Zalo thu phí, dọn đường cho VNG lên sàn Mỹ?
Vượt qua rào cản thu phí doanh nghiệp ở Việt Nam có thể sẽ giúp VNG hấp dẫn hơn trong hành trình lên sàn chứng khoán Mỹ.
Hoàng Giang, Giám đốc Điều hành Topship, nền tảng quản lý giao hàng thương mại điện tử, cho biết trong lĩnh vực của anh, việc thu phí Zalo trước mắt có lợi nhiều hơn. Ví dụ, trước khi giao hàng, công ty anh sẽ gửi tin nhắn đến khách hàng, thông báo trước số nào sẽ gọi thông qua ZOA (Zalo Offcial Account, trang bán hàng chuyên nghiệp trên Zalo). Đến ngày giao hàng, ZOA của công ty sẽ gửi tin nhắn đến Zalo khách hàng nhắc nhở giao hàng và giao xong sẽ có tin xác nhận thành công hoặc thất bại.
Nếu thất bại, khách hàng có thể khiếu nại trên ZOA để công ty rà soát lại. Điều này giúp giảm tỉ lệ giao hàng thất bại, từ đó tăng doanh thu cho cả công ty anh và chủ cửa hàng. “Nếu xem ZOA là chi phí chăm sóc khách hàng thì tôi thấy khá hợp lý”, anh Giang nói.
Chưa có một thống kê cụ thể về số lượng doanh nghiệp “đồng ý” như anh Giang so với các ý kiến không sử dụng, thậm chí là tìm đường sang các nền tảng khác như Viber, Telegram (bản có phí) kể từ khi Zalo công bố thử nghiệm chương trình thu phí từ đầu tháng 8.
Thu phí là hiển nhiên
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 2/2022, Zalo đang giữ nhiều kỷ lục về lượng người dùng ở Việt Nam. Số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng của Zalo là 74,7 triệu người, cao hơn Messenger của Meta (67,8 triệu). Thời gian mỗi người sử dụng Zalo trung bình mỗi ngày là 28 phút, so với 20 phút của Messenger. Trong top 5 ứng dụng liên lạc, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra trên Zalo và Mocha là xấp xỉ 591 MB, cao hơn 1,43 lần so với bộ 3 nước ngoài là Messenger, Facebook và Telegram.
Thực ra, việc Zalo thu phí doanh nghiệp là điều hoàn toàn bình thường vì hầu như các ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất châu Á như KakaoTalk (Hàn Quốc) hay WeChat (Trung Quốc) đã tiến hành từ lâu và không chỉ doanh nghiệp, nhóm này còn có khả năng thu phí người dùng.
Theo Investopia, KakaoTalk tạo ra 200 triệu USD doanh thu mỗi năm nhờ vào quảng cáo, trò chơi, dán nhãn và mua sắm. Trong đó, quảng cáo chiếm phần lớn. Sở dĩ KakaoTalk đạt được vị thế này vì Công ty đã sớm vượt Facebook về lượng người sử dụng từ khi mạng xã hội này mon men vào Hàn Quốc nhờ vào việc tích hợp rất nhiều dịch vụ vào ứng dụng KakaoTalk.
WeChat thậm chí còn thuận lợi hơn khi Chính phủ Trung Quốc không chỉ cấm Facebook mà còn tạo điều kiện cho các nền tảng như WeChat phát triển để thúc đẩy thương mại điện tử. Điều này giúp Công ty có được các nguồn thu bền vững từ dịch vụ gia tăng như Moments (chức năng giúp người sử dụng chia sẻ, truy cập thông tin bạn bè và tạo các kênh trao đổi riêng…), Public Account (tương tự ZOA), game, quảng cáo và thu phí trên mỗi giao dịch được xử lý thông qua đó.
Ở Việt Nam, Zalo không có hỗ trợ từ Chính phủ, cũng không có vị thế hàng đầu như KakaoTalk trước các nền tảng ngoại nên khá chật vật tìm kiếm nguồn thu trong thời gian qua. Dù rằng ứng dụng này từng thử nghiệm nhiều mô hình như thương mại điện tử, tích hợp gọi taxi công nghệ, thúc đẩy quà tặng online (thông qua việc VNG đầu tư 6 triệu USD vào Got It)… nhưng không tạo được nhiều dấu ấn.
Thu phí doanh nghiệp là giải pháp khả dĩ nhất cho Zalo sau khi đã thử tất cả các phương án.
Áp lực nào cho Zalo?
Một vấn đề khác được đặt ra là vì sao Zalo lại thu phí sau nhiều năm miễn phí. Đáng chú ý, thông báo này diễn ra không lâu sau khi giới truyền thông đưa tin Tập đoàn VNG, công ty mẹ của Zalo, sẽ niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào cuối năm nay. Trên thực tế, việc niêm yết không thách thức bằng việc giữ chỗ sau khi niêm yết. VNG phải tìm cách trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư bằng một nguồn thu mới.
Cho đến hiện tại, hình ảnh và nguồn thu của VNG vẫn đến từ việc là nhà phát hành game trực tuyến, một câu chuyện không có gì mới đối với giới đầu tư, mặc dù dạo gần đây, VNG đã thay đổi hình ảnh trở thành Venture Builder (thuật ngữ chỉ các tổ chức đầu tư vào công ty khởi nghiệp công nghệ và thúc đẩy họ phát triển bằng các nguồn lực có sẵn) khi liên tục đầu tư vào những công ty khởi nghiệp tiềm năng đa dạng lĩnh vực ở Việt Nam và khu vực trong thời gian qua như Got It, EcoTruck, Telio, Haegin…
Tuy nhiên, đầu tư thì cần thời gian gặt hái kết quả nên Zalo vẫn là yếu tố hấp dẫn nhất. Điều VNG cần làm là chuyển Zalo thành đơn vị cung cấp dịch vụ doanh nghiệp (B2B) vì mô hình C2C (khách hàng đến khách hàng) đã bị “chê” là quá tốn kém để có được lợi nhuận trong bối cảnh mùa đông startup như hiện nay.
Trong khi đó, B2B lại trở nên hấp dẫn hơn vì tính trung thành của doanh nghiệp cao hơn và khả năng chi trả hằng tháng cũng rõ ràng hơn. DingTalk (thành lập năm 2015) của Alibaba là một ví dụ. Công ty cung cấp dịch vụ giao tiếp bằng văn bản, hình ảnh, thoại, video, quản lý quy trình làm việc và cộng tác giữa các thành viên trong nhóm và các doanh nghiệp ở nhiều quy mô khác nhau. Năm ngoái, Alibaba công bố đã có 19 triệu doanh nghiệp sử dụng DingTalk.
Con đường của Zalo có vẻ đã rõ ràng hơn. Với 500.000 doanh nghiệp Việt Nam, giả sử 10% trong số đó chấp nhận trả 5 USD/tháng thì một năm doanh thu của Zalo có thể đạt 3 triệu USD.
Câu chuyện tăng trưởng để kể cho các nhà đầu tư sẽ đến từ việc tăng số lượng doanh nghiệp trả phí hoặc tăng giá trị mỗi doanh nghiệp trả cho ZOA hằng tháng bằng cách “dẫn dụ” họ sử dụng nhiều dịch vụ cộng thêm hơn.
Hiện tại, áp lực giành cho Zalo không là bao nhiêu doanh nghiệp sẽ trả phí mà là dịch vụ của công ty này hấp dẫn đến mức nào để kịp tiến độ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ của VNG vào cuối năm nay.
Huy Vũ
Nguồn: nhipcaudautu