Cửa vẫn mở cho biotech
Các nhà đầu tư đang quay trở lại với ngành biotech nhưng chỉ hứng thú với một số công ty có danh mục sản phẩm hứa hẹn.
Sau các đợt gọi vốn thành công trong suốt đại dịch COVID-19, các công ty công nghệ sinh học (biotech) lên sàn gần đây đang trải qua giai đoạn thị trường giá xuống tồi tệ nhất kể từ thập niên 2000 khi báo cáo kết quả kinh doanh quý I và II/2022 ảm đạm đã tác động mạnh đến giá cổ phiếu ngành này. Chỉ số công nghệ sinh học Nasdaq (bao gồm cả các công ty biotech lớn hơn) đã giảm 28% kể từ mức đỉnh hồi đầu tháng 9 năm ngoái trong khi chỉ số S&P XBI của các công ty nhỏ hơn đã giảm 41% kể từ mức đỉnh của tháng 11/2021.
Nhưng cánh cửa không đóng với tất cả các công ty biotech vì một số startup bắt đầu huy động được lượng tiền lớn sau giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tích cực. Vincent Meunier, Giám đốc Điều hành tại Bryan Garnier & Co, cho biết thị trường đã khác so với cách đây 2 tháng. “Trước kỳ nghỉ hè, chúng tôi phải tạm hoãn rất nhiều thương vụ giao dịch. Nhà đầu tư thực sự bi quan. Nhưng giờ đây nhà đầu tư đang để ý đến những cơ hội mang lại nhờ mức định giá thấp”, ông nói. Ông vừa hoàn tất vòng gọi vốn tiếp theo trị giá 102,9 triệu USD cho nhà sản xuất vaccine Pháp Valneva, vốn chứng kiến giá giảm 64% từ đầu năm đến nay.
Một số công ty biotech, nhất là các công ty có dữ liệu lâm sàng mới cho thấy sản phẩm của họ đang phát triển đúng hướng, đã huy động vốn vòng tiếp theo trên thị trường đại chúng, với 5,2 tỉ USD gọi được trong quý III/2022, cao hơn cả vòng 1 và 2 cộng lại.
Chiến sự Ukraine, kinh tế suy thoái… từng khiến thị trường lo ngại nhưng nay có dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư tin rằng giá đã gần chạm đáy, khi một số quỹ đầu cơ đã bắt đầu rót vốn kể từ cuối mùa hè vừa qua. Antonie Papiernik, Chủ tịch Sofinnova Partners, cho biết: “Chúng tôi tin rằng chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống sẽ là lĩnh vực khổng lồ vì con người không muốn chết”.
Tuy vậy, thị trường đại chúng ảm đạm đã tạo áp lực lên các công ty chưa niêm yết khi phải chịu sự săm soi kỹ hơn từ chính các nhà đầu tư mạo hiểm của họ. Torreya, một ngân hàng đầu tư chuyên về lĩnh vực khoa học đời sống, cho biết quy mô trung bình của một thương vụ gọi vốn tư nhân đã giảm 44% trong giai đoạn từ quý I đến quý III/2022.
Theo Geraldine O’Keeffe, đối tác tại hãng đầu tư mạo hiểm EQT Life Sciences, hầu hết các nhà đầu tư cho rằng thị trường IPO biotech sẽ phải chờ đến năm 2023 mới khởi sắc trở lại, vì thế các lựa chọn gọi vốn khác sẽ trở nên quan trọng. “Tôi cho rằng cơ hội chỉ dành cho những công ty nào có tài sản tốt”, bà nói.
