Black Friday tại Việt Nam: Giảm giá ảo?

Tháng Mười Một 24, 2018by VinhKhang0
giamgiablackfridaymuasamdoanhnhansaigon-1513220451-e1543025502449.jpg

Tuần lễ Black Friday đã qua, nhìn lại những hoạt động khuyến mãi trên các trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee… thì thấy vẫn còn nặng tính phong trào chứ chưa thể hiện rõ nét tính chất của “ngày hội khuyến mãi” này và chưa đem lại nhiều giá trị cho người dùng cuối.

Chiêu giảm giá ảo

Dạo quanh thị trường online, đa số các trang thương mại điện tử đều áp dụng mức giảm giá khá cao, từ 30 – 50%, thậm chí có trang áp dụng mức 100% trong giờ vàng đối với một số mặt hàng. Tuy nhiên, giá thường không đúng như vậy bởi vì các trang cố tình đánh tráo 2 khái niệm “giá thị trường” và “giá niêm yết”.

Một quản lý thương hiệu (giấu tên) cho biết, giá thị trường dùng để chỉ phân khúc giá chung cho một loạt sản phẩm (ví dụ điện thoại di động) có cấu hình và hiệu năng tương đương nhau. Tuy nhiên, giá hãng M đưa ra là 5 triệu đồng, hãng D là 7 triệu, còn hãng A là 6 triệu. Như vậy, giá thị trường có biên độ dao động trong khoảng 5 – 7 triệu đồng.

Nhưng các trang thương mại điện tử thường ghi mức giá 7 triệu vào khung giá chuẩn của mình, kế đến họ sẽ ghi mức khuyến mãi từ 30 – 50% nhưng thực chất sản phẩm đó có mức giá thấp hơn rất nhiều. Cách này chủ yếu là để tạo ra mức giảm giá cực lớn, gây tò mò và kích thích đối với những người mua hàng không có thời gian tìm hiểu sản phẩm tường tận.

Ví dụ, một chiếc smartphone Lenovo K8 Plus trên Lazada trước đây ghi giá (giá thị trường) 7.137.000 đồng, giảm 37%, còn 4.490.000 đồng. Tuy nhiên, giá niêm yết của sản phẩm này khi ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 10/2017 là 5.490.000 đồng. Như vậy, mức giảm 37% của Lazada thực chất chỉ là “giảm giá ảo” đánh lừa người dùng.

Tương tự tại Tiki, máy ảnh Canon M10 có giá thị trường là 10 triệu đồng, giảm 32%, còn 7.150.000 đồng. Tuy nhiên, nếu dùng công cụ websosanh.vn kiểm tra giá trực tiếp thì thấy tại các trang web Lottermart, Lazada và Đại lý máy ảnh Ảnh Đức lần lượt là: 7 triệu, 6,5 triệu và 6 triệu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thị trường Tiki đề xuất chính là giá niêm yết của sản phẩm khi ra mắt năm 2016, đến thời điểm tháng 11/2017 thì sản phẩm đã thuộc nhóm mặt hàng lạc hậu công nghệ và Hãng Canon đã có mẫu mới thay thế nên giá Canon M10 chỉ còn ở mức 6 triệu đồng là hợp lý.

Có rất nhiều sản phẩm, đặc biệt là hàng điện tử, gia dụng, mức giảm niêm yết tới 50 – 60% nhưng vẫn cao hơn giá thị trường. Một chiếc máy giặt Electrolux có mức giảm đến 49%, còn 7,99 triệu đồng (chưa VAT) nhưng giá trên thị trường ở mức 8 – 8,3 triệu (đã VAT). Như vậy, nếu người dùng không am hiểu, không biết so sánh giá thì dễ dàng rơi vào “bẫy giảm giá ảo”.

Tương tự, nhiều sản phẩm khác trên Tiki, Lazada, Sendo, Shopee… cũng có mức giảm giá ảo và người dùng không tránh khỏi lạc vào ma trận giá, cứ tưởng được hưởng khuyến mãi cực lớn nhưng thực ra mức giá chẳng tốt hơn bao nhiêu.

Mua hàng khuyến mãi phải thông minh

Chiêu đẩy giá lên cao quá giá thực tế rồi ghi mức giảm giá rất hấp dẫn là chuyện rất phổ biến không chỉ trong ngày Black Friday, tuy nhiên, người mua hàng vẫn thường xuyên “dính bẫy”. Thậm chí, nhiều sản phẩm khuyến mãi rồi giá vẫn còn cao hơn giá thị trường. Thêm vào đó, các chương trình giảm giá cực lớn chủ yếu để các nhà kinh doanh xả hàng tồn kho, hàng trái mùa, lỗi mốt… thường giảm giá quanh năm.

Đó là lý do người dùng cần cẩn trọng và có lựa chọn thông minh để mua được hàng giá rẻ mà sử dụng phù hợp. Trong trường hợp không am hiểu về các sản phẩm khuyến mãi thì nên nhờ bạn bè hoặc những người hiểu biết về sản phẩm, không nên nóng vội khi thấy giảm giá có thời hạn là đặt hàng ngay vì hám lợi trước mắt.

Ông Minh Hoàng (quận Bình Tân) chia sẻ: “Mua hàng trực tuyến ngày Black Friday hoặc những đợt khuyến mãi sắp tới vào dịp Giáng sinh, cuối năm, người dùng cần trang bị công cụ tham khảo giá hữu ích như websosanh.vn hoặc sore.vn để tự thẩm định mặt hàng đang khuyến mãi là giảm giá thật hay chỉ là chiêu trò”.

Còn theo ông Lưu Việt Hùng, quản lý chuỗi bán lẻ Guardian Việt Nam, Black Friday Việt Nam không thú vị và hấp dẫn như ở Mỹ, chẳng hạn như tại nhiều hệ thống bán lẻ ở TP.HCM, các thương hiệu thời trang lớn không hưởng ứng chương trình này. Nhiều người săn hàng Black Friday bằng cách đặt mua tại các hệ thống lớn của nước ngoài như Walmart, Amazon, Target… Những nơi đó luôn tạo cho người dùng cảm giác an tâm khi sở hữu những sản phẩm “vừa tốt vừa rẻ” dịp cuối năm hoặc Giáng sinh.

Tuy nhiên, cách mua hàng này phải thông qua các công ty dịch vụ tại Việt Nam vận chuyển về thì chi phí cũng tăng khoảng 15 – 20% nên cần cân nhắc.

ANH VŨ

Doanh Nhân Sài Gòn Online

VinhKhang


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


Call Now Button