăm game không phép ở Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, sắp tới, Bộ sẽ làm việc với các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, ngân hàng để hạn chế việc thanh toán của các game không phép. Về nguồn lực, hiện đã có các trường mở chuyên ngành dạy về game như Học viện Bưu chính Viễn thông, Tôn Đức Thắng, FPT, Đại học Bách Khoa.
Hiện có 200 doanh nghiệp game Việt Nam được cấp giấy phép hoạt động nhưng con số hoạt động thực sự chỉ khoảng 30. “Nếu không có các chính sách hỗ trợ thì con số này sẽ ngày càng giảm đi. Mục tiêu của chúng tôi là tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp đang hoạt động hiện tại”, ông Tự Do nói.
Nhìn chung, trong thời gian qua, các cơ quan chính phủ, hiệp hội đã nhìn nhận game là ngành công nghiệp xanh tiềm năng cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cần các chính sách hỗ trợ thiết thực và đột phá hơn, nếu không doanh nghiệp game Việt Nam sắp tới tồn tại được trên sân nhà đã là một thách thức, chứ đừng nói đến cuộc đua với các công ty game khu vực hay giấc mơ esports.
Công Sang
Nguồn: nhipcaudautu