A.I đang thay đổi “cuộc chơi” của Phố Wall
Câu chuyện con người điều khiển Phố Wall có thể sắp trở thành quá khứ. Trung tâm tài chính thế giới sẽ sớm bị chi phối bởi trí tuệ nhân tạo.
Chi phí sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) vẫn còn rất đắt đỏ và lợi ích thu về từ A.I đối với các ngân hàng vẫn chưa thống kê được. Tuy nhiên nhiều ngân hàng lớn nhất thế giới tập trung tại Phố Wall, thành phố New York nước Mỹ đã bước vào cuộc đua đầu tư cho hạng mục công nghệ này.
Nếu Deutsche Bank bắt đầu sử dụng A.I để quét danh mục khách hàng có tài sản từ chục triệu USD trở lên thì một ngân hàng Hà Lan có tên ING đã dùng A.I nhận diện những người có khả năng vỡ nợ. Sau khi chứng tỏ được tính hiệu quả vượt trội trong xử lý các công việc nghiệp vụ hằng ngày, A.I cũng sớm cho Phố Wall thấy được năng lực phân tích phức tạp và lập mô hình rủi ro vượt xa các chuyên viên giàu kinh nghiệm.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu Evident, từ tháng 2 đến tháng 4 vừa qua, ngân hàng hàng đầu nước Mỹ là JPMorgan đã tuyển dụng 3.651 vị trí công việc có liên quan đến A.I cho hệ thống trên toàn cầu. 2 đối thủ của JPMorgan là Citigroup và Deutsche Bank mỗi tổ chức cũng tuyển xấp xỉ 2.000 vị trí có sử dụng A.I trong cùng khoảng thời gian trên. Nghiên cứu của Eviden cho thấy tại các ngân hàng hàng đầu, khoảng 40% các vị trí công việc tuyển dụng mới là liên quan đến A.I như kỹ sư dữ liệu, định lượng và quản trị.
Eigen Technologies, công ty hỗ trợ công nghệ cho các ngân hàng bao gồm Goldman Sachs và ING với A.I cũng cho biết: Trong quý I/2023, các ngân hàng là khách hàng của Eigen yêu cầu hỗ trợ dịch vụ liên quan đến A.I tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đa số các ngân hàng đang sử dụng A.I để đưa ra các giải pháp phòng ngừa rủi ro phù hợp hơn thông qua các công cụ như hoán đổi lãi suất và các công cụ phái sinh vốn chủ sở hữu, cho phép họ đưa ra mức giá tốt hơn cho khách hàng.
Tiềm năng là vậy, nhưng sự phát triển nhanh chóng của A.I không khỏi đặt ra mối lo ngại về tính minh bạch và an toàn. Nhiều chuyên gia lão luyện của giới tài chính, trong đó có cả tỉ phú Warren Buffett nhận xét rằng cuộc đua để sở hữu các hệ thống A.I siêu phức tạp sẽ mang đến những rủi ro trong tương lai.
JPMorgan đang phát triển một dịch vụ tương tự ChatGPT để giúp các nhà đầu tư lựa chọn các cổ phiếu cụ thể. Ảnh: Bloomberg.
Đó là chưa kể cuộc đua này sẽ ngốn không ít tiền của các ngân hàng, bởi chi phí phát triển và vận hành A.I cực kỳ tốn kém. Chẳng hạn, chi phí sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn để trả lời một câu hỏi có thể lên tới 21,5 USD cho mỗi truy vấn, trong khi một luật sư người thật chỉ lấy khách hàng có 6 USD.
Dù thế nào đi nữa, điều chắc chắn là A.I sẽ giúp ngân hàng giảm số lượng nhân viên, và số nhân viên ngân hàng mất việc trên toàn cầu có thể lên đến cả chục triệu. Trong tháng 5, JPMorgan công bố một dịch vụ tương tự ChatGPT để giúp các nhà đầu tư lựa chọn các cổ phiếu cụ thể. Còn Deutsche Bank đang triển khai Deep Learning để thay thế các chuyên viên phân tích, xem các khách hàng ngân hàng tư nhân quốc tế có đầu tư quá nhiều vào một tài sản cụ thể. Deep Learning cũng sẽ giúp ngân hàng này kết nối khách hàng cá nhân với các khoản tiền, trái phiếu hoặc cổ phiếu phù hợp.
Không chịu thua kém, Morgan Stanley được cấp bằng sáng chế cho một mô hình sử dụng A.I và học sâu để giải thích và dự đoán về chính sách tiền tệ của Fed. Wells Fargo thì đang sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn để giúp xác định thông tin nào khách hàng phải báo cáo cho cơ quan quản lý, và cách họ có thể cải thiện quy trình kinh doanh của mình.
Tương tự, Ngân hàng Pháp BNP Paribas đang sử dụng A.I để tìm cách phát hiện và ngăn chặn gian lận và rửa tiền. Còn Societe Generale’s Cast sử dụng khả năng tính toán vượt trội của A.I để quét các hành vi sai trái có thể xảy ra trên thị trường vốn.
Cẩm Tú
Nguồn: nhipcaudautu