Những yếu tố tác động đến tỉ giá USD/VND trong những tháng cuối năm
Việc tỉ giá tăng mạnh có thể làm tăng gánh nặng nghĩa vụ trả nợ đối với các công ty có tỉ lệ nợ bằng USD cao và nợ công.
Sau 6 lần nâng lãi suất của Fed để đối phó với lạm phát kỷ lục, đồng USD đang tăng mạnh (+17,9% từ đầu năm đến nay) và gây tác động lên các đồng tiền khác. Đồng VND, vốn đang áp dụng chế độ tỉ giá hối đoái thả nổi có quản lý, cũng không tránh khỏi việc mất giá so với USD với tỉ giá bình quân tại các ngân hàng thương mại tăng 8,8% từ đầu năm.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần tăng giá bán USD trong tháng 10 với tổng mức tăng 945 đồng từ 23.925 đồng lên 24.870 đồng sau 4 lần tăng giá bán trước đó. Ngân hàng Nhà nước cũng nới biên độ tỉ giá USD/VND vốn ổn định ở mức 3% từ tháng 11/2008 lên 5%.
ACBS ước tính, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 22 tỉ USD vào năm 2022 từ dự trữ ngoại hối. Nguồn: ACBS.
Công ty Chứng khoán ACB (ABCS) đánh giá cao sự thay đổi này vì đã cho phép tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn để thích ứng với sự biến động của tỉ giá USD/VND. Mặc dù tỉ giá hối đoái tăng có thể mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu nhận thanh toán bằng USD, nhưng việc tỉ giá tăng mạnh có thể làm tăng gánh nặng nghĩa vụ trả nợ đối với các công ty có tỉ lệ nợ bằng USD cao và nợ công cũng như tăng chi phí hoạt động của các công ty hoạt động ngoại thương.
ACBS ước tính, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 22 tỉ USD vào năm 2022 từ dự trữ ngoại hối, tương đương 21% tổng dự trữ vào năm 2021, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 87 tỉ USD và đã giảm tỉ lệ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn duy trì trong ngưỡng an toàn.
Trong báo cáo được công bố mới đây, ACBS đã đưa ra các yếu tố tác động đến tỉ giá USD/VND trong những tháng cuối năm 2022. Đối với xu hướng tăng, ACBS chỉ ra 3 yếu tố có thể tác động đến tỉ giá USD/VND, bao gồm: (1) USD tiếp tục mạnh do Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới; (2) Nhu cầu USD cao cho việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu vào mùa cuối năm, (3) Nguồn cung USD hạn chế do người nắm giữ trì hoãn bán USD khi đồng tiền này đang tăng giá.
Đối với xu hưởng giảm, 3 yếu tố sẽ tác động đến tỉ giá bao gồm: (1) USD hạ nhiệt do đã tăng mạnh từ tháng 3 và các nền kinh tế lớn khác, như EU, tăng lãi suất mạnh hơn Fed hoặc can thiệp thị trường tiền tệ bằng các công cụ khác, (2) Nguồn cung USD hỗ trợ thị trường từ việc Ngân hàng Nhà nước bán ra, dòng vốn FDI, thặng dư thương mại và kiều hối thường tăng vào cuối năm, (3) Lãi suất VND tăng mạnh giúp chênh lệch lãi suất VND và USD hấp dẫn hơn so với việc nắm giữ USD.
Theo ACBS, tình hình bất ổn toàn cầu và USD tăng mạnh, gây áp lực lên VND, có vẻ là những lý do chính khiến Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng các lãi suất điều hành chủ chốt thêm 200 điểm phần trăm vào cuối tháng 9 và tháng 10.
“Cho đến nay, chúng tôi không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm bất kỳ một đợt tăng lãi suất nào nữa trong năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì quan điểm là nếu các Ngân hàng Trung ương có những động thái diều hâu bất ngờ khi kết thúc năm, thì chúng ta có thể thấy Ngân hàng Nhà nước sẽ phản ứng bằng cách tăng thêm 50 điểm phần trăm nữa vào cuối năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cố gắng giữ mức chênh lệch dương giữa lãi suất liên ngân hàng VND và USD, điều này có thể giúp VND trở nên hấp dẫn hơn và giảm bớt áp lực tăng tỉ giá USD/VND”, ACBS nhận định.
Ngọc Tâm
Nguồn: nhipcaudautu