Chặn “nhập khẩu” lạm phát
Mỹ đang “xuất khẩu” lạm phát kỷ lục của mình ra khắp thế giới và Việt Nam phải ứng phó với vấn đề này khi tỉ giá đang có xu hướng tăng.
Theo Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất của lạm phát ở Mỹ trong hơn 40 năm qua.
Siêu lạm phát từ Mỹ lan rộng
Lạm phát ở Mỹ tăng sốc khiến giới đầu tư càng thêm lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải mạnh tay nâng lãi suất để kìm hãm đà leo thang của giá cả… Từ tháng 3 đến nay, FED đã có 3 lần nâng lãi suất, đưa lãi suất quỹ liên bang tăng từ 0-0,25% lên 1,5-1,75%. FED được cho là sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi lạm phát giảm gần về mức mục tiêu 2%.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang loay hoay tìm câu trả lời cho một tình huống bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm chuỗi cung ứng tắc nghẽn, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ quá lớn và hàng ngàn tỉ USD kích cầu trong đại dịch COVID-19. Bị mắc kẹt ở nhà trong đại dịch, người dân trên khắp thế giới, đặc biệt tại các quốc gia có gói hỗ trợ lớn như Mỹ, đã mạnh tay mua sắm nhiều hơn.
Trên thực tế, Mỹ đã xuất khẩu lạm phát và nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy sự thay đổi sâu sắc. Trong thế giới tiền COVID-19, hàng hóa rất dồi dào, người bán nỗ lực đi tìm người mua, còn hiện nay thì ngược lại. “Trước đây, có quá ít nhu cầu. Hiện tại, có quá ít nguồn cung. Và trong một thế giới quá ít cung, quốc gia cố gắng nhất để tạo ra nhu cầu, đó là Mỹ, đang xuất khẩu vấn đề của mình – đó là lạm phát”, ông Jason Furman, Giáo sư Kinh tế tại Harvard, nhận định.
Lạm phát tại Mỹ đang thúc đẩy lạm phát ở những nơi khác, khi chênh lệch thương mại của Mỹ – từng là một lợi ích – trở thành vấn đề đau đầu đối với nhiều nền kinh tế khác. FED buộc phải tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế và chống lạm phát. Đối với phần còn lại của thế giới, xu hướng này lại tạo ra một bài toán khác khi Mỹ chuyển sang xuất khẩu lạm phát thông qua một kênh khác: đồng USD siêu mạnh. Tuần trước, USD đã ngang giá đồng euro lần đầu tiên sau 2 thập kỷ. Điều này làm cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và tất cả các loại hàng hóa thường được định giá bằng USD, đặc biệt là dầu, đắt hơn đối với các nước khác.
Dự báo USD có thể còn tiếp tục đắt đỏ cho đến khi rủi ro về lạm phát toàn cầu, an ninh năng lượng châu Âu và triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc hạ nhiệt.
Thế khó của Việt Nam
Hiện lạm phát giá tiêu dùng đã vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương ở hầu hết các quốc gia thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu. Theo số liệu của World Bank, lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008 (thời điểm đó lạm phát lên tới 9,2%). Số liệu sơ bộ được Văn phòng Thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 1/7 cũng cho thấy, lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái ở khu vực đồng euro trong tháng 6 là 8,6%, cao hơn mức 8,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Trong khi đó, lạm phát thế giới đi vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu và đi dần vào giá tiêu dùng. Nhập khẩu lạm phát đã không xảy ra vào năm 2021 nhờ nhiều chính sách kiểm soát, cân đối vĩ mô có hiệu quả của Chính phủ, song có thể trở thành yếu tố tích tụ đẩy sang năm 2022. Năm nay, tỉ giá đang có xu hướng tăng khiến giá nhập khẩu tăng kép từ 2 yếu tố: giá thị trường tăng và đồng VND yếu đi. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến lạm phát, đặc biệt là tác động đến tâm lý kỳ vọng lạm phát.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, tình hình lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực nên việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất như các ngân hàng trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Ông cho rằng, nên duy trì tính thận trọng của chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. “Điều duy nhất Chính phủ có thể làm lúc này là giảm thuế, trong đó có thuế xăng dầu. Bởi lẽ, xăng dầu đang đánh thuế 40%, khi giá xăng lên cao sẽ khiến tất cả các loại hàng hóa tăng giá”, ông Nghĩa nói.
Lạm phát thế giới đi vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu và đi dần vào giá tiêu dùng. Ảnh: Quý Hòa
Nhiều ý kiến cũng cho rằng lạm phát trên thế giới cơ bản do đứt gãy chuỗi cung ứng nên tăng lãi suất sẽ khiến kinh tế suy thoái nếu tăng nhanh quá mà chưa chắc kiểm soát được lạm phát. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu, nên nếu như tăng lãi suất, càng phá giá đồng tiền thì càng ảnh hưởng đến nhập khẩu.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ không giải quyết được lạm phát một cách hoàn hảo. Muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát, Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách, can thiệp trực tiếp vào lãi suất cơ bản.
Hoàng Hà
Nguồn: nhipcaudautu