Doanh nghiệp và tiểu thương đang thiếu 836.000 máy POS
Số lượng máy POS (Point Of Sale) máy bán hàng chấp nhận thẻ thanh toán ngân hàng đang còn khá hạn chế tại Việt Nam, chỉ chiếm 30% nhu cầu thực tế.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến quý I/2022, tổng nhu cầu thiết bị POS của cả nước là 1,2 triệu thiết bị, trong khi đó, nguồn cung máy POS mới chỉ đáp ứng khoảng 364.000 thiết bị (khoảng hơn 30%). Như vậy, thị trường đang cần khoảng 836.000 máy POS để hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt.
Mặc dù nhu cầu sử dụng máy POS rất lớn nhưng việc hạn chế về nguồn cung, chi phí mua thiết bị cao hay điều kiện đăng ký sử dụng khó khăn đã khiến nhiều nhà bán hàng khó tiếp cận. Đặc biệt là những doanh nghiệp “siêu nhỏ” hoặc các tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể.
Nghiên cứu của SmartPay cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng như các tiểu thương đang rất cần sử dụng các máy POS để hỗ trợ công việc kinh doanh, bởi nhu cầu không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam đang gia tăng. Số lượng giao dịch bằng tiền mặt ở nước ta vào năm 2017 là 86%, tuy nhiên đến năm 2021 thì tỉ lệ giao dịch bằng tiền mặt đã giảm còn 54%.
Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Giám đốc kênh POS của SmartPay, chia sẻ hiện nay các tiểu thương ở chợ truyền thống, chủ các quán ăn, tiệm tạp hóa hay các doanh nghiệp SME đang phải tích cực chuyển đổi để cạnh tranh với các chuỗi thương hiệu lớn trong làn sóng số hóa.
Việt Nam đang có khoảng 785.000 doanh nghiệp SME chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 50% cho GDP. Chính vì vậy, doanh nghiệp SME cũng như các tiểu thương cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn trong giai đoạn phát triển sắp tới. Một trong những việc cần chú trọng đó chính là hỗ trợ thanh toán.
Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Giám đốc kênh POS của SmartPay chia sẻ về những tính năng hiện đại nhất trên máy POS hiện nay. Ảnh: Đại Việt.
Theo ông Nghĩa, hiện nay, nhà bán hàng muốn sử dụng thiết bị SmartPOS thì chỉ cần có giấy phép và mặt bằng kinh doanh cố định. Đây là thiết bị đa năng hơn so với những thế hệ máy POS trước đây vì nó chấp nhận tất cả các loại thẻ ngân hàng, đồng thời tích hợp mọi phương thức thanh toán hiện đại trên thị trường như: thanh toán qua ví điện tử, quét mã QR, thanh toán chạm. Thiết bị này cũng có thể thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, thanh toán khoản vay, trả góp thẻ tín dụng, mua trước trả sau…
Cũng theo ông Nghĩa, nhà bán hàng cũng không cần cam kết doanh số, không cần phải mua thiết bị mà chỉ cần trả khoản phí nhỏ để thuê thiết bị hàng tháng. Tính đến tháng 7/2022, SmartPay đã hỗ trợ cho 740.000 nhà bán hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc. Từ nay đến 2025, SmartPay sẽ cung ứng cho các tiểu thương, doanh nghiệp SME khoảng 350.000 thiết bị SmartPOS.
Trao đổi với PV Nhịp Cầu Đầu Tư về tính năng bảo mật của thiết bị, ông Nghĩa chia sẻ SmartPOS đạt chứng nhận PCI-DSS cấp độ 1 – cấp độ cao nhất của tiêu chuẩn bảo mật do Hội đồng Tiêu chuẩn bảo mật (PCI Security Standards Council) cấp.
Các chuyên gia đánh giá cao thiết bị POS thế hệ mới với nhiều công năng hơn, bảo mật tốt hơn. Ảnh: Đại Việt.
Theo các chuyên gia ngành tài chính, người dân đang ngày càng ưa chuộng việc thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ vốn quen với cách kinh doanh truyền thống sẽ gặp khó khăn trong việc phục vụ nhóm khách này. Ngay cả với những nhà bán hàng “sành” công nghệ thì họ vẫn đang phải dùng nhiều thiết bị để áp dụng cho các hình thức thanh toán khác nhau (qua thẻ ngân hàng, qua ví điện tử, quét QR qua ứng dụng). Điều này dẫn đến việc quản lý nguồn thu bán hàng không tập trung và mất nhiều công sức. Chính vì vậy, các thiết bị POS hiện đại và chứa nhiều hình thức thanh toán sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Đại Việt
Nguồn: nhipcaudautu