Làm mát bền vững
Nhu cầu về các giải pháp làm mát bền vững đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Năm ngoái, các nhà khí tượng Ấn Độ đã đưa ra dự báo sóng nhiệt đầu tiên của năm vào tháng 3, với mùa hè đến sớm bất thường cùng các đợt nắng nóng kỷ lục trong lịch sử nước này. Năm nay, họ đưa ra dự báo còn sớm hơn. “Chưa đến tháng 3 mà mọi thứ giống như đang trình diễn lại những gì đã xảy ra vào năm ngoái. Tốc độ thay đổi rất đáng báo động”, Aditya Valiathan Pillai thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách nhận xét. Tại Trung Quốc, các khu vực phía Nam được khuyến cáo sẽ trải qua các đợt nắng nóng khắc nghiệt kéo dài hơn trong năm nay. Trên toàn cầu, thời tiết nóng cực đoan đang diễn ra thường xuyên hơn tại nhiều quốc gia.
Nhìn lại, 8 năm qua là khoảng thời gian nóng kỷ lục. Gần 1 tỉ người đang chịu nguy cơ cao bởi sức nóng cực đoan do thiếu khả năng tiếp cận các phương pháp làm mát, hầu hết trong số đó sống ở châu Phi và châu Á. Nhu cầu về các giải pháp làm mát bền vững vì thế càng trở nên cấp bách, trong bối cảnh những phương pháp làm mát truyền thống như máy điều hòa không khí đang tạo ra hơn 7% khí thải nhà kính toàn cầu.
Đó là lý do đầu năm nay, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) công bố phát triển một cam kết làm mát toàn cầu và một kế hoạch hành động “COOL COP Menu of Actions” sẽ được ưu tiên tại Hội nghị COP28 vào tháng 11/2023.
Làm mát bền vững có thể hiểu là việc giảm nhiệt độ xung quanh và làm lạnh một cách hiệu quả và thân thiện môi trường, như hạ mức tiêu thụ năng lượng của các giải pháp làm mát, bằng cách sử dụng các chất làm lạnh thân thiện môi trường và thông qua thiết kế xây dựng. Làm mát bền vững đặc biệt quan trọng ở châu Á, vốn chiếm khoảng 60% dân số và 21/35 đại đô thị của thế giới.
“Mật độ dân số cao và khí hậu nóng bức càng cho thấy tầm quan trọng của việc làm mát đối với chất lượng cuộc sống”, Giáo sư Lee Poh Seng, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận xét. Ông nhấn mạnh châu Á là quê hương của các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, nơi tăng trưởng kinh tế nhanh, tốc độ đô thị hóa chóng mặt và mật độ dân số cao đang thúc đẩy nhu cầu đối với các giải pháp làm mát tiêu tốn nhiều năng lượng. Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng này có thể khiến nhu cầu sử dụng điện để làm mát tại đây tăng lên tới 300 TWh vào năm 2040, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Các chủ sở hữu tòa nhà có thể thuê thay vì mua lại hệ thống điều hòa không khí, giúp họ tiết kiệm chi phí mua, lắp đặt và bảo trì hệ thống làm mát. Ảnh: Quý Hòa
Giải pháp tốt nhất cho việc giữ không khí mát mẻ mà không làm nhiệt độ trái đất tăng thêm chính là kiến trúc và quy hoạch đô thị sao cho tránh được việc phải sử dụng các giải pháp làm mát ngay từ đầu. Tại Singapore, các tòa nhà chung cư cao tầng được thiết kế có cửa sổ rộng và lớn hơn để tối ưu luồng gió vào nhà. Các biện pháp làm mát thụ động khác như tạo mảng xanh trên mái nhà, lắp thêm các thiết bị che mát…
Làm mát thụ động kết hợp với công nghệ mới có thể giúp giảm lượng khí thải do việc làm mát gây ra. Breakthrough Energy Ventures của tỉ phú Bill Gates, chẳng hạn, đã rót 20 triệu USD vào máy điều hòa không khí của Blue Frontier. Với công nghệ làm mát khô bằng muối, sản phẩm này tiêu thụ năng lượng ít hơn 50-90% và lưu trữ điện năng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với pin.
Hỗ trợ tài chính cũng tạo điều kiện cho các công nghệ mới xanh hơn được đưa vào áp dụng với chi phí thấp hơn, như giải pháp “làm mát như một dịch vụ”. Theo đó, các chủ sở hữu tòa nhà có thể thuê thay vì mua lại hệ thống điều hòa không khí, giúp họ tiết kiệm chi phí mua, lắp đặt và bảo trì hệ thống làm mát. Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ, họ có thể linh hoạt trong việc chọn công nghệ bền vững và tái phân bổ thiết bị khi cần thiết để tối đa hóa nguồn lực. Điều đó không chỉ giúp tránh lãng phí năng lượng mà việc sử dụng công nghệ tiên tiến cũng giúp cắt giảm khí thải và tạo ra trải nghiệm trong nhà tốt hơn.
Theo Dina Azhgaliyeva, thuộc Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI), chính sách có thể là công cụ hiệu quả để đẩy nhanh xu hướng làm mát bền vững như đưa ra các quy định và chuẩn về tòa nhà xanh, ưu đãi thuế, trợ cấp… Ấn Độ là nước đầu tiên phát triển Kế hoạch hành động làm mát quốc gia (NCAP), trong đó có mục tiêu giảm nhu cầu làm mát 20-25% vào năm 2037-2038.
Tuy nhiên, thách thức cũng không ít. Một vấn đề thường thấy ở Đông Nam Á là sự thiếu nhận thức của người tiêu dùng về các giải pháp làm mát thân thiện môi trường. Chi phí cao là một vấn đề khác, theo Daniela Schmidt, chuyên gia năng lượng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Bà cho biết cho dù có sẵn các hệ thống làm mát hiệu quả nhất thì gần 200 triệu người sống trong đói nghèo ở các nước đang phát triển châu Á cũng không thể tiếp cận mà không có sự hỗ trợ về tài chính.
“Nhiều hộ gia đình ở Thái Lan chỉ có thể mua được loại máy điều hòa tiêu tốn năng lượng. Cứ 7/10 hộ chọn loại máy ít tiết kiệm năng lượng, cho dù sử dụng nhiều hơn 42% lượng điện và sẽ tiêu tốn nhiều hơn trong suốt vòng đời sản phẩm nhưng đó là những gì họ có thể chi trả được”, Schmidt nói. Trong khi đó, các chương trình trợ cấp chính phủ lại có nguồn lực hạn chế và thiếu bền vững.
Dù thế nào, làm mát bền vững vẫn là mục tiêu được hướng tới. Bởi vì theo ước tính của Economist Intelligence Unit, nâng cao công suất điện để đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với làm mát sẽ tiêu tốn 4.600 tỉ USD trong thập kỷ tới nhưng chuyển sang mô hình làm mát tiết kiệm hơn có thể kéo chi phí này xuống thấp đáng kể trong khi mở ra các cơ hội tài chính lớn. Bằng cách đầu tư vào làm mát hiệu quả, chi phí triển khai năng lượng tái tạo có thể giảm tới 3.500 tỉ USD vào năm 2030, đó là chưa kể việc nhu cầu làm mát gia tăng có thể đẩy tăng giá trị thị trường đối với các thiết bị làm mát siêu tiết kiệm năng lượng lên tới gần 170 tỉ USD vào cuối thập kỷ này.
Việt Phong
Nguồn: nhipcaudautu