Hạ nhiệt lạm phát

Tháng Một 27, 2023by VinhKhang0
tuvanthuanthanh_ha_nhiet_lam_phat-e1675303249536.jpg

Ám ảnh lạm phát của năm 2022 có đè nặng những chỉ tiêu kinh tế của năm 2023?

Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều phải vật lộn với tình trạng giá cả tăng vọt vào năm 2022. Tỉ lệ lạm phát toàn cầu kết thúc năm ở mức 9%. Ở Mỹ, giá tiêu dùng tăng khoảng 7% vào năm 2022, mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Ở Đức, tỉ lệ này ở mức gần 10%, lần lạm phát 2 con số đầu tiên kể từ năm 1951.

Các yếu tố thúc đẩy lạm phát ở khắp thế giới là chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt. Giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng đã có xu hướng tăng vào đầu năm 2022 do tác động kéo dài của dịch bệnh COVID-19 đối với chuỗi cung ứng. Cuộc chiến Nga – Ukraine khiến tình hình tồi tệ hơn. Giá dầu tăng vọt khi các nước phương Tây trừng phạt Nga. Giá lương thực cũng tăng mạnh do chi phí phân bón và vận chuyển cũng như việc Nga phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Việc tăng giá đột ngột đối với các mặt hàng chủ chốt đã nhanh chóng len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của người dân thế giới. Trên tất cả các khu vực, lương thực và nhiên liệu chiếm trung bình hơn một nửa lạm phát vào năm 2022. Lạm phát không chỉ là một hiện tượng từ phía cung mà đáng lo ngại nhất đối với các ngân hàng trung ương là áp lực đã ngấm vào các thành phần “cốt lõi” của chỉ số giá, đó là hàng hóa và dịch vụ ngoài thực phẩm và năng lượng.

Việc tăng giá cơ bản là dấu hiệu cho thấy lạm phát đang thu thập động lực của riêng nó, dần đi xa khỏi giá dầu mỏ. Nhiều quốc gia hiện có thị trường lao động khó khăn, một phần là kết quả của làn sóng nghỉ hưu sớm trong thời kỳ dịch bệnh. Kết quả là các công ty đang trả lương cao hơn để thu hút người lao động, làm tăng thêm đà lạm phát. Ở Mỹ, nơi mà mức tăng lạm phát lõi đặc biệt cao, một nguyên nhân chính là do gói kích thích kinh tế quá mức ở đỉnh điểm của dịch bệnh bùng phát. Trong phần lớn thời gian của năm 2022, gói kích thích kinh tế này dẫn đến nhu cầu quá nóng, với chi tiêu cá nhân thực tế cao hơn xu hướng trước đại dịch.

Khi giá cả tăng sẽ khiến người lao động yêu cầu được trả lương cao hơn. Vòng xoáy giá tiền lương vì thế sẽ khiến lạm phát khó loại bỏ hơn nhiều. Các ngân hàng trung ương đã hành động. Tích cực nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), khi tăng lãi suất từ mức sàn 0% vào tháng 3 lên hơn 4% hiện nay, mức thắt chặt tiền tệ mạnh nhất trong 4 thập kỷ. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng nối gót.

Một cách nhìn về triển vọng lạm phát năm 2023 là cuộc đấu giữa nguồn cung phục hồi và nhu cầu giảm. Nhiều khả năng, một số yếu tố thúc đẩy lạm phát vào đầu năm 2022 bắt đầu giảm dần. Giá hàng tiêu dùng đã giảm khi chuỗi cung ứng trở lại bình thường. Giá dầu đã giảm trở lại mức cách đây 1 năm, một phần nhờ vào sự phục hồi trong sản xuất. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn bằng cách bóp nghẹt nhu cầu. Các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất nhất đang chịu ảnh hưởng, nhất là “mùa đông” bất động sản đang ngày càng lạnh.

Vì thế, năm 2023, trên thế giới, dường như nỗi lo lạm phát có thể nhường chỗ cho nỗi lo thất nghiệp. Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định: “2023 sẽ là một năm khó khăn đối với phần lớn nền kinh tế thế giới khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều trải qua giai đoạn suy yếu. Chúng tôi dự đoán 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái”.

Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam, cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt mức 5,8%, giảm so với dự báo là 6,2% mà tổ chức này đưa ra hồi giữa tháng 10/2022. Tại Việt Nam, năm 2023, Quốc hội quyết CPI bình quân khoảng 4,5%. “Những năm trước, Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% nhưng năm 2023 Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu lạm phát ở mức 4,5%. Điều này cho thấy áp lực lạm phát năm 2023 sẽ lớn hơn”, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, nhận định.

Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long, chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021 là điểm sáng nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2022. Dù thành công trong ứng phó với lạm phát nhiều năm qua nhưng Việt Nam chưa thể chủ quan với lạm phát vào đầu năm 2023. Giá nhập khẩu một số mặt hàng có dịu xuống, nhưng vẫn cao hơn giá sản xuất, tiêu dùng ở trong nước. Giá nhập khẩu, giá nguyên nhiên vật liệu cao trong thời gian qua sẽ chuyển vào giá sản xuất, giá tiêu dùng, làm cho các loại giá này tăng cao hơn trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất năm 2022 tăng 6,79% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,56%, mức tăng cao nhất từ năm 2012, trong khi hơn 90% giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu tư liệu sản xuất. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang phải chịu sức ép rất lớn về chi phí sản xuất.

Đáng chú ý, yếu tố cầu kéo sẽ gia tăng áp lực, trong đó đầu tư công sẽ gia tăng, gói hỗ trợ kinh tế, đời sống sẽ được đẩy nhanh với quy mô lớn hơn, nhất là gói hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2023. Chẳng hạn, sau thời điểm tăng lương cơ bản (từ tháng 7/2023) dự báo giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm có thể tăng. Đặc biệt lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý I/2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2023.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỉ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Do đó, rủi ro nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều dự báo lạm phát vẫn ở mức đáng lo ngại. IMF dự báo những thách thức của kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối bởi suy thoái và lạm phát của các thị trường toàn cầu.

Minh Đức

Nguồn: nhipcaudautu

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button