Một số công ty biotech, nhất là các công ty có dữ liệu lâm sàng mới cho thấy sản phẩm của họ đang phát triển đúng hướng, đã huy động vốn vòng tiếp theo trên thị trường đại chúng, với 5,2 tỉ USD gọi được trong quý III/2022, cao hơn cả vòng 1 và 2 cộng lại. Ảnh: genengnews.com
Nhưng đối với phần lớn công ty không đủ may mắn để đưa ra các dữ liệu tích cực trong năm nay, tình hình gọi vốn vẫn rất mờ mịt giữa lúc họ vẫn cần huy động vốn cho các đợt thử nghiệm lâm sàng tốn kém. Chính lúc này là thời điểm chín muồi cho làn sóng M&A bùng nổ: các hãng dược phẩm lớn đang nắm xấp xỉ 300 tỉ USD tiền mặt và nhiều công ty như Merck, Bristol-Myers-Squibb cần lấp đầy danh mục sản phẩm của họ vì nhiều bản quyền sáng chế lớn sẽ hết thời hạn bảo hộ trong nửa sau của thập kỷ này. Trong khi đó, các công ty biotech lại cần đến năng lực tài chính của các hãng dược lớn để tài trợ cho những đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và thương mại hóa các loại thuốc điều trị thành công.
Kết quả là những tháng gần đây đã chứng kiến một số thương vụ M&A đáng chú ý. Hồi tháng 8, Amgen đã đồng ý mua lại ChemoCentryx với giá 3,7 tỉ USD. Trước đó, GSK đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Sierra Oncology. Hay Novo Nordisk chấp thuận mua lại Forma Therapeutics Holdings với giá 1,1 tỉ USD.
Người mua tích cực nhất phải nói đến Pfizer khi mới đây đã hoàn tất thương vụ mua lại Biohaven với giá 11,6 tỉ USD và Global Blood Therapeutics với giá 5,4 tỉ USD. Hồi tháng 6, hãng này cũng tuyên bố hoàn tất thương vụ mua lại ReViral. Cuộc đi săn ráo riết của Pfizer đã cho thấy một thông điệp rằng các thương vụ M&A là một phần cực kỳ quan trọng trong nỗ lực của Tập đoàn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đến cuối thập kỷ này. Pfizer cho biết các cơ hội phát triển kinh doanh như thế có thể cộng thêm ít nhất 25 tỉ USD vào tổng doanh thu đến năm 2030.
Dẫu vậy, các hoạt động M&A hiện ít sôi nổi hơn so với mong đợi của thị trường. Một lý do là bên bán đòi hỏi mức giá cao hơn. “Vẫn có chênh lệch định giá giữa người bán và người mua. Khi nào khoảng cách này vẫn còn, rất khó để 2 bên đi đến thống nhất”, một nhà điều hành ngân hàng cho biết.
Đồng quan điểm, Jeffrey Stoll, thuộc KPMG nhận xét: “Mức định giá giảm vì cổ phiếu tại hầu hết các công ty đã bị rớt giá từ 15-30%. Bên bán vẫn muốn mức giá của năm 2021 và cho rằng các điều kiện thị trường bất ổn năm 2022 chỉ là tạm thời. Một số công ty muốn trì hoãn cho đến khi điều kiện thị trường tốt hơn”. Trong khi đó, Nooman Haque thuộc Silicon Valley Bank tin rằng các thương vụ M&A sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhưng hiện tại các hãng dược lớn vẫn tỏ ra “thong thả” trong việc lựa chọn các công ty mục tiêu, có lẽ vì họ cho rằng thị trường sẽ không sớm phục hồi.
Thực ra, vẫn có một số lựa chọn gọi vốn khác như tiếp cận khoản vay dành cho các startup trẻ, hoặc gọi vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (PE). Các quỹ PE đang tỏ ra hứng thú với những công ty biotech mà có các sản phẩm được chứng minh hiệu quả hoặc ở giai đoạn phát triển sau. Autolus, công ty đang phát triển các liệu pháp ung thư tiên tiến, đã ký kết thương vụ 250 triệu USD với Blackstone Life Sciences, công ty PE thuộc Tập đoàn Blackstone. Theo đó, đơn vị này rót 100 triệu USD vào cổ phiếu Autolus và thêm 150 triệu USD để tài trợ cho các sản phẩm.
Allan Marchington, đứng đầu mảng khoa học đời sống tại tập đoàn đầu tư tư nhân Intermediate Capital Group, dự đoán sẽ có nhiều thương vụ diễn ra trong 6 tháng tới khi những công ty biotech nhận thấy họ rất cần tiền. “Đó là thời điểm tuyệt vời để đầu tư”, ông nói.
Văn Quốc
Nguồn: nhipcaudautu