Anh đối mặt cuộc suy thoái dài chưa từng có
Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo cuộc suy thoái của nền kinh tế Anh có thể kéo dài đến năm 2024. Nước này vẫn đang chật vật đối phó với mức lạm phát cao nhất 40 năm.
CNBC đưa tin hôm 3/11, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo Anh đang đối mặt với cuộc suy thoái dài nhất từ trước đến nay. Suy thoái kinh tế dự kiến kéo dài đến năm 2024.
BoE mô tả tình hình hiện tại của kinh tế Anh “rất thách thức”. Cơ quan này nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gấp đôi lên 6,5% trong cuộc suy thoái kéo dài 2 năm.
Ngân hàng trung ương dự báo GDP của Anh sẽ giảm khoảng 0,75% trong nửa cuối năm 2022. Thu nhập thực tế của các hộ gia đình lao dốc vì giá năng lượng và hàng hóa tăng cao.
Suy thoái đến năm 2024
Nền kinh tế được dự báo tiếp tục đi xuống trong suốt năm 2023 và nửa đầu năm 2024. Nguyên nhân là “giá năng lượng tăng cao, các điều kiện tài chính thắt chặt đè nặng lên chi tiêu”.
Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là cuộc suy thoái dài nhất (nhưng không nghiêm trọng nhất) của Anh kể từ thập niên 20, thời điểm bắt đầu thu thập dữ liệu.
Vào cuộc họp hồi tháng 8, BoE đã dự báo Anh sẽ đối mặt với cuộc suy thoái dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng theo những dự báo mới nhất, suy thoái kinh tế thậm chí còn kéo dài hơn.
Các dự báo được đưa ra sau khi BoE tăng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm hôm 3/11, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1989.
Với 8 đợt tăng lãi suất liên tiếp, BoE đang cố gắng kìm chế lạm phát đang đè nặng lên nước Anh. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 đã tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong 40 năm.
Lạm phát đang đè nặng lên túi tiền của các hộ gia đình ở Anh. Ảnh: Reuters.
Khi lạm phát tăng lên, niềm tin của người tiêu dùng Anh đã chạm đáy. Một báo cáo được chính phủ công bố hồi giữa tháng 10 chỉ ra doanh số bán lẻ lao dốc 1,4% trong tháng 9, tồi tệ hơn dự báo trước đó của giới quan sát.
Sản lượng kinh tế của Anh lao dốc 0,3% trong tháng 8, sau khi chỉ nhích lên 0,1% vào tháng 7.
“Tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế leo thang đã khiến các hoạt động kinh doanh sụt giảm với tốc độ chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, nếu không tính đến những giai đoạn phong tỏa vì đại dịch”, CNN dẫn lời ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, nhận xét.
Thách thức với ông Sunak
“Câu hỏi lớn nhất bây giờ là, một cuộc suy thoái sẽ kéo dài trong bao lâu và nghiêm trọng đến mức nào”, ông Dean Turner – nhà kinh tế học của UBS Wealth Management – bình luận.
Nói với CNBC, Thống đốc Andrew Bailey thừa nhận tình trạng thắt chặt trên thị trường lao động đang gây ra sức ép lạm phát lớn. “Lực lượng lao động của Anh đã thu hẹp từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Điều đó sẽ dẫn tới những rủi ro”, ông cảnh báo.
Hồi tháng 9, BoE đã buộc phải can thiệp vào thị trường tài chính thông qua việc mua lại trái phiếu khẩn cấp. Thời điểm đó, kế hoạch ngân sách nhỏ của cựu Thủ tướng Liz Truss khiến các thị trường tài chính của Anh chao đảo.
Tân Thủ tướng Rishi Sunak và Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đã đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch thuế và ngân sách của cựu Thủ tướng Liz Truss, bao gồm loại bỏ hầu hết khoản cắt giảm thuế và lời hứa không cắt giảm chi tiêu công của bà.
Do đó, ông Bailey cho rằng các rủi ro thị trường hiện đã giảm bớt. Nhưng ông vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của việc giám sát chặt chẽ hơn đối với hệ thống ngân hàng ngầm.
Tân thủ tướng Anh cũng đang đối mặt với bài toán nan giải. Vào tháng 9, chính phủ Anh đã vay ròng 20 tỷ bảng Anh (22 tỷ USD), nhiều hơn 5,2 tỷ bảng Anh (5,7 tỷ USD) so với ước tính trước đó của cơ quan giám sát tài chính nước này.
“Doanh số bán lẻ tồi tệ và nợ công vượt quá ước tính của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách sẽ khiến bài toán của thủ tướng Anh trở nên khó khăn hơn”, ông Ruth Gregory – nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics – nhận định.
“Không dễ dàng để đưa nền kinh tế Anh vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khủng hoảng vay nợ và khủng hoảng tín nhiệm hiện tại”, ông nói thêm.
Nguồn: bizlive